Mai Loan: Khi ông Trump đảo lộn lịch sử

03 Tháng Bảy 20186:40 CH(Xem: 9920)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ TƯ O4 JULY 2018


KHI ÔNG TRUMP ĐẢO LỘN LỊCH SỬ


Cuộc họp tay đôi giữa TT Donald Trump của Hoa Kỳ và lãnh tụ Kim Jong Un vừa kết thúc tại Tân Gia Ba (Singapore) quả tình phải được gọi là lịch sử, cho dù từ ngữ này đã được sử dụng rất nhiều trong các bài tường thuật đến nỗi nhiều người phải nhàm tai.


Nếu là một màn trình diễn trên truyền hình, quả tình nó có sức lôi cuốn mãnh liệt, với hơn 2,000 phóng viên và nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đổ về tham dự để chứng kiến một hình ảnh tưởng chừng như không bao giờ có thể xảy ra: Một ngôi sao truyền hình của chương trình “The Apprentice” giờ đây đã trở thành tổng thống Mỹ bước đi hiên ngang trên thảm đỏ để giơ tay ra phía trước, sẵn sàng thực hiện một giao kèo lịch sử chưa từng có.


Đối tượng đứng chờ để bắt tay ông là Kim Jong Un, lãnh tụ của một nước nghèo đói sống dưới một chế độ độc tài tàn bạo nhất trên thế giới, trong bộ đồng phục hắc ám kiểu Mao (mà ngay cả những lãnh tụ của Trung Cộng giờ đây cũng chê bai và từ bỏ để mặc bộ “complet” như Âu Mỹ), cùng với bộ tóc cắt đứng chẳng giống ai. Nhân vật này, cách nay chỉ mới có 9 tháng, đã đưa ra lời hứa rằng ông ta sẽ “khống chế cái lão già Mỹ ngu ngốc và bệnh hoạn bằng hoả lực” (to tame the mentally deranged US dotard).


Nói nào ngay, đối thủ của họ Kim cũng không vừa vì TT Trump cũng đã nhạo báng anh ta là “một chú lùn hoả tiễn” (a little rocket man) và ông sẵn sàng dùng “hoả lực và cuồng nộ” để trả đũa và lớn tiếng đe doạ ngay tại Đại Hội Đồng Liên Hiện Quốc là ông có thể tiêu diệt bình địa Bắc Hàn. Sau đó, TT Trump cũng còn khoe rằng trên bàn làm việc của ông ở Phòng Bầu Dục cũng có cái nút bấm bom nguyên tử, và cái nút đó còn lớn hơn cái nút bấm của Bắc Hàn!


Thế nhưng cuối cùng, họ đã không cần dùng đến hoả lực và cuồng nộ, Kim Jong Un chỉ cần ngưng việc thử bom và phi đạn và đưa ra lời mời dự hội nghị thượng đỉnh và TT Trump đã quyết định chấp nhận lời mời để dẫn đến cuộc họp tay đôi lần này mà cả hai bên xem chừng như rất sung sướng và hãnh diện.


TT Trump nói rằng đây là một “vinh hạnh” cho ông được gặp mặt lãnh tụ Kim, và ông này cũng hứa hẹn là sẽ “hoàn toàn giải giới hạch tâm” để đánh đổi lại những lời hứa hẹn bảo đảm an ninh từ phía Hoa Kỳ. Trong cuộc họp báo sau đó, TT Trump đã bình phẩm rằng “đây là một thời điểm vĩ đại trong lịch sử thế giới.”


Nếu nói đến lịch sử, tưởng cũng cần nên nhắc lại rằng Bắc Hàn trong suốt 30 năm qua vẫn thường luôn đưa ra nhiều lần những lời hứa hẹn là sẽ giải giới vũ khí, để rồi sau đó không lâu lại nuốt lời sau khi đã nhận được những khoản viện trợ theo thoả thuận trước đó từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh khác như Nhật Bản và Nam Hàn. Vì thế nên cái thoả thuận đơn sơ chỉ có vài giòng ngắn ngủi (và không kèm theo một chi tiết cụ thể và rõ ràng nào) giữa đôi bên nếu trở thành hiện thực khác với những lần trước, theo như TT Trump nhấn mạnh rằng nó sẽ như vậy trước sự e dè và ngờ vực của mọi người, thì chính phủ Mỹ cần phải tỉnh táo, nhọc công và nhẫn nại để kiểm tra chi tiết và đòi hỏi Bắc Hàn phải tuân thủ theo.


