Mai Loan: Nguồn gốc của cái gọi là "Di dân lậu"

17 Tháng Bảy 20186:25 CH(Xem: 10377)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ BA 18 JULY 2018


image008

Bức tường ranh giới Hoa Kỳ - Mễ Tây Cơ phía Tây-Nam.


Nguồn gốc của cái gọi là "Di dân lậu"


Với những đề tài thời sự sôi nổi gần đây liên quan đến vấn đề di dân, từ chuyện những thành phần được gọi là Dreamers trong hồ sơ DACA đến chuyện chia cách các trẻ em khỏi vòng tay của bố mẹ vừa mới bị bắt giữ khi nhập cảnh vào Hoa Kỳ, thật ra đó cũng chẳng phải là một chuyện gì mới mẻ gì cho cam.


Bởi vì lịch sử của Hoa Kỳ kể từ thời lập quốc đến nay thật ra là một chuỗi dài của những đợt di dân từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp, từ nhiều vùng đất xa lạ khắp nơi trên thế giới bỗng vì những nguyên cớ đa dạng nên vô tình hoặc cố ý, đã lựa chọn vùng đất mới này để làm nơi chốn dung thân cho mình và con em thay vì quê hương cũ của họ.


Vấn đề chỉ nổ bùng lên do bởi những chính trị gia cố tình khai thác nhằm trục lợi khi họ biết kích động một số thành phần cử tri có kiến thức nông cạn và sẵn mang tính kỳ thị sắc tộc tiềm ẩn trong người nên họ dễ dàng bộc lộ sự bực tức của mình lên một thành phần thấp cổ bé miệng không có tiếng nói giữa lúc khó khăn nhất trong cuộc sống của họ.


Vì thế cho nên những khó khăn của cuộc sống, từ tình hình kinh tế không mấy khả quan như lúc trước khiến cho nhiều người bị mất công ăn việc làm cho đến những tệ trạng xã hội có phần gia tăng, đều được nhiều người nhanh chóng đổ tội lên đầu khối di dân này. Trong đó có một chi tiết đáng trách nhất là nhiều người cố tình dùng một vài thống kê đơn lẻ về một vài trường hợp di dân lậu phạm tội để đồng hoá cả một tập thể đông đảo người di dân. Điển hình là trường hợp người ta cố tình lôi cái chuyện vài ngàn tên băng đảng MS-13 gốc Mễ rất nguy hiểm đang hoành hành tại nhiều thành phố lớn để chụp mũ cho cả một tập thể di dân gốc Mễ lên đến hàng chục triệu người làm ăn rất đàng hoàng và lương thiện tại Hoa Kỳ từ bấy lâu nay.


Mà thật ra khi bình tâm phán xét mọi vấn đề, người ta sẽ thấy rằng những khó khăn trong đời sống không đơn thuần là do bởi khối người di dân đã chiếm hết tất cả những công việc mà chính là vì nhiều nguyên nhân đa dạng, trong đó có cả việc xã hội và nền kỹ thuật tự biến hoá không ngừng để dẫn đến việc tự-động-hoá (automation) khiến cho số nhân công bị bớt đi mà năng suất của hãng vẫn không bị tụt giảm.


Tương tự như vậy, nếu bình tâm nhìn nhận vấn đề, người ta sẽ thấy rằng mức tội phạm của cả cộng đồng di dân (tức là những người không sinh ra tại nước Mỹ) còn thấp hơn cả tỉ lệ phạm tội của nhiều khối dân khác cho dù là thuộc thành phần được sinh trưởng tại Hoa Kỳ, nếu như đó là những thành phần kém may mắn sinh sống tại những vùng đất nghèo khổ nên dễ dẫn đến những trường hợp phạm tội.


Tuy vậy, người ta cũng dễ dàng đổ tội lên đầu cái khối di dân này vì biết rằng trong một chừng mực nào đó, những người này vẫn thuộc loại “thấp cổ bé miệng” nên khó lòng biện hộ được cho mình một cách hữu hiệu. Nhiều người còn quên rằng chính mình cũng là thành phần gốc di dân do bởi cha ông của họ trước đây cũng từ những nơi khác đổ sang Hoa Kỳ để lập nghiệp, và rồi những thế hệ con cháu sau đó lớn lên tại Hoa Kỳ cứ lầm tưởng như mình là dân Mỹ chính gốc nên thường xuyên lên tiếng chụp mũ hay chê trách những người di dân mới, nhất là thành phần kém may mắn không được nhập cảnh hợp lệ nên phải gánh lấy cái tội bị xem là thành phần “di dân lậu”.


