TT Obama và CT Bình sẽ "thỏa hiệp" những gì về Biển Đông-Hoa Đông-Hoàng Hải và Chiến lược xoay trục?

25 Tháng Chín 20152:17 SA(Xem: 12763)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 25 SEP 2015

 

Canh bạc Quốc tế Biển Đông

 

TT Obama và CT Bình sẽ "thỏa hiệp" những gì về Biển Đông - Hoa Đông và Chiến lược xoay trục?

 

image012

Ts Trần Công Trục: Không ảo tưởng Tập Cận Bình xuống thang ở Biển Đông

24/09/15 08:52

(GDVN) - Phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy thái độ cứng rắn không thay đổi, thậm chí còn hung hăng hơn trước.

LTS: Xung quanh chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trung Quốc ông Tập Cận Bình và những phát biểu của ông về vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Không nên ảo tưởng Tập Cận Bình sẽ xuống thang ở Biển Đông

image014

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới.

Trước thềm chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình có trả lời phỏng vấn độc quyền tờ The Wall Street Journal bằng văn bản, trong đó đề cập đến cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi" của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lập luận của ông Bình không có gì mới, không có gì khác so với những gì các thuộc cấp của mình vẫn nói lâu nay.

Chỉ có điều, đây là lần đầu tiên chính ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc chính thức lên tiếng phát ngôn về vấn đề Biển Đông - Trường Sa và hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông trong bối cảnh đặc biệt - thăm chính thức Hoa Kỳ.

Khi một nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc công khai khẳng định trước dư luận quốc tế về cái gọi là "chủ quyền từ cổ đại" của họ với Biển Đông và Trường Sa, thì đúng như giáo sư người Mỹ gốc Hoa Bùi Mẫn Hân nhận xét, Tập Cận Bình đã đánh cược uy tín quốc gia lẫn danh dự cá nhân của mình vào canh bạc bành trướng Biển Đông này.

Có một điều đáng lưu ý, Tập Cận Bình không đả động gì đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cất quân xâm lược, chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1956, 1974 đến nay. Sự né tránh này rõ ràng là tính toán có chủ ý.

Ông Bình đã phủ đầu tất cả. Từ những quan ngại lo lắng của các bên liên quan ở Biển Đông, khu vực Đông Nam Á cho đến kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc Trung Quốc hãy ngừng các hoạt động cưỡng chế, thay đổi hiện trạng, phá vỡ luật pháp và trật tự quốc tế cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Trung Nam Hải cũng phớt lờ yêu cầu của công luận và chính cá nhân Tổng thống Obama về việc làm rõ đường lưỡi bò vô lý. Thái độ cứng rắn, bất chấp tất cả của các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ thể hiện bằng phát biểu cứng rắn như ông Tập Cận Bình đã nói, mà còn bằng các hành động leo thang ngoài thực địa với 3 đường băng quân sự dài trên 3000 mét ở Trường Sa.

Như vậy không chỉ các bên liên quan trực tiếp như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cảm thấy lo ngại và phải tìm cách đối phó, mà ngay cả các nước khác trong khối ASEAN cũng đừng nên ảo tưởng vào những lời hứa hão của Trung Quốc về việc kiềm chế, xuống thang ở Biển Đông, đặc biệt là những nước nào đang trông chờ vào "củ cà rốt" mang tên "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21" với 400 tỉ USD.

Một khi 3 đường băng quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp đi vào hoạt động, tàu chiến, tên lửa, radar, máy bay chiến đấu được họ kéo ra bố trí ở Trường Sa thì cả Biển Đông và eo biển Malacca sẽ nằm trong vòng kiểm soát hoàn toàn của Trung Quốc.

Lúc đó không những an ninh, ổn định và hòa bình khu vực Biển Đông và các nước xung quanh bị đe dọa, mà mọi hoạt động hàng không hàng hải của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ấn Độ... qua tuyến đường huyến mạch trọng yếu này cũng phải theo "nội quy" do Trung Quốc đặt ra, và lẽ dĩ nhiên nếu điều này xảy ra thì nó sẽ đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ trên thực tế bị đánh bật khỏi khu vực.

image015

Ông Tập Cận Bình trong ngày đầu tiên tại Mỹ, ảnh: SCMP.


