Vũ khí biển của TQ: Đặc công tàu cá!

13 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 17660)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 14 JAN 2015

Xâm lược tàu cá: Chân trời mới “hợp tác hữu nghị”

Trường Sơn

Tiến ra biển lớn!

(VNTB) Một thời kỳ “hợp tác hữu nghị và cởi mở” nữa đang mở ra chân trời đầy hứa hẹn cho “hai nước anh em”. Ngày cuối tháng 7/2014, Bắc Kinh tuyên bố đơn phương kết thúc lệnh cấm bắt cá tại khu vực biển Đông. Theo đó, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải như Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông được phép ra khơi đánh bắt cá.

image039

Ảnh minh họa


Có đến 50.000 tàu cá Trung Quốc đang sẵn sàng cho “điệp vụ” này. Ngay trước mắt, Hải Nam- tỉnh có diện tích rộng nhất giáp biển Đông - đã có tới 9.000 tàu đánh bắt xa bờ chuẩn bị ồ ạt ra khơi .
Từ năm 1999, hàng năm Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, nơi Trung Quốc tự cho là thuộc chủ quyền của mình - nuốt trọn 80% diện tích biển Đông, bất chấp phản ứng của Việt Nam và các nước xung quanh khu vực.

Lệnh cấm này giới hạn thực hiện cấm đánh bắt trên biển Đông được tính từ khu vực biển có vĩ tuyến 12 độ Bắc đến “giới tuyến giáp khu vực biển Mân Việt” (kéo dài từ Quảng Tây đến Phúc Kiến, bao gồm cả khu vực biển Vịnh Bắc Bộ). Lệnh cấm này cũng áp dụng đối với ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước đang có ngư trường ở khu vực biển Đông. Trong thời gian này, cảnh sát biển Trung Quốc cùng các lực lượng ngư chính, hải giám thường xuyên tăng cường tuần tra trên biển Đông, nếu gặp tàu cá nước ngoài họ thường quấy nhiễu tịch thu tàu thuyền, ngư cụ và thủy hải sản trên tàu.

Sau khi giàn khoan HD 981 buộc phải rút khỏi khu vực Biển Đông, ít ai hoài nghi rằng Trung Quốc sẽ không tung ra một trò chơi mới khác. “Tàu cá Biển Đông” chính là trò chơi đó, tuy hoàn toàn không mới mẻ. Mới vào đầu năm 2014, chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã đơn phương áp dụng "Luật ngư nghiệp” mà tỉnh này đã tự phóng tác. Theo đó, yêu cầu tàu nước ngoài khi đi vào vùng biển gần Hải Nam, cũng như để thực hiện các hoạt động đánh bắt cá hay điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây, phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có liên quan của Trung Quốc.

“Ngoại giao cần câu”

Không còn hoài nghi gì nữa, cơ chế động viên và tài trợ ngư dân nhằm tạo ra những đội tàu cá hùng mạnh vươn khơi đánh bắt trong các vùng biển tranh chấp đã trở thành một “chính sách nhất quán” của chính quyền Trung Quốc, chứ không còn là những quyết định mang tính chất cơ hội, và nó được xuất phát từ cả các lý do địa chính trị lẫn kinh tế, thương mại.

Để hỗ trợ cho chính sách trên, hiện Trung Quốc đã triển khai biên đội “Hàng không mẫu hạm ngư nghiệp” hay còn gọi là “Hạm đội hỗn hợp ngư nghiệp đặc biệt”. Nòng cốt của nó là 7 tàu cỡ lớn, lực lượng máy bay trực thăng và 300 - 500 tàu cá loại trên 100 tấn.

Với sự hỗ trợ của biên đội này, hàng trăm tàu cá Trung Quốc sẽ có thời gian bám biển tới 9 tháng nhằm ngăn chặn tàu cá, thậm chí là tàu chấp pháp các nước để độc chiếm ngư trường, tuyên bố chủ quyền trên biển. Có thể nói đây là một chiêu bài rất thâm hiểm, và chắc chắn chính quyền Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh hơn nữa nhằm hiện thực hóa chính sách này trong những năm tới đây.

