VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG - THỨ HAI 01 APRIL 2024
Kinh đào Phù Nam sẽ nối với & Kinh đào Kra?
Lý Kiến Trúc
VĂN HÓA ONLINE
01/4/2024 (tổng hợp)
Sơ đồ Dự án kênh Funan Techo Canal dài 180 km của Vương Quốc Cam Bốt, tổn phí lên tới 1.7 tỷ USD được tài trợ bởi Trung Quốc qua quỹ Sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường dự trù khởi công năm 2024, sẽ hoàn tất và vận hành 4 năm sau (2028). [Nguồn: Mekong River Commission / MRC]. Dự án Kênh Nội địa “Funan Techo Canal” sẽ giúp các cộng đồng cư dân địa phương Cam Bốt cải thiện mạng lưới thủy vận, kích thích phát triển về kinh tế và xã hội trong vùng. Sẽ không có ảnh hưởng đáng kể hay tiêu cực trên lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong (Ngô Thế Vinh). Chấm đỏ trên bản đồ thứ hai là tỉnh Prek Takeo là khởi điểm của con kênh đào Funan Techo dài 180km. (Hình: Đỗ Văn Tùng)
Theo các thông tin ít ỏi mà phía Campuchia công bố, Kinh đào Phù Nam sẽ bắt đầu từ sông Bassac, một chi lưu của sông Mekong, đoạn gần thủ đô Phnom Penh, và đổ ra biển tại tỉnh Kep bên bờ Vịnh Thái Lan. Sông Bassac khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Hậu, đi qua đi qua 7 tỉnh, trong đó có An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.
Ảnh dưới: Mô hình Kinh đào Kra tương lai sẽ phân định ranh giới Thái Lan, Malaysia và Singapore. Nếu Kinh đào Kra (tin hành lang dự án Kra sẽ do Trung Quốc tài trợ) cắt ngang lãnh thổ rất hẹp của Thái Lan (khoảng 50km giáp ranh Malaysia) thì tuyến hàng hải lưu thông từ Ấn Độ Dương băng qua Biển Đông sẽ không cần phải đi qua eo biển Malacca. Singapore sẽ trở nên một quốc đảo “cô đơn”, căn cứ hải quân Changi sẽ không còn hữu ích nhiều. (Đồ họa TTO)
Vị trí an ninh chiến lược của căn cứ Ream thuộc tỉnh Preah Sihanouk tây nam Cam Bốt cách đảo Phú Quốc Việt Nam gần 30km. Ream có khả năng kiểm soát vịnh Thái Lan rộng khoảng 320,000km2. Đảo Phú Quốc (VN) nằm sát căn cứ hải quân Ream chưa đến 30 km. Nơi đây có dấu chân di tích của Nguyên soái Nguyễn Phúc Ánh sau này là Hoàng Đế Gia Long.(lkt)
Tình hình an ninh chiến lược bao gồm ba nước Đông Dương cộng sản Việt-Miên-Lào ngày càng gắn bó chặt chẽ, trong lúc hải quân TQ gần như đã làm chủ căn cứ hải quân Ream, chưa kể đến nguồn cá vẫn còn nguyên sơ ở Vịnh Thái Lan là miếng mồi to lớn của hạm đội tàu cá dân quân Trung Quốc phát xuất từ đảo nhân tạo Chữ Thập. Thế lực hải quân Trung Quốc ở Ream có thể làm đảo lộn chiến lược của Hoa Kỳ ở eo biển Malacca và khu vực phía cực nam Trường Sa trong đó có các lãnh thổ lãnh hải của Singapore, Malaysia và Indonesia. (lkt)
TTO: Báo Bangkok Post của Thái Lan ngày 11/2/2018 viết rằng chính phủ Thái Lan đã cho thấy chính thức bắt đầu xem xét tính khả thi của dự án này.
https://tuoitre.vn/chinh-phu-thai-noi-gi-ve-sieu-kenh-dao-kra-20180212202021519.htm
TTO - Công trình thai nghén hơn 3 thế kỷ của Thái Lan đang nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ các cường quốc, đặc biệt bài toán tài chính có thể được giải quyết bởi “túi tiền không đáy” từ sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.
https://tuoitre.vn/trung-quoc-ra-suc-van-dong-dao-sieu-kenh-kra-xuyen-thai-lan-20180203082425104.htm
TTO - Chính quyền Bắc Kinh đã ngầm chống lưng cho các tổ chức và doanh nghiệp đầu quân ra nước ngoài tham gia nghiên cứu, đầu tư các dự án kênh đào xuyên quốc gia.
https://tuoitre.vn/trung-quoc-ngam-chong-lung-doanh-nghiep-tien-ra-nuoc-ngoai-748875.htm
Ream: “mũi giáo đâm hông” Indo-Pacific?
https://www.nhatbaovanhoa.com/a11310/ream-mui-giao-dam-hong-indo-pacific-
Hai Chiến hạm Trung Quốc lần đầu tiên cập cảng Ream
https://www.nhatbaovanhoa.com/a12112/hai-chien-ham-trung-quoc-lan-dau-tien-cap-cang-ream
REAM - Hải quân Trung Quốc sẽ phong tỏa vịnh Thái Lan?
