Tìm thấy hai kiến trúc cổ ở Cổ thành Luy Lâu

28 Tháng Giêng 20237:13 SA(Xem: 1367)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA – THỨ BẨY JAN 28, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Tìm thấy hai kiến trúc cổ ở Cổ thành Luy Lâu


Trinh Nguyễn


08/01/2023 Thanh Niên


Hai kiến trúc cổ đã được tìm thấy trong đợt khai quật mới nhất ở Cổ thành Luy Lâu


10 năm nghiên cứu thành cổ Luy Lâu


Cuộc khai quật cuối năm 2022 của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các nhà khoa học từ Trường ĐH Đông Á (Nhật Bản) tại Khu di tích thành cổ Luy Lâu (H.Thuận Thành, Bắc Ninh) đánh dấu cột mốc mới trong cuộc nghiên cứu đã kéo dài 10 năm đối với di tích này. Trong thời gian đó, các nhà khoa học tìm mọi cách để hiểu quy mô, cấu trúc, niên đại, vị thế, vai trò của Luy Lâu - một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa trong giai đoạn lịch sử 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở VN và khu vực Đông Á.


image006Hiện trường khai quật nhìn từ trên cao


Báo cáo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết sinh hoạt, cư trú là các đống tro than, mảnh đồ gốm nằm lẫn trong lớp đất bồi phù sa. Họ cũng tìm thấy 2 kiến trúc thời Lục triều (Trung Quốc)) xây trùm lên nhau và trùng hướng.


Kiến trúc thứ nhất có hai bên tường xây chạy song song, trong lòng lát một lớp gạch, cấu trúc gần hình thang úp ngược, trên miệng rộng 0,9 m, dưới đáy rộng 0,7 m. Kiến trúc được xây dựng khá cẩn thận, tuy nhiên gạch xây dựng được tận dụng lại có kích cỡ dày mỏng khác nhau, niên đại từ thế kỷ 1 - 4.


Kiến trúc thứ hai xây bằng gạch, tạo khối đặc rất kiên cố, xây giật cấp thu dần vào trong gần giống cuốn vòm, mặt phía đông còn khá nguyên vẹn. Kiến trúc này tiếp tục có hướng tiến về phía nam, phía bắc theo dọc lòng tường thành. Gạch sử dụng xây tường có nhiều kích cỡ khác nhau, trang trí các loại hoa văn hình ô trám dạng lưới, vòng tròn đồng tâm, chữ S... niên đại khoảng từ thế kỷ 1 - 4.


Với mức độ dày đặc mật độ làng mạc, di tích di chỉ, chỉ có thể là một trung tâm của Giao Chỉ mới sầm uất như vậy. Nên chúng tôi cho rằng đây là đất Giao Chỉ.


GS Hoàng Hiểu Phấn, Trường ĐH Đông Á (Nhật Bản)


TS Nguyễn Viết Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết: “Quan sát cho thấy hai kiến trúc này được xây ở hai thời điểm khác nhau, kiến trúc thứ nhất xây trước, sử dụng một thời gian và bị vùi lấp. Sau đó, kiến trúc thứ hai được xây dựng lên trên, cùng hướng, tuy nhiên phần móng của kiến trúc thứ hai không trùng với tường phía tây của kiến trúc thứ nhất mà nằm lệch vào trong lòng của kiến trúc thứ nhất”.


Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy phế tích kiến trúc thời Tùy - Đường, thời Nguyễn và nhiều di vật như vật liệu xây dựng là các loại gạch chữ nhật, gạch múi bưởi. Số gạch này có nhiều màu như vàng nhạt, đỏ và xám xanh. Chúng cũng có hoa văn trang trí khá phong phú như: ô trám dạng lưới, vòng tròn đồng tâm, chữ S. Ngói tìm thấy có dạng ống và lòng máng. Bên cạnh đó là các mảnh đồ gia dụng bằng đất nung, sành và gốm men thuộc các loại hình như bát, đĩa, bình, vò... Ngoài ra, ở nửa phía tây trong lớp đất đắp thành thời Lục triều tìm thấy một số tiền đồng Ngũ Thù. Các di vật thu được trong hố khai quật có niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ 1 đến tận đầu thế kỷ 20.


Phát hiện mới về kiến trúc, tường thành Luy Lâu


Theo TS Đoàn, hiện tượng tiền đồng vẫn xuất hiện ở trong lớp đất đắp thành giai đoạn Lục triều, tuy không nhiều như ở tường thành phía bắc, có thể liên quan là một nghi lễ của người xưa trong quá trình xây đắp tường thành.


image008Các nhà nghiên cứu trong cuộc khai quật tại Luy Lâu. BTLS cung cấp


Ông Đoàn cũng so sánh chiều cao tường thành ở Luy Lâu với Cổ Loa. Theo đó, lũy thành ở Cổ Loa cao từ 4 - 5 m, có vị trí cao từ 8 - 12 m rất phù hợp với việc bảo vệ và phòng thủ trong quân sự. Trong khi ở Luy Lâu tường thành đắp ở giai đoạn Lục triều khá thấp, độ cao từ 1,5 - 1,8 m, khả năng chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài vào trong nội thành là rất thấp. “Nhiều khả năng việc đắp tường thành ngoại Luy Lâu trước hết là tường bao ngăn cách nội thành với bên ngoài. Bên cạnh đó nó còn có chức năng giống như một con đê ngăn nước từ con sông Dâu vào mùa mưa lũ, hoặc xây dựng kiến trúc ngay trên mặt thành”, TS Đoàn cho biết.


Nhóm nghiên cứu người Nhật Bản cho rằng kiến trúc thời Lục triều lần này tìm thấy chính là phần tường thành phía tây. Chúng có cách xây dựng rất giống với tường thành Kiến Khang thời Lục triều. Trong khi đó, các nhà khoa học Việt lại cho rằng đây là bó nền của một công trình kiến trúc có quy mô rất to lớn. Điều này căn cứ vào cấu trúc xây dựng khối đặc rất chắc chắn, được đắp một lớp đất sét trên có lớp ngói đầm chắc, thường dùng để gia cố nền trong lòng của kiến trúc. Thêm vào đó, vị trí xây dựng các kiến trúc này rất gần với bờ sông Dâu nên có thể liên quan đến hoạt động của cảng thị Luy Lâu xưa.