Theo nhận định của tác giả Harry J. Kazianis trong bài viết trên tạp chí The National Interest (Mỹ), Trung Quốc đang sử dụng các tàu đánh cá như một vũ khí bí mật ở biển Đông. Nhận định được đưa ra sau khi hãng tin Reuters đăng tải bài viết phơi bày ý đồ trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu - vốn được sử dụng trong quân đội - cho 50.000 tàu cá của Trung Quốc.

Ông Kazianis cho rằng trong chiến lược đa dạng để độc chiếm biển Đông, Trung Quốc không chỉ dừng lại ở chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” (ám chỉ việc Bắc Kinh đơn phương áp đặt giới hạn đánh bắt mới trên biển Đông) mà còn thúc đẩy “ngoại giao cần câu” với việc đẩy ngư dân ra vơ vét ở các vùng biển tranh chấp, một phần cũng để phục vụ cho cơn khát hải sản ngày một tăng trong nước.

Vì nhân dân quên mình

Ngược lại, về phần mình, các ngư dân Việt Nam khá đơn côi trong cuộc đối đầu mưu sinh với ngư dân Trung Quốc. Cho tới nay, hầu như mọi hứa hẹn của đảng và nhà nước Việt Nam “sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho ngư dân” vẫn chỉ mang tính tượng trưng. Bằng chứng mới nhất và rõ rệt nhất của cơ chế đầu môi chót lưỡi này là trong suốt thời gian hàng trăm tàu quân sự và bán quân sự của Trung Quốc tung hoành trên Biển Đông từ đầu tháng 5/2014 đến tháng 7/2014, đã không có bất cứ lực lượng hải quân hay bán quân sự nào của Việt Nam làm tròn nhiệm vụ “vì nhân dân quên mình”. Thậm chí có tới 13 ngư dân ở hai vùng Quảng Bình và Quảng Ngãi còn bị Trung Quốc bắt cóc.
Sẽ quá khó để hy vọng ngư dân Việt được giảm bớt rủi ro chờ chực trong cuộc đối mặt và đối đầu với hàng vạn tàu cá Trung Quốc trong thời gian tới, nếu nhà nước Việt Nam vẫn quá xa rời tôn chỉ “bám biển” mà họ thường răn dạy ngư dân.

Trường Sơn

theo VNTB

++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

Trung Quốc đóng 4 tàu sân bay, mang cả tới Biển Đông

12/01/2015

(Quốc tế) - Trung Quốc đang ráo riết đóng nhiểu tàu sân bay nội địa, và chúng sẽ dần được biên chế và sử dụng tại Biển Đông.

Trung Quốc đóng bao nhiêu tàu?

Mạng quân sự Sina Trung Quốc ngày 5/1 đăng bài viết “Trung Quốc sẽ làm thế nào xây dựng biên đội tàu sân bay, triển khai ở Biển Đông cắt đứt tuyến đường vận tải của Nhật Bản”.

Tàu sân bay nội địa Trung Quốc rất có thể sẽ chế tạo 3 chiếc trong lô đầu tiên. Bởi vì, về lý thuyết, 1 tàu sân bay rất khó hình thành sức chiến đấu có hiệu quả. Chỉ khi có 3 tàu sân bay trở lên mới có thể đạt được mục đích “1 tàu tiến hành thực hiện nhiệm vụ ở biển xa, 1 tàu huấn luyện phi công và thủy thủ cho một tàu mới khác, 1 tàu khác tiến hành sửa chữa và nghỉ ngơi ở bến tàu hoặc căn cứ”, như vậy mới có thể hình thành biên đội tàu sân bay có hiệu quả, có thể sử dụng bất cứ lúc nào.

Theo báo Trung Quốc, khác với tàu sân bay của Mỹ “diễu võ dương oai” ở các đại dương trên thế giới, tàu sân bay số lượng có hạn của Trung Quốc có thể tụ tập triển khai ở cảng chính, lấy phương thức triển khai luân phiên để thực hiện nhiệm vụ.

