Bắc Kinh: Luật an toàn lãnh hải; Mỹ: Xung đột tiềm tàng; VN lên tiếng

03 Tháng Chín 20218:34 SA(Xem: 4975)

VĂN HÓA ONLINE –BIỂN ĐÔNG-HOA ĐÔNG - THỨ SÁU 03 SEP 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Bắc Kinh: Luật an toàn lãnh hải; Mỹ: Xung đột tiềm tàng; VN lên tiếng


  • Giới chuyên gia tin rằng phần lớn các nước sẽ phớt lờ luật hàng hải mới của Trung Quốc?

image003
Trung Quốc lại 'làm luật' ở Biển Đông


01/09/2021


TTO - Luật an toàn hàng hải của Trung Quốc tiếp tục xuất hiện những diễn giải luật pháp mơ hồ theo cách của nước này càng cho thấy rõ hơn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông bất chấp các công ước quốc tế.


image004Tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường USS Kidd của Hải quân Mỹ và tàu tuần duyên USCGC Munro đi qua eo biển Đài Loan ngày 27/8/2021 - Ảnh: REUTERS


Cuối tuần trước, Trung Quốc thông báo triển khai các quy định bổ sung trong luật an toàn hàng hải của họ. Trong đó có những yêu cầu nhằm kiểm soát hoạt động của tàu nước ngoài đi vào cái mà Bắc Kinh gọi là "vùng lãnh hải của Trung Quốc". 


Quy định bổ sung này chính thức có hiệu lực vào hôm 1/9/2021.


Vô lý và mơ hồ


Luật an toàn hàng hải sửa đổi của Trung Quốc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua tại kỳ họp thứ 28 và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký ban hành ngày 29-4 năm nay. 


Đây là bản sửa đổi luật an toàn hàng hải thông qua năm 1983 và đã sửa đổi năm 2016. Luật mới bao gồm 10 chương và 122 điều, so với bản sửa đổi trước đó gồm 12 chương và 53 điều, PGS.TS Vũ Thanh Ca (Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội) lưu ý.


Cụ thể, theo Cơ quan an toàn hàng hải (MSA) Trung Quốc, quy định mới yêu cầu tàu nước ngoài vào "vùng lãnh hải" Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý Trung Quốc. 


Yêu cầu này áp dụng với các loại tàu ngầm/lặn, tàu hạt nhân; tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc.


PGS.TS Vũ Thanh Ca phân tích sự vô lý của điều 24 quy định việc sử dụng trạm vô tuyến nội địa hoặc trạm cổng vệ tinh phù hợp với luật pháp Trung Quốc: "Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định tất cả các nước được thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển”. 


“Do vậy, không có quy định nào cho phép một quốc gia ven biển được bắt buộc tàu thuyền hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước đó phải sử dụng một trạm vô tuyến nội địa hoặc trạm cổng vệ tinh phù hợp với luật pháp của họ để truyền thông tin".


Tương tự, nhà nghiên cứu Ấn Độ Pooja Bhatt (ĐH Jawaharlal Nehru) cho rằng Trung Quốc, với tư cách thành viên UNCLOS, đã chọn lọc và dùng những điểm có lợi cho mình mà bác bỏ những điểm bất lợi. 


"Tuyên bố từ Trung Quốc cũng không nói tới vấn đề về đảo/thực thể được đề cập rõ ràng ở Biển Đông (ngoài khu vực đất liền Trung Quốc), nơi Bắc Kinh muốn mở rộng phạm vi của luật này. Chính vì thế, tuyên bố của Trung Quốc là rất mơ hồ", bà nói với Tuổi Trẻ.


Nhìn sơ qua thì các quy định này có vẻ phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng không phải như vậy. (PGS.TS VŨ THANH CA/Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội)


Nói kiểu gì cũng sai


Trong luật an toàn hàng hải có hiệu lực từ 1-9, Trung Quốc đã tận dụng các điều luật về quyền của quốc gia ven biển để đòi "xét giấy" tàu thuyền nước khác.


Về luật, Trung Quốc có một số quyền nhất định đối với tàu thuyền qua lại nhằm đảm bảo an toàn hàng hải. Song Bắc Kinh cũng bỏ qua điều 24 của UNCLOS, trong đó nêu rõ trách nhiệm của "quốc gia ven biển" là không cản trở quyền đi lại vô hại, trừ trường hợp được quy định trong công ước này.


