Từ vịnh Bengal đến biển Đông đến biển Nhật

18 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 22438)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA-CALIF.,” THỨ BẨY 20 SEP 2014

‘Ấn Độ muốn VN mạnh trên Biển Đông’

BBC - thứ hai, 15 tháng 9, 2014

image008

Việt Nam và Ấn Độ có cùng lợi ích trên Biển Đông?

Việt Nam là đối tác trụ cột trong chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ và mục tiêu của New Delhi là muốn giúp Việt Nam xây dựng tiềm lực để trở thành một quốc gia mạnh trên Biển Đông, một chuyên gia về chính sách quân sự của Ấn Độ nhận định với BBC.

Giáo sư Bharat Karnad, chuyên gia về quân sự và an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi, đã đưa ra nhận định này nhân chuyến thăm kéo dài bốn ngày của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến Việt Nam bắt đầu từ ngày 14/9.

 “Hướng Đông là một chính sách đang thành hình,” Giáo sư Karnad nói. “Ý tưởng của chính sách này là để cho các nước ven Trung Quốc xích lại gần nhau và cùng hợp tác trong lĩnh vực an ninh để hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc trong việc đối phó với họ.”

Ông giải thích một nội dung chủ yếu của chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ là ‘xây dựng năng lực’ cho các nước, nhất là Việt Nam và Philippines.

“Chúng tôi tham gia rất nhiều trong việc củng cố sức mạnh hải quân cho Việt Nam,” ông nói.

Ông đưa ra dẫn chứng rằng New Delhi đang tính đến việc cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam, giúp huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua từ Nga và sắp mở gói tín dụng trị giá 100 triệu đôla Mỹ cho Việt Nam để giúp nước này mua thêm 5 chiếc máy bay tuần tra của Ấn Độ.

"Ý tưởng của việc này (chính sách Hướng Đông) là xây dựng Việt Nam trở nên hùng mạnh trên Biển Đông và đây là cách mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp răn đe Trung Quốc đừng có những hành động hung hăng."

Giáo sư Bharat Karnad, Trung tâm Nghiên cứu chính sách, New Delhi

“Ý tưởng của việc này là xây dựng Việt Nam trở nên hùng mạnh trên Biển Đông và đây là cách mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp răn đe Trung Quốc đừng có những hành động hung hăng,” ông nói.

Theo Giáo sư Karnad thì chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ trải dài từ Vịnh Bengal cho đến Biển Nhật Bản và do đó Việt Nam và Nhật Bản được Ấn Độ xem là ‘hai trục chính’ trong chính sách ‘Hướng Đông’ của mình.

“Việt Nam nổi lên như là trục trung tâm còn Nhật Bản là trục cuối. Đây là cách mà Ấn Độ sẽ thi hành chính sách ‘Hướng Đông’.”

Ông cho biết những nước bị ảnh hưởng bởi tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc ‘sẽ được Ấn Độ ủng hộ’.

Chính vì vậy mà chuyến công du Việt Nam lần này của Tổng thống Mukherjee ‘chắc chắn nằm trong chiến lược thực hiện chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ’, Giáo sư Karnad nói và cho biết nghị trình trong chuyến thăm này sẽ bao gồm việc Ấn Độ tham gia khai thác dầu khí ở các lô mà Việt Nam chào mời trên Biển Đông.

image009

Ấn Độ và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2007

Điều này cho thấy Ấn Độ tái khẳng định cam kết của họ đối với khu vực Biển Đông, ông nhận xét, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

“Những lô này nằm hoàn toàn trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền,” ông nói.

“Ấn Độ đã nói rằng họ không đi đâu cả và rằng lợi ích của chúng tôi là ở việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam.”

“Bắc Kinh phản đối một số việc mà Ấn Độ làm. Điều này cũng bình thường thôi,” ông nói thêm. “Luôn luôn có khác biệt và xung đột lợi ích giữa Bắc Kinh và New Delhi.”

Tín hiệu đến Trung Quốc?

image010

Lãnh đạo Việt Nam-Ấn Độ liên tục thăm viếng lẫn nhau

Bình luận về việc chuyến đi Hà Nội của Tổng thống Mukherjee diễn ra đồng thời với chuyến công du Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Giáo sư Karnad phân tích rằng điều này đánh một tín hiệu đến Trung Quốc rằng Ấn Độ ‘đang xây dựng các lựa chọn khác ở châu Á’.

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mukherjee đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam rằng ông mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và chính trị.

“Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam chưa bao giờ tốt như hiện nay,” Tổng thống Mukherjee nói với Thông tấn xã Việt Nam.

Trong ngày 15/9, hai hãng hàng không Việt Nam và Ấn Độ ký kết Biên bản ghi nhớ khai thác và hợp tác xúc tiến đường bay thẳng nhân chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ.

Vietnam Airlines và Jet Airways đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc mở đường bay thẳng.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee cũng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác khác.

Trong đó có Ý định thư về hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ấn độ (ONGC Videsh Ltd).