Trang mạng Học viện Hải quân Mỹ phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ không phân phối tàu sân bay theo phương thức mỗi hạm đội lớn 1 chiếc (hiện nay Trung Quốc có 3 hạm đội lớn), có thể sẽ tụ tập nhiều tàu sân bay triển khai ở căn cứ Tam Á của Hạm đội Nam Hải, đồng thời cũng dùng mô hình triển khai không định kỳ ở các vùng biển như biển Hoa Đông để thích ứng với những nhu cầu khác nhau.

image041
Tháng 12 năm 2013, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc thử nghiệm trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Tóm lại, Hải quân Trung Quốc trong giai đoạn đầu ít nhất cần thành lập 4 biên đội tàu sân bay để yểm trợ cho biên đội tàu chiến, chi viện tác chiến đổ bộ và bảo vệ “chủ quyền trên biển mà họ tuyên bố (Phi pháp và phi lý – PV). Sau khi sở hữu biên đội tàu sân bay của mình, sẽ tăng cường rất lớn năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc, cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở các đại dương trên thế giới.

Dự tính, toàn bộ thời gian chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc là 36 tháng, chạy thử 12 tháng, thời gian huấn luyện hiệp đồng giữa tàu và máy bay 12 tháng, khoảng trước sau năm 2017 sẽ bàn giao chiếc đầu tiên, sau đó chiếc thứ hai cũng sẽ bàn giao trong 12 tháng, thời gian bàn giao toàn bộ 3 chiếc dự đoán lạc quan có thể hoàn thành vào năm 2019.

Tàu sân bay Trung Quốc dành cho Biển Đông

Trang mạng Sina tiếp tục có phân tích, nhìn vào thực tế, khu vực “dụng võ” lớn nhất của tàu sân bay Trung Quốc phải là ở hướng nam, một căn cứ tàu sân bay tiềm năng khác chính là ở phía nam, đó chính là căn cứ Tam Á của Hải quân Trung Quốc.

Tam Á nằm ở cực nam đảo Hải Nam, vị trí địa lý ưu việt, vị trí chiến lược rất quan trọng, là căn cứ hải quân được xây dựng trọng điểm của Hải quân Trung Quốc trong thế kỷ mới, ưu thế chủ yếu nhất của nó là ra biển không lâu sẽ có thể đi vào biển âu (đây là khu vực ưu việt nhất so với các cảng khác của Hải quân Trung Quốc), rất thích hợp để đậu biên đội tàu chiến cỡ lớn.

Nhìn vào tình hình hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã triển khai rất nhiều tàu chiến mặt nước và tàu ngầm ở đây, trong đó bao gồm tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược tiên tiến nhất hiện nay. Nghe nói, căn cứ này đã thi công riêng 2 bến dài đến 950 m, đã có khả năng đậu tàu sân bay.

Trong tình hình Mỹ-Nhật phong tỏa chặt chẽ chuỗi đảo thứ nhất, Hải quân Trung Quốc phải tìm khâu đột phá mới, từ Biển Đông vượt qua các eo biển của Đông Nam Á, vươn ra Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, duy trì sự thông suốt của các tuyến đường như eo biển Malacca, eo biển Lombok và eo biển Sunda cực kỳ quan trọng.

Trong khi đó căn cứ hải quân Tam Á là căn cứ Hải quân Trung Quốc cách các eo biển nói trên gần nhất, khoảng cách thẳng khoảng 1.200 km, lấy tốc độ 20 – 25 hải lý/giờ của biên đội tàu sân bay để tính, xuất phát từ căn cứ Tam Á, có thể đưa các eo biển này vào phạm vi tác chiến của máy bay trên tàu trong vòng 2 ngày.