Theo TS Seta Makoto, phó giáo sư luật quốc tế tại ĐH Yokohama (Nhật Bản), kể cả khi tạm cho rằng tất cả các "vùng lãnh hải" do Trung Quốc tuyên bố đơn phương đều thuộc về Trung Quốc thì quy định mới này cũng đã vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt đối với quyền đi lại vô hại trong điều 17 và các điều khoản theo sau trong UNCLOS.


"Khi thực hiện quyền (cụ thể là quyền đi lại vô hại), các nước không có nghĩa vụ phải báo cáo thông tin với quốc gia ven biển. 


Trong trường hợp tàu ngầm hoặc các phương tiện dưới mặt nước khác, lấy ví dụ, khi họ di chuyển trên mặt nước và có cắm cờ trên tàu, họ không bị yêu cầu phải báo cáo với quốc gia ven biển (theo điều 20 của UNCLOS)" - TS Seta Makoto nói với Tuổi Trẻ


Ông cho rằng Trung Quốc đang có cách hiểu khác với đa số cộng đồng quốc tế và các nước cần phải làm rõ điều này với Trung Quốc.


Trong khi đó, chuyên gia Bhatt cho rằng việc "xét giấy" cũng cho phép các cơ quan hàng hải Trung Quốc thu thập thêm dữ liệu về tàu thuyền các nước.


Quy định nguy hiểm


Đối với các nước xung quanh Biển Đông, quy định của Trung Quốc trở thành điều cực kỳ nguy hiểm.


Cần chú ý cái gọi là "vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" trong Biển Đông mà Trung Quốc đã tuyên bố là toàn bộ vùng biển nằm trong "đường lưỡi bò" hoặc vùng biển liên quan tới "Tứ Sa".


Cả hai cách tuyên bố này đều cho Trung Quốc có một vùng biển chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, bao gồm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.


Tôi cho rằng với âm mưu từng bước độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục xây dựng các luật để từng bước hợp thức hóa những hành động dựa trên sức mạnh, bắt nạt, cưỡng ép của họ.


PGS.TS VŨ THANH CA


Việt Nam lên tiếng


image005Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: BNG


Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:


"Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.


Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS". BẢO DUY


Phó đô đốc Mỹ: Trung Quốc 'xét giấy' tàu bè sẽ dẫn tới xung đột tiềm tàng trên Biển Đông


03/09/2021


TTO - Phó đô đốc Michael F. McAllister nhấn mạnh các yêu cầu mới của Trung Quốc trên vùng biển này là trái với luật pháp và nguyên tắc quốc tế. "Sẽ có bất ổn và xung đột nếu các yêu cầu này được thực thi", ông cảnh báo.


image006Phó Đô đốc Michael F. McAllister trong lễ chuyển giao quyền chỉ huy vùng 17 của Tuần duyên Mỹ năm 2018. Thời điểm này ông McAllister còn là Đề đốc - Ảnh chụp màn hình


"Nếu những gì chúng tôi đọc là chính xác, đây là điều rất đáng lo ngại", phó đô đốc McAllister của Tuần duyên Mỹ trả lời phóng viên khi được hỏi về Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc.


Luật này (có hiệu lực từ ngày 1-9) yêu cầu tàu nước ngoài báo cáo một loạt thông tin nếu "đi vào vùng lãnh hải Trung Quốc".


Ngoài các tàu dân sự, quy định cũng áp đặt với "các tàu nước ngoài bị xác định đe dọa an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc".


Theo các chuyên gia, sự mập mờ về câu chữ này cho phép Bắc Kinh diễn giải mọi trường hợp có lợi cho họ và không loại trừ các quy định này áp đặt lên cả các tàu quân sự, cụ thể là tàu chiến Mỹ.


"Việc yêu cầu các tàu thực hiện quyền qua lại vô hại phải báo cáo thông tin (như Trung Quốc đưa ra) là đi ngược lại các thỏa thuận và nguyên tắc quốc tế", vị chỉ huy Tuần duyên Mỹ tại Tây Thái Bình Dương (PACAREA) nhấn mạnh trong cuộc họp báo qua điện thoại sáng 3-9.


"Những quy định này sẽ là nền tảng cho sự bất ổn và các cuộc xung đột tiềm tàng trên Biển Đông nếu Trung Quốc thực thi chúng", ông McAllister nêu quan ngại.


Theo phó đô đốc Mỹ, Biển Đông được ví như "siêu xa lộ hàng hải" với các hoạt động giao thương hàng hóa tấp nập. Do đó, hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên trong khu vực là rất quan trọng để xây dựng sự quản trị hàng hải tốt.


