2014-2015: 'Sóng gió' từ từ nuốt đảo Biển Đông (tựa của Văn Hóa)

04 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 16608)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 05 JAN 2015

image035
Biển Đông so với Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương ví như “cái ao nhà”. Cái ao nhà này vừa lắm mỏ dầu, vừa là 'mắt xích" trọng yếu đối với vành đai Châu Á Thái Bình Dương, cho nên sẽ không lấy làm lạ khi TQ cố giành độc chiếm. Giới quan sát cho rằng nếu để mất cái ao nhỏ này là mất cả bán đảo Đông Dương.

image036
Đảo Chữ Thập năm trơ vơ giữa biển Trường Sa không có một đảo nào kế cận khống chế. TQ đang xây hải cảng, sân bay lớn trên đảo vào tháng 9/2014. Lập căn cứ Chữ Thập, hải không quân TQ hầu như khống chế con đường lưu thông hàng hải qua lại eo biển Malacca và uy hiếp trực tiếp bờ biển VN.

Chữ Thập cách đảo Trường Sa - Trung tâm chỉ huy quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Thị Tứ - trung tâm chỉ huy quần đảo Trường Sa của Philippines khoảng 225 km, cách căn cứ đá Vành Khăn (hiện do Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp) khoảng 295 km, cách đá Subi (hiện do Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp) khoảng 195 km, cách bãi ngầm James khoảng 625 km, cách Sàigon khoảng 600 km, cách Malaysia khoảng 550 km, cách Philippines khoảng 550 km, cách đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa khoảng 800 km.

Năm 1993, Việt Nam kiểm soát 24 đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, quân đồn trú chỉ 600 người, đến năm 2002, Việt Nam đã quản lý 29 đảo, đá ngầm, quân đồn trú tăng lên 2.020 người. Sân bay đảo Nam Yết, sân bay đảo Trường Sa Lớn lần lượt gia cố để có thể làm bãi đáp lên xuống của các loại phi cơ quân sự đang trong giai đoạn gấp rút hoàn tất.

“Hải Trình 3 Trường Sa” HQ-571 đã chở báo chí Việt Mỹ đi thăm các đảo quan trọng này vào tháng Tư, 2014. (Tư liệu của Văn Hóa)  (Ảnh tư liệu Văn Hóa)

image037
Sân bay đảo Trường Sa Lớn có thể dùng cho Caribou hoặc Hercules C-130 lên xuống. LKT

image038
Chiến sĩ Hải quân đồn trú trên đảo Len Đao chào tiễn phái đoàn HQ-571 đến thăm đảo. Len Đao là một trong 3 đảo nửa nửa chìm: Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao có vị trí chiến lược trọng yếu trung tâm quần đảo Trường Sa. Trung cộng đã chiếm Gạc Ma năm 1988 sau khi bắn cháy 2 tàu vận tải HQVN và tàn sát 64 thủy thủ. TC muốn chiếm nốt Cô Lin và Len Đao nhưng các sĩ quan và thủy thủ VN quyết giữ được.

image040
image042

TQ và VN sẽ 'kiểm soát tranh chấp biển'

image044
Hồi tháng Mười 2013, hai vị thủ tướng đã gặp gỡ tại Hà Nội khi ông Lý Khắc Cường có chuyến thăm VN trong ba ngày
image046
Việt Nam và Trung Quốc cam kết sẽ "giải quyết và kiểm soát" các tranh chấp biển, hãng tin Reuters nói.

Sự bất đồng về khu vực biển Đông giàu trữ lượng dầu khí đã làm xấu đi quan hệ giữa hai nước cũng như với các quốc gia láng giềng.

Hồi mùa hè vừa rồi, việc Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 ở khu vực biển có tranh chấp đã khiến quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản trở nên tồi tệ nhất kể từ ba thập niên qua.

Việt Nam nói đó là vùng thuộc đặc quyền kinh tế của mình, và việc hạ đặt giàn khoan đã làm dấy lên làn sóng phản đối bạo lực tại Việt Nam.

