Đại sứ Shear: "Tôi nghi ngờ chuyện chính quyền ông Biden lại tảng lờ VN và Biển Đông"

09 Tháng Mười Một 20208:07 SA(Xem: 7638)

VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG HOA ĐÔNG - THỨ HAI 09 NOV 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


image013Đại sứ David Shear trong một lần nói chuyện về Biển Đông tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí tại Quận Cam, ngày 03/6/2013. Ảnh VH


Đại sứ Shear: "Tôi nghi ngờ chuyện chính quyền ông Biden lại tảng lờ VN và Biển Đông" (*)


Đại sứ Shear: Việt Nam là đối tác mạnh trong chính sách đối ngoại của Biden


VOA 09/11/2020


image014Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cốc với Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng ở Mỹ hôm 7/7/2015


Giữa lúc các nhà lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Canada, Ấn Độ, Đài Loan… gửi lời chúc mừng ông Joe Biden trở thành tổng thống đắc cử của Mỹ, nhiều người ở Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ muốn biết Việt Nam sẽ có vị trí thế nào trong chính sách đối ngoại của ông Biden khi ông chính thức nắm quyền.


Nói với VOA về vấn đề này hôm 8/11, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nhận định rằng Việt Nam là đối tác mạnh trong chính sách ngoại giao của ông Biden liên quan đến các vấn đề Biển Đông, cạnh tranh với Trung Quốc, nhân quyền và biến đổi khí hậu.


Chính sách đối ngoại của ông Biden được trình bày trong số tháng 3/tháng 4 của tạp chí uy tín Foreign Affairs, khi ông còn là ửng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.


Theo tìm hiểu của VOA, bài viết dưới tựa đề “Vì sao nước Mỹ phải lãnh đạo trở lại” của ông Biden nêu ra nghị trình đối ngoại quan trọng, tuy không nhắc đến Việt Nam hay Biển Đông một lần nào, song có 4 vấn đề liên quan đến Việt Nam.


Dân chủ, Nhân quyền


Ông Joe Biden đặt vấn đề nhân quyền làm ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của mình, theo bài viết của ông trên Foreign Affairs.


“Trong năm đầu tiên nắm quyền, Hoa Kỳ sẽ tổ chức và làm chủ nhà một Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ toàn cầu để mang lại sức sống mới cho tinh thần và mục đích chung của các quốc gia thuộc thế giới tự do”, ông Biden viết.


Tôi tin chắc rằng khi ông Biden nắm quyền tổng thống, ông sẽ khôi phục mối quan tâm của Mỹ vào dân chủ, nhân quyền...Cựu Đại sứ David Shear



Chính trị gia của đảng Dân chủ cho hay trong chính sách đối ngoại của ông, Hoa Kỳ sẽ ưu tiên thúc đẩy các cam kết của các quốc gia trong ba lĩnh vực: chống tham nhũng, phòng vệ chống lại chủ nghĩa độc tài, và thúc đẩy nhân quyền ở các quốc gia.


Ở vị trí ứng cử viên tổng thống khi đó, ông Joe Biden chỉ trích chính quyền của Tổng thống Trump vì đã xem thường những người thuộc phe dân chủ trong khi công nhận các chính phủ bất lương, tham nhũng.


image015Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/5/2018. Twitter EAP US Department of State


So sánh 2 cách tiếp cận với dân chủ, nhân quyền giữa ông Trump và ông Biden, cựu Đại sứ Mỹ David Shear, một quan chức thuộc chính quyền thời Tổng thống Obama, nói với VOA:


“Tôi nghĩ có sự khác biệt to lớn giữa chính quyền của ông Trump và chính quyền của ông Biden về vấn đề nhân quyền. Tôi tin chắc rằng khi ông Biden nắm quyền tổng thống, ông sẽ khôi phục mối quan tâm của Mỹ vào dân chủ, nhân quyền, không chỉ ở Mỹ mà cả ở nước ngoài. Ông sẽ thực hiện một chính sách mạnh mẽ về vấn đề này”.


Cựu Đại sứ Shear điểm lại rằng dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ và Việt Nam có đối thoại rất xây dựng về nhân quyền, và ông tiên liệu dưới thời Tổng thống Biden, hai nước cũng sẽ tiến hành đối thoại mang tính xây dựng tương tự.