Ông Đoàn cũng đề nghị: “Lần đầu tiên trong lòng tường thành Luy Lâu tìm thấy một, hai kiến trúc có hình dạng độc đáo, quy mô lớn, được xây dựng trước khi tiến hành đắp tường thành. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần có phương án bảo quản và có kế hoạch khai quật mở rộng để làm rõ quy mô và chức năng của kiến trúc”.


GS Hoàng Hiểu Phấn, Trường ĐH Đông Á, cho biết quá trình khảo sát di tích còn cho thấy xung quanh khu vực thành này có các làng mạc, cho thấy người dân cư trú rất rộng, chứng tỏ đây là khu đô thị sầm uất. “Xung quanh thành này có cả khu vực trung tâm làng mạc, đền miếu, tập trung nhiều thứ. Đó chính là một quần thể cho thấy trung tâm đô thị. Với mức độ dày đặc mật độ làng mạc, di tích di chỉ, chỉ có thể là một trung tâm của Giao Chỉ mới sầm uất như vậy. Nên chúng tôi cho rằng đây là đất Giao Chỉ”, vị GS cho biết. Cũng theo GS Hoàng Hiểu Phấn, trong lịch sử VN, giai đoạn thế kỷ 10 về sau được nghiên cứu kỹ. Trong khi đó, giai đoạn từ thế kỷ 10 về trước còn mơ hồ, nên đấy cũng là điểm các nhà khoa học tập trung trong nghiên cứu này.


+++++++++++++++++++++++++++++++


Bối cảnh trung tâm Phật giáo Luy Lâu ở nước ta những thế kỷ đầu Công nguyên (Hưng Trung)


Posted on 01/08/2022 by Ngọc Chí


Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, trên lãnh thổ của đế quốc Hán đã tồn tại ba trung tâm Phật giáo lớn là: Lạc Dương, Bành Thành và Luy Lâu. Trong đó, Luy Lâu dường như là trung tâm ra đời sớm nhất so với hai trung tâm còn lại. 


TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO Ở TRUNG HOA VÀ GIAO CHỈ THỜI ĐẦU CÔNG NGUYÊN


Trước khi phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, Phật giáo ở Trung Hoa quy tụ thành hai khu vực chính xung quanh Lạc Dương và Bành Thành. 


Lạc Dương vào thời nhà Đông Hán là kinh đô của vương triều Hán, xây dựng trên bờ sông Lạc (Lạc Thủy), ở mạn Nam sông Hoàng Hà, nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Sử sách ghi lại rằng, vào thế kỷ II, vua Hán Hoàn Đế (lên ngôi năm 165) đã tiếp xúc với Phật giáo và thờ Phật Thích Ca trong cung điện. Mặc dù, nhà vua vẫn còn lui tới nơi thờ tự Lão Tử nhưng việc thờ Phật cho thấy Phật giáo bước đầu đã có vị thế trong triều đình nhà Hán như một hệ tư tưởng mới, giải đáp thắc mắc về tâm linh giải thoát khổ đau cho quý tộc nhà Hán. Trong thành Lạc Dương đã xuất hiện việc dịch kinh Phật từ tiếng Phạn do các nhà sư Thiên Trúc, Trung Á và Trung Hoa đảm nhiệm. Nhà sư An Tức và An Thế Cao, An Huyền cùng phiên dịch kinh điển với An Phú Điều (người Hán). Hai ngôi chùa lớn nhất là Bạch Mã và Hứa Xương cũng được xây dựng tại Lạc Dương.


Bành Thành là đất xưa của nước Sở, nằm ở hạ lưu sông Trường Giang (nay thuộc tỉnh Giang Tô). Từ giữa thế kỷ I, sử sách đã ghi nhận hiện tượng một số nhà quý tộc vừa sùng kính đạo Lão vừa sùng thượng Phật giáo. Hậu Hán Thư của Ban Cố viết, Sở vương Lưu Anh (con vua Hán Quang Vũ) di cư đến Bành Thành và tại đây ông “tụng niệm lễ cao siêu của Hoàng Lão và sùng thượng ý nhân từ của Phật Giáo”. Ông còn ăn chay, sám hối và cúng dường. Đến năm 65, tại Bành Thành đã có một tổ chức Phật giáo gồm các nhà sư ngoại quốc và cư sĩ người Hán. 


Luy Lâu là trị sở của Giao Chỉ, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ Luy Lâu có tuyến thủy bộ nối với Bành Thành và Lạc Dương. Các thương nhân Ấn Độ và Trung Á đến đây buôn bán từ rất sớm và theo sau họ là các nhà Sư đến truyền đạo. Sách sử nhà Hán không có nhiều ghi chép về tình hình Luy Lâu vì đây là nơi biên viễn, nội thuộc lỏng lẻo. Song sự phát triển của Phật giáo ở Luy Lâu rất quan trọng, bởi nơi đây phát xuất tác phẩm Phật giáo sớm nhất viết bằng chữ Hán: “Lý hoặc Luận” của Mâu Tử viết vào thế kỷ II. 

image010

Truyện Chử Đồng Tử của nước ta có kể về việc Đồng Tử gặp nhà sư Ấn Độ và tu hành theo lời dạy của Ngài. Đó có thể là bằng chứng dân gian khá sớm về việc Phật giáo đã ảnh hưởng đến dân tộc ta hồi đầu Công nguyên. Trong sách Ngô chí có chép một bức thư của Viên Huy gửi Thượng thư lệnh Tuyên Húc năm 207, có đoạn khen Thái thú Giao Châu là Sĩ Nhiếp gìn giữ sự ổn định nơi đây trong hơn 20 năm. “Khi ra vào thì chuông khánh được đánh lên, uy nghi đủ hết, kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe đốt hương thường có mấy mươi người” [1]. Người Hồ ở đây chỉ các nhà sư Ấn Độ, lúc bấy giờ đã có nhiều nhà sư như vậy truyền đạo ở Giao Châu và bản thân Sĩ Nhiếp cũng mộ đạo nên thường đi cùng chư Tăng. 


