Biển Đông: Mạnh ai nấy chiếm! Hồn ai nấy giữ! Giữ cách nào?

01 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 14006)
"BIỂN ĐÔNG - "NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 02 FEB 2015

VN – Philippines hướng đến Đối tác chiến lược

image041
Việc Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa làm nhiều nước lo ngại

Việt Nam và Philippines tuyên bố sẽ tiến tới xây dựng quan hệ Đối tác Chiến lược.

Manila mới chỉ có quan hệ Đối tác Chiến lược với Mỹ và Nhật Bản.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa có chuyến thăm tới Manila từ 29 đến 30/1.

Ông đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario.

Thông cáo hai bên nói: “Hai bộ trưởng đã thảo luận về lộ trình và thống nhất những nội hàm cơ bản để tiếp tục trình lên lãnh đạo cấp cao hai nước xem xét, tiến tới xây dựng quan hệ Đối tác Chiến lược nhân chuyến thăm cấp cao trong thời gian tới.”

Mặc dù hai nước không nhắc đến Trung Quốc, nhưng việc xích lại gần nhau diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mấy năm gần đây có động thái cứng rắn tại Biển Đông.

Quan hệ Đối tác Chiến lược sẽ thúc đẩy liên lạc giữa hai quân đội thông qua việc tuần tra chung, đào tạo và diễn tập.

Trung Quốc đã bắt đầu việc xây dựng trên sáu bãi đá ngầm mà nước này chiếm tại quần đảo Trường Sa.

Có thông tin nói Trung Quốc đang xây cảng, một sân bay cùng thiết bị liên lạc.

Hồi tháng 12, Philippines nói Việt Nam 'giúp giữ hòa bình' ở Biển Đông bằng việc ủng hộ vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài LHQ.

Tòa Trọng tài LHQ hiện đang thụ lý vụ kiện của Philippines đối với đường chủ quyền chín đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, của Trung Quốc tại Biển Đông. Về phần mình, Bắc Kinh từ chối không tham gia vụ kiện với lý do vụ này thiếu tính pháp lý.

Việt Nam cho biết đã trình bày với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam./

theo BBC 30 tháng 1 2015

++++++++++++++++++++++++++++

Bắc Kinh : Manila phản đối xây đảo như "đứa trẻ kêu khóc"

Thụy My

image043
Bức ảnh bộ Ngoại giao Philippines công bố hôm 14/5/2014 cho thấy Trung Quốc đang hút cát để mở rộng mặt bằng bãi đá Gạc Ma (Johnson Reef) trong quần đảo Trường Sa.REUTERS/Armed Forces of the Philippines/Handout via Reuters

Tân Hoa Xã hôm nay 30/01/2015 chế nhạo Philippines là một « em bé khóc lóc » khi tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế để chống lại việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông, cho rằng nỗ lực này là « đáng thương hại ».

Lời bình châm chọc của Tân Hoa Xã được đưa ra hai ngày sau khi hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN tại Malaysia tuyên bố quan ngại trước các nỗ lực xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông nhằm xác quyết chủ quyền. Manila kêu gọi cả 10 quốc gia trong hiệp hội cùng đoàn kết lại để có được chủ trương cứng rắn hơn trước Bắc Kinh về vấn đề này.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc viết : « Chỉ một tháng sau trò hề đưa ra trọng tài, Philippines lại diễn thêm một trò đáng thương hại khác nhằm cố gắng đánh động lòng trắc ẩn cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ của quốc tế trong việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ».

Tân Hoa Xã khẳng định : « Manila cần phải hoàn toàn ý thức được rằng hành động như một em bé kêu khóc, và ăn mày lòng thương hại của cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ giúp chứng minh được yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Việc tranh chấp cần phải và chỉ có thể được giải quyết bởi các bên trực tiếp liên quan ».

