Làm Cách Nào Để “Giải Độc” Lịch Sử Chiến Tranh?

19 Tháng Hai 20198:35 CH(Xem: 10009)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ SÁU 15 FEB 2019


Làm Cách Nào Để “Giải Độc” Lịch Sử Chiến Tranh?


Nguyễn Quang Duy


Trên vietnamnet.vn, Giáo Sư Sử học Phạm Hồng Tung, Trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết Việt Nam lâu nay đã “gạt quá khứ” sang một bên nên sách giáo khoa Lịch sử gói gọn 4 câu, 11 dòng ở lớp 12, báo chí lại ít nhắc đến Chiến tranh biên giới Việt – Trung.


Trung cộng thì vẫn tiếp tục tuyên truyền “chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” và trừng phạt “tiểu bá” Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô.


Sự khác biệt về nhận thức và cách trình bày lịch sử tạo ra những định kiến mang nặng tính chất kỳ thị và thù địch, nếu gặp những điều kiện thuận lợi, sẽ bùng phát thành hận thù và xung đột.


Nếu không hòa giải được nhận thức và cách trình bày về lịch sử thì đó là một liều thuốc độc mà tiền nhân để lại cho thế hệ sau, và để “giải độc” lịch sử Giáo sư Tung đề nghị:


“Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước Trung – Việt nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước.”


Giáo sư Tung tin rằng nhiều quốc gia cựu thù đã thành công trên con đường hòa giải lịch sử, cho nên người Việt Nam và người Trung Hoa cũng sẽ phải làm được điều này.


Giáo sư Phạm Hồng Tung hiện là Chủ biên chương trình Lịch sử giáo dục phổ thông tổng thể đang sửa soạn ra bộ sách giáo khoa Lịch sử nên đề nghị của ông cần được xem xét cẩn thận.


Trường hợp hai nước Pháp và Đức.


Giáo Sư Tung cho biết Đức và Pháp trong lịch sử cũng đã có những cuộc chiến tranh đẫm máu như Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai, Chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870,… các nhà sử học, các nhà giáo dục hai nước đã tổ chức nhiều diễn đàn gặp gỡ nhau trước khi cùng nhau soạn một bộ sách giáo khoa Lịch sử chung.


Giáo Sư Tung quên rằng Pháp và Đức là hai quốc gia tự do, các sử gia đều độc lập với hệ thống chính trị. Nên ngay thời Chiến Tranh Pháp - Việt vẫn có những sử gia Pháp công khai ủng hộ Việt Nam.


Báo chí Pháp và Đức được tự do thu nhặt và loan tin, nên thông tin đều đa chiều và dễ dàng đối chiếu.


Các cuộc phỏng vấn chứng nhân lịch sử được thường xuyên thực hiện. Các hồi ký được tự do phổ biến.


Các tài liệu lịch sử, các văn kiện và số liệu sau một thời gian đều được giải mật để mọi người có thể tìm hiểu.


Mỗi sử gia có cách nhìn riêng về lịch sử, chính môi trường học thuật tự do giúp họ nhìn nhận các sự kiện, nguyên nhân, diễn biến và hậu quả một cách khách quan hơn, trung thực hơn, gần với sự thật lịch sử hơn.


Các sử gia và các nhà giáo dục Pháp và Đức lại luôn có cơ hội tự do trình bày quan điểm và phát hiện mới trên các diễn đàn quốc tế, nên việc họ xuất bản sách giáo khoa chung, các công trình nghiên cứu chung, các sách tài liệu tham khảo chung là một việc hết sức bình thường.


Môi trường tự do và học thuật tự do hoàn toàn không có tại Việt Nam và Trung cộng.


Việt Nam là nước nhỏ lại luôn bị Trung cộng xâm lược. Chỉ trong vòng 14 năm, 1974-1988, Trung cộng đã 4 lần đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam: Hoàng Sa (1974), Biên Giới Phía Bắc (1979), Vị Xuyên Hà Giang (1984), Gác Ma (1988) và từ năm 1988 liên tục lấn chiếm Trường Sa và gây chiến ở Biển Đông.


Bởi thế việc so sánh với Chiến tranh Pháp và Đức là điều không thể chấp nhận được.


Giáo dục tự do.


GS Phạm Hồng Tung còn cho biết vào năm 2003, Cộng đồng châu Âu cho thành lập những Nghị viện gồm các thanh niên đóng vai những nghị sĩ, cùng hội họp và bàn thảo đề tài “Nếu là nghị sĩ chúng ta sẽ quyết định những gì cho tương lai của đất nước”.


