Dàn trận ở Biển Đông: Pháo hạm ở Subic, Oyster và Scarborough sẵn sàng khạc lửa

21 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 15242)

image034

Ba chấm tròn đen trên hải chiến đồ cho thấy vị trí của các chiến hạm Mỹ, Nhật, Trung Quốc đã hiện diện ở Subic Manila, Oyster Palawan và Scarborough Trường Sa. Oyster là căn cứ hải quân của Mỹ và Phi ở mạn tây đảo Palawan quan sát trực tiếp quần đảo Trường Sa. Việt Nam đã chiếm khoảng 28 đảo ở Trường Sa, và lập các cứ điểm hải quân trên các hòn đảo đá rộng không tới 5km2. Đảo Ba Bình là đảo lớn nhất thuộc phạm vi quần đảo Trường Sa do TQLC Đài Loan chiếm đóng từ năm 1949, họ đã xây phi trường C130, đặt súng cối, lập dàn hỏa tiễn tầm gần tầm xa ở đây. Bãi cạn Scarborough cách bờ biển Phi khoảng 200km đã bị chiến hạm Trung Quốc chiếm đóng và thiết lập hỏa lực hải quân ở đây từ năm 2012. 

image036

Chiến hạm Nhật Bản.

 

image038

Hàng không Mẫu hạm nguyên tử USS George Washington từ Hồng Kông trực chỉ Subic Manila.

 

image040

Tầu ngầm nguyên tử Trung Quốc thao diễn ở Biển Đông.

 

image042

Thủy quân Lục chiến Mỹ Nhật tập trận chiếm đảo.

 

 

Global Times khuyên: Trung Quốc nên gởi chiến hạm đến "giúp" Philippines

image043

Thành phố Tacloban chẳng những bị tàn phá, mà còn bị ngập lụt 14/11/2013 - REUTERS /Edgar Su

Thụy My RFI

Tờ báo chính thức có khuynh hướng cực đoan Global Times hôm nay 15/11/2013 cho rằng Trung Quốc nên gởi các chiến hạm đến Philippines, nước đang tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh. Mục đích là giúp đỡ các nạn nhân bão Haiyan, nhưng cũng để đối phó với ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Xã luận của Global Times nhấn mạnh: « Việc gởi các chiến hạm đến trong những hoàn cảnh như thế là hảo ý. Nếu Manila phản đối, thì điều đó chỉ chứng minh cho sự thiển cận của họ ».

Hoa Kỳ, đồng minh lâu đời của Philippines đã gởi hàng không mẫu hạm George-Washington đến tại chỗ, với 5.000 lính hải quân và trên 80 máy bay, được các tuần dương hạm và khu trục hạm hộ tống.

Nhật Bản hôm nay cũng loan báo chuẩn bị gởi 1.000 quân nhân để tăng cường cho đội ngũ cứu hộ ở Philippines, giúp đỡ những người sống sót đang đói khổ. Bão Haiyan (Hải Yến) là một trong những trận bão mãnh liệt nhất đổ bộ lên đất liền với sức gió lên đến 300 km/giờ, đã gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng của như tài sản cho Philippines.

Global Times nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, « chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng nên gởi các chiến hạm đến Philippines. Lính Trung Quốc ngày càng được huy động vào các nhiệm vụ cứu hộ và hỗ trợ nhân đạo ở ngoại quốc ».

Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang lạnh giá, do tranh chấp bãi cạn Scarborough nằm cách duyên hải Philippines chỉ có 200 km nhưng đã bị Trung Quốc chiếm vào năm ngoái.

Theo Global Times, việc gởi quân Mỹ và Nhật đến Philippines là nằm trong chiến lược của Washington để mở rộng ảnh hưởng tại châu Á. Tờ báo dẫn một nguồn tin ngoại giao ẩn danh, cam đoan rằng việc gởi quân đội đến là điều kiện mà Nhật Bản đã đặt ra khi tăng viện trợ cho Philippines.

Global Times cho rằng nếu việc đưa tàu sân bay Liêu Ninh đến « được xem là khá tế nhị và quá sớm » trong thời điểm hiện nay, Trung Quốc có thể gởi đi tàu bệnh viện Phương Chu Hòa Bình với các chiến hạm hộ tống.

Tuy vậy Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận. Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Hồng Lỗi nói rằng : « Bài xã luận này chỉ là quan điểm của tờ báo ». Còn về phương tiện hay mức độ giúp đỡ của Bắc Kinh, Hồng Lỗi tuyên bố : « Trung Quốc sẽ có những quyết định thích hợp vào thời điểm cần thiết tùy theo diễn biến tình hình và yêu cầu của Philippines ».

