Báo động: Phóng xạ hạt nhân cao bất thường ở Biển Đông

17 Tháng Mười Hai 20207:38 SA(Xem: 7070)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG A - THỨ NĂM  17 DEC 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Việt Nam đang xác minh thông tin phóng xạ hạt nhân cao bất thường trên Biển Đông


17/12/2020


TTO - Về thông tin nồng độ phóng xạ hạt nhân tăng vọt trên Biển Đông như Tuổi Trẻ đã phản ánh ngày 8-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thi Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm và đang xác minh thông tin.


image002Tàu Trung Quốc neo đậu tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng và cải tạo trái phép - Ảnh chụp màn hình Inquirer


Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online trong cuộc họp báo chiều 17-12, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (LHQ) năm 1982 quy định rõ ràng các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển cũng như tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982".


Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định "việc sử dụng, khai thác, vận chuyển các phương tiện, thiết bị, vật liệu có nguy cơ gây mất an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân cần tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, các quy tắc, quy chuẩn để bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và không ảnh hưởng đến việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".


Thông tin nồng độ phóng xạ cao bất thường trên Biển Đông xuất hiện lần đầu tiên trên báo Philstar của Philippines ngày 8-12. Tờ này trích lời ông Carlo Arcilla, một chuyên gia thuộc Bộ Khoa học công nghệ và Viện nghiên cứu hạt nhân Philippines (DOST-PNRI).


Nhóm nghiên cứu của ông Arcilla đã phát hiện ra iốt 129, một sản phẩm của quá trình phân hạch hạt nhân, ở một số rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển phía đông Philippines.


Điểm đáng chú ý là nồng độ chất phóng xạ này cao nhất trong những mẫu nước biển được lấy gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng, và cải tạo trái phép, như đá Vành Khăn. "Nồng độ của iốt 129 tại khu vực rất cao. Dù không gây nguy hiểm, nhưng đáng phải theo dõi", ông Arcilla thông tin thêm ngày 8-12.


Phát hiện đã được ông Arcilla báo cáo trong một hội nghị trực tuyến của Mạng lưới các cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân ASEAN (ASEANTOM) hôm 24, 25-11 do Việt Nam chủ trì.


Theo ông Arcilla, kết quả xem xét các mẫu vật lấy năm 2020 cho thấy phóng xạ ở Biển Đông không phải là hậu quả của thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản. 


"Nó có thể được tạo ra trong các hoạt động hạt nhân mới, có thể là từ các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân", tờ Business Mirror của Philippines trích lời ông này cho biết thêm. KHOA THƯ - BẢO DUY


+++++++++++++++++++++++++++++++++


Phát hiện nồng độ phóng xạ cao bất thường trên Biển Đông


08/12/2020


TTO - Các chuyên gia thuộc Bộ Khoa học công nghệ và Viện nghiên cứu hạt nhân Philippines đã bất ngờ trước nồng độ phóng xạ đo được ở các rạn san hô trên Biển Đông. Những vị trí ghi nhận nồng độ cao nhất nằm gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm.


image003Vị trí ghi nhận nồng độ phóng xạ cao nhất nằm gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trong ảnh: các công trình phi pháp Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trên đá Vành Khăn - Ảnh chụp màn hình


"Chúng tôi không rõ nguyên nhân là gì và chuyện gì đã xảy ra tại các khu vực này", báo Philstar của Philippines trích lời giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân Philippines, ông Carlo Arcilla. 


Vị này cho biết đã báo cáo những phát hiện về nồng độ phóng xạ bất thường đến một hội nghị trực tuyến của Mạng lưới các cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân ASEAN hồi tuần trước.


Theo ông Arcilla, quan chức một số nước ASEAN đã "rất quan ngại" khi nghe thấy những gì ông trình bày tại hội nghị.


Cụ thể, nhóm nghiên cứu của ông Arcilla đã phát hiện ra iốt 129 tại một số rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển phía đông Philippines. Điểm đáng chú ý là nồng độ iốt 129 cao nhất trong những mẫu nước biển được lấy gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép.


Theo các nhà khoa học Philippines, iốt 129 là một sản phẩm của quá trình phân rã hạt nhân. Thông thường những nguồn chủ yếu tạo ra đồng vị phóng xạ iốt 129 là các vụ thử hạt nhân, sự cố hạt nhân hoặc quá trình tái xử lý năng lượng hạt nhân.