https://www.nhatbaovanhoa.com/a11280/ream-hai-quan-trung-quoc-se-phong-toa-vinh-thai-lan-
Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận ở Ream; Liên tục tập trận ở đông nam đảo Hải Nam
Ream: Bắc Kinh trấn thủ lưu đồn; Vịnh Thái Lan: Cá ở vùng biển quốc tế; Shangri-La: Mỹ-Việt Ok COC
Campuchia âm thầm cho TQ dùng căn cứ hải quân trong 30 năm?
https://www.nhatbaovanhoa.com/a9310/campuchia-am-tham-cho-tq-dung-can-cu-hai-quan-trong-30-nam
Từ đế chế Phù Nam – Khmer tới con kênh lịch sử Funan Techo của vương quốc Cam Bốt
https://www.voatiengviet.com/a/7313071.html
Vành đai & Con đường hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã thay đổi thế giới như thế nào?
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0kx9ll2x47o
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Kênh Phù Nam Techo: ông Hun Sen muốn Trung Quốc hậu thuẫn, Việt Nam chưa nêu tuyên bố chính thức
Nguồn hình ảnh, BBC, Getty Images. Ông Hun Sen đang tìm kiếm sự hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc liên quan đến dự án kênh đào Phù Nam Techo.
BBC 01/4/2024
Vai trò của Trung Quốc ngày càng rõ nét hơn trong siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, mới nhất là chuyến đi của cựu Thủ tướng Hun Sen đến Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024 (Boao Forum for Asia - BFA) vừa bế mạc tại đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Diễn đàn thường niên châu Á Bác Ngao (BFA) năm nay diễn ra từ ngày 26-29/3/2024, với chủ đề "Châu Á và Thế giới: Thách thức chung, trách nhiệm chung".
Diễn đàn này thường được Bắc Kinh ví von là "Davos của châu Á".
Theo báo Khmer Times ngày 1/4, ông Hun Sen, hiện là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đã "tìm kiếm sự hậu thuẫn quan trọng từ chính phủ Trung Quốc" liên quan đến dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo).
Ông Hun Sen đã đề cập vấn đề này trong cuộc gặp với ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024.
Đáp lời, ông Triệu đã tái khẳng định sự đóng góp của Trung Quốc trong việc thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với Campuchia theo khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và hợp tác "Lục giác Kim Cương" trong sáu lĩnh vực trong yếu gồm chính trị, sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh, trao đổi văn hóa.
Hai nhà lãnh đạo cũng tiếp tục khẳng định mối quan hệ "sắt son" giữa Trung Quốc và Campuchia.
Bên cạnh các cuộc họp song phương, ông Hun Sen cũng có điện đàm với ông Trần Trọng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, theo Khmer Times.
Ông Trần cũng đã thông tin đến ông Hun Sen về diễn tiến của những dự án mà công ty này có tham gia tại Campuchia, bao gồm dự án cao tốc Phnom Penh-Bavet, nghiên cứu khả thi cho cao tốc Phnom Penh-Siem Reap, cao tốc Siem Reap-Poipet, kênh đào Phù Nam Techo, Quốc lộ 50C nối tỉnh Kampong Thom với tỉnh Kampong Chhnang, Đường số 3 nối tỉnh Kampot với Veal Rinh.
Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation) được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào này.
Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc là một thành viên của CCCC.
Campuchia luôn bác bỏ việc vay tiền Trung Quốc để xây kênh đào, mà chỉ đề cập sẽ tiến hành theo cơ chế đối tác công-tư (PPP), không theo khuôn khổ khoản nợ từ đối tác phát triển nào.
Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định siêu dự án Phù Nam Techo sẽ do các đối tác Trung Quốc xây dựng, theo hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
Việt Nam 'cần nghiên cứu độc lập'
Cho đến nay, chưa thấy Chính phủ Việt Nam có động thái rõ ràng nào. Hiện cũng chưa có nghiên cứu độc lập nào được công bố từ các chuyên gia của Việt Nam liên quan đến siêu dự án Phù Nam Techo của người láng giềng Campuchia.
Giáo sư Chung Hoàng Chương, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và đang tham gia cùng với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, nêu quan ngại của ông với BBC News Tiếng Việt vào hôm nay (ngày 1/4), về lượng nước nếu con kênh đi vào hoạt động và lẫn những nghiên cứu độc lập từ các chuyên gia.
Ông nhấn mạnh "không chống dự án này của Campuchia nhưng cần có nghiên cứu độc lập đầy đủ".
Theo ông, cho đến nay, rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, xét về góc độ khoa học.
Theo các thông tin ít ỏi mà phía Campuchia công bố, kênh đào Phù Nam sẽ bắt đầu từ sông Bassac, một chi lưu của sông Mekong, đoạn gần thủ đô Phnom Penh, và đổ ra biển tại tỉnh Kep bên bờ Vịnh Thái Lan.
Bassac đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái tự nhiên của một phần rộng lớn của đồng bằng sông Mekong.
Sông Bassac khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Hậu, đi qua đi qua 7 tỉnh, trong đó có An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.
