14 quốc gia diễn tập trên biển ở Đà Nẵng

18 Tháng Bảy 20161:08 SA(Xem: 11598)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 18  JULY 2016


14 quốc gia sẽ diễn tập xử lý khủng hoảng trên biển ở Đà Nẵng


(GDVN) - Nội dung cuộc diễn tập bao gồm: công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, ứng phó ở mức độ khu vực và quốc gia, y tế bờ biển, tìm kiếm và cứu trợ hàng hải.


Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, từ ngày 15-28/7, Chương trình Đối tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership–PP) sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.


Chương trình nhằm mục đích hỗ trợ TP Đà Nẵng nâng cao năng lực y tế, điều trị bệnh cho người dân, tăng cường năng lực đối phó thảm họa và hỗ trợ cộng đồng. 


Chiều 15/7, đại diện các nước tham gia Chương trình đã có mặt tại Đà Nẵng bao gồm: Úc, Canada, Indonesia, Nhật bản, Malaysia, New Zealand, Palau, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Timor Leste, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.


Các nước tham gia với mục tiêu tăng cường ứng phó thảm họa ở các quốc gia khu vực.


Theo giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Lâm Quang Minh, Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 (PP16) đã khởi động sáng nay 15/7 tại TP Đà Nẵng.


Đây là năm thứ 3 liên tiếp, với sự tham gia của Tàu bệnh viện Hoa Kỳ USNS Mercy (T-AH 19) và tàu Hải quân Nhật bản, JSDS Shimokita (LST-4002).


Năm nay, Tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng sẽ tham gia PP16.


Đây là lần thứ 7 trong vòng 11 năm sự kiện này đã diễn ra tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.


Tại buổi họp báo chiều 15/7 ngay tại cầu cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Đại tá Tom Williams, Chỉ huy trưởng Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 cho biết:


"Chuyến đi lần này, ngoài việc hỗ trợ đa phương thì việc diễn tập ứng phó thảm họa được ưu tiên hàng đầu.


Đà Nẵng- Việt Nam có kinh nghiệm trong việc ứng phó thảm họa, nên đây là cơ hội để các bên học hỏi lẫn nhau trong ứng phó thảm họa thiên nhiên.


Chương trình ứng phó thảm họa có tầm cỡ lớn từ cấp Chính phủ và cộng đồng quốc tế, nếu có thảm họa ở một nơi nào trên thế giới thì có sự phối hợp của cơ quan Liên Hiệp quốc, các chính phủ và cộng đồng quốc tế cùng chung tay.


Trong chương trình ứng phó có nhiều vấn đề, trong đó đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo đời sống yên bình cho người dân là vô cùng quan trọng.


Bởi vậy, được diễn tập nhiều thì sau này nếu có xảy ra trong thực tế thì chúng ta dễ dàng thực hiện hơn".


Trong lúc đó, thiếu tá Jason Dao, sĩ quan Mỹ phụ trách địa bàn Việt Nam, cho rằng chương trình đa quốc gia năm nay sẽ mở rộng thêm cơ hội đào tạo và hợp tác so với năm trước.


“Phạm vi của phái đoàn nhiệm vụ năm nay hơi khác so với các năm trước đây. Trong khi PP16 tiếp tục các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR), các dự án về y tế, xây dựng và quan hệ cộng đồng, thì phái đoàn năm nay còn có tàu Nhật Bản Shimokita và Tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Nhân dân Việt Nam”, thiếu tá Jason Dao nhấn mạnh.


Được biết, nội dung cuộc diễn tập xử lý khủng hoảng bao gồm: công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, ứng phó ở mức độ khu vực và quốc gia, y tế bờ biển, tìm kiếm và cứu trợ hàng hải.


Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ: “PP16 là một ví dụ cụ thể cho các hoạt động mang lại lợi ích chung mà Tổng thống Obama đã thảo luận trong chuyến thăm của ông hồi tháng 5.


PP16 xây dựng niềm tin và minh chứng cho cam kết của Hoa Kỳ với Việt Nam và khu vực. Chúng tôi mong muốn giúp đỡ Việt Nam thành công và chúng tôi sẽ ở lại đây lâu dài”.


HOÀNG TUẤN 15/07/16

Hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản diễn tập ứng phó thảm họa tại Việt Nam

Thứ sáu, 15/07/2016, 19:00 (GMT+7)


(An Ninh Quốc Phòng) - Chương trình đối tác Thái Bình Dương 2016 diễn ra tại Đà Nẵng với nhiều cuộc diễn tập ứng phó thảm họa có sự tham gia của Hải quân 3 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam.


image021

Hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản diễn tập ứng phó thảm họa tại Việt Nam


Chiều 15-7, tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Sở Ngoại vụ TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón chính thức tàu bệnh viện USNS Mercy của hải quân Hoa Kỳ và tàu JSDS Shimokita của hải quân Nhật Bản.