Tuy nhiên, TT Trump dường như muốn đạt được một thành quả ngoại giao, cho dù chỉ là biểu kiến và nặng phần trình diễn, để chứng tỏ bản lãnh của mình nhất là sau khi ông đã gần như tung hê tất cả những thành quả mà Hoa Kỳ đã tích tụ được từ nhiều đời tổng thống trước đây xuyên qua những lời nói và hành động xem thường và sỉ vả những lãnh tụ của các quốc gia đồng minh trụ cột trong cuộc họp thượng đỉnh G7 xảy ra tại Canada trước đó vài ngày.


Câu hỏi đặt ra sau đó là ai thắng hay thua, hay đúng hơn là ai được lợi hơn ai trong cuộc họp điều đình tay đôi này, và liệu người ta phải chờ đợi những gì sẽ xảy ra trong những ngày tháng sắp tới. Bởi vì khi vừa trở lại Toà Bạch Ốc, ông Trump đã tự thưởng với lời khoe khoang rằng giờ đây thế giới có thể ngủ yên được vì ông đã cứu được cho hàng chục triệu người tránh phải một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể nổ ra. Nhưng dường như là chẳng mấy ai thực sự tin tưởng về viễn ảnh một thế giới hoà bình và êm ấm lâu dài dưới triều đại của ông.


Ngay cả trong cuộc họp báo tại Tân Gia Ba, ông Trump cũng vô tình để lộ cho mọi người thấy là những điều ông phát biểu thật ra cũng không đúng chắc như những gì ông lớn tiếng đề cao hay khoe khoang. Ông nói với các nhà báo rằng “Có thể là 6 tháng tới đây, tôi sẽ đứng trước mặt quý vị để thú nhận ‘Ừ, thì tôi đã sai lầm rồi’. Nhưng liền sau đó, có lẽ biết mình đã nói hớ, ông liền đổi giọng: “Tôi không biết là có bao giờ tôi sẽ chịu thú nhận như vậy hay không, nhưng tôi sẽ tìm được một cái lý do nào đó”.


Điều này có nghĩa là tuy lớn giọng khoe khoang rằng cuộc họp tay đôi này sẽ đem lại thành quả hoà bình tại Triều Tiên, nhưng trong thâm tâm ông Trump cũng biết rõ rằng điều đó chưa hẳn là sự thật và ông có thể sẽ phải đối diện trước thực tế sau đó không lâu là ông sẽ nhận ra mình đã sai lầm khi lên tiếng nói tín nhiệm lời của Kim Jong Un. Tuy vậy, cái bản tính cao ngạo không bao giờ chịu nhìn nhận lỗi lầm, cùng với thói quen nói dối không ngượng miệng khiến ông Trump trở về cái bản tính cố hữu là ông sẽ không bao giờ nhìn nhận là mình đã sai lầm và sẽ tìm cách đưa ra những lý do nào đó để biện minh (trong trường hợp Bắc Hàn có nuốt lời sau này). 


Trước cái gọi là nỗ lực phi thường để tạo được cuộc họp lịch sử, ông Trump chỉ nhận được những lời ủng hộ có phần gượng gạo từ phía các nhà dân cử phe Cộng Hoà. Nhưng các vị dân cử phe Dân Chủ thì chê bai và chống đối, và hầu hết các chuyên gia cũng như giới truyền thông cùng với các đồng minh khác đều tỏ ra bi quan và đặt những dấu hỏi to tướng về cái gọi là thành quả này. Vì thế nên ông mới bực tức bắn ra một loạt những mẩu tin nhắn trên mạng Twitter, cùng lúc với việc trả lời những câu hỏi của báo giới trong một cuộc họp báo bỏ túi bất ngờ nhưng kéo dài cả tiếng đồng hồ để nói lan man trên nhiều đề tài và tấn công nhiều đối thủ khác, trong đó có cái mà ông gọi là “fake media” vì ông cho rằng giới truyền thông dòng chính là kẻ thù đáng ngại nhất của Hoa Kỳ (để rồi trớ trêu thay các nhà báo lại có dịp kiểm chứng phần lớn những lời phát biểu của ông cũng không hề đúng với sự thật).


