Những phát hiện mới ở Thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam

27 Tháng Tư 20178:26 CH(Xem: 7916)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  28  APRIL  2017


Phát hiện con đường cổ nghìn năm ở thánh địa Mỹ Sơn


28/04/2017


Tiến hành trùng tu tháp Chămpa ở Di sản thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam), chuyên gia Ấn Độ phát hiện con đường cổ rộng 8 m bị chôn vùi dưới lòng đất.


Con đường nghìn năm tuổi dưới chân tháp cổ ở Mỹ Sơn


Con đường chìm dưới lòng đất ở Di sản thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) được cho là dành để vua chức, chức sắc dưới thời Chămpa cổ đi vào cúng tế ở khu trung tâm chánh điện.


Khoảng đầu tháng 3/2017, nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam bắt đầu thực hiện việc khai quật và trùng tu tháp K, nằm trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).


Quá trình trùng tu, họ đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như hai tượng đá thân người người, đầu sư tử, chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ.


Đặc biệt nhóm còn phát hiện một con đường cổ rộng 8 m được dẫn bởi hai bờ tường song song (mỗi bờ tường rộng 0,6 m), bị chôn vùi ở độ sâu gần 1 m so với mặt đất. Bước đầu, các hiện vật và con đường được nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam xác định có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K (thế kỷ XI-XII).


image010

Con đường cổ được phát lộ sau khi nhóm chuyên gia Ấn Độ tiến hành trùng tu tháp K Mỹ Sơn. Ảnh: Đắc Đức.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban quản lý Di sản Mỹ Sơn, cho hay, chuyên gia Ấn Độ chỉ mới khai quật 15 m chiều dài của con đường và bờ tường dẫn được đắp bằng gạch cổ. Hiện, Ban quản lý chưa biết con đường này kéo dài đến đâu.


"Theo các tài liệu thì con đường có thể là cổng ngõ đầu tiên được dành cho vua chúa, chức sắc cao quý của Chămpa đi vào các khu đền tháp trung tâm để cúng tế”, ông Hộ nói và cho hay tháp K vốn là tháp Cổng nhưng từ lâu đã thành phế tích do không được phục dựng, tôn tạo.  


image008

Tháp K dưới thời Chămpa được xem là tháp Cổng dẫn vào khu đền tháp ở chánh điện Mỹ Sơn. Ảnh: Đắc Đức.


Việc phát lộ tuyến đường cổ và bờ tường dẫn từ tháp K vào khu vực hành lễ được cho là sẽ làm phong phú thêm những giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật mà người xưa đã tạo lập trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.


“Chúng tôi hy vọng các chuyên gia sẽ sớm vào cuộc để tiến hành nghiên cứu, xác định chính xác niên đại cũng như giá trị của con đường”, ông Hộ chia sẻ thêm.


image014

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam), nơi phát hiện con đường cổ. Ảnh: Google Maps.


Đắc Đức


Phát hiện tượng đá thân người đầu sư tử ở Thánh địa Mỹ Sơn


16/04/2017


Trong quá trình khai quật ở Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), các nhà khảo cổ phát hiện hai bức tượng cổ bằng đá sa thạch có niên đại từ thế kỷ XIII.


Chiều 15/4, Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam), cho biết trong quá trình khai quật, trùng tu nhóm tháp K Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, Duy Xuyên) các nhà khảo cổ đã phát hiện 2 tượng có thân hình người, đầu hình sư tử.


image016

Hai bức tượng sư tử được phát hiện ở khu vực tháp K (thuộc thánh địa Mỹ Sơn). Ảnh: CTV


Theo ông Hộ, những bức tượng được phát hiện gồm một tượng bị gãy hết tay chân (chỉ còn thân mình) và một tượng tương đối nguyên vẹn, cao khoảng 1,2 m; được điêu khắc thô sơ và mờ nét bằng đá sa thạch. Vị trí phát hiện các bức tượng nằm trong khuôn viên Thánh địa Mỹ Sơn.


Bước đầu, theo phỏng đoán của nhà chuyên môn, 2 bức tượng này có thể là tượng sư tử hoặc tượng khỉ Hanuman dùng để trang trí trước cổng tháp K. Vốn là một trong những tháp cổ của vương triều Chămpa được xây dựng khoảng đầu thế kỷ thứ XIII.


Ông Hộ cho biết hiện các nhà khoa học đã ghi lại vị trí phát hiện 2 bức tượng và lưu giữ mẫu tượng để phục vụ công tác nghiên cứu về sau.


image018

Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), nơi phát hiện 2 bức tượng mình người đầu sư tử. Ảnh: Thiên Sơn. 


Theo tư liệu khảo cổ, Thánh địa Mỹ Sơn là nơi có nhiều đền đài Chămpa. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chămpa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chămpa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa này được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của tôn giáo này tại Việt Nam. (Đắc Đức)


Giếng cổ Chămpa hơn 1.000 năm không cạn nước


10/04/2017


Chiếc giếng cổ hơn 1.000 năm tuổi được xây dựng cạnh tháp Chăm Khương Mỹ (Quảng Nam) để phục vụ việc thờ cúng của người Chămpa vừa phát lộ.


Chiều 10/4, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cho biết đơn vị đã hoàn tất công việc khai quật và xác định niên đại của giếng cổ Chămpa ở xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành, Quảng Nam).


Theo ông Cẩm, giếng cổ nằm gần vị trí tháp Chăm Khương Mỹ và có niên đại từ cuối thế kỷ thứ X. Giếng có cấu trúc hình vuông, mỗi cạnh 1,3 m và có độ sâu gần 15m. Giếng bị bao phủ bởi nhiều lớp gạch cũ xếp tầng lên nhau.


image020

Hình ảnh giếng cổ hơn 1.000 năm tuổi trong những ngày đầu mới phát lộ. Ảnh: Đ.X


Người đứng đầu Trung tâm quản lý di tích Quảng Nam cho hay, một năm trước (năm 2016), bảo vệ di tích phát hiện ra giếng bị vùi lấp dưới lòng đất. Tuy nhiên, thời đó phần đất nơi giếng cổ tọa lạc lại nằm trong khuôn viên được một doanh nghiệp thuê lại nên công tác khai quật, trùng tu bị đình trệ.


“Điều đặc biệt ở chỗ dù được xây dựng ở một gò đất cao nhưng nước giếng rất trong, mát và không bao giờ cạn nước bất kể thời thời tiết nắng nóng đến cỡ nào đi nữa”, ông Cẩm nói. Theo ông, đây là giếng cổ được xây dựng cùng thời điểm với tháp Chăm Khương Mỹ nhằm mục đích lấy nước phục vụ cho công việc thờ cúng, tâm linh của người Chămpa xưa.   


Hiện Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam và phối hợp các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn để phát huy những giá trị di sản về những dấu tích Chămpa ở trên địa bàn Quảng Nam.


image022

Tháp Chăm Khương Mỹ (huyện Núi Thành), nơi phát hiện ra giếng cổ hơn 1.000 năm tuổi. Đồ họa: Thiên Sơn.



Đức Phương
17 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3005)
28 Tháng Tư 2021(Xem: 4298)