Hai nước sẽ cần "giải quyết và kiểm soát những khác biệt trong vấn đề biển" nhằm tạo ra những điều kiện tốt cho việc hợp tác song phương, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm thứ Năm bên lề Hội nghị Á-Âu (ASEM) ở Milan.

"Nhờ sự nỗ lực từ cả hai phía, quan hệ Trung-Việt đã vượt qua được những khó khăn gần đây và đã dần tốt lên," hãng tin Tân Hoa Xã trích lời ông Lý.

Tân Hoa Xã nói Thủ tướng Dũng đã đồng ý và ủng hộ cho việc thúc đẩy "hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính và khai thác biển".

Những nhận xét trên là sự lặp lại những cam kết mà lãnh đạo hai nước trước đó đã đưa ra.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Việt Nam

Hợp tác quân sự?

Hôm thứ Sáu, tại Bắc Kinh Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã có các thảo luận với người tương nhiệm phía Việt Nam, Tướng Phùng Quang Thanh, Tân Hoa Xã đưa tin, trong đó hai bên đã đồng ý sẽ "dần nối lại" các quan hệ quân sự.

Hai nhà lãnh đạo cam kết quân đội hai nước sẽ "đóng vai trò tích cực trong việc xử lý một cách đúng đắn các tranh chấp biển và bảo vệ bầu không khí hòa bình, ổn định", Tân Hoa Xã nói.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn biển Đông, nơi được cho là giàu trữ lượng dầu khí.

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển có số tàu bè hàng hóa qua lại mỗi năm trị giá 5 tỷ đô la.

Báo động trước sự trỗi dậy quân sự và thái độ hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam trong những năm gần đây đã mở rộng hợp tác quân sự, mà đáng kể nhất là với nhà bảo trợ từ thời Chiến tranh Lạnh là Nga, và cả với Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đã nói rằng Washington hãy đứng ngoài tranh cãi biển Đông và hãy để các nước trong khu vực tự giải quyết các vấn đề./ (theo BBC 17 tháng 10 2014)

Đã tới lúc Việt Nam tìm đối tác an ninh?

Việt Nam đang tiếp tục phải xử lý quan hệ tay ba với Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Biển Đông.

Hôm 02/01/2015, Giáo sư Vũ Minh Giang, nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tư vấn đường lối chiến lược cho Bộ chính trị và Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận định về khả năng có giảm sóng gió hay không trên Biển Đông, sau cuộc căng thẳng giàn khoan Hải Dương 981 trong năm do Trung Quốc gây ra.

Trước hết bình luận về việc Việt Nam có nên 'tin tưởng hay không' vào những tuyên bố được cho là 'ngoại giao hòa hoãn', 'hạ giọng, mềm dẻo' của nhà cầm quyền Trung Quốc qua chuyến thăm Việt Nam ba ngày diễn ra vào cuối tuần trước của Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc, ông Du Chính Thanh, Giáo sư Giang nói:

"Đối với Trung Quốc, có lẽ kinh nghiệm từ xa xưa cho đến bây giờ nó vẫn không thay đổi bao nhiêu. Đó là cố gắng hết sức trong quan hệ ngoại giao, nhưng thực tế như thế nào thì phải là câu chuyện phải chờ.

Việc Trung Quốc họ thực hiện từng bước mục tiêu của họ thì mình cũng không ngăn cản được, đó là mục tiêu của họ dồn toàn lực họ làm, thế nhưng họ làm được hay không là phụ thuộc rất nhiều vào phía Việt NamGiáo sư Vũ Minh Giang

"Chứ không thể tin ngay vào những cử chỉ của quan chức, cho dù là cao cấp đến đâu, của Trung Quốc. Đó là thực tế lịch sử, chứ không phải là muốn hay không muốn, thích hay không thích. Vì vậy cho nên tôi không kỳ vọng nhiều lắm vào chuyến thăm của ai đó, cho dù là thứ mấy của Trung Quốc, sang Việt Nam...