Năm ngoái, Philippines lên án Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo xung quanh các bãi cạn ở quần đảo Trường Sa, trên đó có thể xây dựng các công trình kiên cố, thậm chí cả sân bay. Bắc Kinh bác bỏ lời tố cáo của Manila, nói rằng các dự án này được tiến hành trên lãnh thổ của Trung Quốc.

Theo tờ Kanwa Defense Review, một tạp chí quân sự bằng tiếng Hoa có trụ sở tại Canada, tốc độ lấn biển của Trung Quốc rất nhanh, đang bồi đắp các đảo tại đá Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên…tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát trên thực tế.

Trong hội nghị ASEAN nói trên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario kêu gọi cộng đồng quốc tế « nói với Trung Quốc rằng những gì họ đang làm là sai trái, đồng thời họ phải chấm dứt các hoạt động ấy ». Nhưng Tân Hoa Xã chỉ trích đây là « mưu toan ích kỷ, vô ích » của Manila nhằm « đầu độc » quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN./

theo RFI 30-01-2015 15:27

++++++++++++++++++++++++++++++

Shi Yinhong: “Tranh chấp ở Biển Đông không phải là một cuộc tranh giành năng lượng”

Giá dầu nói lên điều gì trong tranh chấp Biển Đông

31/01/2015

(Biển Đảo) - Giới chuyên gia nhận định giá dầu giảm hiện nay càng cho thấy tranh chấp ở Biển Đông không chỉ vì những gì nằm sâu dưới đáy biển mà là cạnh tranh địa chiến lược.

Giá dầu ngày 29/1 ở mức 44,55 USD/thùng. Sự tụt giá năng lượng lớn nhất kể từ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 đã khiến các công ty từ Royal Dutch Shell Plc của Hà Lan cho đến Statoil ASA của Na Uy phải loại bỏ các dự án được coi là không khả thi ở mức giá hiện tại và chú ý đến tương lai của việc thăm dò biển sâu tốn kém.

Tuy nhiên, ở Biển Đông, nơi tàu thuyền Trung Quốc và Việt Nam đụng độ hồi tháng 5/2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, những suy tính về chính trị và an ninh sẽ tiếp tục “đốt nóng” vấn đề tranh chấp lãnh thổ và thúc đẩy chi tiêu quân sự của các nước trong khu vực. Biển Đông là nhà của một số tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới và là huyết mạch đối với nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc từ Trung Đông.

image045
“Tranh chấp ở Biển Đông không phải là một cuộc tranh giành năng lượng”

“Tranh chấp ở Biển Đông không phải là một cuộc tranh giành năng lượng”, Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh và là cố vấn cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết. “Đây là một cuộc tranh chấp vùng biển và không có thỏa hiệp giữa các nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn”, ông nói thêm.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 4/5 diện tích Biển Đông, dựa trên yêu sách đường 9 đoạn được vẽ trên một bản đồ từ năm 1940, vòng xuống giống như hình lưỡi bò, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 1.800 km về phía nam. Các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với khu vực này.

Giàn khoan Hải Dương 981 năm ngoái là ví dụ rõ ràng cho căng thẳng này. Khi giàn khoan lần đầu tiên được triển khai cho công tác thăm dò vào năm 2012, Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) Vương Nghi Lâm mô tả giàn khoan nước sâu là “lãnh thổ quốc gia di động và vũ khí chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của đất nước”.

Động cơ cơ bản

Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan ở vùng biển tranh chấp với Việt Nam vào tháng 5 năm ngoái, một làn sóng phản đối Trung Quốc đã nổ ra ở Việt Nam. Mỹ cũng gọi động thái của Trung Quốc là “khiêu khích”. Giàn khoan Trung Quốc được rút vào tháng 7, một tháng trước dự kiến. Cơ quan chủ quản của dự án, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, tuyên bố đã phát hiện dầu và khí đốt tại khu vực, nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể.

image046

Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

“Câu hỏi đặt ra là động cơ cơ bản của Trung Quốc vào năm ngoái là gì?”, Philip Andrews-Speed, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Singapore nói. “Nếu bạn tin rằng đó là động thái chính trị chỉ xuất hiện một lần để tuyên bố ‘chúng tôi có thể làm được điều này’ thì giá dầu sẽ không tạo ra sự khác biệt’.