Nếu chịu khó đào sâu vấn đề và thảo luận một cách nghiêm chỉnh, người ta sẽ không khó khăn nhìn ra tình trạng đạo đức giả đáng chê trách này từ phía những người thường hay lên tiếng tỏ ra cứng rắn đối với khối di dân lậu, từ những bình luận gia bảo thủ cực hữu như cô Tomi Lahren của đài Fox News đến cựu Đại tướng John Kelly là bộ trưởng phủ tổng thống hiện nay, vốn thật ra cũng chính là con em của những thành phần ‘di dân lậu” là ông bà của họ đã trốn sang Mỹ từ nhiều thập niên trước đây.


Nói chi đâu xa, ngay cả đương kim tổng thống Donald Trump cũng có ông bà là những người từ các nước khác ở Âu Châu đã quyết định dọn sang Hoa Kỳ từ mấy đời trước, và riêng trường hợp của bà đệ nhất phụ nhân Melania Trump cũng là một thí dụ điển hình của một người di dân vì nhiều hoàn cảnh may mắn nên đã có được số phận tươi sáng chỉ sau một thời gian ngắn có cơ hội làm lại cuộc đời ở lục địa này.


Nếu muốn thảo luận một cách nghiêm chỉnh về đề tài này cũng như để hiểu rõ vấn đề trước khi đưa ra những lời lẽ chê trách hay ủng hộ, có lẽ chúng ta nên giành chút ít thì giờ để tìm hiểu rõ hơn về lịch sử và nguồn gốc của nó. Đó là lý do vì sao mà chúng ta phải cần nhờ đến những bài học của lịch sử vì nó là tấm gương rõ nhất để mọi người có thể chiêm nghiệm.


Một bài viết của nhà báo Becky Little trên diễn đàn History.com chuyên nghiên cứu về lịch sử được đăng hồi tháng 9 năm ngoái có lẽ cũng giúp chúng ta biết được nhiều chi tiết khá lý thú.


Bởi vì khi tìm hiểu kỹ lưỡng, người ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng cho đến cuối thế kỷ thứ 19, không hề có khái niệm hay từ ngữ nào nói rằng có chuyện di dân “bất hợp lệ” (illegal) hay “hợp lệ (legal) vào Hoa Kỳ. Lý do đơn giản là vì một khi bạn bị cáo buộc là nhập cảnh lậu (bất hợp lệ) vào một nơi nào đó, thì tại nơi đó phải có sẵn một quy luật rõ ràng để chứng minh là người di dân đó đã xé luật này khi nhập cảnh vào.


Vấn đề nhập cảnh vào nước Mỹ chỉ mới thực sự bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ thứ 18, khi Hoa Kỳ trở thành một quốc gia độc lập. Trước đó có hai thành phần dân chúng được coi là có số đông quyết định đổ xô đến vùng đất mới này. Thứ nhất là những người gốc Phi Châu bị miễn cưỡng đưa sang lục địa này vì là nô lệ cho một thiểu số chủ nhân ông người da trắng. Kế đến là những người gốc Âu Châu quyết định đến vùng đất mới này như là những người đi khẩn hoang (settlers).


Theo sự phân tích của hai học giả Eve Tuck và K. Wayne Yang, tuy cùng đến sinh sống tại một vùng đất mới không phải là nơi quê cũ, nhưng họ lại được gọi với hai cái tên khác nhau tuỳ theo số phận may mắn của mỗi người. Những người di dân coi như phải tuân thủ theo những luật lệ của vùng đất mới mà mình vừa đặt chân lên, nhưng những người đi khẩn hoang thì coi như đã làm xáo trộn cái trật tự đã có sẵn và tự cho mình là có quyền thiết lập những luật lệ mới thích hợp với cái văn hoá và tập tục của mình.


Những người gốc Phi-châu đầu tiên đến Mỹ vào thời ấy đều phải chịu số phận nghiệt ngã cho đến cả mấy trăm năm sau mới ngóc đầu lên được. Những người gốc từ Âu Châu sang để đi tìm một vùng đất mới khẩn hoang thì tự cho mình có quyền thiết lập một thể chế và những quy luật mới khác với quê cũ, và có lúc còn đày đoạ hay xử ép những người dân bản xứ lâu đời là dân da đỏ lúc bấy giờ (American Indians).