Khu vực trông cậy vào phản ứng của ông Obama và đoàn kết của ASEAN

Phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy thái độ cứng rắn không thay đổi, thậm chí còn hung hăng hơn trước trong các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Hoa Kỳ. Về đối nội, đó là những cuộc tấn công mạng nguy hiểm và dai dẳng không dứt, về đối ngoại là leo thang bành trướng ở Biển Đông.

Hơn nữa thủ đoạn của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần này lại đánh thẳng vào sân sau của chính giới Mỹ - giới kinh tế tài phiệt Hoa Kỳ để gây sức ép lên ông Obama. Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm, bầu cử Tổng thống mới đang đến gần. Giới tài phiệt và doanh nghiệp lớn ở Hoa Kỳ có tiếng nói và tác động rất lớn tới kết quả bầu cử.

Ông Tập Cận Bình đã có tính toán rất kỹ trong từng đường đi nước bước để gây sức ép tối đa lên Nhà Trắng về Biển Đông và các vấn đề họ coi là lợi ích quốc gia cốt lõi khác.

Không phải ngẫu nhiên ông Tập Cận Bình lựa chọn Seatle làm điểm dừng chân đầu tiên, gặp gỡ các chủ doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ và thế giới như lãnh đạo các doanh nghiệp General Motors, Amazon, Apple, Disney, Microsoft, Berkshire Hathaway...và các chính khách thân Hoa, có công rất lớn trong việc giúp Bắc Kinh vận động hành lang ở Hoa Kỳ như cựu Ngoại trưởng Henry Kisinger.

Giới doanh nghiệp và tài phiệt hàng đầu nước Mỹ có ảnh hưởng rất lớn tới những quyết sách đối nội cũng như đối ngoại của Nhà Trắng. Vận động hành lang nhằm vào đối tượng này không phải thủ đoạn mới mà đã được Trung Quốc sử dụng từ lâu. Nhưng trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình nó càng trở lên nổi bật.

Trong ngày đầu tiên tới Mỹ, phái đoàn tháp tùng ông Tập Cận Bình đã ký kết hợp đồng mua 300 chiếc máy bay Boeing và mở một trung tâm hoàn thiện dòng máy bay Boeing 737 tại Trung Quốc. Mặc dù là đồng minh thân thiết, Nhật Bản đã thất bại trước Trung Quốc trong việc giành gói thầu xây dựng đường sắt cao tốc nối Los Angeles với Las Vegas tổng trị giá gần 13 tỉ USD.

Tập Cận Bình đã cam kết với các chủ doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong ngày hôm qua rằng Bắc Kinh sẽ đối xử công bằng với họ. Ông Bình lưu ý, năm ngoái chính ông đã "bỏ phiếu" ủng hộ Disney mở chi nhánh tại Thượng Hải.

Trước 30 CEO hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc, Tập Cận Bình nhấn mạnh thông điệp cốt lõi của chuyến thăm này là quan hệ thương mại giữa 2 nước là cần thiết. Các doanh nghiệp Mỹ cần Trung Quốc và nên tin tưởng ông trong việc thúc đẩy cải cách. Giới doanh nhân Mỹ đang rất kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong nhiều lĩnh vực hơn nữa.

Thành hay bại của chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Barack Obama theo đuổi từ năm 2009 đến nay và đã nhiều lần cam kết trước các đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc rất lớn vào cách ông Obama giải quyết vấn đề Biển Đông trong cuộc họp thượng đỉnh với ông Tập Cận Bình.

Quan điểm và lời nói của ông chủ Nhà Trắng đã khá rõ ràng. Nhưng nói không chưa đủ, Mỹ cần phải hành động.

Trước thái độ cứng rắn không xuống thang của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu Mỹ muốn tiếp tục duy trì vị thế, vai trò của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có lẽ ông Obama nên tính đến các giải pháp mà Lầu Năm Góc và Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ đề xuất để bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông.

Mặt khác, các bên liên quan và khu vực cũng cần nhận rõ hơn nữa bản chất hành động và chiến lược bành trướng của Trung Quốc cũng như những nguy cơ chính mình sẽ phải đối mặt một khi Bắc Kinh xưng bá trong khu vực, biến các nước láng giềng thành "chư hầu kiểu mới", lập chốt thu tô ở Biển Đông. Đừng để ngư dân các nước ven Biển Đông muốn ra ngư trường truyền thống của nước mình đánh bắt phải xin phép và nộp tô cho Trung Quốc.