Dòng sản lượng chậm và nhỏ giọt từ khu vực càng củng cố quan điểm cho rằng Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến việc có thể tự do triển khai lực lượng hải quân để bảo vệ các tuyến đường thương mại của mình, và tìm cách đạt được yêu sách chủ quyền. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hồi cuối tháng 5 mô tả Biển Đông là ”một huyết mạch hàng hải”.

Chênh lệch lớn trong ước tính trữ lượng

“Hàng hóa đi qua Biển Đông quan trọng hơn những gì nằm dưới đáy biển”Bill Hayton, tác giả cuốn Biển Đông: Tranh giành quyền lực ở châu Á cho biết. Trung Quốc sử dụng dầu khí “như một cái cớ để hiện thực hóa và biện minh yêu sách chủ quyền, với tuyên bố rằng vùng biển này có nhiều dầu”.

Khoảng 14 triệu thùng dầu mỗi ngày đi qua Biển Đông, tương đương một phần ba lượng dầu thô toàn cầu, theo cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Theo EIA, các nước quanh Biển Đông năm 2011 sản xuất khoảng 1,26 triệu thùng dầu/ngày, chỉ bằng 1,4% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu là 89 triệu thùng/ngày.

Những uớc tính về tiềm năng phát hiện dầu ở Biển Đông có sự chênh lệch rất lớn. EIA cho biết khu vực này đã được thăm dò và có thể có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và hơn 5,3 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên.

Hầu hết các mỏ dầu chưa được khám phá nằm ở vùng ven biển không có tranh chấp, theo EIA. Cơ quan này cho rằng ngoài căng thẳng địa chính trị, các khu vực có tranh chấp còn phải đối mặt với những thách thức về mặt địa chất và công nghệ, nhất là độ sâu của nước và tần suất xảy ra giông bão.

Trong khi đó, ước tính của Trung Quốc lại lớn hơn EIA rất nhiều. Chủ tịch CNOOC năm 2012 ước tính khu vực này nắm giữ khoảng 125 tỷ thùng dầu và hơn 14,1 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, Financial Times đưa tin. Khi được yêu cầu xác nhận những số liệu này, CNOOC hôm 14/1 cho biết trong một e-mail rằng công ty chỉ tiết lộ trữ lượng tự thăm dò được tại Biển Đông.

Những con số này bị bác bỏ bởi một số nhà quan sát phương Tây, trong đó có Hayton. Ông cho rằng số liệu được dựa trên các ước tính từ những năm 1990, khi Trung Quốc không còn có thể tự cung tự cấp dầu khí, và nền kinh tế nước này bắt đầu phát triển mạnh.

“Khi các nguồn tin chính thức đã tuyên bố những con số này là đúng thì rất khó cho các cơ quan chính thức khác đưa ra tuyên bố ngược lại”, Hayton viết trong cuốn sách của ông. CNOOC trở thành “tiếng nói mạnh mẽ trong hệ thống và đã thổi phồng tiềm năng của vùng biển. Trữ lượng càng có vẻ nhiều hơn, thì càng dễ có được thêm kinh phí từ nhà nước hơn”.

Những người khác cho rằng Trung Quốc có thể không phóng đại số liệu. “Tôi không nghĩ có bất kỳ lý do để họ ‘đổ tiền xuống biển’ nếu họ không tin vào điều đó”, Gordon Kwan, người đứng đầu công ty nghiên cứu dầu khí Nomura Holdings tại Hong Kong cho biết.

Trong khi Kwan không cho rằng các nhà thăm dò dầu Trung Quốc sẽ giảm đáng kể công việc trong Biển Đông, ông cũng không dự đoán họ sẽ thúc đẩy đầu tư khi giá dầu giảm gần 50% so với năm ngoái.