Tác phẩm “Lý hoặc Luận” của Mâu Tử cũng có thể cung cấp một khía cạnh khác về tình hình đạo Phật ở Giao Châu. Theo đó, số lượng tu sĩ Phật giáo nơi đây đã khá đông đảo. Kết hợp với việc dịch kinh của sư Khương Tăng Hội (khoảng năm 200-247) cho thấy, ít nhiều tại Giao Châu, Phật giáo phổ biến và trường lớp dạy Phật học quy tụ tương đối đông người học. Trong bài tựa kinh An Ban Thủ Ý do ông dịch và chú giải, ông viết: “Tăng Hội tôi, sinh ra mới tới tuổi vác nổi bó củi thì cha mẹ đã qua đời. Bậc tam sư cũng đã theo nhau khuất núi. Mỗi khi ngước nhìn mây trời thường không khỏi cảm thấy xúc động, buồn thương rơi lệ” [2].


“Bậc tam sư” được nhắc đến ở đây là ba vị sư (Hòa thượng, Yết ma, Giáo thụ) làm chủ lễ thụ giới cho Khương Tăng Hội. Ở Trung Hoa, từ giữa thế kỷ III trở đi khi thụ giới cần đến bậc tam sư. Ngoài ra, Lương Cao Tăng truyện cho biết song thân của sư Tăng Hội là người Khương Cư (Trung Á) sang Giao Châu làm nghề buôn bán, khi ông lên mười tuổi thì cả cha và mẹ đều qua đời. Như vậy, có thể thấy, Khương Tăng Hội đã xuất gia, học Phật ở Giao Châu, đồng thời tinh thông cả Hán và Phạn ngữ ở đấy, chú giải, trước tác sách vở ở Giao Châu, rồi sau mới đến Giang Đông truyền đạo.

image011

Một tài liệu khác là Thiền Uyển Tập Anh ghi chép về tình hình Phật giáo Luy Lâu rõ nét hơn. Sách viết, khi Thái hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) nhà Lý hỏi Thiền sư Trí Không (tức Quốc sư Thông Biện) về thời gian đạo Phật truyền đến nước ta. Ngài đã trình bày vắn tắt lịch sử rồi dẫn lời sư Đàm Thiên (người Trung Quốc) trả lời Tùy Văn Đế về Phật giáo Giao Châu: Một phương Giao châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn 20 ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu Đà La, Ma La Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó [3]. Mãi đến cuối thế kỷ VI, Pháp Hiền Thượng sĩ (dòng Tì Ni Đa Lưu Chi) vẫn dạy dỗ đồ chúng hơn 300 người tại chùa Chúng Thiện vùng Luy Lâu. 


Thời điểm hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu rất có thể do ảnh hưởng của tư trào Đại thừa Phật giáo Ấn Độ bắt đầu từ đầu Công nguyên. Đây là một tư trào Phật giáo rất năng động và tích cực, kết hợp sự nhuần nhuyễn phóng khoáng, không cố chấp với một nhiệt tình sôi nổi, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Sự truyền bá Phật giáo Đại thừa mang hai đặc điểm lưu ý:


Thứ nhất, đó là sự xâm nhập hòa bình không kèm theo xâm lăng quân sự. Các vương quốc Ấn Độ hóa hình thành rải rác tại bán đảo Mã Lai, quần đảo Indonesia và Đông Dương những thế kỷ đầu Công nguyên thật ra là độc lập với các vương triều Ấn Độ, dù tại triều đình của các vương quốc này có nhiều cố vấn, quan lại, tu sĩ Phật giáo người Ấn. 


Thứ hai, sức ảnh hưởng của Phật giáo với các vương quốc Ấn Độ hóa là lớn lao so với ảnh hưởng của đạo Bà La Môn. Bởi Phật giáo nhấn mạnh đến tính bình đẳng, không phân biệt đẳng cấp, chủng tộc, dân tộc. Vì vậy, Phật giáo du nhập vào bất cứ đất nước, dân tộc nào cũng dễ dàng thích ứng với phong tục, tập quán và hoàn cảnh lịch sử của nơi đó. Những đặc tính ưu việt này của Phật giáo lại càng được tăng cường với sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa. Văn hệ Bát nhã tiêu biểu cho làn sóng đầu tiên của Đại thừa xuất hiện lần đầu ở miền Nam Ấn Độ rồi phát triển lên phía Bắc, vượt qua biên giới núi non và hoang mạc hiểm trở, đến hành lang Trung Á và Trung Hoa, phía biển thì dong buồm thẳng đến Đông Nam Á, trong đó có Đông Dương rồi cũng lại đến Trung Hoa. Rõ ràng, tất cả các hải cảng vùng Đông Ấn đều tham gia vào sự nghiệp chung truyền bá văn minh Ấn Độ ra ngoài Ấn Độ nhưng các hải cảng phía Nam Ấn cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp đó [4].


VAI TRÒ KINH TẾ, CHÍNH TRỊ VÀ VĂN HÓA QUAN TRỌNG CỦA LUY LÂU


Như vậy, trong các thế kỷ đầu Công nguyên, Phật giáo ở Luy Lâu đã là một hiện tượng phổ biến và khá thịnh vượng. Được như vậy là do vị trí đắc địa của vùng trong tương quan địa chính trị khu vực.