Muốn vậy, cần có tiếng nói thống nhất của khu vực về việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông, lên án bất kỳ hành vi nào làm phương hại hoặc đe dọa đến nó. Trung Quốc ngán nhất là khu vực và quốc tế đoàn kết lại, bởi bẻ từng chiếc đũa thì dễ, bẻ cả bó đũa thì khó vô cùng.

Chiến lược "Một vành đai, một con đường" hay "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21" mà Trung Quốc vẽ ra với 400 tỉ USD chỉ là đòn ru ngủ khu vực, dễ bề thực hiện âm mưu kiểm soát Biển Đông mà thôi. Để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, xưng hùng khu vực, trông chờ vào nó, các nước sẽ dễ biến thành "chư hầu kiểu mới" lệ thuộc vào Trung Quốc./

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

'TQ cần chấp nhận đàm phán Hoàng Sa'

TS. Vũ Cao Phan Gửi cho BBC từ Hà Nội

 

image017

Image copyright EPA Image caption Tác giả kiến nghị lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận 'đàm phán' về vấn đề Hoàng Sa với Việt Nam, một quần đảo mà TQ đã tấn chiếm từ năm 1974 từ tay chính quyền VNCH.

Tôi hân hạnh gửi đến ông Tập Cận Bình lá thư ngỏ này với lòng kính trọng lớn về sự dũng cảm và kiên quyết cùng những thành tựu quan trọng mà ông với tư cách Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc đã giành được trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ông.

Tuy nhiên, tôi chưa thật tường minh về quan điểm của ông trong quan hệ đối với Việt Nam – một vấn đề hệ trọng của cả hai nước chúng ta – cùng những cách thức mà ông chủ trương để ra khỏi tình trạng hiện nay mà thực tế không phải là “ láng giềng hữu nghị “, với những tranh chấp và xung đột kéo dài, những tuyên truyền cáo buộc và phủ định lẫn nhau.

Vì vậy mà có lá thư này và tôi hy vọng nó sẽ được đặt trên bàn làm việc của ông.

Việt Nam và Trung Quốc là những nước láng giềng; phong tục, văn hóa nhiều điểm tương đồng. Nhưng bởi trong lịch sử đã có nhiều cuộc xâm lược từ phía Bắc xuống nên không ít người cho rằng, có một mối thù truyền kiếp giữa hai nước. Tôi không cho như vậy. Mối thù truyền kiếp (mối thù máu) luôn có nguồn gốc từ mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo, xung đột văn hóa, rất khó hóa giải giữa các quốc gia như chúng ta đều biết.

Nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc không có những mâu thuẫn ấy, hàng ngàn năm nay giao lưu, giao thương qua lại bình thường, và do đó làm dầy thêm sự hiểu biết và tương trợ lẫn nhau. Chúng ta thậm chí còn có những quan hệ hơn thế khi không ít dòng tộc Việt Nam đến từ phía Bắc, (ông ngoại tôi cũng đến từ Trung Quốc). Chiến tranh thực tế là do những tham vọng của tầng lớp thống trị, như Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói.

Trung Quốc đã có sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trong khoảng 30 năm của lịch sử cận đại. Người Việt Nam đã từng rất quý trọng Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát hẹp ở Hà nội vào năm 1964, có đến hơn 80% người Việt Nam có quan điểm rất tích cực về Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn vào những thời điểm cụ thể ấy mà cho rằng dòng chảy quan hệ giữa hai nước trong mấy chục năm qua “cơ bản” là hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau thì không chính xác, cần phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy.

Bất chấp phản ứng

Vào năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình từng thừa nhận có sự tranh chấp, bằng cách nói rằng việc đàm phán nên rời đến thời điểm thích hợp, khi Việt Nam đưa ra yêu cầu này.TS. Vũ Cao Phan

Một cuộc thăm dò mới đây của hãng Pew (Hoa Kỳ) đưa ra một kết qủa hoàn toàn ngược lại: hơn 80% người Việt Nam không thích Trung Quốc. Một cuộc thăm dò khác vào năm 2011 cho kết quả tệ hơn: 92% .

Tại sao? Trong rất nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân quan trọng: người Trung Hoa không hiểu văn hóa ứng xử của người Việt. Có lẽ vì là một nước lớn - lớn nhất thế giới - luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ, lại đang “trỗi dậy” đứng đầu thiên hạ, người Trung Quốc hành xử quyết đoán, áp đặt, bất chấp; thích gì thì nói, thích gì thì làm, không cần biết điều đó sẽ tạo nên những hiệu ứng/ phản ứng gì.

