Tàu ngầm Kilo 636 Nga Sô biệt danh “lỗ đen” đầu tiên bán cho Việt Nam về tới quân cảng Cam Ranh

02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 15312)

Tàu ngầm Kilo chính thức neo đậu tại cảng Cam Ranh

(Dân trí) - Sau chuyến hành trình dài ngày, khoảng 6 giờ sáng 1/1, tàu vận tải hạng nặng Rolldock của Công ty Rolldock Sea đã đưa tàu ngầm Kilo 636 Hà Nội chính thức vào neo đậu vào cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Chạy trước tàu Rolldock là tàu hoa tiêu của cảng Cam Ranh dẫn đường. Trên boong tàu Rolldock, phần cao nhất của tàu ngầm Kilo 636 Hà Nội nhô lên giữa 2 cẩu tự hành.


Tàu Kilo băng qua mũi Hồi, thôn Tàu Bể, xã Cam Lập và thả neo tại vịnh Cam Ranh, TP Cam Ranh (Khánh Hòa)

Đây là tàu ngầm đầu tiên trong tổng số 6 tàu ngầm Kilo 636 được đóng cho Việt Nam tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở thành phố St.Petersburg, Nga.

Dự kiến, Nga sẽ bàn giao xong gói 6 chiếc tàu ngầm vào năm 2016. HQ182 Hà Nội là chiếc đầu tiên Nga giao cho Việt Nam.

Tàu ngầm Kilo 636 mà Nga đóng cho Việt Nam là tàu ngầm thuộc thế hệ thứ 3, có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300m, thủy thủ đoàn gồm 52 người. Tàu ngầm này còn được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533 mm, ngư lôi, thủy lôi và tổ hợp tên lửa đa năng 3M-54 Klub (hay còn gọi là Kalibr 3M54).

Tàu ngầm Kilo thuộc thế hệ thứ 3, với nhiều tính năng đặc biệt (ảnh ANTĐ)

Tính năng đặc biệt của tàu ngầm này là tiếng ồn cực thấp, gây khó khăn tối đa cho các phương tiện theo dõi thủy âm học của đối phương.

Vì vậy, việc sở hữu những tàu ngầm Kilo 636 có nhiều ưu điểm vượt trội sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho hải quân Việt Nam, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền trên biển.

Một số hình ảnh tàu Kilo chậm chậm tiến vào cảng Cam Ranh, Khánh Hòa sáng nay 1/1:

 

 

Doãn Công

 

Liêu Ninh hoàn tất chạy thử trên Biển Đông

BBC- thứ năm, 2 tháng 1, 2014

 

Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đã ‘hoàn tất thành công chuyến chạy thử’ trên Biển Đông, truyền thông nhà nước của nước này cho biết.

Tàu Liêu Ninh trở lại cảng hôm thứ Tư ngày 1/1 sau chuyến hải trình kéo dài 37 ngày, theo Tân Hoa Xã.

Dẫn nguồn tin hải quân giấu tên, Tân Hoa Xã cho biết tàu Liêu Ninh đã thử nghiệm hệ thống chiến đấu và tập dàn đội hình và đã ‘đạt được những mục tiêu đề ra’.

“Mọi chương trình thử nghiệm và huấn luyện đều diễn ra theo đúng kế hoạch,” bản tin của Tân Hoa Xã viết.

Phi cơ, chiến hạm và tàu ngầm cũng tham gia và các hoạt động diễn tập của tàu Liêu Ninh.

Trong quá trình hoạt động trên Biển Đông, một trong những tàu hộ tống Liêu Ninh đã suýt va chạm với một tàu hải quân của Mỹ. Truyền thông Trung Quốc nói là do tàu Mỹ đã tiến quá gần tàu Liêu Ninh.

Đây là sự cố va chạm trên biển nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong nhiều năm.

Về phần mình, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết hải quân của họ đã phải lái tàu sang một bên để tránh đụng tàu Trung Quốc hôm 5/12.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận có vụ việc này nhưng không cho biết nhiều về điều gì đã xảy ra. Họ chỉ nói là một chiến hạm Trung Quốc đang tuần tra đã chạm mặt một tàu chiến của Mỹ và họ đã xử lý tình huống theo đúng quy trình.

Tàu sân bay Liêu Ninh được mua từ Ukraine hơn một thập niên trước và đã được tân trang rất nhiều trước khi đi vào hoạt động hồi năm ngoái./

++++++++++++++++

RFI Thứ tư 01 Tháng Giêng 2014

Miến Điện sẽ xử lý hồ sơ Biển Đông ra sao với tư cách chủ tịch ASEAN ?

Tổng thống Miến Điện Thein Sein - chủ tịch luân phiên kỳ tới - phát biểu tại phiên bế mạc Thượng đỉnh Asean lần thứ 23 ở Bandar Seri Begawan (Brunei), 10/10/2013.