image043
Quân cảng của Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Ngoài ra, binh lực Quân đội Mỹ xung quanh căn cứ Tam Á tương đối mỏng yếu, hơn nữa biên đội tàu sân bay Hải quân Trung Quốc có thể vu hồi eo biển Đài Loan, làm khiếp sợ Nhật Bản từ hướng đông, đồng thời triển khai ở Tây Thái Bình Dương; ở hướng nam có thể đe dọa trực tiếp eo biển Malacca, tiến tới vươn ra Ấn Độ, tạo thế kiềm chế đối với Trung Đông và Đông Phi, triển khai tàu sân bay ở căn cứ Tam Á còn có thể bảo vệ tuyến đường dầu mỏ vốn yếu ớt của Trung Quốc, bảo đảm an toàn mạch máu kinh tế của Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đã là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, dầu mỏ hàng năm nhập khẩu từ vùng Vịnh và châu Phi nhiều tới vài trăm triệu tấn, trong đó hầu hết đều phải đi qua eo biển Malacca mới có thể vận chuyển về nước. Cho nên, triển khai tàu sân bay nội địa tương lai ở căn cứ Tam Á rất có lợi cho bảo vệ tuyến giao thông dầu mỏ của Trung Quốc.

Cùng với việc bảo đảm sự thông suốt cho huyết mạch của mình, biên đội tàu sân bay Trung Quốc còn có thể chặt đứt tuyến đường vận chuyển dầu mỏ của Nhật Bản bất cứ lúc nào (nhập khẩu dầu mỏ của Nhật Bản cũng đến từ Trung Đông, nơi này cũng là con đường phải đi qua). Trong khi đó Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản nếu như xuất phát từ Okinawa, đi xa ngàn dặm mới có thể đến nơi, vì vậy, cho dù Nhật Bản phá vỡ hạn chế của Hiến pháp Hòa bình, thành lập biên đội tàu sân bay, Trung Quốc cũng có thể tiến hành uy hiếp có hiệu quả đối với họ.

Triển khai biên đội tàu sân bay ở căn cứ Tam Á có thể còn có sự tính toán quan trọng hơn. Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của một quốc gia là vũ khí chủ yếu tiến hành uy hiếp đối với kẻ thù, cũng là mục tiêu dò tìm và tấn công trọng điểm của đối phương, vì vậy ở vùng biển thực hiện nhiệm vụ tuần tra của nó cần bảo vệ chặt chẽ để ngăn chặn lực lượng săn ngầm của đối phương nhất là tàu ngầm hạt nhân tấn công xâm nhập.

Hơn nữa, diện tích Biển Đông rộng lớn, sâu hơn nhiều so với biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, đặc biệt là rãnh biển Biển Đông có độ sâu tới nghìn mét, đặc biệt thích hợp với hoạt động của tàu ngầm hạt nhân tên lửa. Cho nên, những năm gần đây Trung Quốc bắt đầu bố trí tàu ngầm hạt nhân tên lửa ở Biển Đông, xuất phát từ căn cứ hải quân Tam Á có thể rất nhanh tiến ra khu nước sâu Biển Đông, đồng thời do đó chạy tới khu vực mai phục tuần tra xa hơn.

image045
Hải quân Trung Quốc đã triển khai tàu khu trục tên lửa thế hệ mới Type 052D đầu tiên mang tên Côn Minh số hiệu 172 ở Biển Đông – loại tàu này được cho là sẽ hộ tống tàu sân bay trong trong tương lai.

Vì vậy, Trung Quốc cần xây dựng khu pháo đài tàu ngầm hạt nhân tên lửa ở Biển Đông, bảo vệ an toàn của tàu ngầm hạt nhân tên lửa, hơn nữa biên đội tàu sân bay có năng lực tác chiến đường không, ngoài khơi và dưới nước, có thể xây dựng hệ thống chống tàu ngầm ba chiều, bán kính tác chiến của nó có thể bao trùm toàn bộ khu tuần tra của tàu ngầm hạt nhân tên lửa, như vậy có thể bảo vệ có hiệu quả an toàn của tàu ngầm hạt nhân tên lửa Trung Quốc.