"Đây chỉ mới là phát hiện ban đầu. Mọi chuyện có thể sẽ sáng tỏ trong vòng vài tuần nữa", ông Arcilla tuyên bố. Cũng theo vị này, mặc dù nồng độ iốt 129 trên Biển Đông không gây nguy hiểm nhưng rất đáng để theo dõi và tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.


Trang web của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ khẳng định phần lớn iốt 129 có trong môi trường tự nhiên xuất phát từ quá trình thử vũ khí hạt nhân. Nhóm nghiên cứu không loại trừ khả năng đang có các hoạt động hạt nhân tại khu vực nhưng cũng để ngỏ chuyện các dòng hải lưu đã đưa I-ốt 129 từ nơi khác tới Biển Đông.


Một chuyên gia Singapore nhận định nếu nguồn phát ra phóng xạ là tàu ngầm hạt nhân, sẽ rất dễ xác định ai là thủ phạm vì có rất ít nước sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trên thế giới. Hồi tháng 11 năm ngoái, truyền thông Đông Nam Á bị một phen hú vía trước thông tin một tàu ngầm hạt nhân đã phát nổ trên Biển Đông.


Thông tin này sau đó được kiểm chứng là tin giả vì với một khu vực được theo dõi địa chấn chặt chẽ như Biển Đông, một vụ nổ hạt nhân mạnh từ 10 - 20 kiloton như tin đồn chắc chắn sẽ bị phát hiện. BẢO DUY


++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Rộ tin nổ tàu ngầm hạt nhân trên vùng biển ngoài khơi Trung Quốc


22/11/2019


TTO - Dân mạng lan truyền thông tin một vụ nổ hạt nhân, được cho là vụ nổ tàu ngầm hạt nhân, đã xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Vậy thật, giả ra sao?


image004Hình ảnh về mức bức xạ được phát hiện - Ảnh chụp màn hình


Nhiều người dùng mạng xã hội Twitter đang lan truyền một thông tin gây chấn động với nội dung: "Một chiếc tàu ngầm hạt nhân vừa phát nổ ở khu vực ngoài khơi Trung Quốc thuộc Biển Đông. Theo các báo cáo, vụ nổ xảy ra ở độ sâu 50m với sức nổ 10 - 20 kiloton (tương đương 10.000 - 20.000 tấn TNT)".


Thông tin trên khiến nhiều người không khỏi tò mò vì với năng lượng giải phóng 10 - 20 kiloton, vụ nổ này tương đương vụ Mỹ thả quả bom nguyên tử "Little Boy" (Thằng nhỏ) xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào Thế chiến 2.


Trang IndoPacific_SCS_Info thậm chí đặt nghi vấn trên Twitter: "Hay là Trung Quốc đã cho kích nổ một thiết bị hạt nhân chiến thuật để gửi cảnh báo tới Mỹ vì vụ Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong, một động thái mà Trung Quốc xem là ‘cuộc tấn công’ vào công việc nội bộ của nước này?".


Trang này nói rằng khu vực xảy ra vụ nổ là nơi có sự xuất hiện dày đặc các tàu ngầm Trung Quốc thuộc đủ loại, gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN).


Tuy nhiên, trang Gizmodo Australia dẫn lời các chuyên gia khẳng định Chính phủ Trung Quốc gần như chắc chắn không bí mật kích nổ một vũ khí hạt nhân chiến thuật nào đó ở vùng biển ngoài khơi nước này để gửi cảnh báo tới Mỹ như dân mạng đồn thổi.


Theo trang này, nguồn gốc của tin đồn dường như đến từ Hal Turner, người dẫn chương trình radio và là một nhà bình luận chính trị ở New Jersey, Mỹ.


Một bài đăng trên trang web của ông này (Halturnerradioshow.com) tuyên bố rằng "các nguồn tin quân sự" không xác định tuyên bố vào khoảng 18h22 ngày 20-11 theo giờ bờ đông Mỹ, một vụ nổ hạt nhân đã xảy ra ở độ sâu 50m dưới vùng biển ngoài khơi Trung Quốc thuộc Biển Đông.


Trang Halturnerradioshow.com viết rằng vụ nổ "đã gây ra một trận sóng xung kích dưới nước đột ngột" và có sức mạnh "10 - 20 kiloton". Sau đó, bài viết trên trang này còn cập nhật thêm tuyên bố nói rằng Mạng lưới giám sát môi trường toàn cầu uRADMonitor đã phát hiện bức xạ "đáng kể" ở vùng biển phía nam Trung Quốc, thậm chí gần với Hong Kong và đảo Đài Loan.