Nhưng một khi Hoa Kỳ thiết lập bản Hiến Pháp để làm nền tảng pháp lý cho quốc gia tân lập này, những người di dân đổ đến đây cũng không gặp nhiều những khó khăn hay giới hạn. Điều đó không có nghĩa là bất cứ thành phần nhập cư nào cũng đều được hoan nghênh tại vùng đất mới này. Thoạt đầu, phần lớn những người di dân đến từ các nước ở phía bắc và phía tây của lục địa Âu Châu, vốn là những nơi mà tinh thần chống đối dân gốc Ái Nhĩ Lan (Irish) và chống lại đạo Thiên Chúa Giáo La Mã (Catholic) dâng cao trong nước. Điều này giải thích vì sao đa số người Mỹ trắng ngày nay có nguồn gốc đến từ Ái-Nhĩ-Lan cũng như là người theo đạo Tin-lành chống lại đạo Thiên Chúa Giáo La Mã.


Rồi đến giữa thế kỷ thứ 19 và kéo dài đến đầu thế kỷ 20, đến phiên những người từ các nước ở phía nam cũng như phía đông Âu châu cũng đổ sang nước Mỹ, cùng lúc với một khối đông những người Trung Hoa cũng bỗng nhiên lựa chọn việc dọn sang lục địa mới này. Từ đó trở đi, những người Mỹ bản xứ, tuy chỉ mới lập nghiệp vài thế hệ trước đó, bắt đầu có ác cảm trước sự hiện diện của những người gốc Tầu, gốc Ý và những người Catholics.


Tại một trung tâm thanh lọc di dân tại đảo Angel Island ở San Francisco tại tiểu bang California, người ta còn thấy trên tường có khắc ghi những hàng chữ tiếng Hoa của những người di dân thuộc các thế hệ trước đã ghi lại trong thời gian bị tạm giữ tại đây. Vào thời ấy cũng đã xảy ra tình trạng thiên vị và kỳ thị khi nhiều di dân gốc Hoa đã bị tạm giữ rất lâu kéo dài trong nhiều tháng trời và có khi đến vài năm trong một tiến trình thanh lọc đầy bất công.


image009

Những bức tường trong một trại tạm giam ở Angel Island Immigration Station (hình Brant Ward, Corbis)


Vào thời điểm đó, để đáp ứng nhu cầu làm ăn và sinh hoạt của nhiều ngành nghề trong xã hội, một số các tiểu bang đã thông qua những đạo luật về di dân tại địa phương. Tuy vậy, những đạo luật này không phải lúc nào cũng được thi hành, hoặc có khi còn bị phản đối bởi một số các phán quyết của các quan toà ở từng địa phương thời đó vốn không mấy nặng tình với những di dân có gốc gác và văn hoá khác biệt, theo như lời nhận định của bà Madeline Y. Hsu, giáo sư về sử học hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Texas ở Austin.


Vào thời ấy, không hề có một đạo luật nào của chính phủ liên bang quy định rõ ràng những ai được quyền hay không được quyền nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Mãi cho đến năm 1882 thì một đạo luật liên bang có tên là Chinese Exclusion Act được ban hành bởi Tổng thống Chester Arthur, quy định rõ ràng việc cấm đưa những người lao động từ Trung Hoa sang Hoa Kỳ. Đạo luật này có hiệu lực ban đầu là 10 năm, rồi sau đó được gia hạn thêm 10 năm trước khi trở thành vĩnh viễn vào năm 1902. Mãi đến năm 1943 thì nó mới bị đẩy lui bởi một đạo luật liên bang khác là Magnuson Act, dưới sự bảo trợ của ông Warren Magnuson là dân biểu và sau trở thành nghị sĩ liên bang của tiểu bang Washington, và được ký ban hành bởi Tổng thống Franklin D. Roosevelt.


Thời điểm một số người Hoa đổ xô đến Hoa Kỳ cũng là thời điểm mà nhiều người dân ồ ạt đổ sang miền Tây nước Mỹ trong một chiến dịch gọi là đi tìm vàng ở miền đất hứa này. Rất nhiều người Hoa đã không ngần ngại lao đầu vào nhiều ngành nghề khác nhau chứ không phải chỉ làm ở những mỏ đào vàng. Một số làm việc tại những hãng xưởng, những công trường xây dựng đường rầy xe lửa hoặc trong ngành canh nông, phần lớn ở phía bờ biển miền Tây.


