Dạ cổ hoài lang: sức sống 90 năm

27 Tháng Ba 201712:38 SA(Xem: 7404)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  27  MAR  2017


Dạ cổ hoài lang: sức sống 90 năm


TT - Mới đó mà đã 90 năm kể từ khi nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết Dạ cổ hoài lang. Đó cũng là chừng ấy năm bản vọng cổ cùng làm bạn tâm tình của bao thế hệ người dân Nam bộ. 90 năm qua, Dạ cổ hoài lang đã đi xa hơn khuôn khổ của một bản vọng cổ. Giờ đây, bài ca đang được đề xuất trở thành di sản phi vật thể quốc gia.


image144

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu năm 1960 - Ảnh tư liệu


Trong hành trình tìm lại những ngày đầu ra đời của Dạ cổ hoài lang, chúng tôi tìm về khu mộ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và vợ là bà Trần Thị Tấn nằm trang trọng trong khu di tích rộng lớn sắp được khánh thành tại thị xã Bạc Liêu. Cách đó không xa là nhà của ông Cao Văn Hoai - con trai thứ tư của ông Cao Văn Lầu. Chiều chiều, ông Tư Hoai vẫn thường ra mộ ba má để thắp nhang, hồi tưởng về những tháng ngày xưa cũ.


Chiếc áo rách vai


Trong những cuốn sổ tay hiệu Rafale, Igo vàng ố hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, bút tích của nhạc sĩ Cao Văn Lầu vẫn còn nguyên với thời gian.


Trong sổ, ông vừa ghi lại những bài bản được ký âm ngũ cung, vừa vẽ hình bàn tay trái bấm đờn của mình, vừa ghi tiền bán cua, bán me, vừa... ghi nợ: “Bà Rớt thiếu nửa can nước mắm chưa trả tiền... Dâu cô Năm thiếu hai trái dừa...”.


Cuốn sổ cũng là nơi ông dặn dò con cháu: “Thằng Hai chớ nên đánh vợ” hay thảo sẵn di chúc: “Khi ba mất, nhớ để ba nằm gần má tụi con ở phía mặt trời mọc. Nhớ tụng kinh nhiều nhiều cho ba má nghen”.

Ông Tư Hoai năm nay đã hơn 80 tuổi, những bức tường trong căn nhà nhỏ của ông treo chi chít hình ảnh, bằng khen, báo chí liên quan đến cha ông và bản nhạc Dạ cổ hoài lang bất hủ.


Ông tự hào nói: “Hồi đó ba tui thương tui nhứt đó. Tui cũng là người ở gần ba nhiều nhứt. Nhưng tội nghiệp ba tui lắm, ổng hiền lành, tình cảm mà cứ khổ hoài!”.


Cái sự “khổ hoài” mà ông Tư Hoai miêu tả chính là cái nghèo tiền bạc và trắc trở về tình cảm trong cuộc đời của cha ông. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã lớn lên trong cảnh nghèo túng.


Nhưng được cái là: “Hồi đó ba tui đẹp trai lắm, trắng tươi à, lại hay mặc bộ bà ba trắng - ông Tư Hoai hào hứng kể - nên năm 20 tuổi ông đã chiếm được cảm tình của cô Hai Sang, con gái thầy đàn Nhạc Khị nổi tiếng trong vùng”.


Cũng theo lời ông Hoai, chuyện “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” của họ kéo dài đến hai năm mà không ai dám bước tới. Hai người không đến được với nhau vì kỵ tuổi khiến ông Sáu Lầu đau khổ vô cùng. Cô Hai Sang sau đó cũng khép lòng lại, gần hai năm sau mới đi lấy chồng vì sự ép buộc của gia đình.


Ngày cưới của cô Hai Sang, ban nhạc tài tử của Cao Văn Lầu cũng được mời đến. Ông lòng đau như cắt. Mãi cho đến khi một bạn đồng môn trong lớp học nhạc đem xe tới ép rước đi thì ông mới miễn cưỡng đi mà không kịp thay áo. Ra đến đám tiệc, vì chiếc áo của mình bị rách bên vai nên ông cởi ra máng lên ghế rồi lo đờn ca, hát xướng phục vụ quan khách.


Lúc này cô Hai Sang ngồi trong phòng, nhìn thấy chiếc áo bà ba rách vai ấy mà khóc nức nở. Cô lặng lẽ lấy xuống vá lại nguyên vẹn. Rồi cô Hai Sang theo chồng. Chiếc áo vá vai trở thành vật kỷ niệm duy nhất còn lại, được ông trân trọng.


Hai người con còn sống của ông Cao Văn Lầu là ông Cao Văn Hoai và Cao Văn Bỉnh đều cho rằng chính kỷ niệm buồn của mối tình đầu đã là niềm cảm hứng cho ông sáng tác bài ca Chiếc áo rách vai.