Giáo sư Chung Hoàng Chương đã đặt ra một loạt câu hỏi liên quan đến dự án lịch sử của Campuchia.
"Câu hỏi của tôi là khi hoàn tất kênh Phù Nam thì bao lâu mới đầy nước để đưa con kênh vào vận hành được. Nước thì phải nhờ đến hai nguồn, một nguồn là từ sông Bassac, nguồn thứ hai là nước mưa."
"Trong 7 tỉnh mà con sông Hậu đi qua thì có bốn tỉnh có những thành phố rất lớn, như Châu Đốc, Long Xuyên (thuộc An Giang), Cần Thơ và Sóc Trăng. Dân số tại đó là trên 5 triệu người, tương đương khoảng 25% dân số của Đồng bằng sông Cửu Long. Liệu nước suy giảm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người dân tại đây?" Giáo sư Chương đặt câu hỏi.
"Một vấn đề khác là phía bên kia bờ của sông Hậu tiếp giáp với sông Tiền. Sông Tiền và sông Hậu nối với nhau bằng sông Vàm Nao thì dự án Phù Nam Techo sẽ làm thay đổi diện mạo của con sông này như thế nào, nhiều nước hay ít nước hơn chảy xuống."
"Ngoài ra khi làm kênh Phù Nam Techo thì họ sẽ làm hai bên bờ là lối đi bằng xi măng, dài 180 km, thì lượng cát dùng cho hai bên bờ kênh rất lớn, theo tính toán riêng của tôi. Câu hỏi của tôi là lượng cát đó sẽ lấy ở đâu, vùng nào, có tác động ra sao? Hiện nay tôi chưa thấy ai làm nghiên cứu về vấn đề đó."
"Bề ngang của kênh đào là gần 100 m, do đó tàu di chuyển có thể lên đến 3.000 tấn, rồi có làn di chuyển, nếu chỉ dùng để di chuyển thì lượng nước có thể không thay đổi. Tuy nhiên, nếu con kênh này còn được dùng cho mục đích tưới tiêu, dẫn thủy nhập điền, thì lượng nước sẽ còn cao hơn. Chúng ta vẫn chưa rõ về mục đích đầy đủ con kênh."
Trước câu hỏi của BBC về việc Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về dự án này hay chưa, Giáo sư Chung Hoàng Chương cho biết ông chưa thấy thông tin nào trong thời điểm hiện tại.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có đối thoại giữa các chuyên gia độc lập từ Việt Nam và cả Campuchia, để nghiên cứu về dự án, đề xuất những thay đổi trước khi tiến hành động thổ.
Getty Images. Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia
- 180 km và 1,7 tỷ USD Độ dài và chi phí ước tính
- Rộng100 m ở thượng nguồn
- Rộng80 m ở hạ nguồn
- Độ sâu5,4 m
- Thời gian xây dựng4 năm
Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)
Giáo sư Chung Hoàng Chương nhấn mạnh đến vai trò của Ủy hội sông Mekong (MRC) trong dự án lịch sử của Campuchia.
Tuy nhiên, cho đến ngày 1/4/2024, MRC chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng họ vẫn chưa nhận được nghiên cứu khả thi hoặc các thông tin cập nhật về siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo từ phía Campuchia, mà theo MRC đánh giá là "rất quan trọng" trong công tác thẩm định.
Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến đi qua bốn tỉnh của Campuchia gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Xét về vị trí địa lý, kênh đào Phù Nam Techo nằm gần Đặc khu kinh tế Sihanoukville của Campuchia, nơi có cảng biển nước sâu nhộn nhịp nhất xứ sở chùa tháp.
Được ví như "Thâm Quyến" của Campuchia, Đặc khu kinh tế Sihanoukville đã được Bắc Kinh đổ vào hàng tỷ đô la theo khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một mỏ neo chính trị quan trọng của Bắc Kinh trong khu vực.
Và không thể không nhắc đến căn cứ hải quân Ream của Campuchia cũng nằm gần vị trí kênh đào Phù Nam Techo.
Thỏa thuận quốc phòng nào giữa Trung Quốc và Campuchia liên quan đến căn cứ này vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Tuy nhiên, căn cứ này đã khiến Mỹ quan ngại về khả năng tàu chiến Trung Quốc có thể neo đậu.
Ngoài ra, đối với Việt Nam, đảo Phú Quốc chỉ cách nằm cách Ream chưa đến 30 km.
Chụp lại video, Siêu dự án Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả về Trung Quốc
++++++++++++++++++++++++++++++
Từ đế chế Phù Nam – Khmer tới con kênh lịch sử Funan Techo của vương quốc Cam Bốt
Ngô Thế Vinh
VOA 17/10/2023
https://www.voatiengviet.com/a/7313071.html
Dự án Funan Techo Canal, sẽ là Con Kênh Lịch Sử của Vương quốc Cam Bốt 2024-2028 kết nối Cảng Phnom Penh ra tới Vịnh Thái Lan (Hình: Screenshot từ YouTube video của Cambodia Events)
Thách thức của con kênh Phù Nam Techo là có thật cho Việt Nam, và mọi người dân Việt cần trầm tĩnh, tập trung năng lượng và chất xám để đối phó, nhằm giới hạn mức tác động thiệt hại của con kênh chiến lược này.
