150 năm Diễn văn Abraham Lincoln ở Gettysburg / Lịch sử dòng họ Nguyễn

21 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 12619)

150 năm Diễn văn Gettysburg

BBC - thứ ba, 19 tháng 11, 2013

 

image057

Diễn văn Gettysburg được ghi trên tường tại khu Đài tưởng niệm Abraham Lincoln

Ngày 19 tháng 11 năm 1863, Abraham Lincoln, đứng trên một cánh đồng ở Pennsylvania đã đọc bài diễn văn ngắn trước đám đông mà có lẽ chính những người có mặt cũng khó có thể nghe được từng lời ông nói.

Đúng 150 năm sau, người ta vẫn nhớ tới những gì có thể được xem là phát biểu chính trị vĩ đại nhất từ xưa tới nay.Bấm Diễn văn Gettysburg là một báu vật chính trị vô giá. Nó có lẽ là diễn văn nổi tiếng nhất trong kỷ nguyên dân chủ, không chỉ chắt lọc được hình ảnh một nước Mỹ sau cuộc nội chiến cay đắng mà còn trở thành chuẩn mực cho các thế hệ người dân Mỹ vốn đang vật lộn trước tình trạng chia rẽ chủng tộc cho tới khi Luật Quyền Dân Sự được thông qua đúng một trăm năm sau bài diễn văn đó.

Chỉ gỏn gọn 271 từ (có bản ghi là 272) nhưng diễn văn đó đã xuyên suốt 150 năm lịch sử nước Mỹ.

271 từ trong 10 câu ngắn gọn đã tạo nên bài diễn nổi tiếng nhất từng có của một Tổng thống Mỹ và nó được tất cả các vị Tổng thống kế nhiệm nghiên cứu từng câu từng chữ như một dẫn dắt về tính hùng biện.

Diễn văn Gettysburg được đọc trước khoảng 15 ngàn người vào thời điểm bốn tháng sau khi phe Liên bang Miền Bắc đánh bại Liên minh Miền Nam ở trận Gettysburg trong cuộc Nội chiến Mỹ và khi đó nó không được dự định là sự kiến chính.

Sự kiện chính trong ngày 19/11/1863 tại Nghĩa trang Quốc gia Gettysburg là bài diễn văn của chính trị gia Edward Everett để tưởng niệm những chiến binh đã hy sinh trong cuộc nội chiến.

Bài diễn văn của Everett dài 13,607 từ và dài gần hai tiếng nhưng đã không được một ai trích dẫn. Chỉ sau khi Everett phát biểu trước đám đông, Lincoln mới bước lên và đọc diễn văn của mình, trong hai phút, và nó đã đi vào lịch sử.

Chính phủ của dân, do dân, vì dân

Ý tưởng rằng nước Mỹ, bị chìm đắm trong cuộc Nội chiến, cần phải nhìn lại (với lời mở đầu 'Tám mười bảy năm' - ý nhắc tới Tuyên ngôn độc lập năm 1776) và dùng bài học quá khứ để hướng tới một "sự ra đời mới của tự do".

Sự ra đời mới này, Lincoln nói, sẽ là dựa trên một "chính phủ của dân, do dân, vì dân" và người Mỹ chịu ơn những đồng bào của họ đã ngã xuống cho đất nước khi đi theo con đường đó.

image056

Abraham Lincoln là Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Trong bài diễn văn của mình, Lincoln nói: "Thế giới sẽ chẳng chú ý là bao và sẽ không nhớ mãi những gì chúng ta nói ở đây nhưng sẽ không bao giờ quên những gì họ đã làm tại đây."

Tuy nhiên ông đã không đúng khi nói như vậy vì 150 năm sau người ta vẫn nhớ tới lời nói mở đầu bài diễn văn của ông, dù không phải ai cũng nhớ những gì sau câu mở đầu đó.

Theo tiến sĩ John R Hale, Giám đốc nghiên cứu về tự do tại Đại học Louisville ở Kentucky, Hoa Kỳ, thì vẻ đẹp trong bài diễn văn của Tổng thống Lincoln chính là ở độ chính xác của nó.

"Diễn văn Gettysburg của Lincoln có lẽ là diễn văn tuyệt vời nhất từng được viết," ông nói. "Ông đã tóm tắt cả lịch sử nước Mỹ chỉ trong vài câu, đồng thời đưa ra một động lực mới để tiếp tục chiến đấu, để những người đã ngã xuống tại Gettysburg 'sẽ không hy sinh một cách vô ích'."

