Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận ở Ream; Liên tục tập trận ở đông nam đảo Hải Nam

14 Tháng Sáu 20229:38 SA(Xem: 3598)

VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG- HOA ĐÔNG - THỨ BA 14 JUNE 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com

image027

Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận ở Ream; Liên tục tập trận ở đông nam đảo Hải Nam (*)


Hoàng Đình


14/06/2022


Nhiều khả năng, vấn đề Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia, ở phía nam Biển Đông, (???) sẽ tiếp tục gây lo ngại cho Mỹ và đồng minh.


Hôm qua (13.6), tờ Khmer Times đưa tin Bộ Quốc phòng Campuchia đang làm việc để tổ chức một cuộc tập trận chung với Trung Quốc trên biển. Cuộc tập trận được cho là nhằm nâng cao khả năng phòng vệ cho Campuchia.


Tờ báo dẫn lời tướng Chhum Sucheat, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia, cho hay hai bên đang làm việc với nhau và cuộc tập trận có thể sẽ diễn ra tại các cơ sở vừa được nâng cấp thuộc căn cứ hải quân Ream (tỉnh Sihanoukville). Theo đó, kế hoạch này được tướng Tea Banh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, khởi xướng tại lễ động thổ xây dựng một số hạ tầng ở căn cứ Ream do Trung Quốc tài trợ. Dự kiến, cuộc tập trận không diễn ra trước thời điểm Campuchia tổ chức SEA Games vào tháng 5.2023.


image027Sơ đồ về việc Trung Quốc triển khai vũ khí ở các đảo, bãi đá trên Biển Đông. Đồ họa: AMTI-Hoàng Đình


Cáo buộc của Washington


Nằm ở phía nam Biển Đông, căn cứ hải quân Ream trở thành “hòn đá tảng” trong quan hệ giữa Mỹ với Campuchia.


Ngày 6.6, tờ The Washington Post dẫn lời một quan chức phương Tây khẳng định Bắc Kinh đang bí mật xây dựng một cơ sở hải quân ở Ream để sử dụng độc quyền cho quân đội Trung Quốc. Tất nhiên, cả Trung Quốc lẫn Campuchia sau đó đều bác bỏ thông tin do The Washington Post đăng tải. Mặc dù vậy, không chỉ Mỹ mà Úc cũng đã lên tiếng quan ngại về cái được cho là thỏa thuận giữa Trung Quốc và Campuchia liên quan căn cứ Ream.


Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và Campuchia căng thẳng xung quanh vấn đề căn cứ Ream. Từ vài năm qua, phía Washington nhiều lần khẳng định Bắc Kinh không chỉ tài trợ xây dựng hạ tầng mà còn hiện diện quân sự tại Ream.


Tháng 11.2021, Bộ Tài chính Mỹ ban hành lệnh cấm vận 2 quan chức quân đội Campuchia liên quan dự án xây dựng tại căn cứ Ream.


Trước đó, vào năm 2019, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin từ giới chức quân sự Mỹ tiết lộ Phnom Penh và Bắc Kinh ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân này. Theo đó, thỏa thuận cho phép tàu chiến và quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm. Tuy nhiên, phía Campuchia đã lên tiếng bác bỏ thỏa thuận vừa nêu.


Đến tháng 10.2020, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố báo cáo liên quan diễn biến mới ở căn cứ hải quân Ream.


Theo báo cáo của AMTI, hình chụp vệ tinh ngày 1.10.2020 cho thấy chính phủ sở tại đã phá dỡ một cơ sở do Mỹ xây dựng tại căn cứ này.


Phản ứng sau thông tin của AMTI, Lầu Năm Góc phát đi thông cáo quan ngại “việc cơ sở của Mỹ bị san phẳng có thể nằm trong kế hoạch của Campuchia về việc cho phép tài sản, lực lượng quân đội Trung Quốc hiện diện ở căn cứ hải quân Ream”. Sau đó, cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh đều lên tiếng bác bỏ các cáo buộc từ Washington.


Kể từ đó đến nay, Washington và Phnom Penh liên tục “lời qua tiếng lại” xung quanh vấn đề căn cứ Ream.


image031Lính Cam Bốt canh gác căn cứ hải quân Ream. AFP


Kịch bản gây lo ngại


Thực tế, Ream không phải là nỗi lo ngại an ninh duy nhất của Mỹ đối với Campuchia liên quan các thỏa thuận với Trung Quốc. Tháng 9.2020, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trừng phạt Tập đoàn phát triển Liên Hiệp (UDG) - một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.


Phía Mỹ với cáo buộc UDG đã đầu tư dự án Dara Sakor tại tỉnh Koh Kong (Campuchia) có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, đe dọa sự ổn định của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).


