Hải cảnh lớn Trung Quốc rượt đổi Tuần tra nhỏ Philipines ở bãi Cỏ Mây

29 Tháng Tư 20234:09 CH(Xem: 2097)

VĂN HÓA ONLINE – CHỦ ĐỀ ĐẶC BIỆT – THỨ BẨY 29 APRIL 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Hải cảnh lớn Trung Quốc rượt đổi Tuần tra nhỏ Philipines ở bãi Cỏ Mây


image003Vị trí bãi Cỏ Mây cách đảo nhân tạo/căn cứ Vành Khăn 44km, cách Palawan 200km.


Tàu Trung Quốc bị cáo buộc cố tình chặn đầu tàu Philippines


Thu Hằng 28/04/2023


image005Hải cảnh Trung Quốc chặn đầu Tuần tra duyên Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 23/04/2023. AP - Aaron Favila


Một tầu hải cảnh lớn của Trung Quốc đã chặn đầu một tầu tuần duyên của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Sự cố xảy ra sáng Chủ Nhật 23/04/2023 và được phóng viên của AP, có mặt trên tàu tuần tra của Philippines, tường thuật hôm 27/04/2023.


Ba phóng viên của hãng tin Mỹ được mời tham gia chuyến tuần tra với lộ trình dài 1.670 km của tầu Malapascua, cùng với một tầu tuần duyên khác là BRP Malabrigo, trong khuôn khổ chiến lược truyền thông mới của chính quyền Manila nhằm cho thấy thái độ hung hăng của hải quân Trung Quốc ở vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền đến 80% diện tích.


Khi đến Bãi Cỏ Mây, hiện do Philippines kiểm soát, tầu hải cảnh Trung Quốc phát loa yêu cầu hai tầu Philippines rời khỏi khu vực mà họ khẳng định là « vùng lãnh thổ không thể tranh cãi » của Bắc Kinh. Sau đó, tầu Trung Quốc đã bám sát và chặn tàu của Philippines khi hai tầu chỉ cách nhau khoảng 45 mét. Thuyền trưởng Rodel Hernandez, chỉ huy tầu Malapascua, cho phóng viên biết là tàu hải cảnh Trung Quốc đã có « hành động bất ngờ và rất nguy hiểm », « phớt lờ những quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm ».


Hai ngày trước sự cố nói trên, một con tầu rất lớn khác của Hải quân Trung Quốc đã bám sát hai tầu tuần tra của Philippines trong đêm 21/04/2023 khi đang hoạt động gần đá Thị Tứ (Thitu) hiện do Philippines chiếm đóng và nằm gần đá Xu Bi (Subi), một trong 7 thực thể mà Trung Quốc đã bồi đắp, cải tạo thành căn cứ quân sự. Tất cả những thực thể này nằm trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền.


Ngày 28/04, Philippines đã lên tiếng về sự cố hôm 23/04, cáo buộc hải cảnh Trung Quốc « có hành động nguy hiểm » và lên án « chiến thuật gây hấn » của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) đổ lỗi cho Manila « cố tình » gây sự cố để « khuấy động truyền thông », vì hai tầu tuần tra Philippines chở nhiều nhà báo nước ngoài.


Philippines đã tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ trong thời gian gần đây để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, đối với người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), được trang Trung Hoa nhật báo trích dẫn hôm 27/04, Mỹ đang « làm gia tăng căng thẳng ở trong vùng ». Theo quan chức này, « việc Trung Quốc xây dự cơ sở phòng thủ thiết yếu ở trên các đảo này là hoàn toàn hợp pháp ». (RFI)


+++++++++++++++++++++++++++++++


Phóng viên BBC chứng kiến màn rượt đuổi giữa tàu Trung Quốc và Philippines


image007Màn rượt đuổi mèo vờn chuột giữa Trung Quốc và Philippines


  • Tác giả, Virma Simonette & Joel Guinto
  • Vai trò, Từ Manila và Singapore
  • 29/4/2023


Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn một tàu tuần duyên của Philippines ở Biển Đông, suýt gây ra một vụ va chạm ở vùng biển nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền khiến Mỹ và các đồng minh lên tiếng cảnh báo.


BBC đã chứng kiến cuộc chạm trán căng thẳng gần bãi Second Thomas Shoal (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây) ở quần đảo Trường Sa ngày 23/4 - một động thái mà Manila nói là nằm ngoài kế sách của Bắc Kinh.


Sự việc xảy ra một ngày sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Manila, và bày tỏ hy vọng về việc đối thoại cởi mở về tranh chấp Biển Đông.


Trong suốt hành trình dài 1.670 km của hai tàu Cảnh sát biển Philippines trong hơn sáu ngày, máy quay của các phóng viên ghi lại được cách thức - tùy theo tín hiệu và các địa điểm cụ thể - tàu Trung Quốc sẽ theo dõi hoặc bám đuôi tàu Philippines, đồng thời gửi cảnh báo qua radio yêu cầu họ rời đi hoặc phải đối mặt với "hậu quả".


Lần đầu tiên, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã mời các phóng viên lên tàu tham gia cuộc tuần tra định kỳ của họ ở vùng biển tranh chấp để chứng kiến các hành động của Trung Quốc.


Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền một phần, bên cạnh Malaysia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan.


Việc này đã biến Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng nhất thế giới, đặc biệt là khi căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao.


Thứ nhất, việc tiếp cận các vùng biển này là chìa khóa để bảo vệ Đài Loan vào thời điểm mà các yêu sách của Trung Quốc đối với hòn đảo tự trị ngày càng gia tăng.