Tuy nhiên, theo ông McAllister, các đối tác hàng hải của Mỹ ven Biển Đông đang ngày càng lo ngại về các hành động "hung hăng của Trung Quốc", và sợ rằng "không có đủ năng lực để đối phó với các hành vi đó".


"Chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác trong khu vực", ông McAllister cam kết.


Hôm 31-8, các tàu của Tuần duyên Mỹ và Philippines đã tiến hành diễn tập gần bãi cạn Scarborough mà Manila tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế Bắc Kinh kiểm soát từ năm 2012.


Động thái diễn ra ngay trong thời điểm có thông tin Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát tiến vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) do Manila tuyên bố.


Theo phó đô đốc McAllister, tàu tuần duyên hạng nặng Munro (WMSL 755) đã diễn tập với Philippines các hoạt động cứu hộ cứu nạn, kỹ thuật ngư nghiệp và tăng cường năng lực cảnh giác hàng hải.


Munro là tàu đã cùng với một khu trục hạm khác của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm 27-8 nhằm chứng minh các cam kết của Mỹ vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.


Trong cuộc họp báo sáng 3-9, phó đô đốc McAllister tuyên bố các cam kết của Mỹ tại khu vực này "đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết", khẳng định Washington đã có vai trò quan trọng tại đây trong hơn 150 năm qua. DUY LINH


Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích luật an toàn hàng hải Trung Quốc


02/09/2021


  • Giới chuyên gia tin rằng phần lớn các nước sẽ phớt lờ luật hàng hải mới của Trung Quốc.


TTO - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple gọi Luật an toàn giao thông hàng hải 2021 do Trung Quốc đặt ra là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với tự do hàng hải và thương mại. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ sát cánh cùng đối tác và đồng minh.


image007Chiến hạm tác chiến ven bờ USS Charleston của di chuyển trên Biển Đông tháng 7-2021 - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ


"Mỹ kiên quyết với quan điểm là bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển không được vi phạm các quyền hàng hải, hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế", ông Supple phản hồi các câu hỏi về Luật an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc.


Đại diện Ngũ giác Đài khẳng định các yêu sách hàng hải rộng lớn và bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đang gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển", bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền và lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông.


"Mỹ cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở", ông Supple khẳng định.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từ chối cho biết liệu Chính phủ Trung Quốc có trao đổi trực tiếp với Mỹ về luật an toàn hàng hải mới hay không.


Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ đã nói rõ quan điểm của mình với Bắc Kinh rằng Washington coi các yêu sách lãnh thổ bành trướng là bất hợp pháp.


"Chúng tôi không ngại phản đối và trong nhiều trường hợp đã cùng với các đối tác và đồng minh của mình chống lại các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, quá mức của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó", ông Price nhấn mạnh với báo South China Morning Post (SCMP).


Các bình luận được đưa ra 2 ngày sau khi Cục An toàn hàng hải Trung Quốc thông báo các tàu nước ngoài đi vào "lãnh hải Trung Quốc" sẽ phải báo cáo một loạt thông tin.


Theo SCMP, quy định mới được áp dụng từ ngày 1-9 trên "Biển Đông, biển Hoa Đông và các đảo, đá ngầm khác nhau nằm rải rác trên các vùng biển" mà Trung Quốc đã đưa ra yêu sách vô lý.


Bất chấp những yêu sách phi lý này đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, Bắc Kinh liên tục có các động thái củng cố và dẫn đến những căng thẳng trong khu vực Biển Đông.


Hồi tháng 7-2021, quân đội Trung Quốc tuyên bố đã "xua đuổi" một tàu chiến Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng. Hải quân Mỹ sau đó lên tiếng bác bỏ thông tin, khẳng định không có việc bị Trung Quốc xua đuổi.


Trong Luật an toàn giao thông hàng hải 2021, Trung Quốc khẳng định sẽ yêu cầu các tàu nước ngoài "bị xác định gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải" báo cáo thông tin.


Theo giới chuyên gia, đây là một sự mập mờ về câu chữ, cho phép Trung Quốc diễn giải, áp đặt lên cả tàu quân sự.


Tuy nhiên, cũng giống như tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đã đơn phương đưa ra trên biển Hoa Đông, giới chuyên gia tin rằng phần lớn các nước sẽ phớt lờ luật hàng hải mới của Trung Quốc.