Đây là 2 con tàu tham gia chương trình đối tác Thái Bình Dương 2016 (PP-16) tại Đà Nẵng cùng với tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Việt Nam.


Ban tổ chức chương trình cho biết có hơn 2.000 thủy thủ sẽ tham gia các hoạt động trong khuôn khổ PP 16. Đây là lần thứ 3 liên tục chương trình đến với TP. Đà Nẵng.


Đội ngũ cán bộ PP 16 sẽ làm việc trực tiếp cùng các cán bộ y tế dân sự Việt Nam, trao đổi chuyên môn với các cán bộ quân y trên tàu bệnh viện Khánh Hòa, tổ chức giải bóng đá cho người nước ngoài tại Đà Nẵng…


Đặc biệt, Hải quân 3 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam sẽ diễn tập công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, ứng phó mức độ khu vực và quốc gia, y tế bờ biển, tìm kiếm cứu trợ hàng hải.


image022

Tàu JSDS Shimokita của hải quân Nhật Bản tại cảng Tiên Sa


Đại tá Tom Williams – Chỉ huy trưởng Chương trình đối tác Thái Bình Dương 2016 thuộc Hải quân Mỹ cho hay, qua hai năm, chúng tôi đã hiểu cách thức để hợp tác, cùng làm việc với nhau, nâng cao hiệu quả. Đây là thời gian thích hợp tổ chức diễn tập để khi có thảm hoạ sẽ ứng phó tốt nhất.


image023

Tàu bệnh viện Khánh Hòa của hải quân Việt Nam


Đại tá Tom Williams cho biết bước tiến mới của PP-16 so với các năm trước là có bên thứ 3 tham gia mà cụ thể ở đây là Hải quân Nhật Bản.


Theo Đại tá Tom Williams, cách thức hợp tác tốt nhất là duy trì chương trình từ năm này qua năm khác. Mục tiêu của chương trình là hướng đến những chuẩn mực quốc tế mà các bên tham gia phải tuân thủ.


Đại tá Takeshi Okada (Hải quân Nhật Bản) cho hay Nhật Bản sẽ đem đến chương trình những kinh nghiệm ứng phó thảm họa, khắc phục thảm họa đã từng được áp dụng thành công trong thảm hoạ sóng thần, động đất tại Nhật năm 2011.


 image024

Hình ảnh tàu JSDS Shimokita của Hải quân Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ cứu hộ năm 2011 trong thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản


Đại tá Takeshi Okada tin rằng những kinh nghiệm này là hữu ích và góp phần nâng cao khả năng ứng phó khi có thảm hoạ.


(Theo Soha News)


Cận cảnh hai chiến hạm tối tân Nhật Bản tại Việt Nam

  • 18:38 12/04/2016


Hai chiến hạm tối tân nhất của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản trang bị nhiều khí tài hiện đại vừa cập Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) bắt đầu thăm hữu nghị 4 ngày tại Việt Nam.


image025

Ngày 12/4, đại tá Morishita Haruhico - Chỉ huy trưởng Biên đội tàu hộ vệ số 15 làm trưởng đoàn cùng hơn 500 thủy thủ đoàn đi trên hai chiến hạm thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) đến Cảng quốc tế Cam Ranh bắt đầu thăm hữu nghị 4 ngày tại Việt Nam. 

 


image026

Tại lễ đón hai chiến hạm ở cảng quốc tế Cam Ranh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi đọc thư Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản gửi đến Bộ Quốc phòng Việt Nam, Hải Quân Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

 


image027

Lần đầu tiên hai chiến hạm Ariake (DD109) và Setogiri (DD156) thuộc lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh thăm hữu nghị Việt Nam.


DD109 được trang bị nhiều khí tài hiện đại, ở boong trước là ụ pháo cao xạ 76 mm, khả năng hoạt động linh hoạt ở tầm cao và cả tầm thấp. Pháo có thể bắn ra 80 viên đạn/phút, tầm bắn khoảng 16 km và tấn công mục tiêu trên mặt nước lẫn trên không.

 


image028

Chiến hạm JS Ariake, thuộc loại tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Murasame. Tàu có chiều dài 150,8 m, rộng 17 m, mớn nước 5,2 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 4.400 tấn, toàn tải 5.200 tấn.

 


image029

Cả hai tàu được trang bị hệ thống radar tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hiện đại có thể phát hiện mục tiêu trên không, trên biển.

 


image030

Cận cảnh hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) Mk48 dùng cho tên lửa hải đối không RIM-162 Evolved Sea Sparrow tầm bắn 50 km.

 


image031

Hệ thống phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk46 324 mm bố trí hai bên hông tàu giúp đối phó với tàu ngầm đối phương. 


Trên các tàu có nhiều loại vũ khí hiện đại gồm pháo bắn nhanh, pháo phòng không, tên lửa đối hạm, tên lửa phòng không, ngư lôi chống ngầm, máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K…

 


image032

 Vũ khí mạnh nhất trên hai chiến hạm là tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon, tầm bắn 124 km với tàu JS Setogiri,  SSM-1B tầm bắn 150 km với tàu JS Ariake.