Liên quan dự án Dara Sakor, tờ The The New York Times năm 2019 dẫn các nhận định cho rằng dự án này - sân bay với đường băng dài nhất Campuchia - có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.


Tờ báo dẫn lời trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó, đặt vấn đề: “Lầu Năm Góc lo ngại đường băng và các cơ sở đang được xây dựng ở Dara Sakor với quy mô có thể phục vụ mục đích quân sự, vượt quá nhu cầu hạ tầng dân sự cũng như năng lực dự báo cần thiết cho thương mại”. Theo trung tá Eastburn, nếu Campuchia cho phép quân đội nước khác hiện diện tại Dara Sakor có thể gây xáo trộn cho an ninh ở Indo-Pacific.


Thực tế, các căn cứ ở Campuchia giữ vai trò tiền đồn quan trọng đối với khu vực phía nam Biển Đông, cũng như khu vực tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.


Những năm qua, Bắc Kinh liên tục phát triển hạ tầng và quân sự hóa các thực thể ở cả hai quần đảo HS và TS.


Trong đó, hạ tầng mà Bắc Kinh xây dựng ở các đảo nhân tạo Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập đủ sức vận hành các loại chiến đấu cơ đa nhiệm và cả oanh tạc cơ hạng nặng.


Từ các yếu tố trên, nếu Trung Quốc hiện diện quân sự ở Dara Sakor và căn cứ Ream thì nước này có thể kết hợp cùng các cơ sở trên các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa nhằm hình thành một mạng lưới căn cứ trải rộng từ đảo Hải Nam đến sát Ấn Độ Dương. Mạng lưới này có thể phục vụ các loại máy bay, tàu chiến Trung Quốc, lại được hỗ trợ thêm bởi các loại tên lửa mà Bắc Kinh đang bố trí ở Hoàng Sa và Trường Sa.


Thậm chí, ngay cả khi Trung Quốc không hiện diện quân sự ở các cơ sở trên của Campuchia, thì việc khai thác cơ sở hậu cần cho các máy bay vận tải hay tàu quân sự cũng có thể giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực quân sự ở khu vực. Điều đó gây nhiều quan ngại cho Mỹ cùng đồng minh ở Indo-Pacific.


Theo tờ Khmer Times, lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia gần đây cũng đã tiếp nhận số khí tài trị giá hàng chục triệu USD, bao gồm các bệ phóng tên lửa, pháo gắn trên xe tải, xe chiến thuật có xuất xứ từ Trung Quốc như Xiaolong JL3 (FJ2040), xe tải hậu cần tên lửa BeiBen 2629, trạm chỉ huy tên lửa di động… (theo TNO)


(*) tựa do VHO đặt


Trung Quốc tập trận 2 ngày ở đông-nam đảo Hải Nam


Văn Khoa


12/06/2022


Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) mới đây thông báo rằng đang tổ chức tập trận ở Biển Đông từ 5 giờ ngày 11.6 đến 16 giờ ngày 12/6/2022.


Theo thông báo trên, khu vực tập trận được giới hạn bởi 4 điểm có tọa độ: 17o35,93 vĩ bắc/109o37,50 kinh đông, 17o35,93 vĩ bắc/109o52,97 kinh đông, 17o26,68 vĩ bắc/109o52,97 kinh đông và 17o26,68 vĩ bắc/109o37,50 kinh đông.


Kết quả đối chiếu 4 tọa độ trên lên Google Maps cho thấy khu vực tập trận dường như nằm ở vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam của Trung Quốc. Thông báo không nêu rõ quy mô cuộc tập trận, chỉ nói cấm tàu thuyền vào khu vực liên quan.


image033Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Chụp Màn hình CHINAMIL.Com


Gần đây, Trung Quốc liên tục công bố các cuộc tập trận tại khu vực Biển Đông gồm một cuộc từ ngày 31.5 - 2.6 ở đông nam tỉnh Quảng Đông và một cuộc trong ngày 1.6 ở đông bắc đảo Hải Nam.


Trước đó vào ngày 27.5, MSA đã đăng một thông báo nói rằng sẽ tổ chức một cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 30.5-1.6. Kết quả đối chiếu những tọa độ được nêu trong thông báo cho thấy khu vực tập trận dường như nằm ở vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam.


Cũng trong ngày 27.5, MSA tiếp tục đăng một thông báo khác nói sẽ tổ chức một cuộc tập trận khác ở Biển Đông cũng từ ngày 30.5-1.6. Kết quả đối chiếu 4 tọa độ được nêu trong thông báo cho thấy khu vực tập trận dường như nằm ở vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam, nhưng khác với khu vực trong thông báo trước.


Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch ít nhất 36 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 8 cuộc tập trận ở vịnh Bắc Việt, theo các thông báo được đăng trên website của MSA và thông tin từ tờ South China Morning Post.