Tuy khối di dân gốc Hoa này chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ là 0.002% của dân số nước Mỹ vào lúc đó (chỉ có 2 người trên tổng số 100,000 dân trên toàn quốc), nhưng những người Mỹ trắng vào lúc đó vẫn thích đổ tội cho họ là nguyên nhân dẫn đến những tình trạng khó khăn về kinh tế và đồng lương thấp kém. (Có lẽ họ cũng gần giống như những người gốc Mễ sau này, sẵn sàng làm những công việc khó khăn, dơ bẩn và nhọc mệt nhất với đồng lương rẻ mạt nên khiến nhiều người Mỹ trắng bị mất công việc nên đâm ra đổ quạu.)


Chính vì thế mà một đạo luật kỳ thị rõ rệt khi ngăn cấm một thành phần dân chúng không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ đã được ban hành vào lúc đó nhằm xoa dịu sự bực tức về mầu da cũng như khó khăn lo ngại về kinh tế của khối đông dân Mỹ trắng lúc bấy giờ. Đạo luật này chỉ giành ra ngoại lệ cho một thiểu số gồm các sinh viên hay những nhà ngoại giao của Trung Hoa được nhập cảnh vào nước Mỹ. (Trong một chừng mực nào đó, nó cũng mang tính kỳ thị sắc tộc như những chính sách mới đây đối với khối dân gốc Hôi-giáo).


Cũng cùng năm 1882, một đạo luật khác có tên là Immigration Act cũng được thông qua để ngăn cấm những thành phần dân chúng nghèo khó, bị bệnh tâm thần, hoặc đã có những tiền án cũng không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ. (Điều trớ trêu của chuyện này là tổ tiên của những người biểu quyết và thông qua đạo luật này thật ra từ vài trăm năm trước cũng là những người đã từng có tiền án hình sự tại mẫu quốc bên Anh và muốn tránh cảnh tù tội tại đây nên quyết định làm một cuộc phiêu lưu sang vùng đất mới.)


Theo giáo sư Hsu nhận định, vào lúc ấy vì chỉ có một thiểu số rất nhỏ nhoi những người gốc Hoa là được nhập cảnh hợp pháp vào Hoa Kỳ, nên đa số dân Mỹ lúc bấy giờ dễ có một quan niệm rất phổ thông là nếu như gặp một người nào đó ngoài đường phố là người Tầu thì ắt hẳn đó là một người “di dân lậu”. Tình cảnh này cũng gần tương tự như ngày nay khi đi vào những khu phố có đông di dân gốc Mễ, nhiều người thường dễ buột miệng đây là khu di dân lậu.


Những di dân gốc Hoa vào lúc ấy là thành phần duy nhất trong nước Mỹ bị buộc phải mang theo thẻ cư trú để chứng minh rằng họ là thành phần di dân hợp pháp. Đến năm 1917, một đạo luật khác có tên là Asiatic Barred Zone Act được ban hành nhằm áp đặt những biện pháp kiểm tra mức độ hiểu biết và kiến thức của khối di dân, giới hạn nhiều thành phần khác không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ như gái điếm, những kẻ đa thê hoặc mang những chứng bệnh truyền nhiễm. Nó cũng ngăn cấm việc nhập cảnh từ những người dân thuộc các nước Á Châu và Thái Bình Dương.


Tinh thần bài ngoại để ngăn cản không cho người gốc Á Châu được nhập cảnh vào Hoa Kỳ tiếp tục kéo dài với đạo luật di dân vào năm 1924, để cấm đoán việc nhập cảnh cho tất cả những ai không thể được vô quốc tịch Mỹ theo như luật định của đạo luật về nhập tịch là Naturalization Act vào năm 1790.