Ngoài ra, vai trò chủ yếu của căn cứ tàu sân bay là phải bảo vệ và chứa biên đội tàu sân bay khổng lồ, đồng thời phải có hệ thống bảo đảm hậu cần đầy đủ. Hơn nữa, công trình của căn cứ tàu sân bay đòi hỏi tiến hành bảo trì và tiếp tế đối với các loại hệ thống con của tàu sân bay, bao gồm động cơ, vũ khí, thiết bị điện tử, đạn dược và nhiên liệu cùng với máy bay hải quân, ngoài ra còn phải xây dựng doanh trại để nhân viên ở, chữa bệnh và nghỉ ngơi, thậm chí cũng cần phải bố trí ổn thỏa thiết bị bảo trì đồng bộ máy bay trên tàu và các loại tàu cần vụ.

Hơn nữa, nhìn vào quy mô xây dựng của căn cứ Tam Á, hầu như chỉ hơn chứ không kém căn cứ Thanh Đảo, rõ ràng, căn cứ Tam Á ở Biển Đông là khu vực triển khai lựa chọn đầu tiên trong tương lai của tàu sân bay nội địa Trung Quốc – đây là điều không thể nghi ngờ.

Trung Quốc vẫn chưa thể đóng tàu sân bay theo công nghệ Mỹ

Trong tương lai, Trung Quốc chế tạo tàu sân bay chủ yếu là để tiến hành cạnh tranh đại dương với Mỹ, vì vậy, chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc phải là tàu sân bay động cơ thông thường cỡ lớn và hơn hẳn tàu Liêu Ninh về công nghệ. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ khó có thể tiếp cận ngay với công nghệ máy phóng điện từ hoặc máy phóng mặt tàu như của Mỹ.

Truyền thông Nga đã có nhiều bài phân tích cho rằng, ở tàu sân bay nội đầu tiên, Trung Quốc sẽ sử dụng phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu và hạ cánh có cáp hãm đà, bởi vì khi cải tạo tàu Liêu Ninh, Trung Quốc đã sơ bộ nắm giữ loại công nghệ này,

Về nguyên nhân tàu sân bay nội địa Trung Quốc dùng động cơ thông thường, có thể có những cân nhắc dưới đây:

Đối với Trung Quốc, sử dụng động cơ thông thường ổn thỏa hơn về công nghệ so với động cơ hạt nhân, chế tạo cũng dễ hơn, hơn nữa sử dụng cũng kinh tế hơn (tuy trong nước đang nghiên cứu chế tạo máy bay cảnh báo sớm trên tàu cánh cố định, nhưng do chưa có máy phóng, sẽ không trang bị trên tàu sân bay động cơ thông thường nội địa, giai đoạn đầu sẽ sử dụng 6 – 8 máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 hoặc Z thay thế, hơn nữa máy bay chủ lực trên tàu sân bay vẫn sẽ là J-15).

image047
Hạm đội tàu sân bay Mỹ

Cân nhắc trên các phương diện như tính liên tục công nghệ và bảo đảm thời điểm chế tạo, khả năng tàu sân bay nội địa tiếp tục sử dụng động cơ hơi nước thông thường rất cao, nó phải là thiết bị động cơ tương tự tàu Liêu Ninh, tức là 4 tua-bin hơi nước, 8 nồi hơi tăng áp, 4 trục đẩy, tổng công suất 200.000 mã lực.

Dư luận từng có không ít quan điểm hạ thấp đối với tàu sân bay Liêu Ninh mang một nửa “dòng máu” của Trung Quốc. Tuần báo “Người đưa tin quân sự” Nga từng cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh là tàu sân bay rẻ nhất thế giới, hầu như không có năng lực tự bảo vệ. Truyền thông phương Tây cũng không ngừng nói về thiết kế đường băng của tàu này, cho rằng sức chiến đấu của Liêu Ninh kém xa tàu sân bay động cơ hạt nhân cỡ lớn trang bị nhiều máy phóng hơi nước của Mỹ.

