VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA - THỨ HAI 24 JUNE 2024
Đi tìm vẻ đẹp Ca trù
Bài 6: CHUYỆN RIÊNG CỦA ĐÀO NƯƠNG
Ả đào. Ảnh của Charles-Edouard Hocquar chụp năm 1883.
Chuyện riêng của đào nương
Nguyễn Xuân Diện
http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/10/i-tim-ve-ep-ca-tru-bai-6-chuyen-rieng.html
Sau khoảng năm, sáu năm học tập chuyên cần, các cô đào làm một bữa tiệc để mời những người sành nhất trong vùng đến thường thức và nhận xét về trình độ. Nếu được công nhận, coi như được cấp “giấy phép hành nghề”, cô đào mới chính thức đi vào con đường nghệ thuật. Đào nương xưa phải tuân thủ hàng trăm thứ kiêng kỵ, cốt sao cho giữ được tiếng hát đẹp màu âm sắc và giữ được tiếng thơm của con nhà nền nếp.
Vào nghề theo nghiệp
Cô đào là người hát, còn kép là người đàn. Học hát ca trù là cả một công phu. Người nào thông minh cũng phải ba bốn năm ròng mới cầm được lá phách ra hát, còn thì nếu chỉ chuyên cần học tập cũng mất khoảng 5 năm. Khi việc học đã thành thục, để được đi hát, đào nương phải có trầu cau trình với Quản giáp.
Vị Quản giáp sai chia cho khắp phường để báo cho biết đào nương này đã thành nghề và ra hát. Bấy giờ giáo phường sẽ họp nhau một buổi để sát hạch, công nhận về kết quả học tập và trình độ. Các cô đào sẽ chọn ngày lành làm lễ báo cáo với tổ nghề, mời một “quan viên” có danh vọng và sành sỏi thưởng thức trong vùng, nổi tiếng phong lưu hào phóng đến nghe và cầm chầu cho buổi hát đầu tiên. Đó là một ngày tiệc vui vẻ ở giáo phường.
Từ đó, cô đào mới chính thức bước vào nghề hát, coi như được cấp “giấy phép hành nghề”, đi vào con đường nghệ thuật. Lễ này giáo phường gọi là lễ mở xiêm áo; và gọi là vậy thôi, chứ không có chuyện ai trao áo cho ai cả.
Đào nương xưa phải tuân thủ hàng trăm thứ kiêng kỵ, cốt sao cho giữ được tiếng hát đẹp màu âm sắc và giữ được tiếng thơm của con nhà nền nếp.
Để giữ gìn tiếng hát, các cô không uống rượu, kiêng ăn các đồ ăn cay, các chất mỡ. Có cô cầu kỳ còn dùng cơm nếp giã nhuyễn, nắm lại rồi cắt lát thành từng miếng mỏng, phơi khô để ăn dần, làm vậy là để khi ăn, miếng cơm sẽ quyện trôi đờm, tiếng hát sẽ trở nên thuần khiết trong trẻo.
Lại có câu chuyện rằng các cô nghe đồn nước ở cái giếng đền ca công làng Ngọc Trung xứ Thanh rất lành mà lại thiêng, đào nương nào tắm được bằng nước giếng này sẽ trở nên xinh xắn và có giọng hát thật đẹp. Các cô tìm vào cho bằng được, cố ăn uống, tắm giặt lấy vài ngày để lấy khước.
Ngoài chuyện kiêng ăn kiêng uống, các cô đào còn phải kiêng tên các vị tổ nghề. Khi hát đến các chữ Bạch, Hoa, Lễ, Thanh... thì các cô phải hát trệch đi thành Biệc, Huê, Lỡi, Thinh. Đến mỗi làng để hát thờ, các cô phải biết và nhớ tên các vị thần làng, có khi là đến cả chục cái tên, để mỗi khi hát đến những chữ đó cũng phải hát trệch đi, chứ nếu không nhớ ra mà cứ hát cả tên huý của các ngài thì cụ tiên chỉ cầm chầu sẽ gióng mấy tiếng trống mà dừng ngay cuộc hát lại.