Tôi xin dẫn ra đây những câu chữ từng đăng tải trên một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong suốt những năm vừa qua. Tờ báo này từng mỉa mai “cũ nát thế kia mà cũng đòi...” khi một hạm đội nhỏ tàu chiến Việt Nam được mời đến thăm Trung Quốc bảy năm trước đây.

Nhưng lại viết “hung hăng muốn kiểm soát Biển Đông” khi hai năm sau đó, Hải quân Việt Nam đặt mua tàu chiến mới. Tờ báo này từng không chỉ một lần đăng tin tức về các kế hoạch đánh chiếm Việt Nam với những phương án tỉ mỉ “đã được lãnh đạo thông qua”, thậm chí với thời điểm cụ thể.

Trong khi đó lại bịa đặt “Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (nêu ra một cái tên không có thực) tuyên bố sẽ đánh thẳng đến Bắc Kinh”.

Sự nhẫn nhịn trong văn hóa ứng xử của người Việt khiến tờ báo này không chỉ một lần viết: “Việt Nam đã nhảy vào lòng Mỹ, Nhật, là kẻ ngông cuồng nhất ở Đông Nam Á chống Trung Quốc...”.

Và khi soi lại lịch sử, họ khinh mạn nói về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam thế này: “Trung Quốc đã cầm tay dắt Việt Nam từ núi rừng âm u về Thủ đô Hà Nội”, vân vân và nhiều lắm. Chỉ xin dẫn ra một vài. Chắc ở cương vị của ông, ông không có điều kiện biết đến những sự hàm hồ, diễu cợt ngạo mạn ấy.

Sự thực thế nào?

image018

Image copyright elvis Image caption Theo tác giả, cố lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình (phải) từng 'thừa nhận' có sự tranh chấp và nói việc 'đàm phán' nên rời đến thời điểm thích hợp.

Người Trung Quốc sẽ nghĩ thế nào trước sự tuyên truyền như vậy? Có lẽ tờ báo trên (và không ít cơ quan truyền thông khác của Trung Quốc) cho rằng càng làm già Việt Nam càng ngán ngại run sợ. Thật là một sự nhầm lẫn tai hại.

Nhân dịp ông sắp sang thăm Việt Nam, mà tin cho hay có thể chỉ trong một đôi tháng nữa, tôi xin được kiến nghị với ông một vấn đề. Đó là sự cần thiết phải có đàm phán giữa hai nước chúng ta (Việt - Trung) về quần đảo Hoàng Sa.

Cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc đều nhiều lần tuyên bố có chủ quyền ở đây và đưa ra các bằng chứng lịch sử hỗ trợ cho tuyên bố của mình. Tuy nhiên, do Trung Quốc đang chiếm giữ quần đảo này, Trung Quốc cự tuyệt đàm phán, tuyên bố không có tranh chấp ở đây.

Sự thực thế nào? Vào năm 1978, Ông Đặng Tiểu Bình từng thừa nhận có sự tranh chấp, bằng cách nói rằng việc đàm phán nên rời đến thời điểm thích hợp, khi Việt Nam đưa ra yêu cầu này.

Sự thực thế nào? Năm 2014, khi có sự kiện giàn khoan Hải Dương - 981 đặt trong vùng nước của quần đảo này (cũng đồng thời đặt trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam), Trung Quốc đã cho lưu hành tại Liên Hợp Quốc - cũng có nghĩa là sự thừa nhận có sự tranh chấp – một tài liệu nêu ra những bằng chứng về chủ quyền của mình.

Sự thực thế nào? Nếu hỏi về tính lịch sử thì hàng ngàn năm nay Hoàng Sa là ngư trường truyền thống, không hề bị tranh chấp của ngư dân Việt Nam cho đến gần đây.

Sự thực thế nào? Trong thế kỷ XIX, triều đình Nhà Nguyễn của Việt Nam đã thiết lập quyền cai trị ở đây bằng cách thành lập các đội dân binh mang tên Hoàng Sa để quản lý và khai thác khu vực này, trong khi Trung Quốc cho đến tận năm 1974 mới thiết lập chủ quyền Hoàng Sa bằng cách dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Vì sao nên đàm?