Và thứ hai, các tuyến đường thủy qua đây cũng lưu thông 5.000 tỷ USD thương mại toàn cầu mỗi năm, làm dấy lên lo ngại rằng dấu chân ngày càng tăng của Bắc Kinh có thể hạn chế thương mại toàn cầu.


Nhưng Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế rằng tuyên bố chủ quyền của họ đối với gần như toàn bộ Biển Đông là vô căn cứ. Thay vào đó, họ đã xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô, tăng cường tuần tra và gần đây hơn là chiếu tia laze vào các tàu Philippines để cản trở tầm nhìn của họ.


Mặt khác, Philippines đã dựa vào đồng minh lâu năm của mình là Mỹ, quốc gia cho rằng các động thái của Trung Quốc là phá vỡ "quyền tự do hàng hải" của các nước khác.


Khi sự việc trên biển xảy ra, Mỹ và Philippines đang ở trong những ngày cuối cùng của cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay của họ. Cuộc tập trận diễn ra ngay sau khi Mỹ giành được quyền tiếp cận các căn cứ quân sự quan trọng của Philippines, nhiều trong số đó đối mặt với Đài Loan.


Chiến thuật của Trung Quốc


Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Trung Quốc đã thực hiện "các cuộc diễn tập cực kỳ nguy hiểm" tại Bãi Cỏ Mây và các quan chức Philippines có đủ thẩm quyền để tuần tra thường xuyên khu vực này. Mặt khác, Bắc Kinh cáo buộc Philippines xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.


“Trung Quốc từ lâu đã sử dụng các chiến thuật như theo dõi, nhưng giờ đây, nhờ truyền thông, cả thế giới đã chứng kiến điều đó”, Thiếu tướng Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, cho biết.


Vào rạng sáng ngày 23/4, thủy thủ đoàn Philippines nhận thấy tàu Trung Quốc đang theo dõi tàu Malapascua của họ đã tăng tốc, qua làn khói đen dày đặc từ ống xả của phía Trung Quốc. BBC đã chứng kiến màn rượt đuổi trên trên vùng nước màu ngọc lam tương đối yên bình từ con tàu thứ hai của Philippines, Malabrigo, cách đó khoảng một km.


Cuối cùng, tàu Trung Quốc đã đuổi kịp tàu Philippines, và rõ ràng là tàu Phillipines không thể vượt qua một con tàu có kích thước lớn hơn gấp đôi. Tàu Trung Quốc chặn đường không chịu nhúc nhích, buộc tàu Malapascua phải tắt máy để tránh va chạm.


image009Tàu Sierra Madre của Phillipines đậu trên bãi cạn Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây- Ayungin).


Ông Rodel Hernandez, chỉ huy tàu Philippines, cho biết tàu Trung Quốc đã tiến đến gần 45m so với mũi tàu Malapascua từ "hành động đột ngột và thực sự rất nguy hiểm". Ông cũng cho biết đây là vụ suýt va chạm mới đây nhất đối với tàu của ông, vốn bị Trung Quốc chiếu tia laser vào tháng 2.


Sau 30 phút đối đầu, các tàu Philippines đã rời đi và không thể tuần tra Bãi Second Thomas Shoal, một trong số ít các bãi cạn và đảo đang tranh chấp mà Manila chiếm giữ bằng cách đậu một con tàu Hải quân tồi tàn - Sierra Madre - trên đó với một một số lính thủy đánh bộ.


Trung Quốc đang siết chặt vòng vây như thế nào


Việc Trung Quốc thường xuyên ngăn cản các đoàn tuần tra và tiếp tế của Philippines đến Bãi Second Thomas Shoal là một phần của vụ kiện được đưa lên Tòa án Trọng tài Thường trực vào năm 2016. Bãi cạn này là một ngư trường giàu thuỷ sản và tên của nó trong tiếng Philippines là Ayungin, được lấy từ một loài cá nhỏ địa phương.


Các phóng viên tham gia cuộc tuần tra cũng chứng kiến cuộc sống của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines khi tranh chấp ở Biển Đông ngày càng căng thẳng.


image010Trung Quốc triển khai tàu dân quân gần bãi Đá Ba Đầu.


Thủy thủ đoàn trên hai tàu tuần tra của Philippines đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để cảnh báo hoặc đáp trả tàu Trung Quốc. Các cảnh báo qua radio từ phía Trung Quốc có thể đến bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả lúc đêm khuya, và được gửi bằng tiếng Anh và tiếng Trung.


Trong những tuần gần đây, một số tàu Trung Quốc đã từ chối đáp lại các cảnh báo từ người Philippines, bằng một chiến thuật rõ ràng là mới. Một số tàu dân quân Trung Quốc cũng đã tắt cơ chế theo dõi trên radar.


Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cũng phát hiện khoảng 100 tàu dân quân gần Whitsun Reef (Việt Nam gọi là Đá Ba Đầu), trong khu vực bãi san hô của Trường Sa.


Họ cho biết đã thông báo cho một cơ quan nội các được giao nhiệm vụ xử lý tranh chấp Biển Đông về các hành động gần đây của Trung Quốc.


Cùng với các lực lượng an ninh khác của Philippines, lực lượng bảo vệ bờ biển cho biếtsẽ "làm việc cật lực và không mệt mỏi để bảo vệ các quyền chủ quyền lãnh thổ của Philippines".


Phóng viên Virma Simonette của BBC nằm trong số những nhà báo có mặt trên tàu Cảnh sát biển Philippines trong chuyến tuần tra kéo dài một tuần ở Biển Đông.


+++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Viễn ảnh bãi Ayungin-Cỏ Mây

https://www.nhatbaovanhoa.com/a11610/vien-anh-bai-ayungin-co-may