HkMh Liêu Ninh làm gì trên Biển Đông?

12 Tháng Giêng 20175:47 CH(Xem: 11143)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  13   JAN  2017


Tàu sân bay Liêu Ninh làm gì trên Biển Đông ?

image019

Tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh và tàu hộ tống khi ở Biển Đông. Ảnh tháng 12/2016.Reuters


Động thái của hàng không mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh và đội chiến hạm hộ tống trong những tuần lễ gần đây đã được giới chuyên gia phân tích quân sự và chiến lược hết sức chú ý theo dõi để nắm bắt dụng ý của Bắc Kinh. Trang mạng thông tin Pháp East Pendulum ngày 04/01/2017 đã bước đầu rút ra một số kết luận sau khi phân tích kỹ hành trình của chiếc Liêu Ninh từ lúc rời căn cứ ở miền bắc Trung Quốc vào giữa tháng 12/2016, cho đến khi đoàn tàu xuống tập trận tại Biển Đông trong những ngày đầu năm 2017.


Ghi nhận đầu tiên của chuyên gia Henri Kenhmann, thuộc trang mạng East Pendulum, là đội tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc đã hoàn thành được một việc hiếm thấy là vượt qua năm vùng biển khác nhau, từ hải phận miền bắc, đi ra Hoàng Hải, Biển Hoa Đông vượt qua eo biển Miyako ở quần đảo Nhật Bản để ra Tây Thái Bình Dương, rồi sau đó rẽ ngược xuống phía đông, vượt eo biển Ba Sĩ giữa Đài Loan và Philippines để vào Biển Đông, và cập bến ở căn cứ gần Tam Á phía nam Đảo Hải Nam vào ngày 28/12/2016.


Ngay từ ngày đầu năm Dương Lịch, chiếc Liêu Ninh và đội tàu hộ tống đã trở ra Biển Đông và tập trận hàng ngày.


Công cụ chiến lược mới để áp đặt ý muốn chính trị


Về chiến lược thì một điểm đáng chú ý là lần đầu tiên từ khi tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào hoạt động từ cách đây 4 năm, các chiến đấu cơ J-15 và trực thăng đã cất cánh từ chiếc mẫu hạm Trung Quốc để ngang dọc bầu trời khu vực.


Theo trang mạng East Pendulum, đây là một lần đầu tiên rất quan trọng đối với Hải Quân Trung Quốc và cũng như đối với các nước trong vùng : Tất cả thủ đô các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines như thế đều nằm trong tầm nhắm của các chiến đấu cơ trên tàu Liêu Ninh.


Dĩ nhiên thì hiện nay, máy bay của Không Quân hay Hải Quân Trung Quốc đều có thể làm việc này, nhưng điều quan trọng là Bắc Kinh có thêm một công cụ hữu hiệu khác để áp đặt ý muốn chính trị của họ.


Theo trang mạng của quân đội Trung Quốc, máy bay trên chiếc Liêu Ninh bắt đầu hoạt động lần đầu tiên vào ngày 02/01/2017 vào khoảng 9g30 giờ địa phương. Thông cáo cũng nêu bật những điều kiện khí hậu và thủy văn phức tạp hơn những vùng biển khác mà đoàn tàu đã đi qua. Một đợt lạnh tràn xuống đã tạo nên những đám mây rất thấp trên một diện tích rộng lớn của khu vực kèm theo mưa, sương mù.


Các báo cáo về thời tiết và hình ảnh mà Hải Quân Trung Quốc cung cấp quả nhiên cho thấy sóng cao đến 3 mét, tóm lại một tình trạng biển động tương đương với cấp 4 trên thang bậc Douglas. Sóng nổi lên làm cho tàu chao đảo hơn bình thường, kể cả đối với chiếc Liêu Ninh. Các phi công và nhân viên hướng dẫn hạ cánh LSO Trung Quốc phải tìm cách thích nghi với tình hình rất mới mẻ này.


Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông nhưng rất gần Hải Nam


Theo chuyên gia Pháp, chuyến ra biển lớn lần này của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và đoàn tàu hộ tống đã làm tốn kém rất nhiều giấy mực ở Nhật Bản và Đài Loan, nhưng có thể ghi nhận hai điểm đáng lưu ý.


Trước tiên hết là dù quả thực là tàu Liêu Ninh và các chiếc máy bay trên đó đã hoạt động ở Biển Đông, nhưng địa điểm tập trận vẫn nằm sát vùng hải phận của Trung Quốc, phía nam đảo Hải Nam.


Những thông điệp gởi cho các nhân viên phi hành (NOTAM) – A0002/17, A0007/17 et A0013/17 – cho thấy là nhóm tàu Trung Quốc từ mấy ngày nay chỉ hoạt động trong một khu vực rất nhỏ, dài 56 km và rộng 27 km, nằm cách bờ biển phía Nam đảo Hải Nam không đầy 40 cây số.


Nếu điểm tập trận này được xác định, thì điều đó có nghĩa là mục tiêu chính của chuyến ra biển này của đội tàu sân bay Liêu Ninh không phải là phô trương lực lượng, mà có vẻ đúng như theo thông cáo chính thức của Hải Quân Trung Quốc. Đó là : « Luyện tập và đánh giá tiến trình toàn diện của một nhóm hàng không mẫu hạm, thiết lập hệ thống chỉ huy trong chiến đấu và hậu cần trên biển khơi, cải thiện việc phối hợp giữa các máy bay với chiếc tàu sân bay. »


Tránh khiêu khích Nhật Bản trên đường đi


Ghi nhận thứ hai là dù chiếc Liêu Ninh đã đi qua 5 vùng biển rõ rệt, nhưng khi ở ngoài Tây Thái Bình Dương, chiếc mẫu hạm không hề cho máy bay tập lên xuống.


