Mỹ không gật đầu, Trung Quốc khó có thể xây đảo nhân tạo ở Scarborough

11 Tháng Chín 201611:33 CH(Xem: 10971)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI 12 SEP 2016


Mỹ không gật đầu, Trung Quốc khó có thể xây đảo nhân tạo ở Scarborough


 (GDVN) - Sự hiện diện của tàu hải quân, hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển gần Scarborough vẫn nằm trong giới hạn mức độ mà chúng ta quan sát thấy vài tháng qua.


The Economic Times, Ấn Độ ngày 8/9 đưa tin, Trung Quốc đang phải chịu áp lực rất lớn tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á đang diễn ra tại Lào về vấn đề Biển Đông. 


Cùng ngày, tờ Nikkei Asian Reviews, Nhật Bản cho biết, Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng rất mạnh tại ASEAN.


Dư luận cũng đặc biệt chú ý tới thông tin Bộ Quốc phòng Philippines đưa ra dịp này, rằng Trung Quốc đang tập trung tàu hải cảnh, sà lan hút cát ra khu vực Scarborough.


Đó là một dấu hiệu khiến Manila lo ngại rằng, Bắc Kinh chuẩn bị bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo tại đây như đã làm (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).


Điều này dấy lên mối quan tâm trong giới phân tích, rằng liệu có khả năng Trung Quốc sẽ có những hành động phiêu lưu trên Biển Đông sau hội nghị G-20 và trước khi Nhà Trắng có chủ nhân mới hay không.


image057

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nêu bằng chứng nước này tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xây đảo nhân tạo phi pháp ở Scarborough tại diễn đàn ASEAN. Ảnh: news.abs-cbn.com.


Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin chia sẻ một số nhận định cá nhân về những vấn đề vừa đặt ra.


Trung Quốc có bồi lấp đảo nhân tạo ở Scarborough thời điểm này hay không phụ thuộc vào thái độ, phản ứng của Mỹ


The Economic Times dẫn lời các nhà phân tích cho biết, bất kỳ một hòn đảo nhân tạo nào mọc lên ở Scarborough có thể là một sự thay đổi cuộc chơi, trong việc Trung Quốc tìm kiếm quyền kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, tăng nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp với Hoa Kỳ.


Bắc Kinh thì khẳng định, thông tin họ bắt đầu xây đảo nhân tạo ở Scarborough là không chính xác.


Một quan chức Mỹ nói với AFP, ông nghi ngờ bằng chứng của Bộ Quốc phòng Philippines. Hải quân Mỹ không phát hiện bất kỳ hoạt động nào bất thường tại Scarborough.


"Sự hiện diện của tàu hải quân, hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển gần Scarborough vẫn nằm trong giới hạn mức độ mà chúng ta quan sát thấy vài tháng qua", quan chức này nói với AFP.


Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào cuối ngày 7/9 vẫn nêu bật mối quan ngại "của một số nhà lãnh đạo" về khả năng bồi lấp đảo nhân tạo ở Biển Đông.


Trong một cuộc gặp song phương hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Barack Obama đã trực tiếp cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc không được xây dựng bất kỳ đảo nhân tạo nào ở Scarborough. [1]


Còn tờ Navy Times, Hoa Kỳ ngày 7/9 cho biết, hải quân Mỹ đang thận trọng theo dõi tình hình ở khu vực Scarborough trong lúc Philippines lo ngại Trung Quốc có thể xây đảo nhân tạo tại đây.


Tuy nhiên cho đến nay hải quân Mỹ chưa có bằng chứng nào chắc chắn cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị làm việc này.


Một đảo nhân tạo tại Scarborough có thể đặt lực lượng quân sự Mỹ đồn trú luân phiên ở Philippines vào tình trạng nguy hiểm, trong trường hợp nổ ra xung đột.


Căn cứ tại Scarborough có thể đe dọa trực tiếp căn cứ quân sự tại vịnh Subic, vịnh Manila, các hoạt động hàng hải ở eo biển Luzon.


Navi Times dẫn lời một số quan chức quân sự Hoa Kỳ giấu tên nói rằng, có thể hải quân Mỹ sẽ tuần tra gần bãi cạn Scarborough trong thời gian tới.


Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 đã xác định, Scarborough không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nên người viết cho rằng, việc hải quân Mỹ tuần tra bên ngoài phạm vi 12 hải lý xung quanh Scarborough là vùng biển quốc tế và hoàn toàn hợp pháp.


Người viết cho rằng, từ những thông tin này cùng các diễn biến gần đây trên Biển Đông và quan hệ Trung - Mỹ có thể thấy nổi lên 3 điểm.


Một là, trên thực tế cho dù bảo lưu quan điểm Trung Quốc vi phạm UNCLOS 1982, nhưng dường như Mỹ chấp nhận "hiện trạng mới" Trung Quốc tạo ra bằng cách bồi lấp đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa và sẽ không làm gì để buộc Trung Quốc trả lại nguyên trạng.


Hai là, Scarborough đang được Nhà Trắng xem như "giới hạn đỏ" với các hành động phiêu lưu, quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh theo đuổi.


Nếu thời điểm này xảy ra tình trạng bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở đây mà không vấp phải sự can thiệp ngăn chặn hiệu quả từ Hoa Kỳ, thì chỉ có 3 khả năng:


Washington và Bắc Kinh đã thỏa hiệp với nhau, hoặc Mỹ thực sự không muốn đối đầu với Trung Quốc vì không còn coi trọng lợi ích của mình trong khu vực, hay Mỹ không mạnh như người ta vẫn tưởng.


Tuy nhiên theo cá nhân người viết, điều này khó xảy ra.


Ba là, Trung Quốc chưa xây dựng đảo nhân tạo ở Scarborough không có nghĩa là họ từ bỏ ý định này. Bắc Kinh có thể sẵn sàng chờ đến một cơ hội thích hợp.


Hy vọng COC vẫn còn mong manh


South China Morning Post ngày 7/9 dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang dự hội nghị thượng đỉnh tại Lào cho biết, Trung Quốc và ASEAN đang đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy đàm phán COC.


Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc công bố hôm qua cho biết, hai bên đã cơ bản hướng tới việc sớm có COC dựa trên sự đồng thuận.


Các quan chức hai phía cũng chấp thuận chủ trương thành lập đường dây nóng cho những tình huống khẩn cấp, chạm trán bất ngờ trên Biển Đông.


Bắc Kinh cũng tái khẳng định cam kết tuân thủ UNCLOS 1982, nhưng nhấn mạnh rằng các tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa các quốc gia yêu sách liên quan trực tiếp.


Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Hải Nam, Trung Quốc được South China Morning Post dẫn lời bình luận:


"Một bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông có thể đảm bảo trật tự trong vùng biển tranh chấp, nhưng đồng thời cũng buộc Trung Quốc phải chấp nhận thực tế rằng, nhiều đảo đang bị nước ngoài kiểm soát.


Bất kỳ động thái nào để đẩy các nước khác khỏi các đảo này có thể gây ra xung đột, và do đó sẽ bị hạn chế bởi bộ quy tắc này (COC)." [3]


Phát biểu của ông Ngô Sĩ Tồn cho thấy khả năng có COC rất mong manh, và cho dù COC ra đời đi nữa thì căng thẳng trên Biển Đông vẫn khó cải thiện khi ai đó vẫn giữ ý đồ, chờ thời cơ để hất các nước khác khỏi các đảo (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp mà họ đang đóng giữ.


Mặt khác còn một lý do quan trọng để COC khó thành hiện thực là phạm vi áp dụng nó đến đâu.


Nếu Trung Quốc đòi áp dụng trên toàn bộ Biển Đông, có nghĩa là biến các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp và không tranh chấp của các nước láng giềng thành vùng có tranh chấp.


Các nước ven Biển Đông chắc chắn sẽ phản đối điều này, bởi nếu không thì Trung Quốc có thể hợp pháp hóa những vụ xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán nước khác.


image059

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay nhau bên lề cuộc họp ASEAN ở Lào, ảnh: Fox-34.com.


Ví dụ như vụ giàn khoan 981 năm 2014 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, các vụ tàu cá có tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Malaysia, Indonesia...


Nếu chỉ áp dụng ở vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của các nước ven Biển Đông thì có nghĩa là Bắc Kinh mặc nhiên thừa nhận Phán quyết Trọng tài 12/7 hủy bỏ đường lưỡi bò bất hợp pháp của họ.


Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục cạnh tranh gay gắt ở Biển Đông và ASEAN


Theo Nikkei Asian Review ngày 8/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ngầm cảnh báo các nhà lãnh đạo ASEAN hôm qua 7/9, rằng đừng nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều trong vấn đề Biển Đông.


"Tôi hy vọng ASEAN đóng vai trò hàng đầu trong việc tạo ra sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực, bằng cách tuân thủ, thực thi các quy định của pháp luật", ông Shinzo Abe được Nikkei Asian Review dẫn lời cho biết.


Ông bày tỏ quan ngại sâu sắc về những nỗ lực tiếp tục đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông trong vài tháng qua. Biển Đông có tuyến hàng hải cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản.


Phát biểu này của Thủ tướng Shinzo Abe là phản ứng rõ ràng chống lại kêu gọi của ông Tập Cận Bình bên lề G-20 rằng, các nước ngoài Biển Đông đừng nhúng tay vào.


Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, chấp hành nghiêm túc Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 sẽ dẫn đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông.


Theo Nikkei Asian Review, những kêu gọi này là một phần của chiến lược ông Shinzo Abe muốn kiềm chế các hoạt động "khiêu khích" của Trung Quốc ở Senkaku / Điếu Ngư. [4]


Còn theo South China Morning Post, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tranh thủ vận động Singapore "đóng vai trò xây dựng hơn" trong điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.


Trong hội đàm với ông Cường, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, nên biến căng thẳng hàng hải ở Biển Đông thành cơ hội có thể khai thác phục vụ tăng trưởng kinh tế.


"Một trong những vấn đề đang đặt ra là Biển Đông. Tuy nhiên mỗi cuộc khủng hoảng đều kèm theo cơ hội.


Vấn đề này có thể làm bật lợi thế của chúng tôi trong việc theo đuổi các mục tiêu chung của khu vực - duy trì hòa bình và ổn định, điều kiện tiên quyết để tiếp tục tăng trưởng kinh tế", ông Long nói.


Singapore sẽ tiếp tục làm việc với Bắc Kinh để thúc đẩy COC.


Tháng trước, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh, tuân thủ Phán quyết Trọng tài 12/7 tốt hơn nhiều so với việc thể hiện "ai có súng kẻ đó mạnh hơn".


Ông cũng nói rằng, Singapore hoan nghênh Mỹ tham gia vào khu vực. [5]


Người viết cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Singapore thể hiện tầm nhìn chuẩn xác trong bối cảnh các siêu cường cạnh tranh gay gắt ảnh hưởng trong khu vực.


Chỉ có thượng tôn pháp luật mới có thể điều chỉnh hành vi của các bên liên quan, đặc biệt là các siêu cường.


Do đó dù muốn dù không, Phán quyết Trọng tài 12/7 vẫn là nền tảng đấu tranh chống lại các hành vi quân sự hóa Biển Đông, đục nước béo cò trong khu vực.


Nói cách khác, dù Trung Quốc thừa nhận hay không, thì có COC có nghĩa là Phán quyết Trọng tài được thực thi. Để Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Scarborough là thất bại của Mỹ, ASEAN cũng không thể vô can.


Hồng Thủy 08/09/16


Tài liệu tham khảo:


[1]http://economictimes.indiatimes.com/news/international/world-news/china-under-pressure-at-asia-summit-over-south-china-sea-row/articleshow/54160651.cms


[2]https://www.navytimes.com/articles/us-wary-of-chinese-moves-near-disputed-south-china-sea-reef


[3]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2017237/china-and-asean-bloc-make-progress-maritime-disputes
[4]http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/Japan-China-vie-for-ASEAN-influence


[5]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2017229/li-keqiang-calls-singapore-help-forge-ties-between


Hồng Thủy

26 Tháng Sáu 2018(Xem: 10154)
Mặt trận Đông Hải thời ông Trump
17 Tháng Sáu 2018(Xem: 9367)
Mỹ, Tầu đấu võ trên không biển Đông Hải
07 Tháng Sáu 2018(Xem: 10349)
Ấn độ dương-Đông Hải-Thái bình dương khởi động?