NGÔ THẾ VINH
Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
DẪN NHẬP: Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên (BCE). Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
Đế chế Phù Nam - Khmer
Phù Nam là tên gọi một quốc gia cổ đại đã tồn tại trong vùng Đông Nam Á, từ trước Công nguyên, với di tích cảng Óc Eo nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long [ĐBSCL], nơi trao đổi buôn bán từ Trung Hoa xuống và từ Địa Trung Hải qua. Nguyên là một vương quốc hùng mạnh bao gồm cả vùng đất phía nam Việt Nam sang tới Thái Lan và bán đảo Mã Lai. Vương Quốc này chỉ tồn tại tới thế kỷ thứ VII, sau đó bị Chân Lạp thôn tính.
Nhưng rồi Chân Lạp bị phân hóa thành Thủy Chân Lạp phía nam và Lục Chân Lạp phía bắc luôn luôn bị đội quân hải đảo Java xâm lăng. Tới thế kỷ thứ IX, vua Jayavarman II kết hợp được dân chúng nổi dậy giành lại được độc lập từ Java, và Chân Lạp trở thành Đế quốc Khmer hùng cường. Tới thế kỷ XII, vua Jayavarma VII, sau khi đánh thắng quân Champa đã khai sinh ra triều đại huy hoàng nhất của Đế quốc Khmer với Angkor Wat là một kỳ quan kiến trúc của thế giới. Khi Jayavarman chết, cũng là ngày suy tàn của Đế quốc Angkor Khmer, và sau đó chỉ còn một đất nước Cam Bốt thăng trầm cho tới ngày nay.
*
Trái: Sơ đồ Vương quốc Phù Nam vào khoảng thế kỷ thứ III (nguồn: L. Joo at en.wikipedia.org); phải: Sơ đồ Vương quốc Khmer với diện tích bao trùm nam Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và bán đảo Mã Lai, và rồi tiêu vong vào thế kỷ thứ XV (nguồn: Lozère at French Wikipedia)
Ý nghĩa danh xưng "Phù Nam - Khmer"
Đế quốc Phù Nam và đế quốc Khmer là hai thời kỳ lịch sử riêng biệt, nhưng có mẫu số chung là hai nền văn minh cổ xưa ấy đã để lại trên cùng dải đất những di tích về các công trình thủy lợi. Người Phù Nam, từ thế kỷ thứ V họ đã biết đào kênh, tạo nên mạng lưới giao thông kết nối các thị trấn Angkor Borei (Nam Phnom Penh), Óc Eo (núi Sập, núi Ba Thê - Long Xuyên), và Thị Trấn Trăm Đường (Đông Nam Kiên Giang) (6)
Tới cuối thế kỷ 20, sau thời kỳ Khmer Đỏ đầy tang tóc, đất nước Cam Bốt đã xuất hiện một “con người của thời cuộc”: Đó là Hun Sen, có gốc là Khmer Đỏ ly khai, theo Việt Nam và có một giai đoạn bị đánh giá rất sai lầm là “bù nhìn của Hà Nội”. Nhưng không, với thời gian Hun Sen đã chứng tỏ là một chính khách bản lãnh và đầy tham vọng, đã đưa đất nước Cam Bốt ra khỏi quỹ đạo Việt Nam. Hun Sen được kể là vị Thủ Tướng trị vì đất nước Cam Bốt với bàn tay sắt, và đã tại vị lâu năm nhất trong lịch sử Cam Bốt và của cả thế giới hiện tại [gần 4 thập niên từ 1985 tới 2013]. Và nay thì con trai ông là Tướng Hun Manet tiếp nối cha đảm nhận chức Thủ Tướng Cam Bốt từ tháng 7/2023. Nhưng trên thực tế, Hun Sen vẫn có quyền lực bao trùm của một Thái Thượng Hoàng.
Và không phải là tình cờ khi ông Hun Sen đã chọn tên Phù Nam, gắn liền với Techo là một phần danh hiệu rất dài của ông: Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen / có nghĩa tổng quát là Ngài Thủ Tướng Samdech Hun Sen kiêm Tư lệnh Quân đội Tối cao.
Chỉ riêng chữ Techo được chính ông Hun Sen giải nghĩa: “Ai vinh dự mang tên ấy có sứ mệnh đánh đuổi quân xâm lăng đất nước Cam Bốt” [Who carry the honorific Techo are destined to fight off the invaders of Cambodia (The Cambodia Daily 4/2/2010)]. Với người dân Cam Bốt thì họ hiểu rằng, quân xâm lăng ấy không ai khác hơn là từ hai nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan.
Funan Techo Canal sẽ như một di sản mà Samdech Techo Hun Sen muốn để lại cho đất nước Cam Bốt. Nó sẽ có ý nghĩa hơn một tượng đài, luôn luôn gợi nhớ về một quá khứ hào hùng của dân tộc Khmer và cũng gián tiếp gửi một thông điệp cho Việt Nam rằng có một thời kỳ vùng châu thổ ĐBSCL trong lịch sử đã là phần lãnh thổ của Đế Chế Angkor Khmer.
