Điểm nào "nóng" ở mặt trận biển tây Philippines?

26 Tháng Bảy 201511:30 CH(Xem: 15639)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 27 JULY 2015

Điểm nào "nóng" ở mặt trận biển tây Philippines?
 image011
(Ảnh trên AP): Quân đội Mỹ - Phi trong lễ khai mạc cuộc tập trận chung "Balikatan 2015" tại thành phố Quezon, Philippines, ngày 20/4/2015. (Giữa Google images): Phi kéo xác tầu chiến cũ bám trụ tại bãi Cỏ Mây sẽ biến thành căn cứ hỏa lực. Vòng tròn đỏ trên bản đồ dưới là vị trí bãi đá Cỏ Mây, cứ điểm đảo chiến lược của biển Tây Philippines. VĂN HÓA map.

Theo Dân Trí: "Bãi Cỏ Mây Bãi Cỏ Mây là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hiện tại Trung Quốc và Philippines đều lên tiếng có chủ quyền đối với đảo đá này. Trước đó ngày 13/7, quan chức Hải quân Philippines tiết lộ, hải quân nước này từ đầu năm nay đã bắt đầu tiến hành gia cố mũi tàu và boong tàu chiếc tàu quân sự này, dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành."

+++++++++++++++++++++++++++++

Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Phi nên bao gồm các đảo ở Biển Đông?
 image012
Quân đội Mỹ và Phi trong lễ khai mạc cuộc tập trận chung "Balikatan 2015" tại thành phố Quezon, Philippines, ngày 20/4/2015.

VOA 23.07.2015

Một số chuyên gia an ninh hàng đầu của Mỹ kêu gọi Washington nới rộng hiệp ước an ninh với Philippines để bảo vệ những đảo nhỏ và bãi cạn mà Philippines đang kiểm soát ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Li Bao của đài VOA, một số học giả Philippines cho rằng Hoa Kỳ không nên làm như vậy vào lúc này.

Ông Seth Cropsey, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho đài VOA biết rằng vấn đề này nên được xử lý giống như cách xử lý vấn đề Senkaku, là quần đảo đang do Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư.

Ông Cropsey nói: “Mục tiêu cũng giống hệt như vậy. Đó là tuân hành nghĩa vụ hiệp ước với Philippines và để phòng vệ khu vực này trước một nước Trung Quốc mỗi ngày một hung hăng hơn và có nhiều tham vọng hơn, một nước đang dùng sức mạnh quân sự và đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự để đạt các mục tiêu của mình”.

Ông Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu của Quỹ Heritage ở Washington, mới đây nói với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ là đã tới lúc Hoa Kỳ dành cho Philippines, một đồng minh thân thiết ở Á châu, một sự bảo đảm rõ ràng về an ninh. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên thay đổi lập trường về phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh Mỹ - Phi để bao gồm những hòn đảo và bãi cạn hiện do Philippines chiếm đóng và nằm dưới quyền quản hạt của nước này. Hiện giờ, chúng ta không có lập trường rõ ràng về vấn đề này”.

Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và đang ráo riết tiến hành kế hoạch xây đảo nhân tạo trong khu vực. Bắc Kinh cũng đang xây các cơ sở quân sự trên những đảo mới ở đó, tạo ra những mối đe dọa mới đối với khu vực do Philippines kiểm soát.

Hành động đi đôi với lời nói

Ông Cropsey, hiện là giám đốc Trung tâm Sức mạnh Hải dương Hoa Kỳ của Viện Hudson, tin rằng khi tuyên bố như vậy về hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Phi, Hoa Kỳ chỉ có một mối rủi ro duy nhất là “nói mà không có hành động để chứng minh”.

Ông Cropsey nói: “Nếu Hoa Kỳ tuyên bố rằng 'chúng tôi sẽ bao gồm những hòn đảo và những bãi cạn đang do Philippines quản lý và kiểm soát vào hiệp định phòng thủ mà chúng tôi có với đồng minh của mình', nhưng lại không điều tàu tới khu vực đó, không phái tàu tuần tiễu những hòn đảo và những bãi cạn đó, thì đó sẽ là một tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng chúng ta không nghiêm chỉnh tuân hành nghĩa vụ của mình”.

Tuy nhiên, ông Cropsey nói không thể “đọc được ý nghĩ trong đầu của chính phủ Mỹ hiện nay”.

Ông cho rằng: “Chính phủ trong thời gian qua có thái độ lúc nóng lúc lạnh với Trung Quốc, đôi lúc họ có tư thế tiến về phía trước nhiều hơn và đôi lúc họ thụt lùi”.