Đạo luật nhập tịch lúc ban đầu này quy định rằng chỉ có những người Mỹ trắng được tự do mới có thể được trở thành những công dân có quốc tịch Mỹ. Tuy vậy, trong hơn cả trăm năm sau đó, rất nhiều những người không nằm trong danh sách này như những di dân gốc Mễ, gốc Mỹ đen hoặc dân Mỹ bản xứ (dân mọi da đỏ) cũng đã tranh đấu thành công để được nhập quốc tịch Mỹ. Vì thế nên đạo luật Immigration Act 1924 chỉ có mục đích thực sự là để áp dụng để loại trừ những người gốc Á không được quyền nhập tịch Mỹ.


image010

Hình phòng tập họp dân di dân mới bước vào đảo Ellis Island ở New York (Getty Images)


Nhưng sự thay đổi lớn nhất của Đạo luật này là nó bắt đầu để ra những con số giới hạn tối đa (quota) giành cho những người di dân của từng nước muốn nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Cách áp đặt con số tối đa này rất tuỳ tiện và thiên vị đối với những di dân đến từ các nước ở phía bắc và phía tây của Âu Châu nhiều hơn số dân đến từ các nước ở phía nam và phía tây của cùng lục địa này.


Cũng theo giáo sư Hsu nhận định, đến lúc ấy những nhà làm luật và các chính trị gia Mỹ mới thấy rõ rằng những giới hạn nhằm ngăn cấm gắt gao khối di dân gốc Á vào Hoa Kỳ chẳng ảnh hưởng gì đến việc số di dân vào nước Mỹ càng ngày càng gia tăng. Lý do đơn giản là vì đa số di dân vào nước Mỹ lúc đó đều đến từ lục địa Âu Châu. Thành ra những con số giới hạn mức tối đa đó được đề ra cũng chỉ nhằm mục đích đáp ứng tinh trạng gọi là khẩn trương vào lúc ấy của nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đang gặp một vấn nạn lớn là đã quá dễ dãi chấp nhận việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ, đặc biệt là những người không có cùng nguồn gốc và văn hoá gọi là Anglo-Saxon này.


Đạo luật về di dân năm 1924 bỗng nhiên được trở thành đề tài thời sự vào tháng 9 năm 2017 khi Tổng Trưởng Jeff Sessions của Bộ Tư Pháp loan báo quyết định mới của chính quyền Trump là sẽ đình chỉ chính sách DACA, chữ viết tắt của “Deferred Action for Childhood Arrivals”. Chính sách này được chính quyền Obama áp dụng vào năm 2012 tạm thời đình hoãn việc trục xuất các em nhỏ đã bị cha mẹ mang theo trên đường vượt biên và nhập cảnh vào Hoa Kỳ trước đây. Phần lớn các em nhỏ này đã hội nhập và hoà mình một cách tốt đẹp vào đời sống mới giống như là các em nhỏ được sinh trưởng tại Hoa Kỳ. Nhiều em đã tốt nghiệp trung học và đại học, trở thành những hình ảnh gương mẫu của các công dân tốt đóng góp cho xã hội.


Lý do nhiều người ủng hộ chính sách nhân đạo này là vì các em nhỏ không có tội tình gì khi được bố mẹ dẫn theo năm xưa, và sau đó đã lớn lên và sinh hoạt từ đó đến nay tại xã hội và học đường ở Mỹ, gần như không biết gì nhiều về ngôn ngữ cũng như tập tục, văn hoá của quê mẹ các em. Nó cũng tương tự như trường hợp của đa số con em người Việt chúng ta được sinh trưởng tại hải ngoại, giờ đây khi lớn lên không còn rành rẽ tiếng Việt cũng như khó thể nào sống tự lập nếu như bị đẩy trở về Việt Nam.


Chính sách DACA thật ra không hề là một chính sách ân xá để từ đó cho phép các em gốc di dân lậu này được quyền nhập tịch, mà nó chỉ tạm đình chỉ quyết định trục xuất các em này trong thời hạn hai năm, và cho phép các em này có thể được quyền đi làm trong thời gian chờ đợi. Sau mỗi hai năm, các em này có quyền nộp đơn xin gia hạn chờ đợi, với mục đích sau cùng là Quốc Hội có thể thông qua một đạo luật thoả hiệp có tên là Dreamers Act để giải quyết hồ sơ nhức nhối này.


Tuy nhiên, quyết định của Tổng trưởng Jeff Sessions nói rằng chính sách mới của Hoa Kỳ dưới thời TT Trump sẽ chấm dứt chương trình DACA và cho rằng đạo luật Immigration Act 1924, với việc ngăn cấm nhập cảnh cho những ai không thể vô quốc tịch Mỹ, là “một điều tốt cho nước Mỹ”!