Có ý kiến cho rằng diễn văn của Lincoln đi trước thời đại và đó là lý do tại sao đến giờ nó vẫn làm rung động lòng người khi người nghe mệt mỏi với những bài nói dài dòng văn tự.

Việc sử dụng mạng xã hội trở nên rất phổ biến ngày nay đã làm thay đổi cách thức diễn văn được viết và được tiếp nhận, không phải chỉ vì ngày càng có quá nhiều thứ thu hút sự chú ý của người nghe mà còn vì cách thức các diễn văn được phát đi nữa.

"Tám mươi bảy năm trước ông cha ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng"

Abraham Lincoln

"Các chính trị gia hiện đại đang đáp ứng trước đòi hỏi của truyền thông hiện đại và thực tế công chúng chóng chán khiến các chính trị gia bị đẩy tới chỗ phải đưa ra các câu ngắn kiểu 10 giây, phù hợp cho việc phát đi phát lại trên truyền thông," tiến sĩ Stephen Farnsworth, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mary Washington ở Virginia, nói.

Sau khi John F Kennedy trở thành Tổng thống năm 1961, ông hỏi người chuyên viết diễn văn cho ông là Theodore Sorenson hãy giải thích thành công của diễn văn Gettysburg.

Ông Sorenson kết luận rằng nó là do cách nói khúc triết, giản dị, và việc lựa chọn những từ ngắn gọn của Lincoln.

Trong vài câu ngắn nhưng hùng hồn, Lincoln đã hòa trộn được lý tưởng của cuộc cách mạng Mỹ với nỗi buồn chiến tranh và hứa hẹn một tương lai dân tộc.

"Tám mươi bảy năm trước ông cha ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.

"Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không."

Tự do

Trận Gettysburg đã bẻ gãy sức mạnh quân sự của Liên minh miền Nam và đảm bảo sự tồn tại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng cái giá thật khủng khiếp: 46.000 binh lính từ cả hai phe bị thiệt mạng hoặc bị thương.

Lincoln nói với những đồng bào của ông rằng cách tốt nhất để vinh danh những người đã ngã xuống trong trận Gettysburg là bằng giải pháp "rằng quốc gia này, dưới sự bảo trợ của Thượng đế, sẽ có một sự ra đời mới của tự do".

Khi ông nói những lời này chính ông đang ốm nặng và chỉ sống thêm 17 tháng nữa. Ông bị một kẻ ám sát, John Wilkes Booth, bắn ngày 14 tháng Tư năm 1865, và qua đời ngày hôm sau.

Khi linh cữu của ông được đưa đi trên đường phố tại Washington, hàng triệu người từ cả phe Miền Nam và Miền Bắc đã tụ tập tưởng niệm ông.

Kể từ khi Lincoln viết diễn văn này, văn bản Bliss là văn bản được tái bản nhiều nhất, đặc biệt là trên tường tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington.

Văn bản này lấy tên Đại tá Alexander Bliss, con riêng của sử gia George Bancroft.

Ông Bancroft đã đề nghị xin Tổng thống Lincoln một bản sao để dùng vào việc quyên góp tiền cho binh lính. Thế nhưng vì Lincoln viết vào cả hai mặt giấy nên diễn văn đó không thể in lại được.

Do vậy Lincoln đã chép lại một bản khác theo yêu cầu của Bliss. Đây là văn bản cuối cùng được biết đến do chính Lincoln viết và là bản duy nhất do chính ông ký và đề ngày. Nay bản này được trưng bày tại Phòng Lincoln ở Tòa Bạch Ốc./

++++++++++++++++

Ba Thi hào h Nguyn cùng chung mt dòng máu

Thái Doãn Hiếu

Lá thư Úc châu


Năm 1991, sau khi công bố phát hiện Vương Bột tử nạn nơi nào trên báo Văn Nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó là Tổng biên tập của báo đến nhà chúng tôi ở Sài Gòn chơi, cùng tác giả nhấm nháp thành tích phát hiện ra mộ tổ của nền thơ Đường bất hủ. Đó là sự kiện làm “sửng sốt cả thế giới” (chữ dùng của tạp chí Liêu Vọng, cơ quan văn hóa đối ngoại của Hội nhà văn Trung Quốc). Nhà thơ Hữu Thỉnh biết tôi có bản Ba thi hào họ Nguyễn… và xin cho công bố. Tôi thưa với Hữu Thỉnh là các luận điểm của tôi còn non, chờ cho một thời gian để nó cứng cáp đã. Nay đã trên 24 năm, vấn đề này đã ổn và chín, tôi xin thông báo với nhà thơ Hữu Thỉnh là tôi công bố đây.