Luy Lâu (có gốc là Dâu, phiên âm Hán Việt là Luy Lâu) là một trong ba thị trấn cổ (Cổ Loa, Long Biên, Luy Lâu) của nước ta thời cổ, nằm trên bờ sông Dâu, cách sông Đuống 5km về phía Bắc. Luy Lâu có nghề trồng dâu nuôi tằm rất phát triển, tơ lụa, vải vóc được làm ra nhiều. Nhiều con đường thủy bộ quan trọng của nước ta bấy giờ đều qua Luy Lâu. Con đường bộ đi Phả Lại, Đông Triều, Quảng Ninh đến biên giới Việt-Trung. Con đường thủy từ Dâu nối sông Đuống, sông Hồng ra biển, hoặc nối với sông Lục Đầu, sông Thái Bình ra biển. Vị trí giao thông tiện lợi đó đã khiến Luy Lâu trở thành một trung tâm kinh tế sầm uất. Nông thổ sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bằng sông Hồng được tập trung về đây. Rồi từ đây, vải vóc, đồ thủy tinh, đồ sành sứ, đường mật… của đồng bằng lại ngược lên vùng trung du và miền núi. Khách buôn người Hán lẫn Ấn Độ, Trung Á cũng tìm đến đây để trao đổi, mua bán. Hàng hóa họ mua được, phần thì đưa về nước mình, phần thì tiếp tục theo đoàn để buôn bán ở các nơi khác. 


image012Trong các thế kỷ đầu Công nguyên, Phật giáo ở Luy Lâu đã là một hiện tượng phổ biến và khá thịnh vượng. Được như vậy là do vị trí đắc địa của vùng trong tương quan địa chính trị khu vực.


Luy Lâu đã là trung tâm thương mại lớn mang tính quốc tế, cho nên người ngoại quốc ngụ cư hay qua lại rất đông. Các đoàn sứ thần những vương quốc phía Nam trước khi đến kinh đô Lạc Dương của vương triều Hán, hoặc đến Trường An, Kiến Nghiệp (Nam Kinh) đều dừng lại một thời gian ở Luy Lâu để thăm hỏi tình hình Trung Nguyên. Điều đó càng hợp với Tăng sĩ Ấn Độ hay Trung Á dự định đến Trung Hoa truyền giáo. Họ ở lại Luy Lâu làm quen với ngôn ngữ, văn tự và phong tục tập quán người Hán. Tại Luy Lâu, họ có thể bắt đầu dịch kinh điển từ Sanskrit sang chữ Hán dựa vào sự cộng tác của Tăng sĩ người Việt vừa giỏi chữ Hán vừa tinh thông chữ Phạn. Ở chiều ngược lại, Tăng sĩ người Hán muốn nhập Trúc cầu pháp cũng thường ghé Luy Lâu để học tiếng Phạn và tiếp xúc với chư Tăng Ấn Độ ở Giao Châu, thông qua họ tìm lộ trình thuận lợi nhất để đi sang Ấn Độ.


Không chỉ là trung tâm kinh tế và văn hóa, Luy Lâu còn là trung tâm chính trị của chính quyền đô hộ phương Bắc trong nhiều thế kỷ.


Nhà Hán sau khi chiếm được nước Nam Việt của Triệu Đà đã giữ Luy Lâu làm trị sở của Giao Chỉ. Trong sách sử của nhà Hán chép tên 10 huyện của Giao Chỉ, Luy Lâu là cái tên đầu tiên.


Mùa xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bùng nổ, quân sĩ dưới sự lãnh đạo của Hai Bà tiến đánh Luy Lâu, Thái thú Tô Định phải bỏ chạy. Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa, nhà Hán tiếp tục xây dựng lại trị sở mới ở Luy Lâu. Đến năm 142, Thái thú Châu Xương do lo sợ mối đe dọa từ các cuộc khởi nghĩa nên dời trị sở về huyện Long Biên, rồi đến cuối thế kỷ II lại dọn về trị sở Luy Lâu như trước. Vào thời gian này, Sĩ Nhiếp nhậm chức Thái thú Giao Châu. Với ý đồ muốn khoanh vùng quyền lực, hạn chế ảnh hưởng của động loạn chính trị từ Trung Nguyên, Sĩ Nhiếp bỏ nhiều công sức để xây dựng Luy Lâu thành một đô thị lớn, một thành lũy vững chắc.


Sau khi Sĩ Nhiếp qua đời, con trai là Sĩ Ngẩm (Sĩ Hâm) lên thay cha, chưa kịp thực hiện ý định gì thì nhà Hán sụp đổ, Giao Châu rơi vào tay nhà Ngô, Sĩ Ngẩm chống cự lại mệnh lệnh của nhà Ngô nên bị diệt tộc. Trị sở bị dời khỏi Luy Lâu, từ đó Luy Lâu trở thành một huyện lị. Đến thời nhà Đường, trị sở mới của đô hộ phủ đặt tại thành Tống Bình rồi lại dời về Luy Lâu như trước. Đến năm 824, viên đô hộ Lý Nguyên Hỷ rút khỏi Luy Lâu. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép về việc này như sau: “Mùa đông tháng 11 năm 824, Lý Nguyên Hỷ nhận thấy cửa đô thành, có một con sông nước chảy ngược, cho rằng cư dân hay nảy ý phản loạn, bèn chuyển về địa điểm thành Tống Bình”. 


Trải qua nhiều thế kỷ là trị sở của Giao Chi, Luy Lâu có điều kiện truyền bá và phát triển đạo Phật. Tuy kẻ đô hộ ở đây là người phương Bắc, vốn mang thế giới quan Nho giáo, đạo Lão và phương thuật phương Bắc, nhưng thực tế, họ không thể không thừa nhận ưu thế của Phật giáo so với các tư tưởng đương thời, đặc biệt về con đường giải thoát khỏi đau khổ trầm luân. Điều đó khiến tầng lớp thống trị dần dần đi đến chuyển biến trong nhận thức và thái độ, nhận thấy Phật giáo là hay, là cần thiết, từ đó cho phép người Thiên Trúc lập am, tự, viện, truyền đạo, lại còn mời họ đến giảng đạo cho mình. Tình hình đó đã ảnh hưởng đến thuộc viên người bản xứ và dân chúng quanh vùng. Số lượng người dân theo đạo Phật càng lúc càng đông đảo. 


Từ trung tâm kinh tế và chính trị, Luy Lâu có điều kiện trở thành trung tâm văn hóa. Người Hán có học, do chạy loạn ở phương Bắc hay do mến mộ phương trời thanh bình đã tụ họp về đây. Những thương nhân Ấn Độ, Trung Á, Java… đến đây cũng là những người có kiến thức và giàu có. Cái họ mang đến không chỉ là hàng hóa cần thiết cho trao đổi mà còn là kiến thức mọi mặt của quê hương xứ sở của họ như: Thiên văn, y học, nông học, phong tục tín ngưỡng… Luy Lâu vô hình trung trở thành một nơi hội tụ của các luồng văn hóa. Ngôn ngữ ở Giao Châu, tiếng Phạn, tiếng Hán đều có dịp được sử dụng trong buôn bán và truyền đạo. Số người thông thạo cả ba ngôn ngữ chắc hẳn phải đông, có lợi cho việc giảng và dịch kinh điển Phật giáo về sau. 