Đối với cả hai nước, bước vào đàm phán có nghĩa là giảm căng thẳng, nghĩa là sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, tuân thủ Công ước quốc tế về Luật biển mà hai bên thừa nhận, và sẽ được quốc tế ủng hộ.TS. Vũ Cao Phan

Sự thực là như thế nhưng vấn đề là trong những năm gần đây, để khẳng định chủ quyền thuộc về mình, Trung Quốc đã luôn luôn có những hành động lấn lướt và áp bức, bóc lột ngư dân Việt Nam hành nghề trong vùng biển này: xua đuổi, đánh đắm thuyền, tịch thu hải sản và luới cụ của ngư dân, bắt giữ người yêu cầu nộp tiền phạt…

Những hành động ấy hoàn toàn trái với khẩu hiệu hai bên đang giương lên: “láng giềng hữu nghị”, “láng giềng tốt, bạn bè tốt”. Tôi muốn lưu ý là 70% ngư dân miền Trung Việt nam và gia đình họ sinh sống dựa vào nghề biển và cũng chừng ấy phần trăm phụ thuộc vào ngư trường Hoàng Sa.

Chấp nhận đàm phán vấn đề Hoàng Sa có thể đưa đến một điều bất lợi cho Trung Quốc. Chân lý vốn thuộc về mình như Trung Quốc chứng tỏ, chấp nhận đàm phán nghĩa là chấp nhận chân lý “có vấn đề”.

Nhưng có ba điều lợi: Trước thiên hạ, Trung Quốc được hiểu là nước lớn có thiện chí, sẵn sàng thảo luận; Trung Quốc không tránh né và đây là cơ hội để Trung Quốc trình bày tính pháp lý của mình; Trung Quốc luôn có quan hệ tốt, có tình hữu nghị dựa trên rất nhiều sự tương đồng như Trung Quốc vẫn tuyên bố.

Đối với cả hai nước, bước vào đàm phán có nghĩa là giảm căng thẳng, nghĩa là sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, tuân thủ Công ước quốc tế về Luật biển mà hai bên thừa nhận, và sẽ được quốc tế ủng hộ.

Đàm phán có thể có bên được bên thua, và cũng có thể dẫn đến cả hai bên cùng thắng bởi vì trong đàm phán còn có thương lượng, mà thương lượng là sự nhân nhượng lẫn nhau trên cơ sở hiểu biết, hợp tình hợp lý, các bên đều có thể chấp nhận.

Được biết ông đang nóng lòng trông đợi chuyến thăm Việt Nam. Tôi cũng vậy, tôi cũng nóng lòng chờ đón chuyến thăm của ông.

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, một nhà nghiên cứu và phân tích chính trị, bang giao Trung - Việt đang sống ở Việt Nam.

BBC19 tháng 9 2015

+++++++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

Chiến đấu cơ Trung Quốc sách nhiễu phi cơ do thám Mỹ trên biển Hoàng Hải

Nghị sĩ Mỹ lên án Trung Quốc tiếp tục khiêu khích phi cơ Mỹ ở châu Á

 image019

Capitol, trụ sở Thượng viện Mỹ.Nguồn: Internet

Trái với phản ứng bị coi là quá nhẹ nhàng của Lầu Năm góc trước vụ chiến đấu cơ Trung Quốc sách nhiễu phi cơ do thám Mỹ trên biển Hoàng Hải hôm 15/09/2015, nhiều nghị sĩ có uy tín của Mỹ đã cực lực tố cáo Trung Quốc về các hành vi hiếu chiến tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời phê phán phản ứng bị cho là yếu ớt của Washington.

Đi đầu trong việc tố cáo Trung Quốc dĩ nhiên là Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. Theo ông, việc Trung Quốc lại cho phi cơ ngăn chặn một cách nguy hiểm một chiếc máy bay của Mỹ đã « chứng tỏ rằng Trung Quốc đang cảm thấy bạo dạn hơn trong việc tiếp tục kiểu hành xử hiếu chiến trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ».

Đối với ông McCain : « Sự cố xẩy ra vào lúc hai nước đang thương thuyết về quy tắc ứng xử khi đối diện nhau trên không và chỉ một tuần trước chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra nghi vấn về ý đồ của Trung Quốc và cách phản ứng của chính quyền Obama ».