Phải chăng cả hai lãnh tụ đều giành được chiến thắng?


Đứng về mặt tuyên truyền, có thể nói là cả hai lãnh tụ này đều đạt được những thắng lợi to lớn xuyên qua những tấm hình rất nổi để củng cố thêm uy tín của mình trong lòng khối dân tại mỗi nước với những hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau.


image006

Hai cáo già chính trị tươi cười bên nhau. AP


Ông Trump có thể tự khoe rằng chỉ có mình ông mới đạt được thành quả này mà chưa có vị tổng thống Mỹ nào trước đó đạt được. Ông nhắc lại lời của lãnh tụ họ Kim khen ngợi về nỗ lực của ông khi nói rằng “Chúng ta chưa bao giờ đạt được đến mức này”, và ông tự thưởng mình khi cho rằng “phía Bắc Hàn từ trước tới nay chưa bao giờ có thể tin tưởng vào một vị tổng thống như ông hiện nay để có thể giải quyết mọi việc và là người có khả năng để làm được điều đó.”


Lối tự khen có phần hơi cao ngạo này thật ra cũng chẳng có gì lạ khi người ta thấy ông Trump thường xuyên tỏ ra rất hãnh diện về thành tích là người đã đốn ngã hết tất cả những đối thủ gạo cội nhất của cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ, và chỉ có ông là vị tổng thống duy nhất có thể giải quyết được những khó khăn to lớn, khác biệt hơn hẳn tất cả những vị tổng thống khác. Lối nói phóng đại không ngượng miệng kiểu này được lập đi lập lại nhiều lần cũng khiến những người ủng hộ ông cuồng nhiệt dần dần cũng tin theo, để từ đó thường xuyên ca ngợi và bốc thơm ông đến tận mây xanh như là vị tổng thống vĩ đại nhất từ trước tới nay!


Tuy nhiên lãnh tụ họ Kim cũng có thể tự khoe là người đạt được chiến thắng, và chiến thắng rất to lớn. Đầu tiên là ông mang về được hình ảnh những lá cờ của Bắc Hàn bay phất phới bên cạnh là cờ của đại siêu cường Mỹ quốc. Từ hình ảnh một lãnh tụ của một nước nghèo nàn dưới một chế độ độc tài tàn bạo bị cả thế giới sợ hãi nhưng khinh rẻ, giờ đây Kim Jong Un được ngồi, đứng, ngang hàng với một tổng thống Mỹ.


Đó là điều mà hai đời lãnh tụ trước đây là ông nội Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và ông bố Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) của ông ta có ước mơ thèm thuồng cũng không thể nào tưởng tượng có ngày đạt được. Triều đại họ Kim đã càng vững chắc và giờ đây lại còn được đánh bóng tô son huy hoàng hơn thế nữa, nhất là với lời khen ngợi từ chính cửa miệng của lãnh tụ đế quốc Mỹ rằng họ Kim là “một người rất tài ba” (a very talented man), “một người rất yêu con dân trong nước” (He loves his people), một nhận định có phần quái gỡ và kỳ dị khi mọi người đều biết rằng cả giòng họ nhà Kim này chỉ yêu nhất việc làm sao phải nắm giữ uy quyền theo kiểu “cha truyền con nối” từ mấy chục năm qua, cho dù có phải bỏ tù hoặc giết chết bao nhiêu người chống đối cũng mặc.


Trong hai ngày tham dự cuộc họp này, mà chi phí ăn ở tại khách sạn sang trọng St. Regis dường như là do phía Hoa Kỳ kín đáo đài thọ dưới hình thức là do chính phủ Tân Gia Ba chi trả, lãnh tụ họ Kim được đưa đi đây đó với những hình ảnh vẫy tay tươi cười chào mọi người chứng tỏ bản lãnh của một vị nguyên thủ trẻ tuổi nhưng rất mưu mô và đảm lược chứ không phải là một kẻ điên khùng háo thắng như báo giới trước đây thường mô tả.


Từ đó, bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền ở Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ dùng những thước phim này để xào nấu thành những bộ phim quảng cáo cho hình ảnh lãnh tụ sáng chói của họ, trong một nước mà sự tôn sùng tuyệt đối lãnh tụ gần như đã trở thành một thứ tôn giáo mà mọi người phải tuân theo. Sự kiện TT Trump còn thân mật khoe khoang về chiếc xe limousine bọc thép của TT Mỹ với lãnh tụ họ Kim càng đánh bóng thêm hình ảnh anh ta rất được trọng vọng bởi ngay cả vị nguyên thủ quốc gia của kẻ thù số một của khối cộng sản! 