Bắc Kinh đã bị chỉ trích dữ dội vì số tiền viện trợ quá ít ỏi cho Manila : 100.000 đô la – một món tiền thảm hại so với vị trí nền kinh tế thứ nhì thế giới. Bị thế giới cho là bần tiện, rốt cuộc hôm qua Bắc Kinh thông báo sẽ tăng viện trợ lên 10 triệu nhân dân tệ (1,2 triệu euro) bằng mền, lều và một số hàng hóa khác.

Global Times nhấn mạnh : « Trung Quốc rất hùng mạnh, không nên sợ việc đề nghị của mình bị bác bỏ, hay các kết quả bị dư luận quốc tế chỉ trích (…) Quân đội Trung Quốc phải dần dà đảm bảo vai trò mạnh mẽ hơn trong nền ngoại giao của đất nước »/

VOA Thứ Tư, 20/11/2013

Trung Quốc điều tàu bệnh viện ‘Hòa bình’ đến giúp Philippines

image044

17 thành viên Đội cứu trợ thiên tai Trung Quốc chuẩn bị khởi hành đi Philippines tại sân bay thủ đô Bắc Kinh hôm 20/11/2013, 12 ngày sau bão Haiyan.

 

Trung Quốc gia tăng cứu trợ cho Philippines sau khi đối mặt với nhiều chỉ trích rằng Bắc Kinh hành động chưa đủ để trợ giúp cho nước láng giềng bị thiên tai, mà trong đó có nguyên nhân liên quan đến một vụ tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho hay một nhóm cứu trợ y tế của chính phủ và một nhóm cứu hộ của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc sẽ sớm lên đường đến Philippines.

Một tàu bệnh viện của hải quân có trọng tải 14,000 tấn, được mệnh danh là ‘con tàu hòa bình’ cũng sẽ được phái đến.

Hôm nay là ngày thứ 12 sau khi bão Haiyan tàn phá miền trung Philippines, giết chết ít nhất 4.000 người và đẩy hàng triệu người vào cảnh không nhà cửa. Cứu trợ khẩn cấp vẫn chưa đưa đến được cho hàng trăm ngàn nạn nhân.

Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ban đầu viện trợ cho Manila 100.000 đôla.

Trước làn sóng chỉ trích ở trong lẫn ngoài nước, Bắc Kinh đã gia tăng đóng góp viện trợ bằng vật phẩm trị giá 1,6 triệu đôla.

 

 

RFI Thứ bảy 09 Tháng Mười Một 2013

Tuy giảm ngân sách, Mỹ vẫn sản xuất hàng không mẫu hạm thế hệ mới

 image045

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Gerald R. Ford (usnavy.com)

Thụy My

Hôm nay 09/11/2013, Hải quân Mỹ làm lễ đặt tên cho chiếc USS Gerald R. Ford, hàng không mẫu hạm thế hệ mới siêu hiện đại thuộc lớp mới là Ford-class, có trọng tải lên đến 97.000 tấn. Ngân sách dành cho việc đóng chiếc tàu sân bay này đã vượt quá số tiền dự trù ban đầu, trong khi Hải quân Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng ngân sách bị siết chặt.

Vinh dự khai trương tàu sân bay tiên tiến nhất của Mỹ được dành cho bà Susan Ford Bales, con gái của cố tổng thống và là lãnh đạo danh dự Hải quân. Bà là người làm thủ tục đập một chai sâm banh vào thân tàu, trong buổi lễ tổ chức tại công xưởng Hải quân Newport News nằm gần căn cứ Hải quân rộng mênh mông ở Norfolk thuộc bang Virginia. 

Việc đóng chiếc hàng không mẫu hạm này mới thực hiện được 70%, và sẽ còn tiếp tục đến tháng 2/2016 mới hoàn tất để giao cho Hải quân – chậm mất sáu tháng. 

Nhưng trước việc ngân sách bị tự động cắt giảm, và sự cần thiết phải tài trợ cho các dự án quan trọng như loại tàu ngầm mới trong tương lai, Tổng tham mưu trưởng Hải quân là Đô đốc Jon Greenert đã dự trù nguy cơ “ tàu sân bay sẽ được giao trễ hai năm, kéo dài thời kỳ mà Hải quân chỉ có mười chiếc hàng không mẫu hạm hoạt động và không thể tăng cường năng lực” trong trường hợp có chiến tranh. 