“Chắc chắn dòng tiền hạn chế sẽ làm giảm chi phí đầu tư của họ và họ phải cân nhắc liệu việc thăm dò nước sâu có còn đáng giá hay không”, ông nói. “Nếu họ tin rằng giá dầu sẽ tăng trở lại vào thời điểm các dự án nước sâu bắt đầu có sản lượng, họ có thể có một cái nhìn khác”.

Yếu tố khác

Trong thời gian đó, các công ty dầu khí lớn trên thế giới vẫn đang đứng ngoài cuộc. “Hiện đã có hoạt động thăm dò trong khu vực có tranh chấp nhưng vẫn còn hạn chế. Việc này sẽ chỉ tăng nếu như Trung Quốc và các nước có tranh chấp đạt được thỏa thuận”, Andrew Harwood, một nhà nghiên cứu cao cấp của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie ở Singapore cho biết.

“Phần lớn Biển Đông được coi là có tiềm năng khai thác cao, điều đó có nghĩa là nó có rủi ro và chi phí cao, nhưng lợi ích tiềm năng cũng rất cao”.

Cũng có những điểm nóng khác ở Biển Đông, nơi có đủ cá để chiếm khoảng 10% tổng số đánh bắt toàn cầu, theo Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á.

Cơ quan Hành pháp Hàng hải Malaysia ngày 7/1 cho biết đã bắt giữ một tàu cá của Indonesia và 4 thủy thủ đoàn bị nghi ngờ đánh bắt cá trong vùng biển Malaysia. Vài ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết họ sẵn sàng thảo luận về vụ Indonesia đánh chìm tàu đánh cá bất hợp pháp của Malaysia.Trung Quốc ngày 7/1 cũng truy đuổi và làm hư hỏng ba thuyền cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa trong các vụ việc riêng biệt.

Việt Nam ngày 22/1 yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xây dựng các công trình ở Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi Bắc Kinh ngang nhiên tiến hành nhiều hoạt động cải tạo, thay đổi nguyên trạng. Trung Quốc hồi tháng 8 từ chối nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc “đóng băng” các động thái có thể gây căng thẳng ở vùng biển này.

“Mặc dù quan niệm cho rằng Biển Đông giàu tài nguyên năng lượng vẫn là một động lực chính dẫn đến tranh chấp, còn nhiều yếu tố khác tác động đến việc này”, Ian Storey, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết. “Chủ nghĩa dân tộc, nỗ lực thực thi tuyên bố chủ quyền về lịch sử và tài phán, và cạnh tranh địa chiến lược sẽ giữ cho vấn đề này ở vị trí đầu hoặc gần đầu bảng trong chương trình nghị sự an ninh khu vực”.

(Theo Vnexpress)

++++++++++++++++++++++++++++

'Ba không' của VN có đủ chống TQ?

Nguyễn Xuân Vinh Gửi tới BBC từ Frankfurt, Đức

BBC 29 tháng 1 2015

image048
Việt Nam đã và đang mua tàu ngầm từ Nga về để phòng vệ

Gần đây những bình luận về vấn đề Biển Đông hay nhắc đến lập trường "ba không" của chính phủ Việt Nam trong đối ngoại.

Với chính sách „ba không“, Việt Nam cam kết là „không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không dựa vào nước nào để chống nước khác“.

Đối với một quốc gia với vị trí chiến lược của Việt Nam, nằm bên lề của những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới, một vùng có sự chú ý của nhiều cường quốc, chính sách này có cái lý của nó cho mục đích giữ nền độc lập.

Nhưng nếu quốc gia đó cùng lúc lại nằm bên vùng biển với nhiều tranh chấp lãnh thổ nhất hiện nay trên thế giới, với những đảo và vùng biển bị một cường quốc hung hăng đe dọa, liệu chính sách này có còn phù hợp nữa để giữ sự toàn vẹn lãnh thổ?