Nghị viện thanh niên của Pháp và Đức đều ra Nghị quyết phải hòa giải lịch sử và phải soạn một sách giáo khoa Lịch sử chung cho cả hai nước, Nghị quyết được Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức ủng hộ.


Đến năm 2006, cuốn sách Lịch sử chung đầu tiên của Pháp và Đức đã ra đời. Những nội dung về chiến tranh đều được cả hai nước chấp nhận vì đó là sự thực trong quá khứ và bây giờ không nên sống với thù hận.


Ông Tung quên rằng tại Đức và Pháp giáo viên dạy sử chỉ giữ vai trò hướng dẫn học sinh thu thập, phê bình tài liệu lịch sử, phân tích làm rõ nguyên nhân, bản chất, ý nghĩa của các sự kiện và của diễn biến lịch sử.


Ngay từ trong học đường, học sinh được đào tạo tư tưởng độc lập và tự do trong học thuật.


Ngoài xã hội, ý kiến của người trẻ được lắng nghe, được tôn trọng, được áp dụng nếu ý kiến thực tế, khả thi và hữu ích.


Giáo dục để đào tạo học sinh thành người độc lập, tự do chưa có tại cả Việt Nam lẫn Trung cộng.


Chính trị bao trùm…


Việt Nam và Trung cộng là hai quốc gia cộng sản nên mọi thông tin đưa ra dù trên truyền thông, báo chí, sách đọc, sách giáo khoa đều được xem như các thông tin chính thức.


Các hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị, hay các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” được xem là dấu hiệu chính thống, dấu hiệu kích động của nhà cầm quyền cộng sản.


Chả thế ngay khi báo chí trong nước đưa tin về “cuộc chiến bảo vệ biên giới chống xâm lăng” và cho đăng lại các bài báo cũ trong thời chiến tranh, dư luận ngay tức thì cho là báo chí được “bật đèn xanh” và Hà Nội đang xét lại quan hệ với Trung cộng.


Chính trị hiện vẫn bao trùm mọi sinh hoạt ngay cả việc soạn sử hay soạn sách giáo khoa đều được định hướng bởi nhà cầm quyền cộng sản.


Hòa hợp hay hòa giải?


Nên việc giới sử học hai nước Trung – Việt có ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử thì tư duy “núi liền núi sông liền sông”, “anh em một nhà xã hội chủ nghĩa”… vẫn còn rất nặng.


Hậu quả là Việt Nam sẽ lấy sách sử Trung cộng mà dạy, một cách “hòa hợp” lịch sử.


Hòa giải lịch sử là mọi sự thật lịch sử của cả 2 nước được trình bày một cách minh bạch nhất, trung thật nhất, đúng đắn nhất.


Có hòa giải thì mới có thể tiến tới hòa hợp để giải độc lịch sử chiến tranh.


Người dân Việt nghĩ gì?


Ngày 17-2-1979, tôi vừa tròn 20 tuổi đời, tôi nhớ thông tin về chiến tranh biên giới đến với tôi rất sớm, bạn bè, gia đình, bà con lối xóm loan báo nhau: “cộng sản đánh nhau rồi”.


Khi đó người miền Nam chúng tôi gia đình nào hầu như cũng có người bị bắt đi cải tạo, nhiều người mất cơ nghiệp, bị bắt đi vùng kinh tế mới, bị truy đuổi, bị phân biệt đối xử,… nên xem chiến tranh biên giới chỉ là “cộng sản đánh nhau” là một điều dễ hiểu.


Cuộc chiến giữa nội bộ các đảng Cộng sản: đảng Cộng sản Việt Nam theo Liên Xô, phản bội Trung cộng, xâm lăng Campuchia, nên bị Trung cộng đánh.


Bộ đội và bà con vùng biên giới bị Trung cộng giết hại là nạn nhân của hai đảng Cộng sản Việt Trung.


Nhà cầm quyền Việt Nam biết rõ sẽ bị tấn công nhưng không di tản dân khỏi vùng biên giới để Trung cộng tấn công giết hại sẽ phải chịu thêm phần trách nhiệm trước lịch sử.


Chiến tranh Nam Bắc vừa chấm dứt, người dân lại phải gồng mình thiếu ăn, thiếu mặc hy sinh phục vụ chiến tranh. Thế hệ chúng tôi bị mang ra mặt trận và nhiều người bỏ xác ở Campuchia.


