Nữ sinh Nguyễn Phương Uyên bị đánh đập trong tù

07 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 24915)
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị đánh trong trại giam

image001
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên (http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com)

Trọng Thành RFI

Hôm qua, 26/04/2013, bà Nguyễn Thị Nhung – mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi -, vào trại giam Long An thăm con, bị tạm giam từ cuối tháng 10/2012, để chờ đưa ra xét xử, vì bị cáo buộc « Tuyên truyền chống Nhà nước », sau vụ rải truyền đơn tại khu vực cầu vượt An Sương (Sài Gòn) ngày 10/10/2012, lên án các bất công trong vấn đề đất đai cũng như việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Khi gặp con, bà Nhung rất bất ngờ vì thấy nhiều thương tích trên cơ thể con mình.

Nguyễn Phương Uyên đã kể với mẹ là đã bị đánh đến ngất trong tù. Đây là điều khiến bà Nguyễn Thị Nhung hết sức bất ngờ, vì trước đó cán bộ trại giam cho biết cô Phương Uyên bị lên cơn co giật vì động kinh.

Trả lời RFI Việt ngữ, bà Nguyễn Thị Nhung kể lại sự việc, bày tỏ nỗi lo sợ của bà đối với an toàn tính mạng của Nguyễn Phương Uyên trong trại giam và kêu gọi sự giúp đỡ của công luận

Bà Nguyễn Thị Nhung : Ngày 25/04, tôi đi từ Phan Thiết vào Sài Gòn. Sáng sớm ngày 26/04 hôm qua, tôi lên tỉnh Long An, ở đó tôi... được lá đơn thăm gặp bé Uyên, và tôi lên trại giam công an tỉnh Long An để thăm bé. Sau khi lên trại giam, thì tôi liên hệ với ban quản giáo, anh ấy tên là Đinh Công Trí. Anh này là người giải quyết đơn thăm gặp. Tôi đến nộp đơn, thì ở đó xảy ra những việc như thế này.

Cái việc thứ nhất là anh ấy bắt tôi làm một bản cam kết, là ngày 15/04, tôi có gửi cho Uyên một cái kính cận, cách đây hai tuần, mà theo yêu cầu của trại giam là không có tính sát thương, hoàn toàn bằng nhựa. Tôi cũng có tìm khắp Sài Gòn mới mua được cái kính đó. Thì hôm qua, người ta lại bắt tôi làm một bản cam kết, trong đó có ghi : « Tôi là mẹ của Phương Uuyên, có gởi cho con gái cái kính cận vào ngày 15/04, và nếu ở trong trại giam có xảy ra việc gì, mà nguy hại cho sức khỏe của con tôi, cũng như sức khỏe của người khác, thì tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. » Thì tôi không có chịu. Cho nên là hai bên nói qua nói lại, giằng co rất lâu, cũng hết hơn nửa tiếng. Cuối cùng anh Đinh Công Trí này, anh ấy lập cái biên bản, nói là gia đình bị can không chịu hợp tác, không chịu làm bản cam kết. Đó là việc thứ nhất.

Việc thứ hai nữa là tự dưng anh Đinh Công Trí, anh ấy nói với tôi là : "Con của chị cách đây ba hôm, có bị lên cơn co giật, giống như là động kinh". Thì tôi rất là bất ngờ. Con của tôi từ nhỏ cho đến lớn không có gặp chứng bệnh lạ đó, nó chỉ bị cận thị thôi.

Sau khi được giải quyết thăm gặp, được gặp bé, thì thấy ở trên người bé có nhiều vết bầm tím, trên cổ, trên ngực, trên tay, thì tôi mới hỏi : "Con làm sao mà bị thâm tím như vậy ?" Con tôi nó nói rất là thương tâm : "Mẹ ạ, con bị người ta đánh, người ta đạp vào bụng, người ta đánh nhiều lắm, đánh con ngất xỉu luôn". Tôi mới hỏi là : "Tại sao con bị đánh ?" Con bé im. Nó rất là hiền. Ngày xưa đến giờ nó sống với bao nhiêu người, chưa bao giờ có ai phàn nàn gì hết, mà hôm nay, tự dưng lại bị đánh, thì nó nói là : "Con không làm gì hết, tự nhiên mấy người đó gây sự, rồi xông vào tấn công con, cho đến lúc con xỉu luôn, mới được quản giáo can thiệp đưa đi cấp cứu".