Chỉ cần nhìn sơ vào thống kê sức lực quân sự của Việt Nam và so sánh với Trung Quốc cũng như các nước khác trong vùng hiện tại đang có những tranh dành về lãnh thổ với Trung Quốc cũng đủ để thấy rằng sự duy trì chính sách „ba không“ là một đường lối mà Việt Nam không thể đi tiếp trong tình huống này.

Mặc dù là một quốc gia với lãnh thổ trải dài dọc vùng biển với diện tích hơn 3.600.000 cây số vuông, lực lượng hải quân Việt Nam cho đến nay không đóng một vai trò quan trọng trong chính sách quốc phòng.

Bảy hộ tống hạm

Hiện nay lực lượng chủ lực của hải quân Việt Nam với khả năng hoạt động trên đại dương bao gồm 7 chiếc hộ tống hạm.

Trong đó có hai chiếc hộ tống hạm „Đinh Tiên Hoàng“ (HQ 011) và „Lý Thái Tổ“ (HQ 012) là những chiến hạm lớn nhất và tân tiến nhất của hải quân Việt Nam. Năm chiếc còn lại thuộc về hạng hộ tống hạm nhẹ hạng Petya III được đóng trong thập niên 70, giờ đây được xem là lỗi thời và không phải là đối thủ của những chiến hạm tối tân của Trung Quốc.

Đài Loan có không quân hùng hậu hơn Việt Nam

Ngoài ra còn có 6 tuần duyên hạm nhỏ, có trang bị hỏa tiễn tối tân.

Nhưng những tàu này lại không có khả năng hoạt động biệt lập lâu ngoài khơi.

Ngoài ra từ đầu năm 2014 Việt Nam cũng có được hai chiếc tàu ngầm tối tân. Đó là chiếc „Hà Nội“ (HQ 182) và chiếc „TP Hồ Chí Minh“ (HQ 183).

Với lực lượng hải quân như thế Việt Nam chỉ mạnh hơn Phi Luật Tân. Các nước trong vùng hiện đang có những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Đài Loan, Nam Hàn và Nhật đều có những lượng hải quân hùng hậu hơn nhiều.

Sự yếu đuối trên biển cũng được phản ảnh trên bầu trời. Không quân Việt Nam hiện nay, theo như ước lượng của viện nghiên cứu International Institute for Strategic Studies (IISS) ở Anh Quốc, có khoảng 97 chiến đấu cơ bao gồm các loại MiG-21, Su-22, Su-24 và Su-30.

Trong khi 24 chiếc Su-30 và 11 chiếc Su-24 mua từ năm 2004 được xem là cột trụ của lực lượng bảo vệ không phận, thì đa số máy bay còn lại thuộc vào loại MiG-21 và Su-22 đã quá lỗi thời và không biết bao nhiêu còn sử dụng được.

Trung Quốc hiện có ba hạm đội và một đội tàu ngầm lớn

Để trả lời câu hỏi lực lượng không quân Việt Nam có đủ khả năng để bảo vệ đất nước và biển đảo hay không, chỉ cần so sánh: Đài Loan, với một diện tích chỉ bằng khoảng 1/9 của Việt Nam, lại có một lực lượng không quân gồm khoảng 400 chiếc chiến đấu cơ phản lực tối tân!

Trong khi đó, lực lượng hải quân của Trung Quốc được chia ra ba hạm đội, đó là hạm đội Bắc hải, hạm đội Đông hải và hạm đội Nam hải. Hạm đội Nam hải là lực lượng kiểm soát vùng Biển Đông, và là đối thủ trực tiếp của hải quân Việt Nam trong những cuộc xung đột trong quá khứ và tương lai.