Cạnh tranh với Trung Quốc


Nêu tầm nhìn chiến lược về Trung Quốc, ông Joe Biden viết trong số tháng 3/tháng 4 của Foreign Affairs rằng “Hoa Kỳ chắc chắn cần phải cứng rắn với Trung Quốc”.


Ứng cử viên của đảng Dân chủ khi đó mà nay là tổng thống đắc cử đánh giá nền kinh tế số 2 thế giới với dân số 1,4 tỉ người “là một thách thức đặc biệt” đối với Mỹ và đồng minh.


Vì vậy, ông Joe Biden xác định rằng “cách tốt nhất để xử lý thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất bao gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ” để đối đầu với Trung Quốc, kể cả trong các vấn đề về cách hành xử xấu và những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.


image016Chính quyền Tổng thống Trump cứng rắn với hãng Huawei của Trung Quốc


Việt Nam chắc chắn là một đối tác mạnh. Tôi hình dung rằng chính quyền mới [của ông Biden] sẽ muốn tăng cường quan hệ song phương, cũng như mở rộng và củng cố hợp tác đa phương. Tôi nghĩ chính quyền mới sẽ nhắm đến làm việc chặt chẽ hơn với Việt Nam... Cựu Đại sứ David Shear


Cựu Đại sứ Mỹ David Shear nhận xét rằng thông điệp kể trên của ông Biden thể hiện sự nhất quán của chiến dịch tranh cử, nhấn mạnh đến việc Mỹ cần làm việc chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác, mà theo ông Shear, bao gồm cả Việt Nam. Ông Shear nói:


“Việt Nam chắc chắn là một đối tác mạnh. Tôi hình dung rằng chính quyền mới [của ông Biden] sẽ muốn tăng cường quan hệ song phương, cũng như mở rộng và củng cố hợp tác đa phương. Tôi nghĩ chính quyền mới sẽ nhắm đến làm việc chặt chẽ hơn với Việt Nam về mặt ngoại giao ở cả Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lẫn Diễn đàn An ninh Khu vực thuộc ASEAN”.


Từ kinh nghiệm khi giữ chức vụ cấp cao về ngoại giao lẫn quốc phòng vào thời Tổng thống Obama, ông Shear nói thêm với VOA rằng nếu ông là quan chức cấp cao thuộc chính quyền mới, ông chắc chắn sẽ thúc giục tân tổng thống tiếp cận với Việt Nam và Đông Nam Á “càng sớm càng tốt”.


Theo dõi dư luận trên mạng xã hội, VOA nhận thấy nhiều người Việt tỏ ý lo ngại rằng ông Biden trên cương vị tổng thống Mỹ sẽ không cứng rắn bằng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong việc đối phó với Trung Quốc, đặc biệt là trong việc chống Trung Quốc đánh cắp công nghệ và thúc đẩy các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc.


Về vấn đề này, cựu Đại sứ David Shear, cũng từng là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuyên trách An ninh châu Á-Thái Bình Dương, đưa ra nhận định với VOA:


“Chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục nhiều việc của chính quyền ông Trump đối với kiểm soát công nghệ, sự cần thiết phải kiểm soát dòng chảy công nghệ sang Trung Quốc. Có sự đồng thuận mạnh mẽ giữa các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ về vấn đề này. Tôi nghĩ ta sẽ thấy Tổng thống Biden sẽ nhắm đến tăng cường nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ và làm biến chất mạng internet”.


Lưu ý rằng bức tranh lớn về quan hệ Mỹ-Trung là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, song cựu Đại sứ Shear tiên liệu rằng chính quyền ông Biden sẽ nhấn mạnh vào phần “đấu tranh” nhiều hơn.


image017Ông David Shear (trái) khi còn là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tháng 9/2016


Ần Độ Dương-Thái Bình Dương


Trong chiến lược ngoại giao mà ông Biden đăng lên tạp chí Foreign Affairs, ông nói nước Mỹ sẽ tái đầu tư vào các đồng minh theo hiệp ước gồm Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời làm sâu sắc thêm các quan hệ đối tác với Ấn Độ và Indonesia, nhưng không nhắc đến Biển Đông.


Tất cả các nước kể trên đều ở trong khu vực có gắn bó chặt chẽ với lợi ích của Mỹ là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chứa đựng cả Biển Đông nơi Mỹ can dự ngày càng nhiều trong những năm gần đây để phản bác các yêu sách chủ quyền bị Mỹ gọi là “phi pháp” và “quá đáng”.