TT Trump đạt được điều gì cụ thể, và đã phải nhượng bộ điều gì?


TT Trump thường tự khoe ông là một “deal-maker”, một người rất giỏi trong việc điều đình trước khi ký kết một giao kèo làm ăn nào đó có lợi cho mình. Nhưng khi nói đến điều đình, người ta phải đặt ra câu hỏi là ông đã nhượng bộ điều gì, và đổi lại đã giành được thành quả nào to lớn đáng kể hơn hay không?


Lần này, TT Trump nói rằng ông đã tạo được tức thời một tình đồng chí (instant brotherhood) rất tốt đẹp với họ Kim để giúp ông ta có thể điều khiển chương trình giải giới hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên. Trả lời với phóng viên của đài truyền hình ABC News sau đó, TT Trump đã phát biểu: “Anh ta tín nhiệm tôi, tôi tin như vậy, tôi thực sự tin điều này. Tôi nghĩ là anh ta tín nhiệm tôi, và tôi cũng tín nhiệm anh ta.”


Lời nói này khiến nhiều người nhớ lại lời phát biểu của một vị tổng thống khác là ông Bush Con, trước đây trong thời xảy ra cuộc chiến tranh Iraq lần thứ nhì, cũng có những lời lẽ và thái độ cứng rắn và thiếu nhã nhặn với lãnh tụ các đồng minh kỳ cựu như Pháp và Đức, nhưng lại dường như có phần dễ dãi hơn với lãnh tụ độc tài của Nga là ông Putin khi nói rằng “Tôi có thể nhìn thấy tận trong đáy mắt của ông ta” (để đo lường mức độ thành thật của họ). Dường như các vị tổng thống phe bảo thủ lại dễ dàng tin tưởng vào những lãnh tụ của các nước đối nghịch hơn là những quốc gia đồng minh với mình.


Nếu như sự tín nhiệm hỗ tương này có thể dẫn đến những kết quả tốt đẹp trong tương lai (ít nhất cũng phải mất cả chục năm nữa mới có kết quả cụ thể và kiểm chứng được) có lẽ nhân loại sẽ phải ghi ơn TT Trump và ca ngợi ông không khác gì những vị tổng thống Mỹ khác nổi tiếng với những cuộc họp thượng đỉnh như các ông Nixon và Reagan.


Tuy nhiên, những thành quả hay chiến thắng đó dường như rất xa vời sau cuộc họp tay đôi này. Một bình luận gia bảo thủ nổi tiếng về hồ sơ quốc phòng là ông Max Boot nhận định rằng “Theo tôi thì ông Trump đã nhượng bộ quá nhiều và chẳng giành được điều gì cả.


Đó cũng là nhận định tương tự của một bình luận gia bảo thủ khác là ông Gerald Seib, bỉnh bút của tờ Wall Street Journal, nhật báo uy tín hàng đầu của phe bảo thủ và đảng Cộng Hoà. Trong cột mục của ông trên tờ báo này, ông Seib viết như sau: “Ông Trump tuyên bố trước khi về nước: Chúng ta không nhượng bộ điều nào cả. Nhưng nói vậy dĩ nhiên là không đúng sự thật.” (That isn’t quite true, of course).


Sau đó, nhà báo Seib liệt kê ra những điều được xem là nhượng bộ từ phía ông Trump: Ngay từ đầu, ông đã vứt bỏ lá bài mạnh nhất của mình khi cho ông Kim một địa vị chính thống và được quốc tế công nhận (giving Mr. Kim legitimacy and international recognition up front). Sau đó, TT Trump còn tặng không cho lãnh tụ Kim một món quà vô giá khi hứa sẽ tôn trọng an ninh của Bắc Hàn qua hành động cụ thể là sẽ cho Hoa Kỳ ngưng các cuộc tập trận chung với quân đội Nam Hàn. Như vậy, đó là một điều hiểu ngầm rằng Hoa Kỳ sẽ không tính đến chuyện tấn công Bắc Hàn nữa. (Mọi người còn nhớ chuyện hồi tháng Tám năm ngoái, ông Trump đã doạ Kim Jong Un với những từ ngữ mạnh bạo như “lửa và cuồng nộ mà thế giới chưa bao giờ thấy”. Giờ đây thì mọi chuyện lại bất ngờ diễn ra xuông xẻ và tốt đẹp như vậy cho Bắc Hàn.)