REUTERS/Ahim Rani

Trọng Nghĩa

Kể từ ngày 01/01/2014, trên nguyên tắc, nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên khối ASEAN của Miến Điện đã bắt đầu, cho dù các cuộc họp đầu tiên do nước này chủ trì chỉ được dự trù vào ngày 15/01 mà thôi. Câu hỏi mà nhiều nhà quan sát đặt ra là Miến Điện sẽ xử lý hồ sơ Biển Đông như thế nào trong bối cảnh họ không phải là một quốc gia ven Biển Đông không có lợi ích gì ở đó, và trong một thời gian dài trước đây, từng bị cho là nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc ?

Nghi vấn của các quan sát viên cũng là ưu tư của bản thân chính quyền Miến Điện, vốn lần đầu tiên được quyền đảm nhận trọng trách điều hành Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á khi được kết nạp vào năm 1997 đến nay.
Trả lời phỏng vấn của báo Miến Điện Myanmar Times ngày 30/12/2013, ông U Aung Htoo, Vụ Phó vụ ASEAN trong Bộ Ngoại giao Miến Điện khẳng định rằng nước ông không được quyền chiều theo bất kỳ áp lực quốc tế nào khi xem xét hồ sơ Biển Đông.

Cách thức mà Miến Điện muốn học tập, theo viên chức này, là kiểu tiếp cận của Brunei, chủ tịch vào năm ngoái. Miến Điện sẽ nỗ lực hướng tới một giải pháp ngoại giao cho cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Trung Quốc và 4 nước Đông Nam Á : Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Trong quá khứ, Trung Quốc luôn luôn khăng khăng đòi đàm phán tay đôi với từng nước tranh chấp, một cách thức bị cho là để dễ gây áp lực trên đối phương. Các thành viên ASEAN ngược lại đã đề xuất đàm phán tập thể. Mới đây, Trung Quốc đã nhượng bộ đối chút, và đã đồng ý mở những cuộc tham vấn với ASEAN về một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông. Chính đây là hướng mà Miến Điện muốn đi theo.

Ông U Aung Htoo cho biết là nước ông sẽ nỗ lực để thúc đẩy thêm những cuộc đàm phán đó. Ông giải thích : « Trung Quốc đã đồng ý trên nguyên tắc về một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Chúng ta không thể chống lại Trung Quốc, và Miến Điện sẽ cố gắng hết sức để xử lý cuộc tranh chấp theo một chiều hướng tốt nhất mà ASEAN có thể đạt được với sự đồng tình của Trung Quốc ».

Đối với ông U Aung Htoo, điều quan trọng là Miến Điện phải chứng tỏ tư thế độc lập trong hồ sơ Biển Đông, chứng tỏ rõ ràng là mình không thiên vị bên nào trong vụ tranh chấp, trái với trường hợp Cam Bốt vào năm 2011, đã lộ rõ thái độ thiên vị Trung Quốc chống lại các đồng minh trong khối ASEAN.

Chính trên khả năng thiên vị Trung Quốc hay không mà vấn đề Miến Điện được đặt ra, vì trong nhiều năm dài, Trung Quốc hầu như là nước lớn duy nhất nâng đỡ tập đoàn quân sự cầm quyền tại Rangoon, và các tướng lãnh Miến Điện có lợi ích thiết thân trong vô số công trình kinh doanh của Trung Quốc tại Miến Điện.

Một số người đã gợi lên khả năng Miến Điện có thể là một Cam Bốt thứ hai, có thể sẵn sàng « hy sinh » hồ sơ Biển Đông cho Trung Quốc vì bản thân không có quyền lợi gì. Tuy nhiên, trên vấn đề này, ông Ko Ko Hlaing, cố vấn chính trị chính của Tổng thống Miến Điện đã tuyên bố trấn an. 

Phát biểu bên lề một hội nghị tại Washington vào đầu tháng 12/2013, ông Ko Ko Hlaing xác định rằng hai trường hợp Cam Bốt và Miến Điện hoàn toàn khác nhau. Miến Điện là một quốc gia lớn hơn Cam Bốt rất nhiều, và ít lệ thuộc Trung Quốc hơn về mặt kinh tế, khác với Cam Bốt. Ngoài ra, Trung Quốc lại có thể được xem là phụ thuộc vào vị trí chiến lược của Miến Điện.

Trả lời báo chí, nhân vật này xác định rằng cho dù quan hệ của Miến Điện với người láng giềng phương Bắc rất chặt chẽ, đó không phải là một quan hệ giữa « chủ và khách ». Ông Ko Ko Hlaing nói tiếp : « Chính phủ Miến Điện sẽ tránh lặp lại những gì đã xảy ra tại Phnom Penh ».

Nhân vật này còn tỏ ý lạc quan : « Chúng tôi có thể tranh thủ vị trí quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để mang lại lợi ích tốt nhất cho toàn khu vực Đông Nam Á ».

06 Tháng Chín 2018(Xem: 10486)
Mặt trận Đông Hải liệt quốc