Độc chiêu cuối cùng trong 5 phát hiện quan trọng của tôi đối với văn học Việt Nam và thế giới, mà chúng tôi đang dự định in thành sách:
1. Phát hiện nơi tử nạn của Thi hào Trung Quốc Vương Bột đời Đường cách đây 1.300 năm trên biển Cửa Hội sông Lam, Nghệ An. Bài công bố trên báo Văn Nghệ 1991 của Hội Nhà văn Việt Nam.
2. Truyện Kiều là tự truyện tâm linh của Nguyễn Du. Đăng trên Tạp chí Sông Hương số 11-2010
3. Làng Vạc – phế đô nước Âu Lạc. Đăng ở VanVN.net của Hội Nhà văn Việt Nam
4. Chu Thần Cao Bá Quát là cha đẻ của Phó vương Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải. Đăng Tạp chí Sông Hương số 4-2013
5. Ba thi hào họ Nguyễn cùng mang một dòng máu Nguyễn Trãi – Nguyễn Du – Nguyễn Đình Chiểu. Đăng Tạp chí sông Hương số 11- 2013
Để khỏi vòng vo Tam quốc mất thì giờ quý vị bạn đọc, và mọi người đỡ sốt ruột, tôi xin thưa ngay: Vị thủy tổ của ba thi hào họ Nguyễn: Nguyễn TrãiNguyễn DuNguyễn Đình Chiểu là Thái tể triều Đinh, Định Quốc công Nguyễn Bặc.
Vậy, Nguyễn Bặc là ai?

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Wikiphedia thì Nguyễn Bặc sinh năm 924 –15 tháng 10, 979 âm lịch là công thần khai quốc nhà Đinh, cùng với Đinh Điền giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân vào thế kỷ 10 trong lịch sử Việt Nam. Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Nguyễn Bặc là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, Ninh Bình. Từ thuở nhỏ, ông đã cùng kết bạn với Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Trịnh Tú và Lưu Cơ. Khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tử trận (965), các sứ quân nổi dậy. Anh em Nguyễn Bặc theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp.

 

Theo thần phả, khi đánh dẹp một sứ quân mạnh là Nguyễn Siêu, Nguyễn Bồ và Nguyễn Phục cùng 2 tướng khác bị tử trận. Vạn Thắng Vương liền sai Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Lê Hoàn mang quân đánh báo thù, kết quả diệt được Nguyễn Siêu (967). Ngoài trận đánh Nguyễn Siêu, Nguyễn Bặc đóng góp nhiều công lao trong việc đánh dẹp các sứ quân, thống nhất toàn quốc dưới tay vua Đinh. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, tức là Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bặc được phong làm Định quốc công, Đinh Điền được phong làm ngoại giáp. Chính sử không nói rõ nhưng các gia phả họ Nguyễn có giải thích thêm rằng: Nguyễn Bặc làm quốc công, coi việc nội giáp, tức là việc nội chính, còn Đinh Điền làm ngoại giáp coi việc bên ngoài. Theo các gia phổ họ Nguyễn và tài liệu “Lược sử họ Nguyễn tại Việt Nam”, Nguyễn Bặc được coi là bậc tiền thủy tổ họ Nguyễn ở Việt Nam.