Theo giới quan sát, sự cố ngày 15/09 đã mâu thuẫn với nhận định đầy tính trấn an của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice hôm 21/09 vừa qua theo đó các biện pháp xây dựng lòng tin với Trung Quốc đã giúp giảm bớt các vụ đối đầu Mỹ-Trung nguy hiểm và ngoài ý muốn.

Cùng lúc với Thượng nghị sĩ John McCain, Dân biểu J. Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Hải lực thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ cũng chỉ trích hành vi của Trung Quốc : « Ngay cả hôm trước lúc Chủ tịch của họ đến Washington, Trung Quốc lại hành xử như là một lực lượng gây bất ổn trên trường quốc tế ».

Nhân vật này tố cáo tiếp : « Bất chấp Bản ghi nhớ năm 2014 trong đó Trung Quốc cam kết bảo đảm an toàn cho máy bay quân sự trong trường hợp một cuộc chạm trán bất ngờ, Bắc Kinh tiếp tục quấy rối phi cơ Mỹ thực hiện nhiệm vụ hợp pháp trong vùng xa lãnh thổ Trung Quốc ».

Theo Dân biểu Forbes, sự cố trên không mới nhất phải trở thành một lời nhắc nhở chính quyền Obama về tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, « một khu vực khác mà Trung Quốc muốn dùng biện pháp đe dọa và bắt nạt để thay đổi thực tế trên hiện trường".

Riêng Dân biểu Mike Pompeo, một thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, thì đã chỉ trích phản ứng của chính quyền Obama trước sự cố : « Trong lúc Trung Quốc kiên trì bành trướng ảnh hưởng – với những cuộc tấn công cả vào mang lưới tin học của chúng ta, lẫn vào quyền của chúng ta được tự do bay trên không phận quốc tế - phản ứng (của chúng ta) trước sau như một vẫn là ‘Này, xin đừng làm như thế nữa !’ ».

Theo dân biểu này phản ứng như vậy sẽ không buộc được Trung Quốc « chấm dứt gây hấn ». Đối với ông Pompeo : « Phản ứng của Hoa Kỳ phải nhanh chóng, chắc chắn và mạnh mẽ ».

Bộ Quốc phòng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng

Nếu như các nhà lập pháp Mỹ tỏ ra cứng rắn về vụ chiến đấu cơ Trung Quốc khiêu khích phi cơ tuần thám Mỹ trên biển, thì một tuần sau khi xảy ra vụ việc,  Lầu Năm Góc mới chính thức xác nhận, đồng thời tìm cách giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của sự cố.

Theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22/09/2015, vụ việc đúng là đã xẩy ra, nhưng phi cơ Trung Quốc chỉ có động tác « thiếu an toàn », chứ không hề có tình huống « suýt va chạm » như báo chí từng tiết lộ.

Theo ông Peter Cook, tân phát ngôn viên Lầu Năm Góc, sự cố quả thực đã xẩy ra hôm 15/09 : Khi một chiếc phi cơ do thám điện tử RC-135 của Mỹ đang bay trên Hoàng Hải, cách bán đảo Sơn Đông 80 hải lý về phía đông, không xa vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh, thì bị một chiến đấu cơ Trung Quốc đón đường. Máy bay Trung Quốc đã thực hiện một động tác « bị phi hành đoàn chiếc RC-135 cho là thiếu an toàn ».

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã phủ nhận rằng đây là một vụ « gần như là va chạm », nhưng từ chối cho biết khoảng cách giữa hai chiếc máy bay lúc phi cơ Trung Quốc cắt ngang đường bay của phi cơ Mỹ. 

Khi bị chất vấn là sự cố mới này thiếu an toàn đến mức nào, ông Peter Cook cho rằng mức độ vụ việc hôm 15/09 không nguy hiểm bằng sự cố xẩy ra vào tháng 08/2014 khi một chiếc J-11 của Trung Quốc sách nhiễu một chiếc phi cơ tuần thám P8-Poseidon của Mỹ trên Biển Đông.

Vào thời điểm đó, hành vi của chiến đấu cơ Trung Quốc bị Lầu Năm Góc Mỹ đánh giá là « hung hăng » và « nguy hiểm ».

Giới quan sát cho rằng sở dĩ Washington giảm nhẹ mức độ nghiêm trong của sự cố mới đây  là để tránh gây cẳng thẳng thêm trong quan hệ với Bắc Kinh vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang công du nước Mỹ, với cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày mai 25/09 được dự báo là sẽ « gay go »./

Trọng Nghĩa RFI 24-09-2015