VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA LỊCH SỬ - THỨ HAI 23 NOV 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Vương quốc Việt Nam dưới triều đại nhà Nguyễn
Gia Long là Hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn. Ông đã xây dựng Vương quốc Việt Nam độc lập thành một quốc gia thống nhất, kiến lập hệ thống Lục Bộ và tập trung chấn chỉnh về quân sự, ngoại giao.
Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Gia Long chú trọng đến việc học hành thi cử để tuyển chọn nhân tài, cho thành lập Quốc Tử Giám ở Phú Xuân, tổ chức thi Hương. Đất nước bấy giờ dần dần yên ổn, phong hóa được chấn hưng, dân chúng được hưởng cảnh sống thanh bình.
Trong Châu bản, văn bản lưu bút tích của Hoàng đế Gia Long không nhiều, chủ yếu là trên văn bản có nội dung kê khai dân số của trường duyệt tuyển địa phương tấu lên.
Qua những chi tiết phê duyệt cụ thể lên từng tên dân đinh trong bản kê cho thấy Hoàng đế Gia Long rất quan tâm tới việc duyệt tuyển binh lính dùng trong quân đội dù đất nước đã thống nhất.
Trong thời gian trị vì, Hoàng đế Minh Mạng đã có nhiều cải cách quan trọng như:
- Cho bỏ các dinh và trấn, thành lập các tỉnh (cả nước bấy giờ được chia làm 31 tỉnh).
- Định lại quan chế, đặt mức lương bổng của các quan tùy theo ngạch trật.
- Thống nhất việc đo lường, thống nhất y phục.
- Khuyến khích dân khai hoang lập ấp, sửa sang hệ thống giao thông, lập nhà Dưỡng tế ở các tỉnh để giúp đỡ những người nghèo khổ, tàn tật, già cả không nơi nương tựa cùng nhiều chính sách đồng bộ khác.
Đặc biệt, đề cao Nho học và khuyến khích nhân tài ra giúp nước là một trong những việc rất được Hoàng đế Minh Mạng chú trọng. Hoàng đế cho lập Quốc Tử Giám, mở thêm kỳ thi Hội và thi Đình (thời Hoàng đế Gia Long chỉ có thi Hương).
Lãnh thổ Việt Nam dưới thời Minh Mạng được mở rộng nhất trong lịch sử và Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia hùng mạnh. Vì vậy vào năm 1838, hoàng đế Minh Mạng cho đổi tên nước ta là Đại Nam.
Bút phê của hoàng đế Minh Mạng trên Châu bản rất phong phú, đầy đủ các loại châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Nội dung phê duyệt của ông tập trung chỉ đạo các chính sách khuyến nông nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, hy vọng đạt đến cảnh dân an, nước thịnh.
Đồng thời, lời ngự phê cũng thể hiện những cải cách trên các lĩnh vực: hành chính, giáo dục, đào tạo tuyển chọn nhân tài, văn hóa dân tộc, hoàn thiện luật pháp và đề cao pháp trị, củng cố hệ thống nhà nước.
Hoàng đế Thiệu Trị không ban hành chủ trương chính sách nào mà chỉ hoàn tất và giữ gìn những thành tựu ông cha để lại.
Hoàng đế tập trung vào chấn hưng văn hóa, với chủ trương đề cao văn hóa đất nước như một đường lối ngoại giao.
Bởi tính tình hiền lành, điềm đạm của hoàng đế Thiệu Trị mà đường lối đối nội, đối ngoại thời kỳ này có phần mềm dẻo hơn thời Minh Mạng.
Hoàng đế Thiệu Trị để lại bút phê trên Châu bản với những hình thức như: châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải.
Nội dung ngự phê của ông chú trọng vào các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân đội, nông nghiệp và đê điều.
Hoàng đế Thiệu Trị còn là một người thích thơ, bản tính đằm thắm, nên lời phê của ông dung hòa, nhẹ nhàng.
Tự Đức là vị Hoàng đế tại vị lâu nhất trong số 13 Hoàng đế nhà Nguyễn, nên khối lượng Châu bản thời này chiếm gần một nửa của tổng khối Châu bản triều Nguyễn bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Qua chữ son "bút phê" của Hoàng đế Tự Đức trên Châu bản triều Nguyễn, chúng ta thấy một số bản "Hoàng đế phê còn dài hơn tâu", chứng tỏ Hoàng đế rất chăm chỉ và cẩn thận việc chính sự.
Bút phê của hoàng đế Tự Đức được thể hiện trên Châu bản với các hình thức châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Từ nội dung hoàng đế phê về những vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, tư tưởng, phong tục tập quán, bang giao... đã cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về bối cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội, chính trị, ngoại giao của nước ta cuối thế kỷ 19.
Triều đại Kiến Phúc thực tế lại không có thực quyền, mọi việc trong triều đều do 2 phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chủ trương. Bối cảnh đất nước giai đoạn này vô cùng rối ren.
Mặc dù đã có Hòa ước Quý Mùi (1883) nhưng sự căng thẳng bang giao giữa Nam Triều và thực dân Pháp vẫn không giảm.
Quân Pháp lấn tới chiếm hết tỉnh này đến tỉnh khác trên đất Bắc, triều đình phải ký hòa ước Giáp Thân (1884) nhận sự bảo hộ của Pháp.