Theo tài liệu của bộ quốc phòng Mỹ năm 2014 thì lực lượng tác chiến của hạm đội này bao gồm 17 tàu ngầm, 8 khu trục hạm, 18 hộ tống hạm và 33 tuần duyên hạm. Một lực lượng vô địch trên Biển Đông, và là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho lãnh hải Việt Nam với một căn cứ lớn ở Yalong phiá nam đảo Hải Nam.

Ngoài ra trên đảo Hải Nam còn có hai sư đoàn không quân với khoảng 200 chiếc chiến đấu cơ tối tân đe doạ không phận trên biển của Việt Nam.

Với sự chênh lệch quân lực như vậy, nếu Việt Nam duy trì cái gọi là chính sách „ba không“ thì sẽ không thể nào tránh khỏi sự mất mát biển đảo.

Câu hỏi cũng đuợc đặt ra là Việt Nam sẽ làm gì nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (Air Defense Identification Zone) trên Biển Đông?

Khi Trung Quốc tuyên bố điều này đối với không phận trên các đảo đang tranh chấp với Nhật mà Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Diaoyu, Nhật và Mỹ lập tức phế bỏ điều đó và đã cho không quân đi tuần trong khu vực đó. Trước thái độ cứng rắn của hai nước đồng minh này, Trung Quốc đã phải nhượng bộ và đã không kiên quyết thi hành những biện pháp đã đe dọa.

Liệu chính phủ Việt Nam cũng sẽ có đủ bản lãnh để phản ứng như thế không? Nhưng dù có đi nữa, có thể là không quân Việt Nam cũng không đủ khả năng để thực hiện một chiến dịch như Nhật đã làm.

Việt Nam không thể đơn thân đối đầu với Trung Quốc, nếu muốn bảo vệ lãnh thổ. Việt Nam phải chỉnh sửa chính sách „ba không“.

Nhưng chỉnh sửa ra sao?

Hoa Kỳ đã rời Subic thì vào Cam Ranh làm gì?

Tham gia một liên minh quân sự để chống Trung Quốc thì không nên vì đó sẽ là một khiêu khích đối với Trung Quốc. Và cũng không có liên minh nào trong vùng để theo. Để cho nước khác – đó chỉ có thể là nước Mỹ thôi – đóng quân tại Việt Nam cũng không được vì cùng lý do.

Và cũng chẳng có nước nào muốn đóng quân tại Việt Nam để bị rơi vào vai trò phải làm thần hộ mệnh cho Việt Nam để chọi với Bắc Kinh. Thêm nữa, Mỹ đã bỏ Subic Bay, vậy thì vào Cam Ranh để làm gì?

Chỉ còn giải pháp là tựa vào một hoặc nhiều nước để giữ cân bằng với Trung Quốc. Hiện nay trong vùng Đông Á Thái Bình Dương chỉ có hai cường quốc Việt Nam có thể đến để thực hiện chiến lược này, đó là Mỹ và Ấn Độ.

Thái độ của Mỹ về Biển Đông hiện rất thuận lợi cho Việt Nam. Chính phủ Obama cũng đã lên tiếng hỗ trợ các quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong tranh chấp hải phận.

Tháng Hai 2014, Mỹ đã chính thức phủ nhận tính cách hợp pháp của cái „bản đồ 9 đoạn“ khi Thứ trưởng ngoại giao Daniel Russel tuyên bố trước ủy ban ngoại vụ của quốc hội Mỹ rằng, sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông là „không phù hợp với các điều luật quốc tế“.

Chính phủ Mỹ bắt đầu lo âu vì xu hướng ngày càng bành trướng của Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc đã gây xôn xao tại các nước đồng minh của Mỹ và là một yếu tố gây ra rủi ro cho nền kinh tế của vùng châu Á Thái Bình Dương.

Chính phủ Mỹ sẽ không bao chấp nhận để Trung Quốc kiểm soát những tuyến đường hàng hải trên Biển Đông và để những mạch máu dẫn đến Nhật, Nam Hàn và ngay cả miền Tây nước Mỹ chạy qua hải phận Trung Quốc.