Sơ đồ Dự án kênh Funan Techo Canal dài 180 km của Vương Quốc Cam Bốt, tổn phí lên tới 1.7 tỷ USD được tài trợ bởi Trung Quốc qua quỹ Sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường dự trù khởi công năm 2024, sẽ hoàn tất và vận hành 4 năm sau (2028). [Nguồn: Mekong River Commission / MRC]
Thông số kỹ thuật kênh đào Funan Techo
Chính phủ Hoàng Gia Cambodia, thông qua Bộ Công chánh và Vận tải [Public Work and Transport / MPWT] đã gửi một Thông Báo ký ngày 8 tháng 8 năm 2023 tới Tiến sĩ Anoulak CEO Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong về một Dự án Kênh đào nội địa “Funan Techo Canal” (1) với các chi tiết kỹ thuật như sau:
Tên Dự án: Kênh Đào Nội địa “Funan Techo Canal”
Vị Trí của Dự án, gồm hai phần:
* Phần I: khởi điểm từ dòng chảy thiên nhiên Prek Takeo thuộc huyện Kien Svay và được nối với dòng chảy thiên nhiên Prek Ta Ek thuộc huyện Saang, tỉnh Kandal.
* Phần II: khởi điểm từ dòng chảy thiên nhiên Prek Ta Hing, huyện Kothom, tỉnh Kandal và nối dòng chảy thiên nhiên Prek Takeo thuộc hai tỉnh Kapot và Kep.
Đề xuất Sử dụng: Trên phụ lưu của con sông Mekong trong phần I. Trên phụ lưu của con sông Bassac trong phần II.
Mục đích của Dự án: Kênh Nội địa cho mục đích vận tải và giao thông đường thủy.
Dự trù triển khai:
* Khởi công 2024
* Hoàn tất xây dựng 2027
* Bắt đầu vận hành 2028
Mô tả Dự án
* Dẫn nhập: nhằm phục hồi dự án đường thủy “Funan Techo Canal” đã được xây dựng và vận hành từ Triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên (BCE). Công trình này nhằm phục hồi và cải thiện giao thông đường thủy trong nội địa. Con kênh này có chiều dài khoảng 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án phục hồi thủy vận là kết nối lại với lịch sử và cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng những quyền hạn và lợi ích chính đáng. [… in line of principles of the foreign equality and respect for rights and legitimate interests.]
* Những Yếu Tố Kỹ Thuật chính:
Trọng tải: 1.000 tấn (DWT / tons deadweight)
Chiều dài: 180 km
Độ sâu và độ rộng: 4,7m x 50m
Độ thông cầu: 16m x 53m (Bridge Navigation Clearance)
Mẫu tàu: 60m x 12m x 3,6m (Length x Width x Full Draft)
* Công trình âu tàu (Lock Works):
Kích thước âu tàu: 135m x 18m x 5,8m (Dài x Rộng x Sâu)
Công suất: 7,04 triệu tấn / năm (mỗi âu tàu)
Số âu tàu: 3
Lượng nước xả tối đa: 3,6m3/ giây
Đào đất và lấp
Xây dựng các âu tàu
Xây cửa âu tàu
Xây các cơ sở hỗ trợ công trình
Mạng lưới điện cho âu tàu
Hệ thống liên lạc cho âu tàu
Hệ thống điều khiển tự động cho các âu tàu
Hệ thống phòng hỏa cho các âu tàu
* Công trình Kênh thủy vận
Đáy rộng 2 chiều 50m
Độ sâu 4,7m
Bán kính cong tối thiểu 300m (Minimum Radius of the Canal)
Bờ nghiêng con kênh: 1:3 ~ 1:5
* Số cầu: 11
Chiều dài cầu chính 161m
Cầu vượt 520m (Length for Approach)
Lượng Giá Ảnh hưởng Môi trường/ EIA:
a. Ảnh hưởng về lượng nước trên hệ thống sông:
Do có 3 âu tàu trên kênh, nên lượng nước được kiểm soát hiệu quả. Lượng nước xả tối đa cho một âu tàu là 3,6 m3/ giây (trung bình mỗi ngày), con số đó không đáng kể so với dòng chảy của hệ thống sông Mekong. Và như vậy sẽ không có ảnh hưởng đáng kể nào trên lượng nước sông Mekong. [sic]
b. Ảnh hưởng tích cực của dự án:
Cải thiện giao thông và vận tải bằng đường thủy cho các cộng đồng cư dân phía nam Cam Bốt.
Giảm thiểu lũ lụt ở một số vùng như các tỉnh Kandal và Takeo.
Tạo thêm môi trường sống bền vững cho cá, các loài động vật dưới nước, các loại chim muông và rong tảo.
Bảo đảm an toàn lương thực cho cư dân địa phương bằng phát triển ngư nghiệp.
Gia tăng tiềm năng du lịch do cải thiện hệ thống giao thông.
c. Ảnh hưởng tiêu cực của dự án:
Ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong giai đoạn xây cất.
Vấn đề nước, đường sá và bảo vệ đất đai trong giai đoạn xây cất với rác thải.
d. Giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án:
Xây dựng 3 âu tàu nhằm kiểm soát được lưu lượng dòng chảy của con kênh, kiểm soát được dòng chảy tràn / outflow của con sông Bassac qua con kênh đổ ra biển và chống lại nạn nhiễm mặn xâm nhập từ biển.