Luật pháp cho phép Hải quân Hoa Kỳ sở hữu 11 chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử, nhưng hiện giờ không đủ túc số do chiếc USS Enterprise không còn hoạt động từ cuối năm 2012. 

Tất cả mười hàng không mẫu hạm hiện nay, được đưa vào hoạt động từ năm 1975 đến 2009, đều thuộc lớp Nimitz. Chiếc tàu sân bay CVN-78 USS Gerald R. Ford, tiếp theo đó là chiếc John F. Kennedy (CVN-79) rồi Enterprise (CVN-80) đều có kích thước 330 mét. 

Nhưng các nhà thiết kế hứa hẹn chiếc hàng không mẫu hạm mới có khả năng thực hiện thêm 25% số chuyến bay đối với 75 phi cơ và trực thăng mang theo, các lò phản ứng nguyên tử sẽ sản xuất ra nhiều điện năng hơn, các thiết bị lọc nước biển cho ra thêm 20% lượng nước ngọt mỗi ngày, giúp các lính thủy có thể tắm rửa thoải mái. Đặc biệt những cải tiến khác nhau sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động bảo trì. 

Theo Hải quân Mỹ, “Lớp Ford được thiết kế để tăng cường năng lực chiến đấu và thủy thủ đoàn giảm xuống còn khoảng 700 người (so với lớp Nimitz lên đến 5.000 người), với tổng giá thành hạ hơn”. 

Tuy vậy đến giai đoạn này, chi phí đã cao hơn hẳn so với dự kiến ban đầu. Từ khi ký hợp đồng năm 2008 cho đến nay, giá thành đóng tàu đã lên đến 12,8 tỉ đô la, tăng 22%. Đó là Hải quân Mỹ “còn chưa tính đến 4,7 tỉ đô la chi phí nghiên cứu và triển khai” – theo như chỉ trích của Congressional Budget Office, cơ quan kiểm soát việc sử dụng ngân sách liên bang. 

Các lãnh đạo của Hải quân biện minh là tình trạng giá thành bị đội lên là phổ biến đối với các chiến hạm tiên tiến thuộc loại mới. Nhưng trong thời buổi thắt lưng buộc bụng hiện nay, việc đội giá đã gây quan ngại thậm chí đối với cả những người ủng hộ Lầu Năm Góc nhiệt thành nhất. Chẳng hạn như thượng nghị sĩ John McCain, đã tỏ ra bực tức trước yêu cầu mới của phía Hải quân đòi tăng thêm 506 triệu đô la cho việc đóng chiếc USS Gerald R. Ford. 

Hồi tháng Chín, GAO tức Viện Thẩm kế Hoa Kỳ cho rằng “Hải quân trước hết “còn phải vượt qua những vấn đề đáng kể về mặt kỹ thuật, thiết kế và lắp ráp”. Đặc biệt GAO lấy làm tiếc trước quyết định sản xuất và trang bị trên chiếc hàng không mẫu hạm này một số công nghệ mới trong khi chưa thật hoàn chỉnh, chiến lược này sẽ làm “tăng nguy cơ giao tàu chậm và những thay đổi về thiết kế gây tốn kém”. 

Một loại bệ phóng phi cơ mới hoạt động bằng điện từ thay vì hơi nước, loại radar hay hệ thống mới giúp phi cơ dừng lại khi hạ cánh cũng khiến thời gian hoàn tất tàu sân bay USS Gerald R. Ford chậm hơn và làm tăng chi phí. 

GAO còn lo ngại là: “Thậm chí ngay cả sau khi hàng không mẫu hạm này được đưa vào hoạt động, một số hệ thống quan trọng vẫn sẽ chưa thực sự đáng tin cậy, làm chính phủ tốn thêm tiền và hạn chế năng lực hoạt động của tàu sân bay”. 

Tuy nhiên đối với các nước châu Á đặc biệt là Đông Nam Á, trong bối cảnh Biển Đông và Hoa Đông có nguy cơ dậy sóng, đang trông chờ Hoa Kỳ quay lại Thái Bình Dương, thì sự góp mặt của chiếc hàng không mẫu hạm siêu hiện đại thuộc lớp mới của Mỹ vẫn là một tín hiệu lạc quan.

Đặc biệt trong lúc Bắc Kinh vẫn dương oai diễu võ, nhưng kỹ thuật quân sự còn rất lâu mới đuổi kịp Mỹ: chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của của Trung Quốc được đặt tên là Liêu Ninh chỉ là một tàu sân bay của Liên Xô cũ được mua về tân trang lại./