Mỹ: Bắc Kinh ‘‘đe dọa nghiêm trọng’’ tự do hàng hải ở Biển Đông


02/09/2021


image008Ảnh tư liệu: Nhóm Hàng không Mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) hoạt động trong vùng Biển Đông ngày 06/07/2020. AP - Mass Communication Specialist 2nd Class Samantha Jetzer


Trọng Thành


Bộ Quốc Phòng Mỹ gọi quy định « an toàn hàng hải » mới của Trung Quốc tại Biển Đông là mối « đe dọa nghiêm trọng » đối với tự do hàng hải và thương mại quốc tế. Tuyên bố được Hoa Kỳ đưa ra đúng vào ngày 01/09/2021, ngày mà quy định của Bắc Kinh, buộc nhiều tàu thuyền nước ngoài phải khai báo chi tiết khi đi qua các vùng « lãnh hải » của Trung Quốc, chính thức có hiệu lực.


Hôm 01/09/2021, theo truyền thông châu Á, trả lời báo giới về quy định hàng hải mới của Trung Quốc, người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Mỹ John Supple nhấn mạnh: « Hoa Kỳ tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên biển, bao gồm cả ở Biển Đông, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp không bị cản trở, các quyền và lợi ích ở Biển Đông và của các quốc gia ven biển ».


Phát ngôn viên Ngũ giác Đài cho biết thêm: « Hoa Kỳ kiên quyết chủ trương là mọi luật hoặc quy định của quốc gia ven biển đều không được quyền vi phạm các quyền về hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế ». 


Quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc - được ban hành cuối tuần trước - yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác, khi đi qua « vùng lãnh hải » Trung Quốc, phải khai báo tên, số hiệu, vị trí, cảng sắp ghé và giờ dự định đến nơi. Tên các vật liệu « nguy hiểm » và trọng tải của tàu cũng phải được báo cáo.


Quy định mới của Trung Quốc bị cho là trái ngược với nguyên tắc của luật biển quốc tế, theo đó tàu nước ngoài được phép « đi qua vô hại » trong vùng « lãnh hải » của quốc gia khác.ici


Quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc gây nhiều phản ứng tại Việt Nam. Hôm 01/09, trả lời về vấn đề này trong cuộc họp báo, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, khẳng định : « Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) … khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đồng thời nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết bảo vệ « chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS ».


Định nghĩa mơ hồ về « lãnh hải »


Tại Việt Nam, quy định mới về « an toàn hàng hải » áp dụng tại các vùng thuộc « lãnh hải » Trung Quốc được giới chuyên gia đặc biệt chú ý.


Truyền thông Việt Nam ngày 31/08/2021 dẫn lời nhà nghiên cứu Trần Công Trục, chỉ trích định nghĩa mơ hồ về « lãnh hải » trong văn bản này, và ý đồ của Trung Quốc « tìm cách hợp thức "vùng lãnh hải" 12 hải lý (thậm chí cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) xung quanh các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, các bãi ngầm trong Biển Đông mà họ đã đánh chiếm, bí mật đổ bộ, tiến hành cải tạo nâng cấp thành các đảo nhân tạo (vốn) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo quy định của UNCLOS 1982, của các quốc gia xung quanh Biển Đông trong thời gian qua ».


Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực, trụ sở tại La Haye, đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền « đường 9 đoạn » trên gần trọn Biển Đông (thường gọi là « đường lưỡi bò ») trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.


Là quốc gia đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, các động thái "làm luật" của Trung Quốc thu hút sự chú ý của giới quan sát quốc tế. Và tương tự các quy định khác, ví dụ Luật hải cảnh gần đây, luật của Trung Quốc tạo ra cảm giác mơ hồ.


Nhà nghiên cứu Ấn Độ Pooja Bhatt (Đại học Jawaharlal Nehru) cũng nhắc lại việc Trung Quốc thường xuyên sử dụng các thuật ngữ như "các vùng nước liên quan", "vùng biển tài phán", trong những tuyên bố đề cập tới Biển Đông, mà không nêu rõ các cụm từ ấy có nghĩa gì theo quan điểm của Bắc Kinh.


Bà cho rằng Trung Quốc, dưới tư cách thành viên UNCLOS, đã chọn lọc và dùng những điểm có lợi cho mình, đồng thời bác bỏ những điểm bất lợi. "Tuyên bố từ phía Trung Quốc cũng không nói tới vấn đề về đảo/thực thể được đề cập rõ ràng ở Biển Đông (ngoài khu vực đất liền Trung Quốc), nơi Bắc Kinh muốn mở rộng phạm vi của luật này. Chính vì thế, tuyên bố của Trung Quốc là rất mơ hồ", bà nói với Tuổi Trẻ Online.
26 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8561)