Bảo vệ môi trường với các biện pháp kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo tồn cây xanh, giảm thiểu xói mòn và giảm thiểu ô nhiễm trong giai đoạn xây dựng và cả thời gian vận hành.
Những Kết Luận
Dự án Kênh Nội địa “Funan Techo Canal” sẽ giúp các cộng đồng cư dân địa phương Cam Bốt cải thiện mạng lưới thủy vận, kích thích phát triển về kinh tế và xã hội trong vùng. Sẽ không có ảnh hưởng đáng kể hay tiêu cực trên lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. Ba âu tàu, có khả năng điều hợp hữu hiệu dòng chảy của con kênh; cũng như ảnh hưởng trên môi trường và xã hội tối thiểu trong thời gian xây dựng và vận hành con kênh về sau này.(1) [Hết trích dẫn]
Trong bức thư của Chính Phủ Hoàng Gia Cam Bốt gửi MRC có nhắc tới Điều Khoản 1 & 2 và Điều khoản 4.3.2 của Quy trình PNPCA của Hiệp Định Sông Mekong 1995, vậy các điều khoản đó là gì?
Điều Khoản 1 & 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995
Về Mục tiêu và Nguyên tắc Hợp tác
Điều 1. Các lãnh vực hợp tác: Hợp tác trong tất cả các lãnh vực phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực Mekong, bao gồm các lãnh vực chính sau: tưới, thủy điện, giao thông đường thủy, kiểm soát lũ, thủy sản, thả bè, giải trí và du lịch để đạt được mức tối ưu trong sử dụng đa mục tiêu và cùng có lợi cho tất cả các quốc gia ven sông và giảm tới mức thấp nhất các ảnh hưởng có hại gây ra bởi các hiện tượng tự nhiên và các hoạt động của con người.
Điều 2. Các dự án, các chương trình và lập quy hoạch. Thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác và điều hợp trong việc phát triển mọi tiềm năng vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong Lưu vực sông Mekong, chú trọng và ưu tiên các dự án phát triển chung có quy mô lưu vực và các chương trình lưu vực thông qua lập quy hoạch phát triển lưu vực nhằm xác định, phân loại và lập hạng ưu tiên cho các dự án, và các chương trình hỗ trợ và thực hiện ở cấp lưu vực.
Điều Khoản 4.3.2 của Quy Trình PNPCA
Cho dù theo Hiệp Định Sông Mekong 1995, không một quốc gia nào có quyền phủ quyết / veto power nhưng các dự án sông Mekong vẫn phải trải qua 3 giai đoạn tham vấn viết tắt là PNPCA bao gồm:
Giai đoạn I Thủ Tục Thông Báo [PN / Procedures for Notification]: Ủy Hội Sông Mekong sẽ được chính phủ liên hệ thông báo chính thức về dự án.
Giai đoạn II Tham Vấn Trước [PC / Prior Consultation]: với khoảng thời gian 6 tháng, nhưng nếu các nước thành viên chưa đạt được sự đồng thuận thì khung thời gian này có thể được gia hạn.
Giai đoạn III Chuẩn Thuận [A / Agreement], dự án sẽ khởi công khi đạt được sự chuẩn thuận của các nước thành viên.
Phân tích về Bản Thông Báo Thiếu Sót với nhiều ẩn số
Điều Được Nói Ra
Trong Thông Báo gửi MRC, khi nói về mục đích của Dự án chỉ vỏn vẹn có một câu: “Con kênh nội địa có mục đích vận tải và giao thông đường thủy”, với lợi ích rất rõ ràng:
Chặng đường sông nếu phải qua ngả Việt Nam khoảng 433 km, nay với con kênh Phù Nam Techo khoảng cách chỉ còn 237 km, rút ngắn được 196 km, như vậy sẽ giảm thiểu thời gian di chuyển và bớt nhiên liệu tiêu thụ, – cũng có nghĩa là giảm đáng kể chi phí vận chuyển và quan trọng hơn nữa là tạo được một trục / hub giao thương mới mà không cần phải đi qua khúc sông Mekong của Việt Nam. Tất cả nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư, giảm thiểu chậm trễ và giảm chi phí về tiếp vận.
Dự án này đã được một đại Công ty Trung Quốc China Communications Construction Company / CCCC thực hiện cuộc nghiên cứu về tính khả thi và sẽ được Chương trình Belt and Road Initiative / BRI tài trợ 1,7 tỷ USD.