Ngày xưa đào và kép thường là vợ chồng, anh em của nhau. Họ đều được học nghề từ một ông thầy, cũng một thời gian, lại hiểu biết các ngón nghề của nhau nên dùng tiếng đàn và tiếng hát nâng đỡ cho nhau rất nhiều. Vì thế ngày xưa đi thi hát ở đình người ta không cho đào và kép là vợ chồng, anh em với nhau vào thi cùng một lúc. Trong cuộc sống và trong nghề nghiệp, đào và kép rất trân trọng nhau, giữ gìn từng lời ăn tiếng nói và cùng nhau nâng cao nghề nghiệp cho nhau. Đào kép khi nhận được một lời mời đi hát ở chốn đền miếu, nhất định phải kiêng chuyện gối chăn, giữ mình thanh tịnh để hát trước cửa đình.
Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ ở Hưng Yên kể rằng mẹ ông là một đào hát, được vua nhà Nguyễn vời vào kinh đô Huế để hát. Đào nương và kép được vời vào cung gọi là đào ngự, kép ngự. Đó là một vinh dự lớn mà đào kép nào cũng mong đạt được. Sau khi lặn lội đường xa, vào kinh hát trước sập rồng, đến khi trở về, đang độ xuân thì, vậy mà không ai dám lấy bà vì cho rằng bà đã thuộc về đức vua. Bà những tưởng đã lỡ dở đường tình duyên. May sao, có người kép đàn thương bà lấy làm vợ. Hai cụ sinh được mấy người con, trong đó có hai anh Nguyễn Phú Đọ, Nguyễn Phú Đẹ. Ngày nay, cụ Nguyễn Phú Đẹ đã 85 tuổi, vẫn là một tay đàn lão luyện.
Trong xã hội ngày xưa, chung một kiếp cầm ca, các cô đầu (ả đào, đào nương) cũng phải chịu biết bao thiệt thòi về duyên phận. Họ chỉ dám lấy người trong nghề với nhau, để chồng đàn vợ hát, đùm bọc chở che cho nhau trước sự để ý của bàn dân thiên hạ. Con cái của đào kép không được ghi danh đi thi, vì họ vẫn mang cái tiếng “xướng ca vô loài”(kẻ xướng ca không xếp vào loại nào trong xã hội)...
Đã vậy, đào nương ca trù lại còn mang thêm cả cái tiếng oan mà cô đầu rượu đổ sang. Đó là cái tiếng mà cô đầu, ả đào đã phải mang lâu nay, khi thiên hạ bảo cô đầu: Lấy khách - khách bỏ về Tàu, lấy nhà giàu - nhà giàu hết của. Lại có câu Lấy quan - quan cách, lấy khách - khách về tàu.
Đào rượu không phải là các đào nương
Ca quán ngày xưa có hai loại cô đầu. Đó là cô đầu hát và cô đầu rượu. Cô đầu hát có từ khi có ca trù. Còn cô đầu rượu nảy sinh trong ca quán cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Năm 1905, một người Pháp là A. Chéon đã ghi lại được “tiếng lóng của bọn hát ả đào ở Hà Nội và Hải Phòng”.