Như vậy, tàu sân bay nội của Trung Quốc có trang bị máy phóng hay không? Vấn đề này có lẽ sớm đã có đáp án. Trang mạng “An ninh toàn cầu” Mỹ cho rằng, ngay từ năm 1985, Trung Quốc đã mua sắm tàu sân bay Melbourne lượng giãn nước 17.000 tấn từ Australia, và đã tiến hành tháo rời đối với tàu sân bay nghỉ hưu này./

image049_0
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)

Trước khi tàu Melbourne bị tháo dời, nó từng đậu ở Quảng Châu để các kỹ sư đóng tàu Hải quân Trung Quốc nghiên cứu. Mặc dù các thiết bị quan trọng trên tàu Melbourne đã dỡ bỏ trước khi bán cho Trung Quốc, nhưng nguồn tin từ Hải quân Australia cho rằng, chuyên gia Trung Quốc rất quan tâm đối với máy phóng hơi nước trên tàu sân bay, từng đòi tài liệu có liên quan.

Trang mạng Học viện Hải quân Mỹ từng cho rằng, sở hữu tàu Melbourne là tiến bộ quan trọng mà “phái ủng hộ tàu sân bay” giành được trong Hải quân Trung Quốc khi đó. Sau đó chưa đến vài năm, Trung Quốc đã xây dựng đường băng mô phỏng mặt đất có máy phóng và cáp hãm đà ở tỉnh Quảng Đông.

Về sau, để nắm giữ công nghệ chế tạo tàu sân bay, Trung Quốc cũng từng mua sắm nhiều tàu sân bay nghỉ hưu từ nước ngoài, bao gồm tàu Minsk, Kiev và Varyag thời kỳ Liên Xô. Đến nay, thông qua tự cải tạo tàu Varyag và làm cho nó trở thành tàu Liêu Ninh, Trung Quốc đã từng bước nắm giữ công nghệ chế tạo tàu sân bay, đã đặt nền tảng tốt đẹp cho tàu sân bay nội địa.

Tuy nhiên, để có thể đạt được đến công nghệ của Mỹ, hay Nhật Bản vẫn là một quãng đường rất dài mà Trung Quốc phải tốn ít nhất 20 năm nữa, theo dự đoán từ nhiều chuyên gia quân sự trên thế giới.

(Theo Đất Việt)

26 Tháng Tư 2017(Xem: 10268)
Đường đi bí ẩn của Mẫu hạm USS Carl Vinson. Minh họa VĂN HÓA MAP
23 Tháng Tư 2017(Xem: 9866)
Tờ Manila Bulletin dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, Robespierre Bolivar, cho rằng: “Mức độ cam kết giữa Trung Quốc và khối ASEAN là cao”. Ông hy vọng là “dự thảo khung sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2017”.
20 Tháng Tư 2017(Xem: 9828)
Dân trí Trong chuyến thăm Nhật Bản, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã khẳng định lại cam kết sẽ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và sẽ tăng cường hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
11 Tháng Tư 2017(Xem: 15576)
- Đảo Đá Lát nằm ở đâu? Ai cấm VN bồi đắp?
26 Tháng Ba 2017(Xem: 11024)
- Ai cấm VN bồi đắp Đá Lát thành đảo nhân tạo? - Sau phán quyết VN sẽ còn giữ được bao nhiêu biển-đảo? - Chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon 1972.
05 Tháng Ba 2017(Xem: 10652)
26 Tháng Hai 2017(Xem: 10814)
Hiện tại, một cụm tàu sân bay tấn công - USS Carl Vinson đang tuần tra ở Biển Đông. 3 tàu ngầm tấn công USS Alexandria, USS Chicago và USS Louisville đã được triển khai ở Tây Thái Bình Dương trong tháng qua, ít nhất 1 chiếc đã tiến vào Biển Đông. Ảnh: SEAN M. CASTELLANO/AFP/Getty Image caption Tàu sân bay USS Carl Vinson. BBC
19 Tháng Hai 2017(Xem: 10396)
Hàng không Mẫu hạm Liêu Ninh tập trận tấn công ở biển nam Trung Hoa.
16 Tháng Hai 2017(Xem: 10910)
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại bộ Quốc Phòng nhân lễ nhậm chức của bộ trưởng James Mattis (P), ngày 27/01/2017.MANDEL NGAN / AFP