Phật giáo bấy giờ có một số nét đặc sắc do bản địa hóa. Người dân chất phác quan niệm Phật như một vị thần có thể hiểu thấu mọi suy tư, hành vi của con người, có thể cứu giúp người tốt và trừng trị kẻ xấu, đó là nguyên mẫu hình tượng Bụt văn hóa dân gian Việt Nam. Phật lại cũng có rất nhiều phép lạ, như hình tượng Tứ Pháp của Luy Lâu. Phật giáo đã góp phần tạo cho vùng Dâu nói riêng và đồng bằng Bắc Bộ nói chung một hình tượng thân thương và tốt đẹp mà người dân không bao giờ quên. 


THAY LỜI KẾT


Phật giáo ở Luy Lâu là bước sơ khởi nhưng vững chãi của công cuộc du nhập Phật giáo vào nước ta, tương hợp với tâm lý và thế giới quan của người dân chất phác, lương thiện vùng đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, Phật giáo đã có sức sống bền vững duy trì mãi đến ngày nay. Luy Lâu đã trở thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, vừa có tính chất giai đoạn, vừa có tính chất trường cửu trong lịch sử lâu dài của Phật giáo nước ta.


 Chú thích:


[1] Nguyễn Tài Thư (Chủ biên) (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, tr.34.


[2] Tham khảo thêm tác phẩm Thiền sư Khương Tăng Hội của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Nxb. Phương Đông.


[3] Tham khảo thêm Lê Mạnh Thát (2006) (dịch), Thiền Uyển Tập Anh ngữ lục, Quyển thượng, Nxb. Phương Đông. 


[4] Louis de La Vallée Poussin (1935), Dynasties ett Histoire de l’Inde depuis Kanishka jusqu’aux invasión musulmanes, Boccard, Paris, p.293.


Nỗi buồn Cổ thành Luy Lâu


Minh Phúc


01/07/2019


Cổ thành Luy Lâu thuộc xã Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - từng nhiều lần được vinh danh từ trong sử sách, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, công trình với các hệ giá trị tuyệt đẹp ấy đang bị xâm hại. Một quần thể di tích rộng lớn và có bề dày lịch sử bị hoang phế.


image013Cả thành cổ lộng lẫy, nguy nga là thế, nhưng thiếu biển chỉ dẫn. Chiếc cổng này được làm từ nguồn kinh phí, nguyện vọng thiết tha của nhân dân và các phật tử hảo tâm.


Di tích bị bỏ quên


Hoang phế, bị xâm hại, xấm chiếm, đó là bức tranh còn sót lại cuối cùng được chúng tôi ghi lại trng một bức ảnh buồn day dứt. Bức tranh đó và cả những gì ngổn ngang, bừa bãi hiển hiện ra trước mắt, khiến ai lấy cũng phải giật mình nghĩ về nỗi đau di sản. Những người dân sống trong khu vực bảo rằng, từ nhiều năm qua, đã có nhiều nhà khảo sát cổ học lừng danh về đây để tiến hành nghiên cứu, đo đạc về địa mạo, địa chất, đặng tìm ra lời giải cho một đại công trình có tầm cỡ như Luy Lâu. Vậy mà lần nào đến họ cũng tràn đầy nhiệt huyết, ghi chép có số liệu rất tỉ mỉ, nhưng khi hỏi về tương lai xây dựng lại một thành cổ, khôi phục hiện trạng để bảo tồn đúng cách, thì không ai có câu trả lời xác đáng. Theo họ, một mặt, vì toà thành đã trở nên quá lâu đời, nên việc xác định lại mọi giá trị vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, nghĩa là thành vẫn nằm trong danh mục được bảo tồn, nhưng vẫn phải chờ.


Mặt khác, đã được cấp trên công nhân về nhiều mặt, rất mong muốn bảo tồn, tôn tạo, trung tu di tích nhưng cái khó vẫn nằm ở phần kinh phí. Nên năm tháng trôi qua, đến tận bây giờ, không chỉ riêng người Bắc Ninh mà cả những người ở xa xôi nghìn dặm cũng đã biết đến di tích cổ xưa này. Họ tìm đến chiêm bái, khám phá, nghiên cứu, thậm chí có những trăn trở để tìm ra một lối thoát khả dĩ cho một dấu tích “muôn nghìn năm giá trị”, song tất cả cũng chỉ là cơn gió thoảng bay. Toà thành ngày qua ngày vẫn nằm im giữa nhiều nghìn mét khối đất đá, giá trị và nhiều hệ giá trị dù được “đảo bới”, được nghiên cứu vẫn chưa thấy một dấu hiệu khả quan nào để phục dụng một di tích cấp quốc gia như thế.


Hôm ấy, khi chúng tôi được tham dự một đoàn khảo sát thực địa về với Bắc Ninh, thì bất ngờ nhận được rất nhiều lời kêu cứu từ phía bà con, thậm chí trong đó có những cán bộ yêu văn hoá tỉnh nhà. “Bây giờ chẳng con mấy ai biết về quá khứ một thời vàng son của thành cổ Luy Lâu nữa, mà chỉ thấy nó ngổn ngang như một phố tích”- một người sống quanh vùng nói.


Bảo tồn giá trị văn hóa


Thành cổ Luy Lâu có từ thời Bắc thuộc. Qua hàng nghìn năm, cuộc sống đổi thay, dấu vết lịch sử như xoá mờ đi tất cả, khiến thành cổ chỉ còn nằm gọn trong lòng đất thâm u và cô tịch này. Dù đã được công nhận là một di tích Quốc gia từ năm 1964, nhưng hỏi nhiều người dân chúng tôi vẫn không thấy ai chỉ được đúng đường vào trong thành. Thay vào đó, chỉ nhận được những lời ca thán, trách móc, vì thành cổ đã bị xâm hại.