 


image033

Cận cảnh bệ phóng Mk29 dùng cho tên lửa hải đối không RIM-7 tầm bắn 20 km.

 


image034

Hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS cỡ nòng 20 mm được sử dụng để đánh chặn tên lửa và vũ khí dẫn đường khác của đối phương.

 


image035

Bên hông các chiến hạm được trang bị nhiều cano cao tốc phục vụ công tác huấn luyện, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

 


image036

Máy bay trực thăng săn ngầm SH – 60J trên chiến hạm DD109, tốc độ bay khoảng 267 km/h, tầm cao 3.600 m, có thể quan sát mục tiêu trên biển. 


Tại buổi lễ đón hai chiến hạm tối tân nhất của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ngày 12/4, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi đọc thư Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani Gen ở Cảng quốc tế Cam Ranh. 


Trong thư ghi rõ, cảng quốc tế Cam Ranh mới được đưa vào hoạt động trên vịnh Cam Ranh là cảng thiên nhiên tốt nhất trong khu vực, có vị trí quan trọng và thuận lợi.


Theo ông Nakatani Gen, cảng Cam Ranh sẽ mang lại lợi ích to lớn khi trở thành cơ sở cung cấp các dịch vụ hậu cần ổn định cho tàu quân sự và dân sự các nước tham gia thực hiện nhiều hoạt động hợp tác quốc tế.


Cảng quốc tế Cam Ranh sẽ có những đóng góp to lớn cho hòa bình và ổn định của Biển Đông nói riêng cũng như khu vực và thế giới nói chung.


Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam quyết định sáng suốt xây dựng cảng quốc tế tại Vịnh Cam Ranh và đưa Cảng quốc tế vào hoạt động.


Ông tin tưởng các chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước nói chung và lực lượng hải quân nói riêng./


Tàu Nhật vào Cam Ranh là chuyến thăm 'lịch sử, chiến lược'

  • 16:13 12/04/2016


Hai tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) hôm nay cập cảng Cam Ranh, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác quốc phòng hai nước.


Theo Asahi Shimbun, tàu hộ tống JS Ariake và JS Setogiri thuộc MSDF cập cảng quốc tế Cam Ranh, một trong những khu vực chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông.


"Đây là chuyến thăm lịch sử vì việc lựa chọn cảng được quyết định dựa trên nhiều yếu tố chiến lược quan trọng", Asahi Shimbun dẫn nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản cho biết.


Các tàu nước ngoài hiếm khi được phép cập cảng Cam Ranh, do đó việc hai tàu khu trục của Nhật vào cảng được coi là biểu tượng tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.


Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/4 tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết ông hy vọng hợp tác quốc phòng với Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển.


Theo ông, Nhật Bản cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với Mỹ và các nước khác nhằm thắt chặt quan hệ với các nước trên Biển Đông, hướng tới mục tiêu hoà bình và ổn định.


image020

Tàu khu trục Ariake tại cảng Cam Ranh ngày 12/4. Ảnh: Asahi Shimbun


Nhân chuyến thăm Việt Nam của tàu JS Ariake và tàu JS Setogiri, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani Gen đã gửi thư tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Hải quân Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. 


Bức thư này được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi đọc tại lễ đón hai tàu, ở cảng quốc tế Cam Ranh.


Theo kế hoạch, nhân chuyến thăm hữu nghị lần này, nhóm chỉ huy tàu thuộc MSDF sẽ đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân.


Phía Nhật Bản mời đại diện phía Việt Nam lên thăm tàu và phối hợp cùng Vùng 4 Hải quân tổ chức giao lưu thể thao giữa chiến sĩ, thủy thủ hai nước. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi tham gia một số hoạt động của đoàn.


Chuyến thăm của hai tàu MSDF diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước nói chung, quan hệ quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản nói riêng có những bước phát triển mới trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.


image037

Vị trí cảng Cam Ranh của Việt Nam. Đồ hoạ: G.M


Hồi tháng 3, Kyodo dẫn nguồn tin cho biết Nhật Bản có thể đưa hai tàu khu trục cập cảng Cam Ranh của Việt Nam trong tháng 4, sau khi thực hiện sứ mệnh tương tự tại Philippines.


Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, chuyến đi nhằm đào tạo và xây dựng thiện chí với các nước trong khu vực nói chung cũng như Việt Nam và Philippines nói riêng. Nhật Bản từng bày tỏ mong muốn hỗ trợ các nước Đông Nam Á gia tăng khả năng tuần tra trên Biển Đông nhằm chống lại các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.

10 Tháng Hai 2022(Xem: 3996)
CHÂU Á ĐẠI DƯƠNG RẬP RÌNH
07 Tháng Mười 2021(Xem: 4697)
Đường hành quân của HMS Queen Elizabeth