Trung cộng sẽ trang bị vũ khí cho tàu hải cảnh?

06 Tháng Mười Một 20207:00 SA(Xem: 6540)

VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG HOA ĐÔNG - THỨ SÁU 06 NOV 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Trung cộng sẽ trang bị vũ khí cho tàu hải cảnh?


Trung Quốc tính trao quyền nổ súng cho 'hung thần' ở Biển Đông


Ngô Minh Trí


06/11/2020  Thanh Niên


Trung cộng lại vừa có thêm động thái tiềm ẩn rủi ro ở Biển Đông khi tính trao quyền sử dụng vũ khí cho các tàu hải cảnh của nước này trên biển.


image008Hai tàu hải cảnh của Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 9.2019. NGƯ DÂN CUNG CẤP


Hôm qua 5.11, Đài NHK đưa tin tại cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc ngày 4.11, dự thảo sửa đổi luật dành cho lực lượng hải cảnh của nước này đã được trình bày. Trong đó, điểm nổi bật là hải cảnh có trách nhiệm xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.


Liên tục “quân sự hóa” hải cảnh


Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cũng đã đưa ra dự thảo sửa đổi luật để đưa lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương (CMC). Hải cảnh (CCG) là một bộ phận của lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc nên có thể cùng quân đội tham gia chiến đấu, tập luyện chung khi xảy ra chiến tranh.


Mang danh là lực lượng chấp pháp “dân sự”, nhưng hải cảnh được biên chế nhiều tàu cỡ lớn, một số tàu có độ choán nước tương đương tàu khu trục. Nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc còn được trang bị cả pháo cỡ lớn cùng nhiều loại súng máy, pháo cỡ nhỏ, như tàu hải cảnh 3901 có cả pháo cỡ lớn loại 76 mm. Đặc biệt, một số tàu hải cảnh của Trung Quốc còn có nhà chứa, bãi đáp máy bay trực thăng và mang theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm.


Hải cảnh cùng với tàu dân quân về bản chất là lực lượng “quân sự” bán chính thức mà Trung Quốc điều động tiến hành hoạt động để củng cố cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền” trên biển. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên có hành vi như một “lực lượng hung thần” chuyên gây rối ở Biển Đông.


Năm 2019, tàu hải cảnh 3901 là một trong những tàu liên tục xuất hiện để hộ tống tàu khảo sát Hải dương 08 tiến hành các hành vi xâm phạm chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam. Đầu năm nay, 1 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã vô cớ đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.


Gia tăng căng thẳng


Trả lời Thanh Niên ngày 5.11, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định: Cách đây không lâu, Trung Quốc đã sửa đổi luật phòng thủ quốc gia. Luật mới cho phép Bắc Kinh triển khai lực lượng vũ trang ở nước ngoài để bảo vệ điều mà Trung Quốc xem là lợi ích quốc gia.


“Giờ đây, Trung Quốc tiếp tục sửa luật để cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực trên biển. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang muốn tiến thêm một bước trong việc sử dụng “cơ bắp” để đảm bảo điều mà họ xem là “lợi ích” của Trung Quốc”, ông Collin nói.


Vị này cũng đặt vấn đề: “Chưa rõ chi tiết cụ thể của việc tăng quyền hạn ở trên, nhưng xét trong bối cảnh hiện tại ở Biển Đông và biển Hoa Đông, diễn biến vừa nêu có khả năng gây mất ổn định. Thêm vào đó, khi Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đối với Biển Đông thì việc trao thêm quyền cho hải cảnh Trung Quốc như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.


Tăng nguy cơ xung đột


Dự thảo mới của Trung Quốc về việc tăng quyền cho hải cảnh nước này sẽ làm tăng nguy cơ xung đột ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bằng cách vũ trang cho tàu hải cảnh và cho phép sử dụng vũ lực, Bắc Kinh đang gia tăng thách thức đối với các bên khác trong vùng biển tranh chấp liên quan Trung Quốc.


Theo thông lệ bình thường, tàu hải cảnh, tuần duyên phi vũ trang sẽ giải quyết các vấn đề liên quan các tàu phi vũ trang. Dự luật mới mà Bắc Kinh đặt ra sẽ thay đổi thông lệ đó và mở đường quân sự hóa tất cả các tàu hải cảnh, tuần duyên. Và có lẽ, Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những động thái gây căng thẳng giữa bối cảnh thế giới đang phải đối phó đại dịch Covid-19.


PGS Stephen Robert Nagy
(Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada)
26 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8564)