Bà Nguyễn Thị Hạt- một người dân làng Lũng Khê bức xúc: “Tôi sống ở đây đã quá nửa cuộc đời, đủ khôn để hiểu về các giá trị của thành Luy Lâu. Ngày xưa, toàn bộ khu vực này vẫn còn hoang vắng lắm. Dường như dân cư rất thưa thớt, cỏ cây, hoa lá mọc khắp nơi. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, người ta thi nhau “nhảy dù” vào lấn chiếm, chẳng cần quan tâm là di tích hay lịch sử quốc gia”.


Để có thể xác định chính xác được thành Luy Lâu, chúng tôi phải đứng trên một địa điểm cao nhất. Nhìn từ xa, cả trung tâm thành cổ bị bao vây ba bề bốn bên bởi những toà ngang dãy dọc mọc lên san sát. Bờ tường thành cũ không còn nhiều dấu vết bởi cỏ cứ thể mọc um tùm, choán hết lối đi. Đặc biệt không còn nhìn thấy bất kỳ dấu vết nào là quan trọng khi mà người dân đã “tự tiện” san bờ để làm ruộng, làm nhà. Ông Nguyễn Văn Luận - một người sống lâu năm ở đây cho biết: “Hầu hết toàn bộ thành phía Nam này đã bị lấn chiếm, đào bới, đóng gạch. Từ nhiều năm nay, chính quyền đã vào cuộc xử lý nhiều lần nhưng năm ngoái, do xã cho giải quyết đất ở nên có tình trạng đập tường thành để mở đường. Bây giờ không biết xã đã giải quyết đến đâu”.


Để hiểu rõ về thực trạng này, chúng tôi tìm đến Bảo tàng Bắc Ninh (lúc bây giờ là Ban Quản lý di tích), thì được biết, trước đây Phòng thông tin huyện Thuận Thành và UBND xã Thanh Khương có tiến hành đo đạc, lập biên bản và khoanh vùng để bảo vệ di tích trước nạn “xâm chiếm” gay gắt. Diện tích tính đến thời điểm đó là 103.518 m2, nhưng khi được hỏi thì chính quyền xã Thanh Khương cho biết chỉ còn 100.000 m², nghĩa là thành cổ giờ chỉ còn 77.000 m2.


image014Không có kinh phí, nhiều hạng mục xây dựng ở đền thờ Sĩ Nhiếp vẫn được xây dựng theo kiểu chắp vá như thế này.


Lý giải về con số chênh lệch đó, ông Nguyễn Duy Kha - cán bộ văn hoá xã, phó ban Quản lý di tích giải thích rằng: “Cho đến bây giờ, quan điểm nhất quán của xã cũng như huyện là quản lý thành cổ vẫn dựa trên việc bảo tồn. Diện tích nhà nước giao thế nào địa phương vẫn quản lý đúng quy trình. Chỉ có một bộ phận diện tích do năm 1992 chia ruộng lâu dài, lúc đẩy việc quản lý về đất đai, di tích không chặt chẽ nên có một số diện tích giao cho dân để làm ruộng reo cấy vụ mùa, một bộ phận diện tích giao cho dân đấu thầu”.


Đã hơn 40 năm trôi qua, thành cổ Luy Lâu cũng không có cổng chính, không có một biển báo giới thiệu hướng đi vào thành cổ. Chiếc cổng đơn sơ được dùng là do nhân dân và các phật tử quyên góp xây dựng. Còn chính những người chịu trách nhiệm trong quản lý thành cổ lại đưa ra lý do: “Cổng đấy không phải là do Uỷ ban chịu trách nhiệm thi công mà do một bộ phận phật tử công đức tự làm. Cũng đã có 3 phương án làm đường đi vào 3 thôn, đường bê tông đi vào cổng thành, vào chùa, rồi làm cổng nhưng không có kinh phí nên tất cả đành phải “bỏ ngỏ”. Điểm nhấn của toàn bộ thành cổ còn lại đến bây giờ là chùa Phi Tướng và đền Lũng nằm trong thành. Chùa Phi Tướng được các nhà nghiên cứu cho rằng là nơi đầu tiên Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam. Còn đền Lũng thờ Thái Thú Sĩ Nhiếp, là người có công truyền bá dạy chữ Hán vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Nhưng cả ngôi chùa và ngôi đền vẫn hoang sơ, tiêu điều, bừa bộn.


Cho đến tận bây giờ, giới khảo cổ Việt Nam chưa phát hiện được khu di tích nào có mật độ di tích phong phú, đa dạng và rộng lớn, phản ánh vai trò và tính chất một thủ phủ, một đô thị lớn trong thời Bắc thuộc như Luy Lâu. Huy hoàng một thuở là thế nhưng đến Luy Lâu bây giờ, chẳng còn mấy ai biết về quá khứ của thành cổ, về một thời vàng son của nó, mà chỉ nhìn thấy thành cổ trở thành một phế tích.


http://daidoanket.vn/noi-buon-thanh-co-luy-lau-440745.html


Luy Lâu ai nhớ, ai quên


QĐCT, 15/04/2022


Di tích lịch sử thành Luy Lâu là một minh chứng rõ nét sức sống mạnh mẽ, sự bao dung, cởi mở của dân tộc ta trong quá trình tiếp biến văn hóa. Nhờ thế, trải qua bao phen binh biến, xâm lược, đô hộ của kẻ thù, dân tộc ta không bị tiêu diệt mà còn xây đắp thêm sinh lực và bản lĩnh, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa, văn minh ngoại nhập, từ đó xây dựng nền văn hóa, văn minh Đại Việt.


image015Khu vực trước đây là trung tâm thành cổ Luy Lâu


Sức sống mãnh liệt


Từ nhiều thế kỷ nay, Luy Lâu đã là đối tượng biên chép, nghiên cứu của nhiều thế hệ nhà khoa học, trong nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, văn hóa. Các tài liệu này cùng với kết quả khảo cổ học cho thấy, thành Luy Lâu được xây dựng từ đầu Công nguyên và liên tục được sử dụng, tu bổ trong suốt thời Bắc thuộc. Đây là ngôi thành cổ, một căn cứ quân sự quy mô to lớn và kiên cố hạng nhất so với các di tích thành lũy hiện biết ở nước ta. Đây là trụ sở của quận Giao Chỉ thời Bắc thuộc-trụ sở hành chính và căn cứ quân sự của bộ máy cai trị nhà Hán-Đường ở Giao Châu.