Ông nói: “Tôi hy vọng là việc có thêm nhiều người nói về đề tài này một cách công khai sẽ khuyến khích chính phủ xem xét lại vấn đề và nghĩ tới Philippines trong cùng một cách thức mà họ nghĩ tới Nhật Bản; và đó là Philippines là một nước bạn lâu năm và là một nước đồng minh cực kỳ quan trọng về mặt chính trị, địa lý và chiến lược trong khu vực này của thế giới”.

Chính sách của chính quyền Obama

Hôm thứ Ba vừa qua, khi trả lời câu hỏi của đài VOA về chính sách hiện nay của Mỹ đối với vấn đề này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Russel nói rằng Washington tôn trọng hiệp ước với Philippines và chính phủ của Tổng thống Obama không loại trừ bất kỳ sự lựa chọn quân sự nào đối với mối đe dọa chung trong khu vực.

“Theo hiệp ước, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến ngay tức khắc để xem xét tới cách ứng phó với một mối đe dọa được xem là mối đe dọa chung”, ông Russel cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh: “Qua những hành động của mình, Hoa Kỳ và Philippines đã chứng tỏ là chúng tôi quyết tâm tìm kiếm những phương thức hợp pháp và hòa bình để giải quyết những sự khác biệt và để răn đe và giảm thiểu tối đa mối rủi ro xảy ra xung đột”.

Trong khi đó, Philippines đang tích cực hợp tác với Hoa Kỳ trong nhiều hoạt động quân sự, kể cả việc cho phép máy bay hải quân Mỹ sử dụng căn cứ không quân Clark để thực hiện những phi vụ trinh sát gần những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây ở quần đảo Trường Sa.

Chiến lược mơ hồ

Tuy nhiên, một số học giả ở Philippines cho rằng vào lúc này Hoa Kỳ không nên và sẽ không công khai nới rộng phạm vi áp dụng của hiệp ước phòng thủ chung để bao gồm những hòn đảo và bãi cạn do Philippines kiểm soát ở Biển Đông.

“Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ nên duy trì sự mơ hồ chiến lược về vấn đề này, một sự mơ hồ làm cho Trung Quốc không biết cách xoay sở”, giáo sư Renato Cruz de Castro của Đại học De La Salle ở Manila cho biết như thế trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA.

Giáo sư de Castro nói: “Chúng ta không thể so sánh quan hệ Mỹ - Nhật với quan hệ Mỹ - Phi vì nhiều lý do” và lý do quan trọng nhất là việc nới rộng hiệp ước sẽ “tự động đưa Hoa Kỳ và Philippines tới chỗ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng quân đội Philippines yếu hơn nhiều so với quân đội Nhật Bản.

Giáo sư de Castro cho biết ông tin là Manila có thể chấp nhận sự mơ hồ chiến lược này và chưa yêu cầu Hoa Kỳ nới rộng phạm vi áp dụng của hiệp ước./

Philippines xây bãi đáp trực thăng ở Bãi Cỏ Mây?

(Kiến Thức) - Các nguồn tin quan chức Manila cho biết, quân đội Philippines có kế hoạch xây dựng một bãi đáp trực thăng trên tàu chiến cũ nát ở Bãi Cỏ Mây.

Manila tiếp tục gia cố tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre (LT-57) có chức năng hoạt động như một tiền đồn của nước này ở Bãi Cỏ Mây thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 image013
Tàu chiến cũ nát của Philippines mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây.

Một nguồn tin quân đội Philippines cho biết, mất chưa đến một giờ để họ di chuyển bằng trực thăng tới Bãi Cỏ Mây, qua đó giúp họ dễ dàng đưa đồ tiếp tế cho nhóm binh sĩ đồn trú ở đó. Dẫu vậy, việc Philippines xây dựng một bãi đáp trực thăng trên tàu chiến cũ nát ở Bãi Cỏ Mây vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, Manila quyết định củng cố lực lượng trên Bãi Cỏ Mây sau khi Trung Quốc khởi động hoạt động bồi đắp đảo đá trái phép ở vùng biển tranh chấp.

“Chúng tôi cần củng cố Bãi Cỏ Mây đó bởi vì nó đóng vai trò rất chiến lược đối với Vùng đặc quyền kinh tế của nước tôi”, một quan chức giấu tên tiết lộ.

Trong lúc này, nhiều báo cáo cho biết, Manila cũng tăng cường các biện pháp gia cố thân tàu chiến cũ nát mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây bằng cách đặt các tấm bê tông cố định, qua đó giúp các binh sĩ đồn trú ở đó an toàn hơn.

Phát ngôn viên Hải quân Philippines, ông Edgard Arevalo xác nhận rằng, quân đội nước này “đang tiến hành các hoạt động sửa chữa quy mô nhỏ bên trong con tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây”.

(theo Kiến Thức - 15/07/2015)
23 Tháng Ba 2023(Xem: 2188)
19 Tháng Giêng 2023(Xem: 2496)