Nhưng điều đáng buồn và đáng trách hơn nữa, nhất là đối với các đồng minh như Nam Hàn và Nhật Bản là những lời nhận định bộc trực của ông Trump để biện minh khi nói rằng những cuộc tập trận giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn quả đúng là “gây hấn” (provocative) theo đúng với luận điệu của Bắc Hàn và quan thầy Trung Cộng. Bởi lẽ mọi người đều hiểu rõ là chính những cuộc tập trận hàng năm này, ngoài việc giúp cho quân đội của hai đồng minh Mỹ và Nam Hàn lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng để ứng chiến, còn là một hình thức gián tiếp cảnh cáo quân đội của Bắc Hàn chớ có vọng động tính toán chuyện xâm lăng hay phá rối Nam Hàn. Giờ đây, không ngờ chính ông tổng thống Mỹ lại có những lời lẽ “đâm sau lưng chiến sĩ” rất phũ phàng và tàn nhẫn như vậy với đồng minh Nam Hàn chỉ vì muốn lấy lòng kẻ thù phương Bắc ở Bình Nhưỡng.  


Cách định nghĩa về từ ngữ “giải giới hạch tâm” (denuclearization)


Thông cáo chung của đôi bên ký kết không hề cho thấy có bước cụ thể nào chứng tỏ là Bắc Hàn sẽ thực thi cuộc giải giới toàn bộ, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng được (complete, irreversible & verifiable) mà từ trước tới nay các chính quyền Mỹ đều đòi hỏi Bắc Hàn phải cam kết. Thông cáo chỉ nói chung chung là Bắc Hàn sẽ làm việc đi đến mục tiêu giải giới hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên và sẽ có những cuộc họp kế tiếp mà phía Hoa Kỳ sẽ do Ngoại trưởng Mike Pompeo cầm đầu.


Đó là chưa kể cách thức định nghĩa về từ ngữ đặc biệt này được hiểu theo hai nghĩa khác nhau. Phía chính quyền Trump thì cho rằng từ ngữ này tự nó đã rõ rệt, tức là Bắc Hàn phải hoàn toàn từ bỏ các vũ khí hạch tâm. Nhưng phía Bắc Hàn thì cho rằng điều này có nghĩa là Hoa Kỳ cần phải chấm dứt cái dù nguyên tử để bảo vệ cho Nam Hàn đang hiện diện ở bán đảo này.


Thật ra, hai chính quyền tiền nhiệm ở Bắc Hàn của ông nội và bố của Kim Jong Un cũng đã từng ký kết những văn bản rõ ràng hơn về những cam kết giải giới này. Để rồi sau đó không lâu, Bắc Hàn lại vi phạm nó bằng cách tiếp tục theo đuổi chương trình hạch tâm và thử nghiệm vũ khí, dẫn đến việc Hoa Kỳ và các đồng minh phải áp dụng trở lại các biện pháp cấm vận, nhưng đồng thời cũng chưa tìm ra những biện pháp nào ổn thoả hơn.


Giờ đây, Bắc Hàn có thể đã sở hữu được khoảng từ 20 đến 60 vũ khí hạch tâm và có thể cũng đã có phi đạn đạn đạo bay khá xa đến tận thềm lục địa Hoa Kỳ, người ta càng khó tin rằng lãnh tụ họ Kim lại chịu dễ dàng từ bỏ kho vũ khí này trước những lời hứa hẹn của TT Trump, một tổng thống Mỹ đã từng không ngần ngại xem thường tất cả những thoả ước mà Hoa Kỳ đã ký kết trước đây như NAFTA, TPP hoặc hiệp ước hạch tâm với Ba Tư hay hiệp ước Parisvề khí hậu toàn cầu v.v.