Quốc vụ khanh Dầu khí và Khí đốt Dharmendra Pradhan nằm trong phái đoàn của Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam lần này./

+++++++++++++++++++++++++

image011

image012-content

Câu chuyện về hòn đảo đáng sợ trên vịnh Bengal

(Dân trí) - Cho đến bây giờ vẫn không ai có thể giải thích được vì sao, những người dân sống trên hòn đảo đáng sợ ở vịnh Bengal luôn có thái độ thù địch, căm phẫn với tất cả những ai đến đảo- kể cả đến để giúp đỡ, cứu trợ.

image013
Hòn đảo North Sentinel khi được chụp từ vệ tinh.

Đảo North Sentinel là một phần trong 572 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Andaman và Nicobar, nằm ở vịnh Bengal, giữa Myanmar và Indonesia. Đây có thể là nơi khó tiếp cận nhất trên thế giới. Những cư dân ở đây chưa bao giờ ưa những người tới thăm hòn đảo này. Những người sống trên đảo được cho là hậu duệ trực tiếp của loài người hiện đại sau khi rời khỏi châu Phi. Người ta ước tính rằng họ đã sống ở quần đảo Andaman gần 60 nghìn năm. Ngôn ngữ của họ khác xa với người dân ở những hòn đảo khác và rõ ràng họ hiếm khi liên hệ với thế giới bên ngoài trong hàng nghìn năm qua.

Ngày nay có khoảng 250 người sinh sống trên đảo North Sentinel. Họ không muốn ai tới vùng đất của mình, dù đó là những người mang quà cáp hoặc muốn tới giúp thậm chí là những ai vô tình bị chìm tàu gần hòn đảo. Dù là ai thì cũng đều được tiếp đón với sự thù địch, trường hợp xấu nhất họ có thể bị mất mạng.

image014
Hình ảnh hiếm hoi về cư dân trên đảo Sentinel.

Ngay sau trận sóng thần kinh hoàng năm 2004 trên Ấn Độ Dương, một nhóm lính trên trực thăng của Hải quân Ấn Độ đã tới đây. Tuy nhiên có rất ít khả năng những người ở đây có thể sống sót trên một hòn đảo biệt lập nằm trong đường đi của trận sóng thần. Dù vậy họ vẫn thả các thùng lương thực xuống rồi bất ngờ bị tấn công bởi một chiến binh xuất hiện từ trong rừng. Người này mang theo cung tên và đã bắn về phía chiếc trực thăng. Kể cả sau sự kiện sóng thần khủng khiếp đó, người dân trên đảo vẫn không muốn nhận sự trợ giúp. Họ hoàn toàn không muốn liên hệ với thế giới bên ngoài.

image015
Luôn sẵn sàng giương cung bắn người lạ, thật khó để tiếp cận những cư dân trên đảo này.

Ngày nay, nhờ công nghệ, người ta có thể nhìn thấy những địa điểm khó tới nhất trên thế giới. Khi sử dụng công cụ Google Earth để nhìn hòn đảo North Sentinel, ta chỉ có thể thấy các xác tàu cũ mắc cạn trên dãy san hô. Tất cả những thứ liên quan tới cuộc sống trên đảo đều được giấu kĩ trong các cánh rừng rậm rạp. Những người từng tới thăm hòn đảo đều trở lại với vẻ khiếp sợ, hoặc không bao giờ trở lại.

Năm 1880, một nhóm khá đông người Anh đổ bộ lên hòn đảo. Họ mất nhiều ngày để có thể bắt liên lạc với người trên đảo. Sau đó, họ tìm thấy 2 người già cùng 4 đứa trẻ và đưa tất cả tới cảng Blair. Hai người lớn đã qua đời sau đó có thể do mắc bệnh còn những đứa trẻ được mau chóng đưa trở lại đảo.

image016
Dù rất đẹp, nơi đây lại là một hòn đảo cấm bởi sự hung tợn của người dân bản địa.

Chính quyền Ấn Độ đã cố gắng liên lạc với người trên đảo một cách hòa bình từ năm 1967 nhưng không thành. Thậm chí năm 1974, một đạo diễn phim bị thương do cung tên. Vào những năm 1980, các tổ chức chính phủ chỉ có thể để lại các món quà trên đảo và phải mau chóng rời đi. Những người vô tình lên đảo cũng không được chào đón. Một tên tội phạm vượt ngục bị trôi dạt đến đây năm 1896 và đã bị giết. Xác ông ta toàn những vết tên bắn và cổ họng thì bị cắt đứt. Năm 1981, một tàu chở hàng quốc tịch Hong Kong có tên là Primrose bị mắc cạn trên đảo. Những thổ dân có vũ trang đã lên tàu khiên thuyền trưởng phải phát tín hiệu cầu cứu cho mình và các thủy thủ. Lần cuối cùng người ta gặp thổ dân trên đảo là năm 2006. Khi đó, 2 ngư dân đã bị giết sau khi đánh bắt cá trái phép trên khu vực gần đảo.

 

Ngày nay, chính phủ Ấn Độ đã tránh xa hòn đảo, thay đổi chính sách và không bao giờ tìm cách viếng thăm nơi này nữa. Người ta đã thừa nhận rằng, thổ dân trên đảo có quyền sống theo cách họ muốn - rời xa khỏi thế giới bên ngoài./

Phan Hạnh

Theo News Au

image017

Đảo North Sentinel là một phần trong 572 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Andaman và Nicobar, nằm ở vịnh Bengal, giữa Myanmar và Indonesia. Ngày nay có khoảng 250 người sinh sống trên đảo.

image018

image019

image020

image021-content
image022-content