Đến nay, người dân vẫn chưa biết được vùng đất nào Việt Nam đã mất vào tay quân Trung cộng.


Trong trận Vị Xuyên Cao Điểm 1509 thuộc Núi Đất, Hà Giang cho đến chiều ngày 28/4/1984 vẫn thuộc Việt Nam, nhưng đến năm 1999 Hà Nội chính thức ký Hiệp Định Biên Giới, Núi Đất đã thuộc về Trung cộng.


Cho đến nay vẫn chưa ai chịu tìm hiểu cặn kẽ xem người dân Việt, người bộ đội năm xưa thực sự nghĩ gì về các cuộc chiến tranh.


Liệu Hà Nội có dám nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ để hòa giải dân tộc để viết lại lịch sử dạy cho con cháu không?


image017


Thực tế đang xảy ra…


Tại Hà Nội ngày 17/2/2019, lực lượng an ninh, công an dày đặc khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, nơi bà con đến thắp nhang cầu nguyện vào 17/2 hàng năm. Một số bà con đến đặt vòng hoa tưởng niệm ở đài chiến sỹ vô danh Bắc Sơn đã bị bắt về đồn công an.


Ở Sài Gòn lực lượng an ninh, thanh niên xung phong, công an chìm nổi dày đặc, xe rác, xe tải, bao cát, thùng rác… che kín tượng đài Trần Hưng Đạo, lư hương bị cẩu bỏ chỗ khác. Các thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng và bà con không thể đến thắp nén nhang tưởng niệm.


Ít hôm trước ngày 14/2/2019, Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Minh Triết và bà con đã bị nhân viên an ninh quấy nhiễu khi đang đốt nhang tại nghĩa trang Vị Xuyên nơi những anh hùng tử sỹ nằm xuống để bảo vệ giang sơn bờ cõi.


Hòa giải với người dân chưa được thực hiện thì nói gì đến chuyện hòa giải lịch sử.


Lịch sử không còn nằm trong tay giới cầm quyền.


Chính Giáo sư Phạm Hồng Tung phải nhìn nhận thế hệ trẻ ngày nay khi muốn tìm hiểu lịch sử liên quan đến chiến tranh Việt Nam và quan hệ Việt - Trung lại tìm đọc những công trình bằng tiếng Anh, tiếng Pháp do người Pháp, người Mỹ, người Đức hay người Úc viết.


Nhiều tài liệu còn được dịch ra tiếng Việt và được phổ biến rộng rãi trên không gian mạng.


Thế hệ trẻ không bị định kiến che lấp, trong khi trình độ nhận thức và phê bình càng ngày càng nâng cao.


Không có gì còn có thể dấu diếm hay che đậy, không còn tình trạng độc quyền thông tin và lịch sử không còn nằm trong tay giới cầm quyền.


Bởi vậy theo tôi việc đầu tiên và quan trọng nhất là đảng Cộng sản cần thực tâm hòa giải dân tộc bằng cách công bố mọi sự thực lịch sử và nhận lãnh mọi trách nhiệm về các cuộc chiến.


Nhà cầm quyền cần chấm dứt quy kết những đảng viên cộng sản nhìn dám nhận sự thực lịch sử là tự diễn biến, tự chuyển hóa và quy kết người dân là “thế lực thù địch”.


Nhà cầm quyền cần trả lại mọi quyền tự do cho dân, tổ chức cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, soạn ra Hiến Pháp mới, xây dựng một thể chế mới thực sự do dân, vì dân và của dân.


Đó chính là việc “giải độc” lịch sử, đảng Cộng sản hòa giải cùng dân tộc và như thế dân mới giầu, nước mới mạnh, mới bảo vệ được bờ cõi do ông cha để lại.


Nguyễn Quang Duy


Melbourne, Úc Đại Lợi


17-2-2019


Xin xem bài trên vietnamnet.vn, Thuý Nga và Thanh Hùng phỏng vấn GS Sử học Phạm Hồng Tung: “Chiến tranh biên giới 1979 được dạy trong chương trình phổ thông mới ra sao?”


https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chien-tranh-bien-gioi-nam-1979-se-co-mat-trong-chuong-trinh-pho-thong-moi-ra-sao-507597.html


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Tiếp tục chuyện về trận Vị Xuyên

Nhà văn Phạm Viết Đào Gửi cho BBC từ Hà Nội 18/7/2015


NvPhamvietdao5.blogspot.com: Thế sự-Văn chương

image017

Bản quyền hình ảnh tuoitre.vn Image caption Một cựu chiến binh Việt Nam xúc động trước nắm đất 'thấm máu xương của đồng đội' khi thăm lại chiến trường cũ Vị Xuyên.