TS Nguyễn Đình Luyện, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh được biết đến là một trong những nhà khảo cổ học có nhiều tâm huyết với việc nghiên cứu về thành Luy Lâu. Cùng GS Trần Quốc Vượng, TS Nguyễn Đình Luyện đã có rất nhiều chuyến khảo sát thực địa và khai quật khảo cổ học tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Ông qua đời năm 2020, nhưng chúng tôi có may mắn được tiếp cận những nghiên cứu của ông về thành Luy Lâu. Những tài liệu mà TS Nguyễn Đình Luyện để lại cho thấy: Qua trung tâm Luy Lâu, văn hóa Hán-Đường và Hán học đã được truyền bá và xâm nhập vào nước ta với cường độ mạnh mẽ, liên tục, với hệ thống quy củ, do bộ máy thống trị thực hiện là chủ yếu, bằng những biện pháp cưỡng chế, nhằm phục vụ cho âm mưu xâm lược, bóc lột và đồng hóa của phong kiến Hán-Đường. Nhưng, không phải vì thế mà truyền thống văn hóa của người Việt bị tiêu biến. Ngược lại, nó tỏ rõ sức sống mạnh mẽ để vừa đấu tranh, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa ngoại nhập.


Toàn bộ thành Luy Lâu nằm trên một dải đất cao bên tả ngạn sông Dâu cổ. Mặt thành quay về hướng tây, đầu kề bên dòng sông Dâu, thân nằm trọn trong lòng làng Lũng Khê, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), cách tỉnh lộ 182 khoảng 200m về phía bắc, cách sông Đuống khoảng 3km về phía nam. Thành đắp đất, kích thước khoảng 300x100m, gồm hai khu vực: Thành nội và thành ngoại. Trước đây, 4 góc thành có 4 trạm gác gọi là "tứ trấn". Ở đoạn giữa phần quay ra sông Dâu có một ngôi nhà nhỏ gọi là Vọng Giang Lâu.


 TS Nguyễn Đình Luyện chỉ ra rằng, thành Luy Lâu có hình chữ nhật, một sản phẩm điển hình của kiến trúc thành lũy thời Hán, nhưng không giống ở chính quốc. Thành uốn lượn theo địa hình, thế đất của Luy Lâu và được tạo nên bởi kỹ thuật đắp trực tiếp, vốn là kỹ thuật đào đắp truyền thống của người Việt. Quân thống trị ngoại bang đã tận dụng triệt để lợi thế cảnh quan địa hình để xây dựng thành. Truyền thống đắp lũy xây thành của người Việt-chủ nhân của tòa thành Cổ Loa-đã được những người xây thành Luy Lâu tiếp thu và vận dụng sáng tạo.


Các di tích lò ở Bãi Định, Mả Quan, Cánh Sở cùng hàng vạn vật phẩm gốm sứ, vật liệu xây dựng, đồ dùng sinh hoạt được tìm thấy trong các di tích cư trú, thành lũy, mộ táng ở Luy Lâu cho thấy, chúng được sản xuất tại chỗ, kết hợp giữa kỹ thuật sản xuất gốm sứ tiên tiến của người Hán với truyền thống sản xuất gốm của người Việt. Các lò đặt ở sườn gò, bãi đất cao ven sông, ven bến, có quy mô, cấu trúc nhỏ, được đắp bằng đất. Nguyên liệu chế tạo, nguyên liệu đun lò đều lấy tại chỗ (đất sét, rơm rạ). Việc tạo các rãnh thông lửa làm cầu lò, đường thoát khói, đắp bầu lò có tường lá mía để phân lửa ở các lò gạch ngói Bãi Định đã thể hiện sự sáng tạo của người thợ gốm Luy Lâu thời Bắc thuộc. Những lò như vậy vừa có thể sản xuất đồ sành, đồ bán sứ, đồ kỹ thuật cao, vừa có thể sản xuất đồ gốm, đất nung truyền thống, chế tác đơn giản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của người dân trong sản xuất và đời sống như chì lưới, suốt se sợi, nồi, bát, vại để đun nấu, cất đựng.


Tại thành Luy Lâu-trung tâm của bọn thống trị Hán-Đường, tiếng nói, địa danh, tên họ, phong tục của người Việt không bị Hán hóa mà vẫn được duy trì, bảo vệ. Công trình chùa Phi Tướng nằm trong nội thành Luy Lâu, với hệ thống kiến trúc cổ, bia đá cổ và đặc biệt là hệ thống tượng phật thờ, mà tiêu biểu là tượng bà Tướng (Pháp Lôi) và những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng... ở đây đã phần nào xác minh trung tâm Dâu nói chung và Luy Lâu nói riêng là trung tâm Phật giáo cổ của nước ta có từ trước và sau Công nguyên. Hay nói cách khác, tín ngưỡng thờ thần là các lực lượng thiên nhiên của người Việt cổ đã có từ trước đó, mà sau này các tôn giáo khác "du nhập, dung hội" với nó.


Cũng qua khảo sát, tìm hiểu thêm về các di tích, đền thờ tại đây, chúng tôi nhận thấy, số lượng các di tích thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, các tướng lĩnh người Việt ở Luy Lâu cũng như các vùng xung quanh đậm đặc hơn rất nhiều các di tích thờ thái thú, quan lại nhà Hán-Đường. Ngoài các đình, đền nổi tiếng như lăng Kinh Dương Vương, có thể kể đến như đền thờ Ả Tắc, Ả Dị-những nữ tướng của Hai Bà Trưng, đình Tú Tháp, Ngọ Xá, Mãn Xá, Công Hà, Nghiễm Lương... thờ các vị tướng thời Hùng Vương.


Chính vì những minh chứng trên, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đánh giá về Luy Lâu: “Hồn dân tộc sống mãi ngay giữa trung tâm đô hộ Hán” (Di chỉ khảo cổ vùng Dâu, Thông báo khoa học xã hội Hà Bắc, năm 1986).


