Sự chuyển hướng trong chính sách Biển Đông của chính quyền Donald Trump

13 Tháng Mười Một 20187:20 CH(Xem: 9716)

VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG/HOA ĐÔNG  - THỨ TƯ 14 NOV 2018


Sự chuyển hướng trong chính sách Biển Đông của chính quyền Donald Trump ​


Thanh Bình


13/11/18


 (GDVN) - Sự chuyển hướng của chính quyền Donald Trump trong chính sách biển Đông sẽ làm cho xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên, đối diện với những thách thức mới.


Phát biểu trước báo giới ngày 10/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama đã không ngăn được Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông.

Ông Trump tuyên bố: “Chính quyền Obama đã bất lực trong chính sách về Biển Đông” dẫn tới việc hải quân Trung Quốc hiện trở thành một mối đe dọa cho Mỹ trong khu vực đang có tranh chấp [1].


image022

Tàu hải quân Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: CNBC)


Nhìn lại thời gian cầm quyền vừa qua của Chính quyền Donald Trump, nhiều chuyên gia nhận định Mỹ đang thể hiện sự chuyển hướng nhằm gây phiền phức hơn cho Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông.

Điều đó được thể hiện ở 3 yếu tố sau:        

Một là: áp dụng sách lược cứng rắn, chuyển từ ràng buộc mềm sang đối đầu trực tiếp, tức là áp dụng biện pháp kép (tiếp xúc và kiềm chế) để đối phó với Trung Quốc.

Ngay từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã công khai phủ định chủ quyền phi lý mà Trung Quốc yêu sách trên các đảo, đá ở Biển Đông.

Đồng thời, chuyển hướng lập trường của Mỹ từ phản đối sang can thiệp trực tiếp, tuyên bố Mỹ phải bảo vệ những vùng biển quốc tế này không để Trung Quốc chiếm lĩnh.

Ngay từ thời kỳ của Tổng thống Obama, việc thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế là một biện pháp quan trọng để Mỹ gây sức ép về ngoại giao và an ninh với Trung Quốc.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quân đội Mỹ thậm chí còn được trao quyền lớn hơn và tần suất hoạt động tự do hàng hải của các tàu chiến Mỹ trên khu vực Biển Đông cũng trở nên dày hơn.

Ngoài ra, ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cũng ra sức tăng cường các cuộc tập trận chung.

Từ ngày 10/7/2017 đến ngày 17/7/2017, cuộc tập trận chung “Malabar-2017” đã được Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản tiến hành tại căn cứ hải quân ở thành phố cảng Chennai và vịnh Bengal.

Quy mô và chất lượng của cuộc tập trận này đã được nâng lên chưa từng có với sự tham gia của 16 tàu chiến, trong đó có 3 tàu sân bay, tàu sân bay trực thăng, 2 tàu ngầm và 100 máy bay chiến đấu trên mặt đất.


image023

Lãnh đạo lực lượng hải quân Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tại cuộc tập trận chung Malabar 2017 (Ảnh: AP)


Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, cơ chế trao đổi qua lại của Mỹ có thể được mở rộng thêm với các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Singapore.

Theo đó, quan hệ đồng minh theo kiểu “trung tâm và các vệ tinh” của Mỹ có thể chuyển thành Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thu nhỏ ở châu Á [2].

Điều này chắc chắn có lợi cho việc Mỹ và các đồng minh phát đi tín hiệu một cách thống nhất về vấn đề Biển Đông.

Hai là: lôi kéo các nước Đông Nam Á, xây dựng vòng bao vây chiến lược đối với Trung Quốc.

Để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ cũng đang từng bước tạo điều kiện thuận lợi để các nước có lợi ích ở vùng biển này có thể xích lại gần hơn.

Tháng 6/2016, tân Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đã thể hiện quan điểm thực hiện đường lối ngoại giao không chỉ đơn thuần dựa vào Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, quan hệ Mỹ -Philippines dần hòa dịu. Quan hệ song phương tiếp tục được phát triển trong khuôn khổ đồng minh.

Tháng 5/2017, Philippines và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung “Vai kề vai” kéo dài 12 ngày với trọng tâm là cứu trợ nhân đạo, cứu hộ cứu nạn và chống khủng bố. Tháng 6/2017, Mỹ bàn giao cho Philippines lô trang thiết bị lục quân hoàn toàn mới [3].

Điều đó cho thấy quan hệ Mỹ - Philippines tuy có rạn nứt nhất định nhưng không ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh song phương.


Ở khu vực Đông Nam Á, mặc dù không phải là quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông nhưng Singapore luôn bày tỏ quan điểm ủng hộ Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng:


“Mỹ đóng vai trò không thể thiếu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Singapore hy vọng điều này có thể tiếp tục, hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực các công việc của khu vực này” [4].

Ba là: kết hợp với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để xây dựng liên minh bộ tứ Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia.

Kể từ tháng 5/2017 đến cuối năm 2017, lấy danh nghĩa bảo vệ quyền tự do hàng hải, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tiến hành 04 lần tuần tra tại khu vực Biển Đông, cao hơn nhiều so với chính quyền của Tổng thống Obama.

Điều này cho thấy Mỹ luôn duy trì sự can dự đối với các công việc ở biển Đông nhằm kiềm chế sự hình thành về ưu thế chiến lược của Trung Quốc tại vùng biển này.

Đây đang dần trở thành nét đặc trưng quan trọng trong chính sách với Biển Đông của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đồng thời, thông qua chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” với Mỹ làm hạt nhân, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng bắt đầu can dự vào các hoạt động có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Đây cũng được cho là chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng liên minh 4 bên Mỹ  - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia có tính trình tự và tổ chức chặt chẽ nhằm tăng cường gây sức ép với Trung Quốc trên mọi mặt, trong đó có vấn đề về Biển Đông [5].

Tóm lại, dưới thời của Tổng thống Obama, chính sách với Biển Đông của Mỹ mang màu sắc theo chủ nghĩa tự do.

Sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, chính sách Biển Đông của Mỹ đang dần chuyển sang lập trường theo chủ nghĩa cứng rắn, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố đấu tranh quyền lực và đọ sức chiến lược.

Sự chuyển hướng của chính quyền Donald Trump trong chính sách Biển Đông sẽ làm cho xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên.

Điều đó chắc chắn sẽ làm cho quan hệ Trung - Mỹ đối diện với thách thức hoàn toàn mới trong thời gian tới.


Tài liệu tham khảo:

[1] https://timesofindia.indiatimes.com/world/us/obama-administration-was-impotent-about-south-china-sea-trump/articleshow/66143604.cms

[2] Tài liệu tham khảo số 273 của Thông tấn xã Việt Nam


[3] https://www.philstar.com/headlines/2018/09/10/1850124/philippines-largest-recipient-us-military-aid


[4] https://www.cfr.org/event/conversation-lee-hsien-loong

[5] https://thehill.com/opinion/national-security/410658-cat-and-mouse-game-in-south-china-sea-carries-new-risks


Thanh Bình


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


- FONOP - OBAMA.


- Vành đai lửa chữ U: "Mưu soái chủ bể cả phương Nam".


- Mỹ chấm dứt hành quân "Tự do hàng hải" chuyển sang chiến dịch hành quân "Tự do trên không".

25 Tháng Sáu 2022(Xem: 3790)
ẤN ĐỘ HÀNH ĐỘNG HƯỚNG ĐÔNG
10 Tháng Hai 2022(Xem: 3978)
CHÂU Á ĐẠI DƯƠNG RẬP RÌNH