Dưới đây xin dẫn một đoạn: Bán-nông dểnh vất mấy tí-hôi (Ông đi hát với tôi); Trịnh bất-sở mô-khóm dặng?(Nhà trò ở phố nào?); Bạt kí-đó khứa (Nhà có khách); Ngãng tí-ha, hay là ngãng-khứa?(Người ta hay là người khách?); Ngãng mây tím: (Người Tây); Bi-hỡi bánh-nông ngạng tí-lời (Mời ông ngồi chơi); Bị hời bánh thông lác lẻo, lác vẹt, lác thớm (Mời ông xơi nước, xơi trầu, xơi thuốc); Khổm bánh thồng này, tí-hôi moi-góm men-cóm lắm (Ông này tôi quen lắm); Tí - hôi kí - đó vất bạt bị- sự bị - hột bị - hận nước chóm(Tôi có hát nhà chị một bận trước); Từ nghiện ấy đến nay, tí hôi cũng miên cóm, mông mớ dóm đẫn(Từ ngày ấy đến nay, tôi cũng quên không nhớ được); Bị-sị mọi-gọm ngãng dểnh vất (Chị gọi người hát); Bị-hời bánh-mông ghẽo vẹt (Mời ông đánh trống); Mi chóm miệt cọm lắm(Chi tiền kiệt lắm); Mải-dóm chí-kiệt, mọm dọm dẽm (Giải chiếu, dọn rượu); Bị-hời dẽm khởm dặng nước-chóm? (Mời rượu ai trước?)
Đó là lối nói năng trong các ca quán đầu thế kỷ trước. là cách nói lóng của các cô đầu rượu hoặc của chủ ca quán với khách đến quán. Việc phải sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp như vậy rõ ràng là để tránh không cho người người khác, nhất là nhà chức trách biết.
Các cô đào rượu không biết hát. Họ không xuất thân từ các giáo phường ca trù ở nông thôn, cũng không xuất thân từ các giáo phường nền nếp ở thành thị. Cô đầu rượu không vào các ca quán để học nghề đàn hát. Các cô chỉ đến đây để kiếm việc làm, “ăn trắng mặc trơn”, không phải lam lũ. Nghề của các cô đào rượu là giao đãi với quan viên, đáp ứng các nhu cầu thư giãn của họ. Chính các cô đầu rượu, cô đầu ôm này đã khiến cho bao nhiêu gia đình phải khuynh gia bại sản, phải ly tán. Các báo chí trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã có rất nhiều phóng sự và hý họa về các cuộc đánh ghen tày đình xảy ra ở các ca quán Khâm Thiên mà nguyên nhân chỉ vì các cô đầu rượu này.
Người ta nghĩ đến Khâm Thiên là nghĩ ngay đến một khu nhiều tệ nạn, trong khi những tiếng nói bênh vực sinh hoạt ca trù tao nhã và tách bạch đào rượu với đào hát thì lại trở nên yếu ớt hoặc lịm dần trong một thời gian quá lâu. Cô đầu hát bị đánh đồng với cô đào rượu. Tiếng xấu về sinh hoạt ca trù đã kéo dài và hằn lên suy nghĩ của người đời cũng đã quá lâu. Hình ảnh của đào nương ca trù: Mặt tròn thu nguyệt. Mắt sắc dao cau. Vào - duyên khuê các. Ra - vẻ hồng lâu. Lời ấy gấm - Miệng ấy thêu - tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban -Tạ. Dịu như mai - Trong như tuyết - nét phong lưu chi kém bạn Vân – Kiều, theo tháng năm cũng mờ nhòe, sau biết bao nghi ngại.
Mong sao tri âm lại tỏ tri âm, để “tiếng họa mi của nền cổ nhạc” lại cất lên, giữa “cánh đồng âm nhạc” Việt Nam, trong thiên niên kỷ mới. (N.X.D)
Ca Trù “ Ả Đào “ Trên Đất Khâm Thiên Xưa
Tác giả: Nguyễn Cao Sơn
Ca trù: Sự thăng hoa của âm nhạc và thi ca! “Duyên trăm năm lòng chưa rũ sạch …
Hát ả đào gọi là hát ca trù, hát nhà tơ, hát nhà trò, Vì sao?
1. Vì sao hát ả đào gọi là hát ca trù
Ở cửa đền ngày xưa có lệ hát thẻ, thẻ gọi là trù, làm bằng mảnh tre ghi chữ đánh dấu, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt.