Lão Sơn là tên chung mà phía Trung Quốc nói về những trận đánh ác liệt giữa quân Trung Quốc lấn chiếm với bộ đội Việt Nam trên các mỏm núi tại khu vực ngã ba Thanh Thuỷ, gồm địa bàn hai xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (Việt Nam) giai đoạn từ 1983-1989.


Tại những mỏm núi từng xảy ra những trận đánh giằng co, ác liệt, quân hai bên tranh giành nhau từng hốc đá, từng khe suối; Phía Việt Nam đã gọi các tên các trận đánh này theo cách riêng:


-Trận đánh bảo vệ Cao điểm 1509 diễn ra ngày 28/4/1984;


- Trận phản công đánh chiếm lại Cao điểm 772, (lính Hà Giang thời đó gọi là “ Đồi thịt băm” );


-Những trận đánh giằng co cuối năm 1984 kéo sang năm 1985 tại Cao điểm 685 (lính Hà Giang gọi 685 là “Lò vôi thế kỷ” vì đạn pháo hai bên ngày đêm bắn phá nên ngọn núi này trắng xoá như vôi…);


-Khu vực Ngã ba Thanh Thuỷ thì lính Hà Giang gọi là “Cối xay thịt” thế kỷ.


Trung đoàn 118 của Trung Cộng phải đến 15h30 mới hoàn toàn chiếm được đỉnh 1509 sau khi đơn vị phòng ngự hy sinh đến người cuối cùngTrang mạng Quốc phòng TQ


-Còn các trận đánh tại đồi Đài, đồi Cô X., thì phía Trung Quốc gọi là Điểm cao 211, 400.


Trận Cao điểm 1509

Về trận đánh bảo vệ Cao điểm 1509 ngày 28/4/1984, người viết bài này đã gặp cựu chiến binh Việt Nam Đường Minh Tuấn, ông nguyên là kế toán pháo binh đại đội 14, trung đoàn 122, Sư 313, có quê ở Hương Canh, Phúc Yên.


Đường Minh Tuấn là một trong những người lính cuối cùng rút khỏi 1509 chiều 28/4/1984 và đã kể lại như sau:


"Phía quân ta (Việt Nam), Sư đoàn 313 đã bố trí một đại đội khoảng 100 tay súng chốt giữ cao điểm này.


"Trước khi mở đợt tấn công ồ ạt vào rạng sáng ngày 28/4/1984, phía Trung Quốc đã liên tục bắn pháo vào trận địa của quân ta suốt cả tháng trước đó.


"Từ 6 giờ sáng 28/4/1984 cho tới chiều, quân ta đã chống trả quyết liệt, gây cho phía Trung Quốc nhiều thương vong, khoảng 3 giờ chiều thì 1509 bị thất thủ vì quân ta hết đạn, bộ đội của Sư đoàn 313 đã phải “ mở đường máu” để rút lui…"


Về thông tin lính Trung Quốc bắn thương binh Việt Nam trong trận đánh này, tài liệu của mạng Quốc Phòng Trung Quốc, đã mô tả như sau:


“Trung đoàn 118 của Trung Cộng phải đến 15h30 mới hoàn toàn chiếm được đỉnh 1509 sau khi đơn vị phòng ngự hy sinh đến người cuối cùng.


image018

Bản quyền hình ảnh viet vision Image caption Cựu chiến binh Việt Nam trở lại chiến trường Vị Xuyên, hát và tưởng niệm đồng đội.


"Đặc biệt, có 4 nữ cán binh Cộng sản Việt Nam (CSVN) cố thủ trong hang đá, không chịu đầu hàng và lính Trung Cộng đã phải dùng súng phun lửa mới tiêu diệt được những cô gái này.


“Quân Trung Cộng cũng bị thương vong nặng: trung đoàn 118 bị chết 198 lính cùng một số bị thương. Trong đó một tiểu đoàn của trung đoàn này có tới 70% quân số bị loại khỏi vòng chiến.


Sự kiện 4 nữ cán binh cộng sản Việt Nam cố thủ trong hang đá bị lính Trung Cộng dùng súng phóng hoả thiêu chết trong hang, đã được một cán binh Trung Cộng kể lại trong hồi ký của anh ta, cũng đăng trên mạng Quốc Phòng Trung Quốc.


