VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG/HOA ĐÔNG - THỨ HAI 04 MAR 2019
F-35C tàng hình trên Mẫu hãm USS Carl Vinson sẵn sàng chiến đấu
01/03/2019 Thanh Niên Online
Hải quân Mỹ thông báo chiến đấu cơ tàng hình F-35C dành riêng cho lực lượng này đã được chứng nhận sẵn sàng tham chiến.
Chiến đấu cơ F-35C sẽ là máy bay thế hệ 5 đầu tiên hoạt động trên tàu sân bay Mỹ. Hải quân Mỹ
CNN dẫn thông báo ngày 28.2 của hải quân Mỹ cho biết chiến đấu cơ F-35C đã đạt “khả năng hoạt động ban đầu” (IOC), đồng nghĩa máy bay này đã trải qua các bài kiểm tra chuyên biệt và sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Chứng nhận được đưa ra ngay sau khi một phi đội F-35C hoàn tất đợt kiểm tra trên tàu sân bay USS Carl Vinson.
Phát biểu về cột mốc này, Phó đô đốc DeWolfe Miller, tư lệnh không lực hải quân Mỹ, tuyên bố máy bay F-35C đã sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng. “Chúng ta đang đưa thêm một loại vũ khí ấn tượng vào kho khí tài của các nhóm tác chiến tàu sân bay, tăng cường đáng kể năng lực của lực lượng liên hợp”, ông Miller nói.
Nhà thầu Lockheed Martin sản xuất ra máy bay này cũng bày tỏ vui mừng về sự kiện nói trên. Trong tuyên bố cùng ngày, Phó chủ tịch Greg Ulmer nói đây là thành quả cho sự nỗ lực lớn lao của đội ngũ công ty kết hợp cùng chính phủ để cho ra đời chiến đấu cơ “lợi hại nhất” thế giới.
USS Carl Vinson tại vịnh Đà Nẵng 5/2018
F-35 là chương trình sản xuất máy bay tốn kém bậc nhất trong lịch sử Mỹ và hứng chịu không ít chỉ trích vì các vấn đề như lỗi kỹ thuật, đội giá, chậm tiến độ. Đây được coi là dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ với khả năng né tránh radar, tốc độ siêu thanh, cơ động và khả năng kết nối với những hệ thống khác. F-35 có 3 phiên bản A, B và C lần lượt dành cho không quân, thủy quân lục chiến và hải quân Mỹ.
Máy bay F-35C có sải cánh lớn hơn, càng đáp cứng cáp và lớp sơn phủ bền hơn hai phiên bản còn lại để có thể hoạt động tốt trên tàu sân bay. Máy bay có thể mang theo 2 tên lửa không đối không và 2 quả bom GBU-31 trong lượng 900 kg. Máy bay có thể đạt tốc độ lên tới 1.960 km/giờ, tầm bay 2.800 km, bán kính tác chiến 1.390 km, theo chuyên san The Aviationist.