Một chuyên gia về an toàn bức xạ giấu tên nói với Gizmodo rằng những số liệu của uRADMonitor dường như phản ánh mức "bức xạ phông thông thường" và gọi các tuyên bố này là "sự suy đoán thiếu căn cứ". Chuyên gia này cũng cảnh báo uRADMonitor không phải là nguồn đáng tin.


Trong khi đó, ông Robert Rosner, nhà khoa học tại Đại học Chicago (Mỹ), lại nói rằng không có chuyện có thể xác định một vụ nổ hạt nhân dưới mặt nước dựa vào các thiết bị dò tìm trên mặt đất. Ông cũng nói rằng "không có ai ngốc đến mức tiến hành một vụ thử nghiệm như vậy ở vùng biển này".


Ông Rosner nói thêm khu vực Biển Đông hiện đang là nơi người ta giám sát chặt chẽ các hoạt động địa chấn, sau những vụ sóng thần chết chóc như vụ động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương hồi năm 2004. Một vụ nổ mạnh tới 10 - 20 kiloton "chắc chắc sẽ đáng chú ý". BÌNH AN


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


SSBN Type 094: Tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo tầm bắn 8.000km của Trung cộng


01/12/2020 |


Type 094 là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ thứ hai do Trung Quốc thiết kế và chế tạo, có trọng lượng rẽ nước lớn nhất trong các loại tàu ngầm của nước này.


image005Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 của Trung Quốc. Ảnh: Baidu


Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng đầu tư, nghiên cứu, chế tạo các loại tàu ngầm hiện đại để gia tăng khả năng giám sát, tác chiến trên biển.


Sức mạnh của các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tuy vẫn nhận phải sự nghi ngờ từ giới quan sát, nhưng tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SBBN) của nước này vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa. Trong số đó, phải kể đến tàu ngầm SSBN Type 094.


image001Type 094 cũng là tàu ngầm nội địa có trọng lượng rẽ nước lớn nhất của Trung Quốc: Ảnh: Sina


Type 094 là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ thứ hai do Trung Quốc thiết kế và chế tạo. SSBN Type 094 cũng là tàu ngầm nội địa có trọng lượng rẽ nước lớn nhất của nước này. So với SSBN Type 092 thế hệ trước, Type 094 được cải thiện rất nhiều khả năng che giấu, cảm biến và cả độ tin cậy của hệ thống đẩy.


Tàu ngầm Type 094 có độ dài khoảng 133m, rộng 13m với tải trọng ngập nước khoảng 9000 tấn và độ lặn sâu tối đa 300m. Type 094 được thiết kế để mang và phóng 16 tên lửa đạn đạo JL-2, tên lửa này có tầm bắn khoảng 8.000 km. Ngoài ra, Tàu ngầm Type 094 có tốc độ cao và hiệu suất gây ồn thấp, giúp nó di chuyển trên biển tự do hơn.


image006Tàu ngầm Type 094 được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2. Ảnh: Tân Hoa Xã


Việc phát triển tàu ngầm Type 094 bắt đầu vào cuối thập niên 1980 đến đầu những năm 1990. Con tàu đầu tiên được đóng vào năm 1999, hạ thủy vào năm 2002-2003 và hoàn thành vào tháng 7/2004. Đến mùa thu năm 2009, loại tàu ngầm này có 2 chiếc được đưa vào biên chế.


Theo kế hoạch, Trung Quốc đã đóng mới 6 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094. Đến tháng 4/2019, 4 chiếc đã được trưng bày trong cuộc diễu hành hải quân ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.


Cuối tháng 4/2020, Hải quân Trung Quốc tiếp nhận thêm và đưa vào hoạt động 2 tàu ngầm Type-094, nhận dịp kỷ niệm 71 thành lập của đơn vị này. Như vậy, cả 6 tàu ngầm Type 094 hiện đều đang phục vụ trong Hạm đội Biển Bắc và Biển Đông của Hải quân Trung Quốc.


image007Hình ảnh mô phỏng tàu ngầm Type 095 tấn công từ dưới nước. Ảnh: QQ


Hiện, Trung Quốc đang tiếp tục phát triển thế hệ tàu ngầm ngầm hạt nhân chiến lược tiếp theo là Type 096. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc, tàu ngầm Type 096 được thiết kế để mang theo 24 SLBM JL-3, với tầm bắn khoảng 10.000 km và quá trình chế tạo có thể bắt đầu vào năm nay (năm 2020). Hoa Vũ (Theo China.com)

21 Tháng Giêng 2023(Xem: 3182)