[ Tưởng cũng nên có thêm ít dòng về công ty CCCC đầy tai tiếng này, có liên hệ với Chiến lược “Một Vành Đai Một Con Đường” đã từng bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì có tệ trạng tham nhũng, lũng đoạn tài chánh, tàn phá môi trường và những lạm dụng khác trên khắp thế giới. Và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không được phép sử dụng công ty này và các công ty quốc doanh khác như thứ vũ khí bành trướng. _ Silk Road Briefing, Aug 27, 2020]
Chúng ta hãy nghe John Yip Weiyan, Giám đốc Đầu tư Quỹ Một Vành Đai Một Con Đường [The Belt and Road Initiative] của Trung Quốc nhận định: “Dự án hạ tầng Funan Techo Canal sẽ là một game-changer/ một nhân tố thay đổi hệ thống hậu cần/ logistics và sẽ ảnh hưởng tới sự phân phối các thùng hàng/ containers của Cam Bốt từ cảng biển sâu Sihanoukville và cảng Phnom Penh. Sẽ có nhiều thùng hàng hóa được vận chuyển tới các cảng địa phương theo con kênh đào này sau khi hoàn tất. Sử dụng con kênh đào cũng có tác dụng kích thích phát triển thêm những cảng quốc tế khác như dự án cảng quốc tế đa năng Kampot / Multi-Purpose Logistics and Port Centre, tạo thêm một hành lang vận chuyển cho thủ đô Phnom Penh.” (2)
Những Điều Không Được Nói Ra
Nhưng trong thực tế Funan Techo sẽ là một con Kênh Đào Đa Năng / Multipurpose, với rất nhiều mục đích khác mà chính phủ Hoàng gia Cam Bốt đã không nói ra, chúng ta có thể kể:
Con kênh nước ngọt ấy lấy nước từ con sông Mekong và con sông Bassac chảy qua 4 tỉnh, với 1,6 triệu dân sống hai bên kênh, khi có được nguồn nước vô giá, con kênh không những giúp cho việc tiêu tưới mở rộng diện tích canh tác / agriculture mà còn tạo những hồ nước nuôi trồng thủy sản / aquaculture, bảo đảm lương thực và cải thiện đời sống các cộng đồng cư dân trong vùng.
Trong các cuộc bàn thảo của Diễn đàn Vận Tải và Hậu Cần 2023 (Transport and Logistics Forum 2023), người ta còn bàn tới sự gia tăng giá trị đất đai và bất động sản ven con kênh, khi có thêm được những cảng phụ / subordinate ports, tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời với phát triển các khu gia cư cùng với nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt.
Như vậy, với con kênh đào 180 km chiều dài ấy đâu có phải chỉ cần có 80 triệu m3 nước và một lượng nước xả từ mỗi âu tàu (ship-lock) là 3,6 m3 / giây (trung bình mỗi ngày) để mà kết luận rằng: con số đó là không đáng kể so với lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. (1)
Hình chụp cắt từ Google Maps, và chấm đỏ nơi tỉnh Prek Takeo trên bản đồ là khởi điểm của con kênh đào Funan Techo dài 180km. (Hình: Đỗ Văn Tùng)
Với tình huống bất định đó, Kỹ sư Thủy học Đỗ Văn Tùng, P.Eng. rất giàu kinh nghiệm và từng là kỹ sư tham vấn cho nhiều công ty Mỹ và Canada, cho rằng: “Nếu con kênh này bắt đầu từ Prek Takeo (chấm đỏ ở bản đồ đính kèm) nối dòng chính sông Mekong và sẽ gặp sông Bassac ở hạ lưu. Sau khi hoàn thành, con kênh dài 180 km này sẽ cần khoảng 80 triệu mét khối nước để thông thương. Sau đó lưu lượng dòng chảy trong kênh sẽ tùy thuộc vào chênh lệch cao độ giữa đầu và cuối con kênh, cùng với ảnh hưởng của thủy triều. Lưu lượng nước này sẽ lấy từ sông Mekong và Bassac. Ảnh hưởng như thế nào ở mỗi mùa đối với Biển Hồ Tonle Sap và ĐBSCL vẫn chưa rõ. Cần phải có một mô hình điện toán về thủy lực [Hydraulic modeling] mới tính được chính xác. Nhưng có một điều chắc chắn là trong mùa khô nước ở ĐBSCL sẽ ít hơn làm vấn đề nhiễm mặn trầm trọng hơn”.