Vì thế nên một chuyên gia khác là bà Mae M. Ngai, giáo sư về lịch sử và các cuộc nghiên cứu dân Mỹ gốc Á tại trường Đại học Columbia, đã bình phẩm rằng “Đạo luật di dân năm 1924 đã gần như được mọi người đồng thanh kết luận rằng đó là một vết nhơ trong lịch sử của chúng ta.” Vị nữ giáo sư này viết tiếp: “Nó rõ ràng là một đạo luật mang tính kỳ thị sắc tộc. Nó xếp đặt thứ hạng của người dân trên khắp thế giới để lựa chọn ai là người được ưa thích nhất chỉ vì mầu da hoặc nguồn gốc của họ . . . Không ai có thể phủ nhận tính cách kỳ thị đáng chê trách của nó.”


Tuy vậy, chính sách giới hạn một mức tối đa số người của mỗi nước được nhập cảnh vào Hoa Kỳ vẫn tiếp tục được duy trì cho đến thập niên 1960 cho đến khi có một đạo luật mới ấn định một hệ thống quyết định lựa chọn mới vào năm 1965 có tên là Hart-Celler Immigration Act. Từ đây, Hoa Kỳ sẽ cấp phát mỗi năm một số lượng tối đa nào đó các chiếu khán nhập cảnh vào Hoa Kỳ, với mức tối đa cho người dân của một nước không thể vượt qua tỉ lệ 7% trong tổng số các chiếu khán nhập cảnh trong năm đó.


Đạo luật này mang tên của hai nhà dân cử bảo trợ là Dân biểu Emanuel Celler và Nghị sĩ Philip Hart, nhằm thay thế cách thức xếp đặt mức giới hạn việc nhập cảnh đã có từ thời của đạo luật năm 1921, theo đó những người dân thuộc các nước không phải ở vùng Bắc Âu bị giới hạn một cách bất lợi và đầy thiên vị. Từ nay, chính sách nhập cảnh vào Hoa Kỳ sẽ không còn thiên vị dựa theo mầu da và nguồn gốc của những thành phần di dân mới, và điều này dẫn đến một sự thay đổi tiệm tiến nhưng rất quan trọng trong việc định hình về các thành phần dân số đa dạng của nước Mỹ đúng với tinh thần “melting pot” thường được nhắc đến sau này, tức là Hoa Kỳ là một nước sẵn sàng thu nhập tất cả mọi sắc dân không phân biệt mầu da và tín ngưỡng để cùng hoà mình với nhau và xây dựng đất nước chung này.


Đạo luật mới về di dân vào năm 1965 cũng quy định một mức tối đa nào đó về di dân của một nước được phép nhập cảnh vào Mỹ, nhưng đồng thời nó cũng chú trọng đến việc mở ra cánh cổng nhập cảnh cho những thành phần di dân có những nghề chuyên môn (để đóng góp vào sự hưng thịnh của quốc gia) hoặc là có những quan hệ ruột thịt trong gia đình đói với những thường trú nhân hợp pháp hoặc công dân Mỹ (có lẽ vì lý do nhân đạo vì lẽ thường tình của mọi thành viên trong gia đình đều muốn được cùng đoàn tụ).


Đây chính là một trong những động lực lớn nhất giúp cho nhiều thành phần di dân có thể được nhập cảnh hợp pháp và chính thức vào nước Mỹ dù không có một tài năng hoặc lý do chính đáng mà chỉ vì họ đã có thân nhân ở Mỹ là thường-trú-nhân (có thẻ xanh) hoặc có quốc tịch Mỹ. Cũng nhờ chính sách này mà số người Việt chúng ta nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong vài thập niên qua đã từ một con số khiêm nhường hơn 200,000 người (vào năm 1975) đã tăng vọt lên gấp 10 lần để trở thành con số đáng kể trên 2 triệu người.


Trước khi đạo luật mới này được ban hành vào năm 1965, chưa bao giờ có một con số tối đa người dân của một nước nào đó có thể được nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Vì thế nên đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ đặt ra con số cụ thể về tỉ lệ của người dân của một nước trong mỗi năm có thể được nhập cảnh vào Mỹ. Và đó cũng là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đặt ra con số chính thức về mức tối đa nhập cảnh của dân gốc Mễ Tây Cơ. Đạo luật này áp đặt một con số tối đa là 170,000 chiếu khán được cấp mỗi năm, với mức giới hạn cho từng nước một. Tuy nhiên, những thân nhân ruột thịt của những người có quốc tịch Mỹ hoặc những thành phần được gọi là “di dân đặc biệt” thì được miễn không phải bị giới hạn mức tối đa nào.