Sau khi vương quyền nhà Đinh mà Thái hậu Dương Vân Nga cùng quần thần chuyển giao sang tay họ Lê, Đinh Điền, Nguyễn Bặc khởi binh đánh Lê Hoàn và cả hai vị khai quốc công thần này đều tử trận. Nguyễn Bặc có một người con trai cả là Nguyễn Đê ở lại làm quan cho triều Lê Đại Hành. Cuối đời ông dời cư vào Gia Miêu Thế thứ các đời họ Nguyễn ở Gia Miêu từ thế kỷ X sắp xếp như sau: Nguyễn Bặc : 1-Nguyễn Đê. 2-Nguyễn Viễn. 3- Nguyễn Phụng. 4- Nguyễn Nộn. 5- Nguyễn Thế Tứ. 6- Nguyễn Hoằng Du. 7- Nguyễn Biện. 8- Nguyễn Sử. 9- Nguyễn Công Duẩn (hay Chuẩn). 10- Nguyễn Đức Trung.
Muốn nghiên cứu nguồn gốc họ Nguyễn ở Việt Nam, chúng ta hãy tìm đến Gia Miêu ngoại trang, là cái nôi, nơi xuất phát điểm của nhiều dòng họ Nguyễn tỏa đi khắp nước. Gia Miêu ngoại trang là một trang ấp có từ xa xưa. Trang là làng, ấp nhưng ở tiếp giáp với núi, nằm trong thung lũng nhỏ sông Tống Giang, có Long Khê chảy qua ở phía tây bắc huyện Tống sơn tức huyện Hà Trung, Thanh Hóa bây giờ, phía bắc Gia Miêu có rặnng núi Răng Cưa, nằm ở Bắc Thiên Tôn Sơn, ngọn núi thiêng của dòng họ Nguyễn. Gia Miêu là nơi tập kết an nghỉ của tổ tiên bao đời dòng họ Nguyễn sau khi tung hoành khắp bốn phương, tận trung báo quốc xây dựng và bảo vệ đất nước. Rặng núi Rặng Cưa phía bắc Thiên Tôn Sơn là biên giới tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa. Phía Tây Gia Miêu cách 5 km là núi Thạch Thành nơi ngày xưa có một đồn binh gọi là Man Bảo (hay Vạn Bảo), nơi tận cùng phía đông mường Thạch Thành mà Nguyễn Biện (đời thứ7) đã xây dựng thành công 12 sơn động cuối đời Trần, làm hậu thuẫn căn cứ địa cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trở thành rất nhiều khai quốc công thần kháng Minh thời Lê Lợi. ! Làng Mường này đến thời Pháp cai trị trở thành 37 làng Mường trực thuộc dòng lang cun Nguyễn Đình ở Quảng Tế. Vùng thung lũng này cao so với các cánh đồng trũng phía đông và nam, nên không bao giờ ngập lụt. Từ khi ngăn đập Bến Quân làm thủy lợi lấy nước suối Rồng thì vùng này phì nhiêu không thể thiếu nước.


Gia Miêu là quê gốc của nhiều dòng họ Nguyễn.

Từ xa xưa, nhiều người họ Nguyễn đã từ đây chuyển cư đi khắp mọi miền đất nước và thành lập những dòng họ rất lớn ở Bắc, Trung, Nam. Dòng họ ở đây là con cháu Định quốc công Nguyễn Bặc, nhưng từ đầu đời Lê đã tách ra làm ba họ Nguyễn : Họ Nguyễn Đình thờ vị tổ là Bình Ngô khai quốc công thần Nguyễn Lý. Họ Nguyễn Hữu thờ vị tổ là bình Ngô khai quốc Công thần Nguyễn Công Duẩn. Dòng họ Nguyễn Văn thờ Thịnh Quận công Nguyễn Chữ. Vì họ to và họ xa phải tách ra làm ba họ Nguyễn để con cháu có điều kiện kết hôn với nhau. Trong làng còn có họ Mai là họ ngoại của họ Nguyễn. Từ xa xưa, đình làng Gia Miêu chỉ có thờ bốn vị tiên hiền là tổ của bốn vị tổ họ Nguyễn Hữu, Tổ họ Nguyễn Lý, Tổ họ Nguyễn Văn và Tổ họ Mai. Từ trước 1945, ở Gia Miêu chỉ có 4 họ trên. Trong thời Nguyễn, không thể có họ nào khác lọt vào sống ở đây. (1)