'Xử bắn thương binh'

Nguồn tin thứ hai do ông Hà Minh Thành, một Việt Kiều tại Nhật đã cùng tham gia đoàn làm phim của Đài truyền hình NHK Nhật Bản, làm bộ phim về chiến tranh biên giới Việt-Trung.


Trong trận đánh bảo vệ 1509 những thương binh liệt sĩ ta không mang được ai về; chắc lính Trung Quốc đã 'chôn cất' anh em mình tại chỗ… Hà Minh Thành, nhân chứng


Ông Hà Minh Thành đã lên quay phim trên Cao điểm 1509 vào năm 2009; đạo diễn Bành Trung Nghĩa, một đạo diễn người Trung Quốc, từng có em hy sinh tại Lão Sơn thực hiện bộ phim này.


Trong một bức thư gửi cho tác giả bài viết này, ông Hà Minh Thành cho hay ông đã nghe thấy một Cựu chiến binh Trung Quốc tên Vương Hoàn Hải trực tiếp kể lại câu chuyện.


Lá thư có đoạn: “Em là Hà Minh Thành, ở Nhật xin gửi tặng anh (Phạm Viết) Đào một số hình ảnh về núi Đất bây giờ đã thuộc về Trung Quốc sau hiệp định hoạch định biên giới; tên mới của Trung Quốc bây giờ là Lão Sơn mà em đã chụp vào tháng 12 năm ngoái (2009).


“Khu vực này hiện tại vẫn còn được xem là khu vực quân sự trọng yếu do quân đội Trung Quốc quản lý. Dĩ nhiên ngoài những chỗ họ cho phép thì hầu như họ cấm chụp ảnh, quay phim với lý do có rất nhiều mìn.


“Ông Vương Hoàn Hải, một sĩ quan Trung Quốc từng tham gia cuộc chiến đó, đã cho em biết đó là nơi chôn các binh sĩ Việt Nam bị chết trong trận đó.


“Ông ta vô tình kể một chi tiết là sau khi chiếm được Núi Đất thì họ thu gom hài cốt binh sĩ cả 2 bên, thi thể lính Trung Quốc thì họ đưa về phía sâu bên Trung Quốc cách đó 10km và làm nghĩa trang liệt sĩ , còn thi thể của các liệt sĩ Việt Nam (VN) cũng như các thương binh nặng nhẹ, các tù binh bị tập trung xử bắn hàng loạt tại chỗ không phân biệt đã chết hay còn sống, họ liệng xuống cái hố đó và nhờ lực lượng Hóa học đốt, sau đó thì cho xe ủi lấp.


image019

Image caption Truyền thông nhà nước Việt Nam sau nhiều năm 'im lặng' gần đây đã nói về chiến trường Vị Xuyên trong Cuộc chiến Biên giới Việt - Trung.


“Ông ta nói rằng không nhớ chính xác nhưng trong cái hố đó có khoảng 3.700 xác binh sĩ VN. Cho đến ngày hôm nay ông ta và các đồng đội vẫn còn ám ảnh tiếng kêu gào của các thương binh VN trong biển lửa khi hỏa thiêu họ. Em đã không cầm được nước mắt và quỳ xuống cảm tạ trước ngôi mộ hoang tàn mà trong đó có thể có thi thể của anh Tạo em của anh, một người bằng tuổi của em đã Vị quốc vong thân…”


Nhân chứng thứ ba, ông Đường Minh Tuấn kể:


“Từ trên Mỏm 1, mỏm cuối cùng em và đồng đội còn giữ được tới tầm 3 giờ chiều; bọn em còn nghe rõ đồng đội kêu la từ Mỏm 2, đồng hương ơi cứu nhau với… Sau đó thì nghe súng nổ.


“Bộ đội ta thương vong và hy sinh đều được đưa vào trong hầm, khi lính Trung Quốc tràn được lên thì chúng xả súng bắn chết cả thương binh. Trong trận đánh bảo vệ 1509 những thương binh liệt sĩ ta không mang được ai về; chắc lính Trung Quốc đã 'chôn cất' anh em mình tại chỗ… “


Cả hiện trường náo loạn, tất cả đều cho rằng đây là đội đặc công mà bên Việt Nam phái sang thâm nhập đánh úp, mấy ngày sau mà chưa làm rõ được đầu đuôi là chuyện gìTư liệu phía Trung Quốc


Qua ít nhất ba nguồn tin trên, sơ bộ có thể xác tín một sự thật: không có chuyện "có 4 nữ cán binh cộng sản Việt Nam cố thủ trong hang đá” bị bắn chết như mạng Internet của Trung Quốc đưa, mà chắc chắn đó là anh em thương binh của Việt Nam, được đưa vào hầm và đã bị bắn chết, chính Đường Minh Tuấn có nghe tiếng kêu cứu của họ…


'Quay súng bắn chỉ huy'

Cuộc chiến Vị Xuyên có nhiều chi tiết, bí mật mà thời gian sẽ phải trả lời, nếu các nhân chứng, vật chứng không bị tiêu hủy hoặc mất mát hết.