Viên chỉ huy của đội chiến đấu cơ trên chiếc Liêu Ninh đã nêu lên hoạt động của máy bay và phi công ở mọi nơi, ngoại trừ lúc di chuyển khá nhanh qua vùng biển Tây Thái Bình Dương. Những thông báo chính thức khác cũng đi theo chiều hướng đó.


Trong một báo cáo của Nhật Bản ngày 25/12/2016, người ta được biết là một khu trục hạm và một máy bay tuần tra Nhật P-3C đã theo dõi chiếc Liêu Ninh vào khoảng 10 giờ, giờ địa phương, ở một vùng biển cách quần đảo Miyako-jima của Nhật khoảng 110 km về phía đông bắc. Hình ảnh phía Nhật chụp được cho thấy không có một chiếc phi cơ nào trên phi đạo của tàu Liêu Ninh và tất cả các ổ pháo của các chiến hạm hộ tống cũng đều nằm dọc theo trục của con tàu. Tóm lại là không có dấu hiệu gây chiến nào trong cả đoàn tàu trong suốt hành trình đi qua khu vực này.


Hai thông cáo khác của bộ Quốc Phòng Đài Loan cho phép định vị nhóm tàu Trung Quốc sau khi đoàn tàu ra khỏi vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản và đi vào vùng của Đài Loan. Các thông cáo này cho thấy là đoàn tàu Trung Quốc đã đi thẳng một mạch đến Hải Nam, sau khi qua vượt eo biển Miyako để vào Tây Thái Bình Dương.


Một cách cụ thể từ chỗ đầu tiên khi bị máy bay Nhật phát hiện khoảng 10 giờ sáng ngày 25/12, và nơi bị phía Đài Loan nhìn thấy 10 tiếng sau đó ở phía nam vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, thì đoàn tàu Trung Quốc đã đi được khoảng 230 hải lý, với môt vận tốc trung bình 23 hải lý/giờ.


Và điều đó có nghĩa là đoàn tàu đã đi thẳng, không ngừng cho đến khi vào Biển Đông, qua eo biển Ba Sĩ. Không có báo cáo nào của Nhật và Đài Loan nêu lên hoạt động của đội máy bay trên chiếc Liêu Ninh.


Trang mạng thông tin East Pendulum công nhận là chuyến hải hành ra đến Tây Thái Bình Dương cho phép nhóm không-hải chiến rất non trẻ này của Trung Quốc nâng cao năng lực hoạt động, cho dù đội hình chưa hoàn chỉnh. Một hạm đội tàu sân bay theo chuẩn mực thông thường gồm 1 tàu sân bay, 6 khu trục hạm và hộ tống hạm, 2 tàu ngầm nguyên tử và 1 tàu tiếp liệu.


Trong đoàn tàu đi theo chiếc Liêu Ninh chỉ có ba khu trục hạm, 2 hộ tống hạm, và một tàu chống ngầm. Tàu tiếp liệu 966 Cao Bưu Hồ (Gaoyouhu) lớp 903A và tàu chống ngầm 594 Chu Châu (Zhuzhou), lớp 056A được thấy cùng với đội tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Hoa Đông không được Nhật và Đài Loan nêu lên trong báo cáo, có lẽ đã rời đoàn trước khi chiếc Liêu Ninh băng qua Nhật Bản.


Căn cứ Thanh Đảo được mở rộng để đón tàu sân bay thứ hai


Trang mạng Pháp trích hình ảnh vệ tinh gần đây của TerraServer – 11/11/2016, cho thấy những công trình được khởi đầu ở căn cứ Hải Quân Cổ Trấn Khẩu - Guzhenkou, nằm cách Thanh Đảo 50 cây số về phía tây nam, để xây dựng một bến cảng thứ hai cho tàu sân bay, có vẻ cùng kích thước với cái đầu tiên.


Bến cảng đầu tiên xây dựng ở Cổ Trấn Khẩu và kết thúc năm 2012, dài 580 mét và rộng 120 mét. Bến cảng đang xây dựng dự kiến đón tàu sân bay mới loại 001A, đang được Hải Quân Trung Quốc đóng ở công trường Đại Liên, dự kiến hoàn tất vào năm 2019.


Nhưng đã có một bến cho tàu sân bay từ năm 2013 ở Hải Nam. Bến cảng này đã đón chiếc Liêu Ninh lần đầu tiên vào tháng 11/2013, khi chiếc tàu sân bay lần đầu tiên thao tác ở Biển Đông với các tàu hộ tống.


Cách căn cứ Hải Quân Tam Á không xa còn có sân bay Lăng Thủy Lingshui đang được mở rộng. Đây là căn cứ đón các chiến đấu cơ J-11B và oanh tạc cơ JH-7A, của không đoàn thứ 9 của Hải Quân Trung Quốc.


Không những các đường bay được thay đổi, mà còn công trình xây dựng ở những khu vực chung quanh cho thấy quy mô mở rộng đáng kế.


Cho nên không loại trừ khả năng các chiến đấu cơ của các tàu sân bay cập bến ở Tam Á sẽ đến căn cứ này trong những năm tới đây./ (theoRFI 09-01-2017)

26 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8543)