Luy Lâu còn lại gì?


Đến nay, giới khảo cổ Việt Nam chưa phát hiện được thêm nơi nào có mật độ di tích phong phú, đa dạng và rộng lớn, phản ánh vai trò và tính chất một thủ phủ, đô thị lớn trong thời Bắc thuộc như Luy Lâu. Đã có 14 đợt điều tra, thám sát, khai quật được thực hiện nhiều lần ở đây. Lần này-lần thứ 15, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa cho phép Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Trường Đại học Đông Á và Đại học Shimane (Nhật Bản) khai quật khảo cổ tại di tích thành cổ Luy Lâu, từ ngày 25-3 đến 25-5-2022.


Với giá trị đặc biệt tiêu biểu của mình, ngay từ năm 1964, di tích thành Luy Lâu đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích cấp quốc gia, theo Quyết định số 29/VH-QĐ ngày 13-1-1964. Luy Lâu chứa đựng một khối lượng di tích, di vật và tài liệu vô cùng phong phú, đa dạng gồm các di chỉ cư trú, di tích thành lũy, mộ táng, các khu lò gạch ngói, các công trình kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng, dấu vết đường giao thông, bến bãi, phố chợ... Bảo tàng Bắc Ninh hiện đang lưu giữ gần 900 hiện vật, được khai quật, phát hiện từ tháng 12-1958 đến nay. Các nhà khảo cổ khi tìm kiếm tại đây đã phát hiện ra hàng loạt di tích và di vật có niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 4.000 năm).


Đặc biệt, tháng 11-1998 tại khu vực phía đông bắc thành, nhân dân địa phương đào đất làm gạch, một nhà khảo cổ Nhật Bản đến đã phát hiện được một mảnh của khuôn đúc trống đồng thời cổ. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng vì di vật trên rất hiếm thấy ở Việt Nam, nó chứng minh người Việt cổ đã có kỹ thuật đúc trống đồng từ rất sớm, tinh vi và điêu luyện.


image017Biển chỉ đường vào trung tâm Cổ thành Luy Lâu nằm khuất sau cột điện và bảng biển quảng cáo


Vàng son một thuở là thế, đáng tiếc, Luy Lâu ngày nay đã trở thành phế tích. Thành lũy, mộ táng, di chỉ cư trú, lò cổ,... bị đào xới, san bạt, trùm lấp do quá trình cư trú, canh tác và xây dựng của nhân dân địa phương. Biển chỉ đường vào thành cổ Luy Lâu nằm khuất sau cột điện và bảng biển quảng cáo là thông tin duy nhất giúp chúng tôi biết đang ở gần thành cổ Luy Lâu. Trên mặt đất thuộc khu vực lòng thành nay chỉ còn hai công trình liên quan đến thành là đền Lũng Khê (thờ Sĩ Nhiếp), chùa Phi Tướng (thờ Pháp Lôi) hiện đang được tu sửa, ngoài ra không có thêm bảng biển chỉ dẫn hay giới thiệu gì về ngôi thành đặc biệt này.


image019Đền Lũng Khê, một trong hai di tích còn lại của thành Luy Lâu hiện đang được tu sửa.


Di tích bị phá hoại, nhiều hiện vật, tài liệu bị xuất lộ, thất lạc. Nhận thức của cấp chính quyền cơ sở cùng nhân dân địa phương còn hạn chế do sự buông lỏng quản lý dẫn tới tình trạng lấn chiếm đất trong khu vực nội thành. Ngoài ra, người dân cũng đã đặt hơn 100 mộ táng kiên cố vào khu vực nội thành.


Xung quanh Luy Lâu đậm đặc các di tích lịch sử và kiến trúc quý, nổi tiếng như lăng Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu,... Dự kiến cuối năm nay, cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành với chiều dài 1.518m, 4 làn xe ô tô, lề bộ hành mỗi bên 2m sẽ hoàn thành. Từ đây giúp hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực bắc Đuống và nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh, giúp kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 38, Quốc lộ 5, Quốc lộ 17 và các tuyến tỉnh lộ 276, 287. Quãng đường khi du khách khi tham quan di tích lăng Kinh Dương Vương, thành Luy Lâu, chùa Dâu, sang chùa Phật Tích... được rút ngắn từ 20km xuống còn 5-7km. Trong bối cảnh ấy, với giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, rất cần phục dựng thành cổ Luy Lâu để người dân, du khách và thế hệ sau này hiểu về một thời kỳ lịch sử thăng trầm của đất nước.


Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT


Lễ rước và an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng gốm đỏ Luy Lâu


Trinh Nguyễn


08/12/2020 Thanh Niên


Sáng 7.12, nhiều tăng ni, phật tử trong cả nước đã có mặt tại đền Thái Tổ Trần Thừa (Nam Định) tham gia lễ rước và an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.


image021Người dân đến dự lễ rước và an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. BTC


Lễ rước và an vị tượng dự kiến kéo dài tới 20.12.2020, vượt qua gần 2.000 km để đến thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang). Sự kiện diễn ra dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Tượng thể hiện hình ảnh Đức Vua Trần Nhân Tông cởi bỏ hoàng bào ngồi bên suối để quy Phật bằng gốm đỏ Luy Lâu lớn nhất từ trước đến nay.


Theo ban tổ chức, ngày 14.12, phật tử sẽ được chiêm bái pho tượng này trong Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Việt Nam Quốc tự (Q.10, TP.HCM). Ngày 20.12.2020, tượng sẽ được an vị tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang). Cùng ngày, tại thiền viện trên sẽ có lễ đặt đá xây dựng quần thể không gian Thiền sư Việt.


Theo thượng tọa Thích Thanh Tịnh, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Đức Vua Trần Nhân Tông được biết đến như một vị hoàng đế anh minh, 2 lần lãnh đạo quân dân Việt đánh thắng quân Nguyên. Ngài cũng là nhà văn hóa xuất chúng, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà tu hành giác ngộ ở cảnh giới cao. Ngài để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

21 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 4870)
11 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5022)
13 Tháng Năm 2019(Xem: 8481)