Hồ sơ nhân quyền và việc kết thân với các lãnh tụ độc tài


Sự kiện TT Trump là nguyên thủ quốc gia của đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ đại diện cho khối Tự Do đi bắt tay vồn vã kèm theo những lời lẽ ca ngợi có phần hơi quá lố với lãnh tụ họ Kim với các lá cờ của Hoa Kỳ và Bắc Hàn làm hậu cảnh quả tình có điều gì đó lấn cấn khiến nhiều người phải cảm thấy khó chịu hoặc không ổn chút nào, cho dù là nhiều người ủng hộ TT Trump một cách cuồng nhiệt vẫn tìm đủ cách để biện hộ hoặc ca ngợi việc làm lần này của ông tại Singapore.


Bởi vì mọi người không thể quên nổi hình ảnh Kim Jong Un là một lãnh tụ trẻ tuổi nhưng rất tàn độc, tuy chỉ mới lên cầm quyền có vài năm từ một vị thế trước đó ít ai biết đến. Ông ta đã từng ra lệnh giết chết người chồng của bà dì hay cô ruột của mình dù rằng đó là người đã yểm trợ và bảo vệ chức vụ cho ông trong những ngày đầu tiên. Kim Jong Un cũng là người đã ra lệnh cho giới tình báo giết chết anh ruột của mình ở hải ngoại. Trong nước, tất cả những tướng tá cao cấp đều rất sợ ông ta như sợ cọp vì có thể bị ra lệnh xử tử bằng những hình thức tàn bạo như để cho chó giữ cắn đến chết nếu như bị tình nghi là không tuân lệnh hoặc có ý đồ làm phản.


Riêng với Hoa Kỳ, người ta không thể nào quên chuyện nhà cầm quyền ở Bình Nhưỡng cũng là thủ phạm gây ra cái chết cho anh sinh viên người Mỹ là Otto Warmbier vào năm ngoái. Còn ở trong nước, cả triệu người dân Bắc Hàn phải sống lầm than từ mấy chục năm nay, với nhiều nạn đói khiến cho cả triệu người bị thiệt mạng trong khi nhà nước dồn hết tài nguyên vào việc thiết lập một quân đội hùng mạnh với tham vọng muốn tấn công Nam Hàn, bất chấp hậu quả thê thảm cho người dân của hai miền Nam Bắc.


image007

Hình hí hoạ của Rob Rogers, vừa mới bị tờ Pittsburg-Post Gazette sa thải vì có nội dung chỉ trích TT Trump (Trump nói với Kim: Anh thật là tài giỏi và mọi người dân trong nước đều yêu thương anh . . . Anh thấy đó họ đang nhe răng ra cười kìa!)


Cuộc họp tay đôi tại Tân Gia Ba lần này quả tình là một bước trở ngoặt kỳ lạ trong lịch sử ngoại giao của Hoa Kỳ, bởi vì nó diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump và các phụ tá của ông đã dùng những lời lẽ mạnh bạo để xỉ vả những lãnh tụ của các nước đồng mình kỳ cựu như Thủ tướng Justin Trudeau của Gia Nã Đại trong cuộc họp thượng đỉnh của Khối G7, và còn đòi phải cho Nga tham dự vào khiến cho tất cả các thành viên khác đều chưng hửng và bực mình không ít.


Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới.


Đây có lẽ là câu hỏi lớn nhất để có thể phán xét đúng nghĩa về kết quả của kỳ họp tay đôi này. Giờ đây, trọng trách lớn sẽ dồn lên đầu của Ngoại trưởng Mike Pompeo để lèo lái những cuộc thương thảo kế tiếp kéo dài khá lâu để đi vào chi tiết của cái gọi là tiến trình giải giới hạch tâm từ phía Bắc Hàn, một điều mà trớ trêu thay những người tiền nhiệm như Ngoại trưởng John Kerry đã phải vất vả trong nhiều năm dài để đạt được một thoả thuận giới hạn về hạch tâm với Ba Tư (với sự trợ lực mạnh mẽ từ phía các đồng minh của Mỹ) nhưng rồi cuối cùng lại bị TT Trump xổ toẹt mới đây.


TT Trump nhấn mạnh rằng lần này Bắc Hàn thật sự nghiêm chỉnh trong quyết định từ bỏ vũ khí nguyên tử. Dĩ nhiên mọi sự sẽ tuỳ thuộc vào việc Kim Jong Un có thật sự lấy quyết định chiến lược này để mong cải thiện tình hình của Bắc Hàn hay không. Tuy nhiên, cho đến nay không ai thấy có những dấu hiệu hay bằng chứng cụ thể nào để người ta có thể lạc quan tin tưởng như vậy, ngoại trừ có một người duy nhất, đó là TT Trump.