Sử sách thường ghi Nguyễn Kim (1468-1545) – cha của chúa Nguyễn đầu tiên Nguyễn Hoàng – là danh tướng Việt Nam thời nhà Lê sơ và là người đặt nền móng cho sự thành lập nhà Lê trung hưng. Theo phả hệ họ Nguyễn Gia Miêu cho rằng Nguyễn Kim và Nguyễn Hoằng Dụ là anh em họ. Người sinh ra Nguyễn Kim là Nguyễn Văn Lưu, anh Nguyễn Văn Lang và bác Nguyễn Hoằng Dụ (đời thứ 6). Sau khi tướng Lê – Trịnh là Nguyễn Kim (2) chết do bị đầu độc bởi hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất, bộ tướng của ông lên thay là Trịnh Kiểm. Để diệt trừ hậu hoạ, Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông. Thấy anh trai bị hại, có ngày vạ lây, Nguyễn Hoàng nhờ chị gái là vợ Trịnh Kiểm nói khéo cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, sinh ra chúa Nguyễn sau này.
Danh sách tổ tiên chúa Nguyễn nối đời là: Nguyễn Đức Trung · Nguyễn Văn Lang · Nguyễn Hoằng Dụ · Nguyễn Kim · Nguyễn Hoàng · Nguyễn Phúc Nguyên · Nguyễn Phúc Lan · Nguyễn Phúc Tần · Nguyễn Phúc Thái ·Nguyễn Phúc Chu · Nguyễn Phúc Trú · Nguyễn Phúc Khoát · Nguyễn Phúc Luân.


***
Ở Gia Miêu, ông tổ của dòng Nguyễn Đình là Bình Ngô khai quốc công thần Nguyễn Lý. Cháu của Nguyễn Lý là Nguyễn Đình Thuận theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng di cư vào xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên.
Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ lớn nhất của miền Nam nửa cuối thế kỷ XIX xuất thân trong gia đình nhà nho là hậu duệ của 1 trong 3 họ Nguyễn Đình ở Phong Điền.(3) Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên; nay thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Đình, ông tổ của họ theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp tại nơi này. Lớn lên, ông Nguyễn Đình Huy cưới vợ ở đây và đã có hai con (một trai và một gái).Mùa hạ, tháng 5 năm Canh Thìn (1820) Tả quân Lê Văn Duyệt được triều đình Huế phái vào làm Tổng trấn Gia Định Thành. Đến đầu mùa thu, Nguyễn Đình Huy đi theo Tả quân, để tiếp tục làm thư lại ở Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn. Ở Gia Định, ông Huy có thêm người vợ thứ là bà Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, sinh được 7 con (4 trai, 3 gái), và Nguyễn Đình Chiểu chính là con đầu lòng.


Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1 tháng 7 năm 1822), tại quê mẹ là làng Tân Thới , phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu cưới Lê Thị Điền (1835-1886, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, trước thuộc Gia Định; nay thuộc tỉnh Long An) làm vợ. Bà Điền là em gái thứ năm của Lê Tăng Quýnh, học trò ông, vì cảm phục và mến thương thầy, đã xin gia đình tác hợp. Con của Nguyễn Đình Chiểu có tất cả là ba trai ba gái. Trong số ấy có nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (con gái thứ tư) và Nguyễn Đình Chiêm (con trai thứ sáu) là người có tiếng trong giới văn chương, nối nghiệp cầm bút của cha.


***
Sau khi cha là Nguyễn Bặc tử nạn, trừ người anh cả Nguyễn Đê ở lại làm quan cho Lê Hoàn, còn người con thứ hai của Nguyễn Bặc là Nguyễn Thứ bất cộng đái thiên với triều đình mới nên dời cư về huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Sau non bốn thế kỷ thì sinh ra Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi (1380–19/9/1442), quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang. Ông là con trai của hàn sĩ Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, là cháu ngoại của thân vương Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh năm 1400, ông từng làm quan dưới triều Hồ. Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách đô hộ nhà Minh. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Nguyễn Trãi là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê.

Tuy nhiên, năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nòi giống của Nguyễn Trãi còn sót lại từ Anh Vũ – con bà Phạm Thị Mận vẫn được duy trì phát triển. Năm 1969, khi khoa Văn Đại học Sư Phạm Vinh sơ tán về xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An, lớp chúng tôi thường mượn nhà thờ họ Nguyễn làm nơi hội thoáng mát. Ông tộc trưởng cho biết chi họ của ông thuộc dòng Nguyễn Trãi, trực tiếp thờ ông tổ Anh Vũ. Trên đường Nguyễn Trãi kéo dài từ quận 1 đến quận 5 Tp HCM hiện có một nhà thờ lớn thờ Nguyễn Phi Khanh khá lâu đời, do con cháu Anh Vũ lập. Tôi có chơi thân với nhà thơ Nguyễn Phi Nguyện. Anh Nguyện thuộc dòng trực hệ Anh Vũ. Như vậy con cháu Nguyễn Trãi vẫn không bị tuyệt chủng. Nguyễn Trãi là anh hùng Dân tộc, danh nhân Văn hoá thế giới.