"Đối với Trung Quốc, tôi vẫn có một cách nghĩ. Đó là hãy quan sát họ làm trên thực tế, chứ những gì họ nói thì quá hay rồi, phải nói là không thể nói hay hơn được."

Theo Giáo sư Giang, nhận thức của lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi rõ rệt vào đầu năm 2015 so với thời điểm một năm về trước khi bước vào năm 2014, sau khi diễn ra vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông.

Nhà nghiên cứu sử học và địa chính trị nói:

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc - Việt Nam vào thời điểm bước vào năm 2015 nó khác xa với bước vào 2014 trước khi có vụ Hải Dương 981, khác xa rồi. Trước kia còn có người nói thế này, người nói thế kia, bây giờ ở Việt Nam, tôi thấy chỉ là sách lược thế này, thế kia, chứ trên dưới đồng lòng về nhận thức về Trung Quốc.

'Được hay không còn tùy'
image048
Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh vừa thăm Việt Nam 3 ngày dịp cuối năm 2014.

Theo Giáo sư Giang, Trung Quốc có mục tiêu và tham vọng chiến lược trên Biển Đông, tuy nhiên, việc thực hiện được hay không 'là còn tùy'. Ông nói:

"Việc Trung Quốc họ thực hiện từng bước mục tiêu của họ thì mình cũng không ngăn cản được, đó là mục tiêu của họ dồn toàn lực họ làm, thế nhưng họ làm được hay không là phụ thuộc rất nhiều vào phía Việt Nam.

"Việt Nam mà tỉnh táo mà hiểu được những cái đó, thì bằng nhiều chính sách: đa phương hóa, tranh thủ, rồi ngoại giao v.v..., thì không phải là họ sẽ thực hiện được một cách dễ dàng.

Gần đây, một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế và khu vực từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế cũng khẳng định với BBC cho rằng tham vọng và chính sách chiến lược của Trung Quốc về Biển Đông là không thay đổi.

Và do đó, ông đặt vấn đề Việt Nam cần điều chỉnh chính sách 'ba không' của mình, mà theo đó Việt Nam cam kết "không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia."

Bình luận mới đây về khả năng Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông cùng các động thái được cho là đe dọa chủ quyền khác với Việt Nam, Tiến sỹ Kế nói:

Tìm kiếm một sự cân bằng với Trung Quốc..., tôi nghĩ VN không thể chỉ dựa vào sức mình mà phải dựa vào các lực lượng khác. Tôi hoàn toàn tán thành chủ trương cần phải lựa chọn những đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh, hay để vô hiệu hóa sự đe dọa hay là mối nguy từ phía TQTiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế

"Trong sự cạnh tranh với Trung Quốc, hay tìm kiếm một sự cân bằng với Trung Quốc, thì tôi nghĩ Việt Nam không thể chỉ dựa vào sức mình mà phải dựa vào các lực lượng khác.

"Mà tôi hoàn toàn tán thành một chủ trương là cần phải lựa chọn các đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh, hay để vô hiệu hóa sự đe dọa hay là mối nguy từ phía Trung Quốc.

"Và Việt Nam không thể nào một mình thực hiện theo chủ trương tôi gọi là 'tuyệt đối ba không' được.

"Bởi vì nếu thực hiện 'ba không' như vậy, thì mối nguy an ninh là rất rõ và tiềm chứa một nguy cơ là Trung Quốc sẽ ỷ thế vào và yêu cầu Việt Nam không được làm trái với điều mà Trung Quốc nói là 'hoàn toàn nói ngược'.

"Chúng ta tuyên bố 'ba không', thì không có lý do gì chúng ta liên minh với các nước khác để cân bằng với Trung Quốc, cho nên tôi nghĩ đến lúc chúng ta phải xét lại để hiểu thế nào là 'ba không'.