Nhân đây, xin được đơn cử ngắn gọn một tình tiết khác của cuộc chiến trong nội bộ Trung Quốc. Ấy là một binh lính Trung Quốc dám nổ sung bắn một thủ trưởng bậc cao, đó là Sư trưởng Túc Nhung Sinh, con trai Đại tướng Túc Dụ ngay tại Lão Sơn.


Một tư liệu của phía Trung Quốc đưa trên mạng cách đây không lâu viết lại câu chuyện này cụ thể như sau:


“Sau thảm bại ngày 31/5 (1985), Quân đoàn 67 (của Trung Quốc) còn xảy ra một chuyện trước sau chưa từng có trong chiến tranh với Việt Nam.


“Một chiến sĩ, vốn người Táo Trang, từ trận đánh đồi 211 may mắn được sống quay về, vào giờ ăn cơm sáng, bước vào nhà ăn sở chỉ huy Quân đoàn 67, nhằm Túc Nhung Sinh mà bắn.


image020

Bản quyền hình ảnh pham viet dao blog Image caption Tác giả Phạm Viết Đào (đầu tiên) thăm lại một địa điểm trên chiến trường cũ trận Vị Xuyên.


“Túc Nhung Sinh nhanh nhẹn trốn xuống gầm bàn ăn, nên không bị thương. Nhưng người cảnh vệ của họ Túc thì bị giết chết, Quân trưởng Quân 67 Trương Chí Kiên bị thương xuyên bả vai, còn mười người gồm binh lính sĩ quan đang đứng tại hiện trường cũng trúng thương.


“Cả hiện trường náo loạn, tất cả đều cho rằng đây là đội đặc công mà bên Việt Nam phái sang thâm nhập đánh úp, mấy ngày sau mà chưa làm rõ được đầu đuôi là chuyện gì. Mà người chiến sĩ ấy cũng an toàn trở về từ hiện trường. Mấy ngày sau, mới phát hiện anh ấy đã tự sát tại hầm nước phía sau sở chỉ huy Quân đoàn 67.


“Trong lòng còn ôm ngọn súng, do đã qua một thời gian dài nên xác đã bốc mùi. Thế là (sự việc xảy ra ở) Quân 67 lại một lần nữa bị thông báo trong toàn quân.


Trương Chí Kiên đang nằm viện, phải chịu việc điều tra, khóc mà nói rằng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến nông nỗi quân của mình lại cầm súng bắn vào Quân trưởng của họ như vậy!”Tư liệu phía Trung Quốc


“Sau khi sự việc phát sinh, Quân ủy trung ương, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia và Quân khu Tế Nam (Trung Quốc) liên tiếp phái người đến Quân đoàn 67 điều tra nguyên nhân sự việc.


“Trương Chí Kiên đang nằm viện, phải chịu việc điều tra, khóc mà nói rằng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến nông nỗi quân của mình lại cầm súng bắn vào Quân trưởng của họ như vậy!”


Sau khi đưa tin về thông tin này, tôi đã gặp và trao đổi với Đại tá Bùi Như Lạc, nguyên là Sư đoàn trưởng Sư 313 của Việt Nam, người trực tiếp chỉ huy trận đánh làm tan rã sư 199 của Đại Quân khu Bắc Kinh tháng 5/1985, ông cho biết đó là trận đánh tại hai ngọn đồi phía Việt Nam gọi là Đồi Đài và Đồi cô X. nằm tại ngã ba Thanh Thuỷ.


Xin được nói thêm, sở dĩ có tên gọi là Đồi cô X., vì nó liên quan chuyện tình của một cô gái Hà Giang tuẫn tiết ở đây vì thất tình, đây chính là nơi xảy ra trận đánh lớn mà báo mạng Trung Quốc đưa.


Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả là nhà văn, blogger có thân nhân hy sinh ở trận Vị Xuyên, bài được tới BBC sau khi tác giả tham gia cuộc Tọa đàm trực tuyến của BBC về đề tài cuộc chiến Vị Xuyên hôm 16/7/2015.