Kiến Phúc tại vị trên ngai vàng được 8 tháng thì băng hà, ngôi báu được truyền lại cho em trai là Ưng Lịch.
Châu bản có niên đại Hoàng đế Kiến Phúc bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chỉ có duy nhất 1 tập, nên không lựa chọn được nhiều văn bản lưu bút phê của vị Hoàng đế này giới thiệu đến công chúng.
Thời gian trị Đồng Khánh trị vì, ngân sách triều đình Nguyễn sa sút, tình hình chính sự trong nước không ổn định, sĩ phu trong Nam ngoài Bắc khắp nơi nổi lên chống Pháp theo chiếu Cần Vương của hoàng đế Hàm Nghi.
Thực hiện yêu cầu ổn định của Pháp, triều Đồng Khánh đã hạ chiếu, dụ để chiêu dụ hoàng đế Hàm Nghi cùng những lãnh tụ Cần Vương quy thuận, nhưng đều bất thành.
Trên thực tế, triều Đồng Khánh không có thực quyền nên nội dung lời phê của Hoàng đế chủ yếu để chi tiêu trong hoàng cung, chi lương và thăng bổ quan lại. Hình thức phê của Hoàng đế Đồng Khánh chủ yếu là châu điểm, châu phê, một số rất ít văn bản lưu châu mạt, châu cải, không có châu sổ, châu khuyên của vị Hoàng đế này lưu trên tài liệu.
Thành Thái là vị Hoàng đế tiến bộ và yêu nước.
Hoàng đế Thành Thái khác với những người đương thời, ông vừa giỏi chữ Hán, vừa học tiếng Pháp để chống Pháp chứ không phải để phục tùng cho Pháp.
Ông cho mở trường Quốc Học (1896) nhằm đào tạo nhân tài, nắm bắt trình độ văn minh, văn hóa Tây phương.
Qua Châu bản cho thấy, Hoàng đế Thành Thái quan tâm, tập trung ngự phê chủ yếu trên các lĩnh vực như: văn hóa, giáo dục, thăng bổ quan lại, binh biền, đặc biệt là giáo dục.
Nội dung ngự phê của ông thể hiện sự quan tâm đến sĩ số học sinh trường Quốc Tử Giám, nội quy của trường Tôn học, thăng bổ quan viên hay tình hình thí sinh ở trường thi các tỉnh.
Hình thức phê của Hoàng đế Thành Thái cũng đa dạng, đầy đủ các loại: châu điểm, châu phê, châu mạt, châu sổ, châu khuyên, châu cải.
Hoàng đế Duy Tân lên ngôi lúc 8 tuổi nhưng đã tỏ ra là một người thông minh, đĩnh đạc.
Thừa hưởng tinh thần yêu nước của vua cha, nhiều lần vị Hoàng đế trẻ tuổi này đã tỏ rõ sự bất bình đối với quan lại Pháp, đối với sự thao túng triều chính của chế độ Bảo hộ.
Ngự phê của Hoàng đế Duy Tân trên Châu bản tập trung ở các hình thức châu điểm, châu phê, châu khuyên với nội dung chủ yếu ở các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, thăng bổ quan lại...
Qua lời phê, chúng ta nhận thấy ông đặc biệt quan tâm đến việc học hành, thi cử ở trường thi các tỉnh và khắc in sách chính sử.
Hoàng đế Khải Định là người nho nhã nhưng bạc nhược, thích cuộc sống nhàn hạ, thanh bình.
Thời gian Khải Định tại vị, quyền hành đều do người Pháp nắm.
Bản thân vị Hoàng đế này cũng từng muốn chấn chỉnh triều cương để bảo tồn quốc thể, nhưng bất lực và thích yên ổn nên không thay đổi được gì.
Do bản tính và thời thế nên các văn bản vị Hoàng đế này ngự phê chủ yếu về các vấn đề tổ chức tế lễ, diễn kịch, thăng bổ và thưởng phạt quan lại.
Hình thức ngự phê của Hoàng đế Khải Định trên Châu bản gồm: châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải.
Bảo Đại là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn. Ông sang Pháp du học từ nhỏ nên được tiếp cận những tư tưởng tiến bộ.
Nhưng sau khi trở về nước, Bảo Đại trong cương vị làm Hoàng đế một nước đã mất hết quyền tự chủ.
Không dám dấn thân chống Pháp như các Hoàng đế Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, ông sa đà vào các thú tiêu khiển như thể thao, săn bắn, khiêu vũ.
Ngày 30-8-1945, trên lầu Ngũ Phụng - Ngọ Môn, trước hơn 5 vạn nhân dân Huế, Hoàng đế Bảo Đại đã trao ấn và kiếm - tượng trưng đế quyền - cho phái đoàn Chính phủ Cách mạng, chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ trên đất nước ta.
Hoàng đế ngự phê trên Châu bản bằng ba loại văn tự Việt, Pháp, Hán và sử dụng các hình thức phê như châu điểm, châu phê, châu cải, châu sổ.
Ngự phê của Hoàng đế Bảo Đại tập trung chủ yếu trên các văn bản có nội dung phản ánh các việc kinh tế, thưởng phạt quan lại, tế lễ, ngoại giao.