Khi hát quan viên thj lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống. Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát ,bên chiêng đánh một tiếng chiêng rồi thưởng luôn cho một cái trù. Đến sáng đào kép cứ theo trù thưởng mà tính tiền, ví dụ được 50 trù, mà trị giá mỗi trù ấn địnhlà 2 tiền kẽm, thì làng phải trả 10 quan tiền. Vì thế hát ả đào gọi là hát ca trù nghĩa là hát thẻ…
2. Vì sao hát ả đào gọi là hát nhà tơ?
Ngày xưa dân chúng ít khi tìm ả đào về nhà chơi, chỉ các quan khi yến tiệc trong dinh hay trong ty (tơ) mới tìm ả đào (Dinh Tuần phủ gọi là Phiên ty, dinh Án sát gọi là Niết ty). Vì thế hát ả đào còn được gọi là hát nhà tơ, nghĩa là hát ở trong ty quan.
3. Vì sao hát ả đào gọi là hát hát nhà trò?
Khi ả đào hát ở cửa đền có bỏ bộ, miệng hát tay múa uốn éo lên xuống, làm bộ điệu người điên, ngưới say rượu, người đi săn ,… Vì vừa hát vừa làm trò nên gọi là Hát nhà trò.
[Theo Việt Nam ca trù biên khảo]
Ả Đào
16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 11845)
Thạch Cầm
Thơ: Hồ Thi Ca
Đào: một bài hát mang đậm chất Ả Đào (hay Ca Trù) của Âm nhạc truyền thống ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Hát Ả Đào - một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc - có từ thời nhà Lê (Thế kỷ 15), từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của UNESCO , hát Ả Đào đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Bùi Trọng Hiền: Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên: "Đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có người ca nương tên là Đào Thị giỏi nghề ca hát, thường được nhà vua ban thưởng. Người thời bấy giờ ngưỡng mộ danh tiếng của Đào Thị nên phàm con hát đều gọi là Đào nương".
Sách Công dư tiệp ký viết rằng cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có người ca nương họ Đào, quê ở làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, cứu cho khắp vùng yên ổn. Khi nàng chết dân làng nhớ thương lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn Ả đào. Về sau những người làm nghề ca hát như nàng đều gọi là ả đào.
Trên sử liệu, những sự kiện về một ca nương nổi tiếng chứng tỏ nghề nghiệp của bà vào thời điểm lịch sử đó đã được phổ biến như thế nào trong xã hội. Theo đó, Ả đào được coi là tên gọi cổ xưa nhất của thể loại âm nhạc Ca trù.
Tiếng hát: Tân Nhàn
Hoặc có thể vào link sau đây để thưởng thức hơn 600 YouTube đặc sắc khác:
http://www.youtube.com/user/phthoihoa
Liên hoan ca trù Hà Nội 2012
Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 lần này nhằm kiểm kê và bảo tồn các làn điệu Ca trù Hà Nội cổ thuộc các loại hình Hát thờ, Hát cửa đình, Hát cửa quyền và Hát Ca quán...đang có nguy cơ bị mai một.
Đồng thời, liên hoan cũng khuyến khích các câu lạc bộ, nhóm ca trù trên toàn thành phố kiểm kê lên danh mục các làn điệu ca trù cổ thuộc thế mạnh của đơn vị, triển khai tập luyện và trình diễn những làn điệu ca trù đó nhằm tạo sắc thái nghệ thuật riêng của mình.
Ca trù còn gọi là Hát ả đào là loại hình nghệ thuật truyền thống của miền Bắc, thịnh hành từ khoảng thế kỷ 15, rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước.
Năm 1991, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội ra đời đã tập hợp được một số nghệ nhân cao tuổi và tuyên truyền giá trị nghệ thuật ca trù với khán thính giả trong nước cũng như quốc tế.
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ và những khán giả yêu ca trù trong và ngoài nước có dịp gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm. Ngoài các nghệ nhân, ca nương, liên hoan năm 2012 cũng khuyến khích các cháu nhỏ tham gia biểu diễn.
Bên cạnh Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 là các buổi tọa đàm về các giải pháp để bảo tồn các làn điệu ca trù cổ của đất Thăng Long – Hà Nội. (Minh Thu)