***
Có một hậu duệ xuất sắc của Nguyễn Bặc thế kỷ XVI là Tướng quân Nguyễn Quyện. Nguyễn Quyện là người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, xứ Sơn Nam, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Ông cùng dòng họ với Nguyễn Trãi. Cha ông là Nguyễn Thiến (có chỗ ghi là Thuyến) đỗ trạng nguyên năm NhâmThìn niên hiệu Đại Chính Nhà Mạc 1532. Dưới triều vua Mạc Phúc Nguyên, Nguyễn Thiến giữ chức Thượng thư bộ Lại, tước Thư Quận công. Tướng Nguyễn Quyện được giao giữ vệ Phù Nam, tước Văn Thái hầu và là con rể Thái tể Lê Bá Ly. Tháng ba năm Tân Hợi, Lê Bá Ly đem 17.000 quân các đạo Tây Nam sang hàng Lê thì Nguyễn Thiến và Nguyễn Quyện cùng đi theo. Nguyễn Thiến được vua Lê cho giữ nguyên chức tước. Tháng 8 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Quang Bảo thứ tư triều Mạc 1557, Nguyễn Thiến chết, Nguyễn Quyện cùng em là Nguyễn Miễn trốn về hàng vua Mạc Phúc Nguyên. Trong trận chống nhau với vua Lê ở Hồ Trì tháng 9 năm Đinh Tỵ, Nguyễn Quyện đánh tan quân Lê do Vũ Lăng hầu và Phạm Đức Kỳ chỉ huy, lập chiến công rực rỡ. Tháng 6 năm Diên Thành thứ 9 năm 1574 vua Mạc Mậu Hợp sai tướng Nguyễn Quyện đánh Nghệ An, huyết chiến với tướng Lê Công Tích và Trịnh Mô (tức Nguyễn Cảnh Mô) vài tháng không phân thắng bại, lại rút quân về. Ngày 6 tháng giêng năm Diên Thành thứ 10 năm 1575, Nguyễn Quyện lại cất quân tiến đánh Nghệ An giết được Lại Quốc công Phan Công Tích ngay giữa trận tiền ở Lèn Hai Vai, Diễn Châu. Tháng 7 năm Diên Thành thứ 11 năm 1576, Nguyễn Quyện lại đánh vào Nghệ An, truy bắt sống được Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Mô (Trịnh Mô) ở núi Ngọc Sơn Thanh Hóa, giải về kinh sư.


Từ đó uy danh của Nguyễn Quyện càng lẫy lừng. Đương thời coi ông là một danh tướng. Tháng 4 năm Đan Thái Nguyễn Quyện được vua thăng Thượng Đẳng Quốc công. Mùa xuân ngày 6-1 năm Hồng Ninh thứ 3 năm 1592, khi kinh thành Thăng Long thất thủ, Nguyễn Quyện bị quân Trịnh bắt, được Trịnh Tùng biệt đãi. Ông than rằng “Ông tướng bại trận không thể nói mạnh được. Trời đất bắt Mạc suy thì dẫu anh hùng cũng khó ra sức”. Sau khi vua Mạc Hồng Ninh (Mạc Mậu Hợp) bị giết, Nguyễn Quyện và các con cháu phải khuất theo nhà Lê, nhưng không phục, tìm cách chống lại. Việc bại lộ, cả nhà cùng bị thảm sát, chỉ có một người con trai của Nguyễn Miễn trốn thoát. Đó là Nam Dương hầu Nguyễn Nghiệm. Ông giong buồn vượt biển chạy trốn vào làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, giấu tên họ, tung tích, chỉ gọi là ông già Nam Dương. Sau này, con cháu tập hợp lại thành chi phái họ Nguyễn Tiên Điền, tức là dòng họ của Đại Thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều bất hủ, Danh nhân văn hóa thế giới
...............................
(1) Viết theo tài liệu Gia phả dòng họ Thái tể triều Đinh, Định Quốc công Nguyễn Bặc. Bộ thế phả do tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795-1868) biên soạn. / (2) Nguyễn Kim được các vua nhà Nguyễn sau này truy tôn miếu hiệu là Triệu Tổ, thụy hiệu là Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh hoàng đế. / (3) Ban tu thư Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu có về xã Bồ Đề điều tra nhưng không ra manh mối gì cả. (Source: Blog NguyenTrongTao)