Trước khi có đạo luật và qui định rõ ràng về con số tối đa chiếu khán nhập cảnh này, những di dân đến từ Mễ Tây Cơ thường là rất dễ dàng tìm được công ăn việc làm ở Hoa Kỳ, với lý do chính là vì đa số họ đều chịu khó và sẵn sàng làm những công việc cực nhọc với đồng lương rẻ mạt mà nhiều người dân Mỹ bản xứ thường chê bai. Rất nhiều các ngành nghề như xây dựng và canh nông cũng như các nhà hàng, và rất nhiều các hãng xưởng ở Hoa Kỳ cũng sẵn sàng đón nhận số lượng công nhân đông đảo rất cần thiết này.


Tuy nhiên, kể từ khi đạo luật Hart-Celler được thông qua, cả một khối đông đảo những di dân đến từ Mễ Tây Cơ hoặc các nước vùng Nam Mỹ bỗng nhiên trở thành những thành phần “di dân lậu”. Và từ đó hồ sơ “di dân lậu” tiếp tục được khai thác với những luận điệu được biện minh để giải thích cho quan điểm của các chính trị gia tuỳ theo tình hình thời sự thay đổi thất thường.


Khi nền kinh tế được phát triển tốt đẹp, mọi người đều có công ăn việc làm, gần như không ai phản đối sự có mặt của khối đông di dân gốc Mễ và La-ti-nô này đã đóng góp tích cực vào xã hội nước Mỹ trong nhiều thập niên qua, dù rằng đa số họ đều phải nhận lãnh những công việc khó khăn, cực nhọc, và sẵn sàng chấp nhận những đồng lương rẻ mạt. Đến khi xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế, người ta bắt đầu đổ lỗi cho thành phần “di dân lậu” này là nguyên nhân của tất cả mọi tệ trạng trong xã hội, bằng cách đưa ra một vài thí dụ đơn lẻ của những di dân tội phạm hoặc lợi dụng các khe hỡ của luật pháp để hưởng lợi trong các chính sách hưởng trợ cấp v.v. 


Để kết luận, giáo sư Hsu nhận định: “Người ta nói rất nhiều về trường hợp của các em học sinh và sinh viên thuộc thành phần DACA và cáo buộc rằng đó là một chính sách bất hợp lệ. Tuy nhiên, người ta cố tình quên rằng những đạo luật hay chính sách của một chính quyền có thể được cập nhật hay thay thế bởi các nhà làm luật trong chính phủ. Luật lệ luôn luôn được thay đổi nhằm thích nghi với những tình huống thay đổi trong xã hội.


Thí dụ điển hình nhất là những người gốc Mễ (Hispanic) hoặc các nước Nam Mỹ (Latino) đã nhập cư và sinh sống ở Hoa Kỳ từ nhiều thế hệ đã qua là một thực thể không thể chối cãi được. Việc các chính trị gia và các nhà dân cử ở Hoa Kỳ có quyết dịnh nhìn nhận đó là một sự thật hay không lại là một vấn đề khác. Bởi vì có dám nhìn nhận một thực tế và can đảm phân tích các góc cạnh của vấn đề để từ đó thay đổi các luật lệ cho thích hợp với đời sống mới chính là biện pháp hữu hiệu và đúng đắn nhất, thay vì chỉ chụp lấy một vài sự kiện thời sự lẻ loi để thổi phồng một vấn đề theo chiều hướng và cảm quan của mình.


Sau cùng, đối với một số người Việt chúng ta lên tiếng ủng hộ chính sách cứng rắn của TT Trump đối với khối di dân và thường lên tiếng nhấn mạnh đến chi tiết rằng đó là thành phần “di dân lậu”, tưởng cũng nên biết rằng thân phận chúng ta được sống yên ổn ngày hôm nay cũng chỉ nhờ phần lớn vào yếu tố may mắn hơn mà thôi so với những người đi trước, hoặc những người kém may mắn hơn. Ngoài yếu tố đạo đức giả và lòng ích kỷ mau quên theo kiểu “qua cầu rút ván, quan niệm cứng rắn này cũng mang tính bất nhân, thiếu thông cảm với những khổ đau của những người khác kém may mắn hơn mình. 


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 12 tháng 7/2018


anhtuantaberd74@gmail.com
16 Tháng Sáu 2022(Xem: 3781)