Sau khi tôi gặp cháu, thì tôi đi ra tìm gặp anh quản giáo này. Tôi mới hỏi là : "Tại sao lúc đầu anh không nói đúng sự thực, mà anh chỉ nói là con tôi lên cơn động kinh? Rõ ràng là con tôi bị đánh rất là dã man, không phải tự nhiên con tôi bị như thế. Tôi là một người mẹ thấy con mình bị đánh như vậy, như anh là một người cha, thấy con anh bị đánh, vậy thì anh nghĩ sao, mà anh không nói đúng sự thật?". Thì ông ấy trả lời là : "Tôi không có trách nhiệm báo cáo với chị, trình báo cho chị. Thì tôi cũng nói là anh đừng có làm sao để người khác bức xúc. Trong vấn đề này, tôi bức xúc, tôi sẽ đưa lên công luận, tôi sẽ trả lời với báo đài tất cả những việc đã xảy ra với con tôi. Tôi là một người mẹ, nhìn thấy con mình thế này tôi rất đau lòng". Ông ấy chỉ nói là : "Tôi không có trách nhiệm báo cáo cho chị, còn là tôi đã xử lý người mà tấn công bé Uyên, tôi cắt thăm gặp, cắt thăm nuôi. Như vậy, chị có hài lòng chưa ?" Anh ta chỉ nói vậy thôi.

Việc bên trong thế nào, thì thật sự tôi rất là mù mờ, sau khi được thăm gặp con. Phải nói là tôi rất hoang mang lo sợ cho tình hình sức khỏe của cháu bây giờ, cũng như sắp đến. Qua cái lời của anh quản giáo này, nói rằng, có xẩy ra chuyện gì, thì ở đây có bác sĩ chăm sóc. Tôi có nói là : "Đánh con tôi như vậy, có chuyện gì các anh nghĩ sao ? Trong khi con tôi là một đứa con gái, trước giờ bé rất là hiền, chưa bao giờ xảy ra chuyện gì, mà tại sao mấy anh không quản lý chặt chẽ, mà đợi cho…" (Người ta) Nói là giam cùng với tù hình sự gì đó. Tôi không tin, thật sự là tôi thấy cái việc đó nó mù mờ làm sao.

RFI : Hiện nay, Phương Uyên sau khi bị đánh, thì điều kiện giam giữ như thế nào ?

Bà Nguyễn Thị Nhung : Trước khi bị đánh, thì bé Uyên vẫn được giam chung với hai người, còn bây giờ, sau khi bị đánh, cũng vẫn giam chung với hai người, mà theo như lời của anh quản giáo nói, thì là hai người khác. Mà thật sự, tôi rất là lo sợ, dù là hai người nào, thì cũng rất là lo sợ.

Với những gì đã xảy ra với con tôi trong thời gian vừa qua, cũng như cái ngày hôm qua, thì thật sự với gia đình tôi cũng là một nỗi kinh hoàng, một nỗi sợ, rất dai dẳng, phải nói là, hầu như sau khi gặp con, tôi cảm giác ác mộng, rất là lo sợ, lo sợ cho nó, lo sợ tột độ. Cho nên là, tôi cầu mong tất cả các tổ chức cá nhân nào trong phạm vi có thể, cố gắng giúp đỡ gia đình tôi trong giai đoạn này, bảo vệ được sự an toàn của con tôi. Tôi cũng cầu mong tổ chức nào để mà lên tiếng, để mà can thiệp, để ngăn chặn được những gì xẩy ra, có thể xấu nhất, đối với con tôi. Đó là một điều tôi mong muốn nhất.

Theo thông tin của gia đình, vụ án xét xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi, người bị bắt cùng đợt với Nguyễn Phương Uyên trong vụ án rải truyền đơn tại cầu vượt An Sương, sẽ diễn ra vào ngày 16/05 tại tòa án Long An. Trả lời RFI Việt ngữ, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của anh Đinh Nguyên Kha, bày tỏ nỗi lo ngại rất lớn của bà việc Đinh Nguyên Kha bị cáo buộc tội khủng bố :

Bà Nguyễn Thị Kim Liên : Trong khi cáo trạng đã đưa, đã có kết luận điều tra, rồi tới ngày hôm nay, đã có ngày xử là 16/05, tôi không hiểu họ muốn làm gì với Đinh Nguyên Kha nữa. Hôm 20/03, tôi xuống tòa án hỏi, thì họ nói là đi (rời trại giam tỉnh) vào ngày 20/03, đi đúng một tháng, đặng 20/04 trở lại để xử. Bây giờ khi luật sư vào gặp Đinh Nguyên Kha, thì những cán bộ ở trại giam trên Sài Gòn nói là, không được hỏi về vấn đề khủng bố, tại vì tội danh « khủng bố », họ đang điều tra. Họ cấm không cho luật sư hỏi thằng Kha về khủng bố, mà chỉ nói về điều 88 thôi.