Mỹ sẽ can thiệp nhiều hơn trong sự tranh chấp lãnh hải này, thứ nhất là để ngăn ngừa một sự xung đột bạo lực, thứ nhì là để giữ uy tín của các đồng minh tại châu Á.

Phát triển thuận lợi

Việt Nam phải tận dụng điều này. Mối liên hệ Mỹ Việt đang phát triển thuận lợi. Ngoài sự bang giao về chính trị và kinh tế, những bước đầu tiến tới bình thường hóa quan hệ quân sự hai bên cũng đã được tiến hành. Hơn nữa, nếu bang giao tốt đẹp, Việt Nam có thể được cơ hội mua vũ khí tinh vi của Mỹ như tàu chiến hoặc máy bay.

Việt Nam cũng phải liên kết nhiều hơn với các nước trong vùng như Ấn Độ, Nhật và Nam Hàn. Họ cũng lo ngại và bất bình với thái độ ngang ngược của Trung Quốc. Nếu tạo được một sự thoả thuận với các nước ven Biển Đông về quyền sử dụng biển, thí dụ như theo hiệp ước UNCLOS, thì sự tranh chấp sẽ biến thành một sự phân chia trên căn bản pháp lý quốc tế.

Hoa Kỳ đang có thái độ thuận lợi với Việt Nam

Đó không phải là một điều bất lợi cho Việt Nam. Và nếu Việt Nam đạt được một sự bắt tay chặt chẽ với các nước trong vùng, đặc biệt là với Nhật và Nam Hàn, cả hai nước này đều nằm sát biển với Trung Quốc và hiện đang có những tranh chấp về biển với Trung Quốc, thì việc lấn ép ngang ngược sẽ khó khăn hơn cho Bắc Kinh vì Trung Quốc có thể bị cô lập trên chính trường ngoại giao.

Một liên minh như thế cũng có thể tạo áp lực cho Bắc Kinh phải ngồi vào bàn tròn đàm phán tìm giải pháp.

Năm 2015 sẽ phải có một biến chuyển trong chính sách ngoại giao và an ninh của Việt Nam. Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam thường dèm pha quân đội và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng quân đội VNCH đã đổ máu để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Nhà cầm quyền hiện tại chưa chứng minh cho dân tộc và lịch sử là họ xứng đáng để được đứng cùng hàng với Việt Nam Cộng Hòa trong vấn đề này.

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Xuân Vĩnh, kỹ sư hàng không, gửi tới Diễn đàn BBC từ Frankfurt, CHLB Đức.

07 Tháng Tám 2016(Xem: 11669)
"Chiến tranh nhân dân" mở màn
27 Tháng Bảy 2016(Xem: 10538)
Diễn biến ở Hội nghị Asean xứ nghìn voi
19 Tháng Bảy 2016(Xem: 12535)
Ai sẽ khai thác tài nguyên cá ở Biển Đông? - Ngư phủ trăm năm đổi lấy nghề xuất khẩu lao động.
14 Tháng Bảy 2016(Xem: 11071)
"Theo bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam “phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông”.
13 Tháng Bảy 2016(Xem: 11823)
- Toàn văn Thông cáo báo chí của Tòa trọng tài.
07 Tháng Bảy 2016(Xem: 12242)
* Scarborough, bãi Cỏ Mây đâu là mục tiêu gần nhất của TQ? * Biển Đông sẽ "chia đôi"?
05 Tháng Bảy 2016(Xem: 10955)
Canh bạc lớn ở Biển Đông
03 Tháng Bảy 2016(Xem: 10695)
Trên Biển Đông, Trung Quốc ngang ngược không thể đàm phán nổi, nay nếu việc nhờ bên thứ 3 là cơ quan tài phán quốc tế, và có thể là cả Liên Hợp Quốc can thiệp nữa mà không được thì chắc chỉ còn nước chuẩn bị cho phương án xấu nhất - đánh nhau.