Tôi nghi ngờ chuyện chính quyền ông Biden lại tảng lờ Việt Nam và Biển Đông. Tôi nghĩ đó là vấn đề quan trọng đối với họ.


Cựu Đại sứ David Shear



Cựu Đại sứ Shear nói với VOA rằng việc Biển Đông không được đề cập không đồng nghĩa là ông Biden xem nhẹ tuyến đường thủy chiến lược này:


“Tôi nghi ngờ chuyện chính quyền ông Biden lại tảng lờ Việt Nam và Biển Đông. Tôi nghĩ đó là vấn đề quan trọng đối với họ. Có thể họ sẽ có cách tiếp cận hơi khác về vấn đề này. Tôi dự báo là Biển Đông, mối quan hệ với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển, trong đó có Việt Nam sẽ là điều quan trọng đối với chính quyền của ông Biden”.


Cựu Đại sứ, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho rằng nhiều công việc từ thời Tổng thống Obama, khi ông Biden tham gia ở vai trò Phó Tổng thống, sẽ được tiếp tục trong thời gian sắp tới khi ông Biden là tổng thống Mỹ. Ông Shear nói thêm:


“Về Biển Đông, tôi nghĩ tân Tổng thống [Biden] sẽ nhắm đến tăng cường quan hệ ngoại giao và an ninh với Việt Nam, đồng thời cũng sẽ tìm cách củng cố quan hệ kinh tế”.


Ông Shear tiên liệu rằng tính nối tiếp về chính sách còn được thể hiện qua việc nhiều khả năng là trong số những quan chức cao cấp trong chính quyền ông Biden sẽ có một số khuôn mặt quen thuộc với Việt Nam, là bạn của Việt Nam, như Tony Blinken, cựu Thứ trưởng Ngoại giao; Michelle Flournoy, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng; hay Susan Rice, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.


Biến đổi khí hậu


Ông Joe Biden viết trên Foreign Affairs rằng Hoa Kỳ phải lãnh đạo thế giới để đương đầu với mối đe dọa đến sự sống còn của con người là biến đổi khí hậu.


Ông cho biết vào ngày đầu tiên nắm quyền, ông sẽ đưa nước Mỹ tham gia trở lại vào Hiệp định Paris về khí hậu và sau đó tổ chức cuộc họp thượng đỉnh gồm các nước phát thải CO2 nhiều nhất trên thế giới, nhắm đến vận động các nước đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn và đạt nhiều tiến bộ hơn, với tốc độ nhanh hơn.


image018Biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng lạ thường ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ảnh năm 2016). [nguồn: VN Express 3/11/2016]


Bình luận về mối liên quan của Việt Nam đến tầm nhìn kể trên của người sắp trở thành tổng thống mới của Mỹ, cựu Đại sứ Shear lưu ý đến Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam là một trong những nơi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.


Nước biển dâng cao và phần lớn ĐBSCL sẽ bị ngập lụt trong vòng 30-50 năm nữa, cựu đại sứ Mỹ nhắc lại lời cảnh báo của giới khoa học, tiếp đến ông nhận định:


“Đó là điều sẽ thu hút sự quan tâm của chính quyền ông Biden và sẽ là một lĩnh vực Việt Nam và Mỹ hợp tác được với nhau, tìm tòi xem hai bên có thể làm gì cùng nhau để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, không chỉ ở ĐBSCL mà cả ở các nơi khác của Việt Nam và trong khu vực”.


Hà Nội chưa chúc mừng


Tính đến sáng 9/11, giờ Hà Nội, Việt Nam chưa chính thức gửi lời chúc mừng đến ông Joe Biden dù nhiều lãnh đạo khác trên thế giới đã nhìn nhận ông là tổng thống đắc cử của Mỹ.


Trước đó, hôm 5/11, khi kết quả bầu cử Mỹ còn chưa rõ ràng, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Dương Hoài Nam nói Hà Nội “tin tưởng rằng Tổng thống Mỹ nào cũng sẽ ủng hộ” mối quan hệ đã kéo dài 25 năm giữa Mỹ và Việt Nam.


Ông Dương Hoài Nam cũng lặp lại khẳng định của các lãnh đạo Việt Nam gần đây rằng “Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, cùng có lợi”./


(*) Tựa do VHO đặt.

04 Tháng Tám 2021(Xem: 7583)