VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A - THỨ HAI 12 JULY 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
KỶ NIỆM PHÁN QUYẾT PCA 12/7/2016
Tuyên bố báo chí của Mỹ / Toàn văn phán quyết của PCA
Khu trục hạm USS Benfold hành quân áp sát Hoàng Sa
Khu trục hạm USS Benfold của hải quân Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của quân đội Trung Quốc cho biết tàu khu trục Mỹ USS Benfold hôm 11/7/2021 đã tiến vào vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết Biển Đông.
Bộ Tư lệnh này kêu gọi Mỹ ngừng "các hành động gây hấn", cho hay đã triển khai lực lượng "xua đuổi tàu Mỹ". Hải quân Mỹ chưa bình luận về thông tin, cũng như chưa thông báo về chuyến áp sát.
Cách đây 5 năm, PCA ra phán quyết trong vụ kiện do Philippines đệ trình, bác bỏ yêu sách hàng hải trong "đường 9 đoạn" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Trung Quốc không tham gia vụ kiện và bác bỏ phán quyết của PCA.
Kể từ đó đến nay, Trung Quốc liên tục tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông bằng cách bồi đắp, quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo tại khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 11/7/2021 lên tiếng bác yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông và cảnh báo Mỹ sẽ phản ứng nếu Trung Quốc tấn công Philippines ở vùng biển này. "Không nơi nào trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bị đe dọa nghiêm trọng hơn ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn tiếp tục cưỡng ép và hăm dọa các quốc gia ven biển Đông Nam Á, đe dọa tự do hàng hải tại tuyến đường biển toàn cầu quan trọng này", ông nói. (theo VNEXPRESS)
++++++++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM:
Khu trục hạm USS John S. McCain hành quân áp sát Hoàng Sa lần đầu thời Biden
VNEXPRESS 05/2/2021
Khu trục hạm John S. McCain lần đầu di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức.
"USS John S. McCain thực thi quyền tự do hàng hải ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", hải quân Mỹ ra thông cáo cho biết hôm nay. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke này một ngày trước đó cũng tiến hành "di chuyển theo thường lệ qua eo biển Đài Loan theo luật pháp quốc tế", theo thông báo của Hạm đội 7 hải quân Mỹ. Quân đội Trung Quốc sau đó cáo buộc Mỹ "gây căng thẳng" ở eo biển Đài Loan.
USS John S. McCain di chuyển qua eo biển Đài Loan hôm 4/2. Ảnh: US Navy.
Mỹ gần đây điều tàu tới Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên hơn, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.
Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ hồi tháng 12/2020 ra thông cáo cho biết "những yêu sách hàng hải bành trướng và bất hợp pháp tại Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia liên quan".
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.Vũ Anh (Theo Reuters)