Theo tài liệu của nhà văn Phan Trung Nghĩa, sau này khi ban nhạc tài tử của ông Sáu Lầu trở nên nổi tiếng, ông đứng ra tổ chức một đoàn nghệ sĩ cổ nhạc ca ra bộ được đông đảo khán giả mộ điệu ủng hộ.


Trong đoàn có cô Ba Phấn nổi tiếng xinh đẹp, dịu hiền lại có giọng ca ngọt ngào, truyền cảm. Giới địa chủ, công tử nhà giàu say mê cô Ba Phấn. Tuy nhiên, cô Ba Phấn chỉ dành tình cảm đằm thắm của mình cho ông Sáu Lầu. Chính điều này đã làm bọn công tử ghen ghét, tức giận. Một ngày nọ cô Ba Phấn bị bắt cóc, bị bóp cổ rồi bị vứt thi thể dưới chân cầu quay Bạc Liêu.


image145Phóng to Phần mộ của vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lầu bây giờ ở trong khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - di tích lịch sử văn hóa - Ảnh: T.T.D.
Tình yêu son sắt

Chúng tôi tìm đến ngôi chùa Vĩnh Phước An, cũng không xa khu mộ và mảnh đất ngày xưa gia đình ông Sáu Lầu đã sống. Theo thầy trụ trì, hầu hết các tài liệu đều khẳng định chính tiếng trống đêm từ ngôi chùa này đã tác động sâu sắc vào tâm hồn nhạy cảm của Cao Văn Lầu, từ lúc còn bé cho đến khi trưởng thành và đóng vai trò là chất xúc tác để ông sáng tác bản Dạ cổ hoài lang.


Nghệ sĩ lão thành Lâm Tương Vân - người từng có nhiều dịp gặp gỡ nhạc sĩ Cao Văn Lầu - kể rằng qua hai cuộc tình dang dở, khổ đau và bất hạnh, ông Sáu Lầu đã nghe lời cha mẹ lấy cô thôn nữ Trần Thị Tấn với lý do “nhà họ cũng nghèo như nhà mình”.


Ngặt nỗi ăn ở với nhau suốt ba năm mà vợ ông Sáu Lầu vẫn không có thai khiến mẹ chồng phật ý, khuyên hai người nên ly dị để ông kiếm vợ khác, sinh con trai nối dõi. Không dám cãi lời má nhưng cũng không đành bỏ vợ, ông Sáu Lầu lại một lần nữa đối diện với nỗi đau xa cách người thương. Ngày chia tay, bà ôm trong người một gói quần áo cũ, đầu đội chiếc khăn rằn của ông rồi bước cao bước thấp đi về nơi vô định.


Ở lại, ông Sáu Lầu ngày ngày xách đờn ra phía bìa ruộng, nơi vợ chồng biệt ly lần đầu để đàn những bản mà vợ ông rất thích. Một đêm trung thu năm 1919, ông trằn trọc không ngủ được với bao nỗi ngổn ngang. Tiếng trống sang canh vọng lại từ ngôi chùa Vĩnh Phước An ở đầu xóm càng khiến ông thấy đau lòng. Bởi sang canh rồi lại sang canh, lại hết một đêm dài không ngủ. Mình thì chưa ra trận mà vợ đã thành người vọng phu.


Và thế là: Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phán lên đàng. Vào ra luống trông tin nhạn. Năm canh mơ màng... Ông lẩm nhẩm những đoạn lời đầu tiên rồi tìm chữ nhạc ghép vào. Trải qua bao nhiêu đêm viết đi viết lại, Dạ cổ hoài lang ra đời. Mượn tiếng trống đêm (dạ cổ) để làm nhịp cầu chở những nhớ thương, mong đợi của người thiếu phụ vọng phu (hoài lang).


Bản nhạc được viết ra tự đáy lòng đã góp phần trùng phùng đôi vợ chồng son sắt. Những buổi nói dối mẹ đi hát đám nhạc lễ, ông Sáu Lầu đã lén gặp lại người vợ hiền. Rồi vợ ông có thai nên được mẹ chồng rước lại về làm dâu. Người con trai đầu lòng ấy chính là ông Cao Kiến Thiết - sau này là cán bộ cao cấp của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ.


Ông Cao Kiến Thiết kể lại có lần nghe cha mình tâm sự với bạn bè rằng: “Lúc ấy tôi nghĩ giờ này vợ mình đang ở đâu? Chắc chắn là vợ mình thương mình nhiều hơn mình thương vợ mình. Số phận vợ mình như nàng Tô Huệ, vì quá thương chồng mà dệt bức cẩm hồi dâng lên vua. Hay như nàng Tô Thị chờ chồng đến hóa đá! Và tôi viết bản Hoài lang”.


28/09/2009


Dạ cổ hoài lang ra đời, trở thành một hiện tượng âm nhạc có một không hai khi từ một sáng tác cá nhân đã trở thành sáng tác của tập thể, khai sinh ra cả một loại hình mới: sáu câu vọng cổ.


HOÀNG OANH