Tôi nghe là tôi chết điếng rồi. Tôi rất là sợ, tôi mong muốn đưa ra công luận lên tiếng dùm con tôi. Tại vì họ tịch thu đồ ở đây,... chỉ là thuốc súng, mỗi thứ 50, 70 gram mà, tổng cộng là có 230 gram gồm bốn năm thứ, mua ở chợ Kim Biên, có biên bản khai đàng hoàng luôn. Tôi còn giữ biên bản. Không ai tin là mua ở chợ Kim Biên mà chế được bom. Trong khi ở quê tôi, Tết nào nó (anh Đinh Nguyên Kha) cũng chế pháo bông, thuốc pháo nổ lẹt đẹt, như ngoài Bình Đà, ngoài miền Bắc vậy đó. Ai cũng biết hết trơn.

Bây giờ, tôi chỉ mong là mọi người chia sẻ dùm, có ý kiến lên tiếng dùm con tôi vậy thôi. Tôi nghĩ rằng, họ chụp mũ con tôi đặng cho nước ngoài nghe « khủng bố » là họ ghét bỏ gia đình tôi, ghét bỏ nó.

RFI xin cảm ơn bà Nguyễn Thị Nhung và bà Nguyễn Thị Kim Liên


VIỆT NAM - HOA KỲ -

Bài đăng : Thứ bảy 20 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 20 Tháng Tư 2013

Bộ Ngoại giao Mỹ : tình trạng nhân quyền tại Việt Nam 2012 đã xấu đi thêm

image004
Ông Dan Baer, phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền (www.state.gov)

Thanh Phương RFI

Hôm qua, 19/04/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền trên thế giới. Riêng về Việt Nam, bản báo cáo này cho biết các vấn đề nhân quyền đáng kể nhất đó là việc chính quyền Hà Nội vẫn hạn chế nghiêm ngặt các quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ, việc chính quyền gia tăng những biện pháp giới hạn các quyền tự do dân sự và nạn tham nhũng trong bộ máy tư pháp và công an.

Riêng về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Việt Nam tiếp tục sử dụng các điều luật về an ninh quốc gia và vu khống, để hạn chế các quyền này, chẳng hạn như điều 88 về tội « tuyên truyền chống Nhà nước », như trường hợp của sinh viên Nguyễn Phương Uyên, bị bắt tháng 10 năm ngoái với tội danh này chỉ vì mang trên người những truyền đơn chống Trung Quốc và dự định phân phát những truyền đơn này.

Cũng theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ , chính quyền Việt Nam tiếp tục kiểm soát Internet, đặc biệt là sử dụng điều luật về tội « tuyên truyền chống Nhà nước » để cấm các blogger đăng tải những tài liệu, bài viết bị xem là gây phương hại an ninh quốc gia, làm lộ bí mật Nhà nước. Đặc biệt ngày 12/09/2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cáo buộc ba trang mạng Dân Làm Báo, Quan Làm Báo và Biển Đông « tuyên truyền chống Nhà nước » và « nói xấu các lãnh đạo Đảng », đồng thời ra lệnh điều tra về ba trang mạng này.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết chính quyền đã bắt giam nhiều nhà hoạt động sử dụng Internet để chỉ trích chính phủ và đăng các bài viết về nhân quyền và dân chủ đa đảng. Đa số các blogger bị bắt đã bị truy tố về tội « tuyên truyền chống Nhà nước » và « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền ». Trong năm qua, ít nhất 14 nhà hoạt động đã bị kết án tù. Tính đến cuối năm cũng đã có ít nhất 20 blogger và nhà hoạt động khác đang chờ ngày ra tòa, trong khi những nhà hoạt động khác thì bị chính quyền sách nhiễu và hù dọa.

Báo cáo nhắc lại là ngày 25/09 năm ngoái, Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước việc nhiều phóng viên và blogger bị kết án tù nặng nề và ghi nhận xu huớng gia tăng hạn chế quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, đặc biệt là đối với những chỉ trích chính phủ trên Internet.

Báo cáo nhân quyền thế giới 2012 được công bố sau khi ngày 12/04 vừa qua tại Hà Nội, Hoa Kỳ đã mở lại đối thoại nhân quyền với Việt Nam. Hôm qua, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã ra tuyên bố về Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ -Việt Nam lần thứ 17, cho biết hai bên « đã bàn về một số lĩnh vực bao gồm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tù nhân lương tâm, pháp quyền, quyền lao động, và tự do thông tin, liên quan đến các phương tiện truyền thông và trực tuyến ».

Nhân dịp này, phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Dan Baer đã gặp một số nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và tôn giáo, nhưng đã bị công an Việt Nam cản trở, không thể tiếp xúc với luật sư Nguyễn Văn Đài và bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Đại sứ quán Mỹ bày tỏ mối quan ngại về việc này.
13 Tháng Mười Một 2019(Xem: 4423)