Như vậy, phải chăng mọi sự phải lệ thuộc vào lời tiên đoán của TT Trump có thành hiện thực hay không?


Tuy nhiên để kết luận, tuần báo The Economist, một tạp chí uy tín hàng đầu tại Anh và Hoa Kỳ, đã có bài xã luận chê bai thẳng thừng việc làm này của TT Trump. Các chủ biên của tờ báo nói rằng các đồng minh Á Châu của Hoa Kỳ (Nhật, Nam Hàn) chắc chắn phải lo ngại trước việc ông Trump sẵn sàng hy sinh sự an nguy của họ chỉ vì muốn đạt được một giao kèo chẳng đi đến đâu. Ông Trump đã không hề báo động trước với họ về chuyện ông sẽ dẹp bỏ những cuộc tập trận chung và còn lập lại luận điệu của Bắc Hàn khi cho rằng nó mang tính “gây hấn”. Ông Trump còn than phiền rằng việc Hoa Kỳ giữ cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh như là một gánh nặng khiến cho ông muốn rút quân Mỹ rời khỏi nơi đây. Ông muốn điều đình với Bắc Hàn như là cơ hội để giải quyết nguy cơ chiến tranh hạch tâm nhưng nhiều phần là ông sẽ khiến cho tình hình dễ trở nên căng thẳng hơn với những cuộc chạy đua trang bị vũ khí trong vùng.


Và chỉ trong vòng có 6 tháng, Kim Jong Un từ một kẻ được xem như là lãnh tụ hắc ám bị thế giới nguyền rủa và tẩy chay bỗng nhiên được nâng lên ngang hàng thế giới có tầm cỡ, tất cả là nhờ công lao của Donald Trump. Thành tích của nhà cầm quyền ở Bình Nhưỡng đàn áp và bỏ đói người dân trong nước bỗng nhiên bị bỏ quên, không thèm nhắc tới. Việc Bắc Hàn liên tục vi phạm các thoả ước cũng như các quyết nghị của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng bỗng nhiên bị làm ngơ. Vì thế nên việc điều đình để thoả thuận với một nhân vật như vậy quả tình là điều không vui chút nào. Nhưng điều đình kiểu tệ hại và cẩu thả như vậy thì quả đúng là một tai hoạ về ngoại giao và đạo đức.


Sự kiện TT Trump gần như tìm cách thuyết phục và trấn an với mọi người rằng hãy tin tưởng lời hứa của Kim Jong Un (trong quyết định sẽ thực sử giải giới vũ khí hạch tâm trong nước) là một điều khá lạ khiến mọi người phải chú ý. Nhiều người cho rằng đó có thể là do ông Trump muốn thuyết phục và tự trấn an mình, bởi vì một người deal-maker nổi tiếng như ông tự khoe, chuyên điều đình và thương thảo, đều học thuộc lòng bài học cẩn thận, hoặc sẵn có cái máu đa nghi ở trong người, không bao giờ nhẹ dạ để sẵn sàng tin tưởng những lời nói của phía đối tác ngay lúc ban đầu.


Phải chăng vì ông đã tung hê tất cả những công trình đóng góp của bao đời tổng thống trước mặt trận ngoại giao với các đồng minh trụ cột trong cách hành xử quấy phá như trẻ nít trong cuộc họp thượng đỉnh Khối G7 trước đó tại Canada, để rồi giờ đây ông phải đi tìm một cái gì mới để tự biện hộ đó là thành quả mới, cho dù chỉ là biểu kiến và tạm bợ? Và rồi sau đó, ông sẽ đi tìm một thành quả biểu kiến khác là cuộc gặp gỡ tay đôi với lãnh tụ Putin của Nga để gọi là giải quyết những vấn nạn lớn trên bàn cờ thế giới?


Nhưng kinh nghiệm xương máu của nhiều người đều cho thấy là việc tin tưởng vào những lời hứa hẹn của những lãnh tụ độc tài các nước cộng sản này chẳng khác gì việc “đem trứng cho ác”. Nói theo lời của ông cựu TT Thiệu trước đây, cũng là nhại lại theo một câu nói đã có trước đó trong lịch sử: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm.


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 23 tháng 6/2018


anhtuantaberd74@gmail.com