"Trong trường hợp Tổ quốc lâm nguy hoặc toàn bộ không gian Biển Đông bị đe dọa, thì tôi nghĩ Việt Nam phải triển khai một chiến lược an ninh kết hợp các quốc gia khác.

"Chúng ta không phải liên minh nước này chống nước kia, nhưng chúng ta rõ ràng cần phải có sự hỗ trợ quốc tế và các thế lực có sức mạnh thực sự, có thể ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm được sứ mệnh đảm bảo hòa bình và an ninh ở Biển Đông."

'Đổi chiến lược hay không?'

image050
Trung Quốc được cho là đang chuyển sang 'ngoại giao hòa hoãn' trong năm 2015.

Quan điểm của TSKH Lương Văn Kế mới đây cũng tìm thấy sự tương đồng trong một bài báo trên đăng trên một trang mạng về Nghiên cứu Quốc tế của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, ông Hiệp cho rằng: "Việt Nam chỉ có thể hòa hiếu với Trung Quốc nếu Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nếu Trung Quốc dùng bạo quyền để cưỡng bức thì chúng ta không thể mềm yếu để rồi mãi mãi đánh mất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vì một thứ “hữu nghị viễn vông”.

"Trong khi tìm mọi cách cố gắng duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và tương kính với Trung Quốc, chúng ta (Việt Nam) cũng nên sẵn sàng theo đuổi các mối quan hệ liên minh với các đối tác ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau để đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông. Theo nghĩa đó, liên minh không nên được hiểu là đi với nước này để chống nước kia, mà là đi với nước nào để chúng ta có thể bảo vệ được tốt nhất lợi ích quốc gia của mình."

Song hôm thứ Sáu, khi được hỏi Việt Nam nên tiếp tục chiến lược ngoại giao như cũ, hay cần đổi mới khác đi, Giáo sư Vũ Minh Giang, cho rằng Việt Nam vẫn cần tiếp tục kiên định với chính sách 'đa phương' quan hệ và 'ba không' để giữ 'độc lập' và tránh 'đối đầu' với Trung Quốc.

Ông nói: "Kinh nghiệm của Việt Nam cho hay, cho đến nay Việt Nam có được những thành công trong quá trình phát triển của mình, là ở chỗ phải giữ được độc lập.

Chúng tôi (Việt Nam) sẵn sàng liên minh, liên kết với bất cứ ai ủng hộ lợi ích của VN chống lại những kẻ phá hoại và vi phạm chủ quyền của VN, chống lại lợi ích của nhân dân VN, thì chúng tôi sẵn sàng liên minh, liên kết với họ để bảo vệ lợi ích của tôi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

"Đặc điểm của Việt Nam nó là một vùng, theo nghiên cứu của tôi, giao thoa văn hóa, địa chính trị rất đan xen, và có vẻ như là nghiêng ngả hẳn về một phía nào đó, thì nó không giống địa chính trị của Việt Nam.

"Vì vậy làm sao đó giỏi ở chỗ cân bằng, thì đây là cả một nghệ thuật chứ không đơn giản."

Tuy nhiên, mới đây, một nhà nghiên cứu là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Minh Triết Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Mai, nói với BBC, ông tin rằng Việt Nam cần có một tuyên bố mới về chiến lược trong lĩnh vực 'liên minh an ninh' này, trong tình hình mới.

Ông nói: "Chúng tôi quan niệm là phải nói phương châm thế này: chúng tôi sẵn sàng liên minh, liên kết với bất cứ ai ủng hộ lợi ích của Việt Nam chống lại những kẻ phá hoại và vi phạm chủ quyền của Việt Nam, chống lại lợi ích của nhân dân Việt Nam, thì chúng tôi sẵn sàng liên minh, liên kết với họ để bảo vệ lợi ích của tôi."./

(theo BBC 4/1/2015)

10 Tháng Hai 2022(Xem: 3997)
CHÂU Á ĐẠI DƯƠNG RẬP RÌNH
07 Tháng Mười 2021(Xem: 4697)
Đường hành quân của HMS Queen Elizabeth