Kỹ sư Phạm Phan Long, P.E. Giám đốc điều hành Việt Ecology Foundation, nhận định rằng: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM (TbEIA/ Transboundary Environmental Impact Assessment, Technical Review Report) của con kênh đào Funan Techo vô cùng quan trọng và là trách nhiệm của Cam Bốt, Việt Nam không thể đánh giá dự án này dựa trên một bản Thông Báo / Prior Notification rất sơ lược (1) mà không có những chi tiết thiết kế và các thông số về quy trình vận hành.” KS Phạm Phan Long cũng nói tới mối quan tâm xa hơn là khi đã có con kênh nước ngọt này rồi, Cam Bốt có thể đơn phương bơm nước từ 180km con kênh này để tưới cho khắp vùng châu thổ 4 tỉnh từ Takeo xuống tới Kep trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan, và như vậy thì lưu lượng nước lấy từ con sông Mekong và con sông phụ lưu Bassac không phải chỉ 113 triệu mét khối mỗi năm mà sẽ nhiều lần lớn hơn và Việt Nam ở cuối nguồn không thể nào lường trước được. [hết trích dẫn] (5)
Từ Kênh Vĩnh Tế tới Kênh Funan Techo
Năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu được lệnh vua Gia Long đào một con kênh lớn chạy thẳng từ Châu Đốc xuống đến Kiên Giang, nhập vào sông Giang Thành ra tới Hà Tiên đổ vào Vịnh Thái Lan. Kênh Vĩnh Tế bắt đầu từ tả ngạn sông Hậu (tên Bassac bên phía Cam Bốt), dọc theo đường biên giới, dài 90 km, rộng 30 m, sâu 2,5 m; với nguồn nước từ sông Hậu đổ vào. Con kênh Vĩnh Tế ở giai đoạn thời kỳ Nam Tiến chủ yếu là một con hào chiến lược có giá trị quốc phòng hơn là giá trị kinh tế. Tuy lấy nước từ sông Hậu, nhưng theo TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Giám Đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí Hậu (DRAGON Institute], Phó Giáo sư Khoa Tài Nguyên và Môi Trường Đại Học Cần Thơ viết: “Kinh Vĩnh Tế nối từ sông Hậu ở Châu Đốc đến sông Giang Thành thuộc Hà Tiên. Lưu lượng chảy ra Biển Đông gần như không đáng kể vì độ dốc ngược, biên độ thủy triều ở Vịnh Thái Lan rất thấp nên không tạo ra độ chênh mực nước lớn. Con kinh này ngày xưa vua nhà Nguyễn cho đào với mục tiêu chính là bảo vệ phần đất Việt Nam với Cam Bốt và một phần giao thông đường thủy chứ không có mục tiêu thoát nước.”
Đến với con Kênh Vĩnh Tế cũng là đến với một chặng đường lịch sử trải dài ngót 200 năm với nhiều máu, mồ hôi và nước mắt. Vĩnh Tế đã để lại một vết hằn thù hận trong tâm khảm người Cam Bốt.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, với một ĐBSCL đang thiếu nước canh tác, tình trạng ngập mặn ngày thêm trầm trọng do ảnh hưởng chuỗi đập thủy điện dòng chính thượng nguồn từ Trung Quốc [11 đập] xuống tới Lào [9 đập] và cả vô số những con đập phụ lưu trong khắp lưu vực, chưa kể những bước phát triển sai lầm tự hủy của chính Việt Nam nơi ĐBSCL. Nay lại sắp có thêm con kênh Phù Nam Techo của Cam Bốt chắc chắn không thể không gây mối quan tâm cho nhiều người Việt Nam, mà nạn nhân trực tiếp không ai khác hơn là 20 triệu cư dân nghèo khổ nơi ĐBSCL bấy lâu không được quyền có tiếng nói. Nếu chỉ về kích thước với chiều dài, bề rộng và độ sâu thì con kênh Vĩnh Tế nhỏ hơn con Kênh Phù Nam Techo rất nhiều, còn về cấu trúc cho tới phương thức vận hành tự động hóa thì đây sẽ là một thủy lộ không những rất lớn mà còn rất hiện đại.
Tinh thần Sông Mekong Một Mẫu Số Chung
Tiếp sau bản Thông Báo của Vương quốc Cam Bốt gửi Ủy Hội Sông Mekong ký ngày 8/8/2023, trong hơn hai tháng qua, là một cuộc tranh luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn trong nước và hải ngoại, kể cả sự giận dữ trước tình cảnh rất bị động của Việt Nam như hiện nay.
Nếu nói Sông Mekong là sợi chỉ đỏ nối kết các quốc gia trong lưu vực nhưng thực tế thì ngược lại. Mekong đang trở thành một con sông chia rẽ do những tranh chấp quyền lợi riêng tư của mỗi quốc gia trong vùng. Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, với một Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam vô hiệu và bất lực, hơn bao giờ hết đây là lúc Việt Nam phải có ngay một Toán Đặc Nhiệm / Task Force Sông Mekong – điều lẽ ra phải làm từ lâu, nhằm đề ra được một chiến lược lâu dài có khả năng đối phó với mọi tình huống.
Điều trước tiên về phía người Việt, hãy quên đi thứ Văn hóa Chiến tranh [Culture of War], một cuộc “chiến tranh vì nước”, và ngay từ bây giờ, từ giới lãnh đạo cho tới người dân cần hành động bằng một đầu óc tỉnh táo, thay vì nhiều giận dữ như hiện nay. Vị thế Việt Nam và Cam Bốt năm 2023 đã khác xa với 40 năm trước. Việt Nam không thể hành xử như một “Tiểu Bá” – chữ của Bắc Kinh gán cho Việt Nam.
Với Dự án Kênh Funan Techo 2024-2028, hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Cam Bốt, cộng thêm với quyết tâm của vị vua thời hiện đại là Samdech Techo Hun Sen, với hậu thuẫn toàn diện của Bắc Kinh nằm trong Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường, Việt Nam đã không có một thế đối trọng để ngăn cản, hay cấm đoán Cam Bốt thực hiện dự án này. Nói vậy, không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn bó tay mà thực ra có rất nhiều việc phải làm để đối phó ngay với Dự Án Funan Techo và giới hạn mức độ tổn thất.
1. Lập ngay một Toán Đặc Nhiệm “Funan Techo” có quyền hạn mà trụ sở đầu não là Khoa Tài Nguyên Môi Trường của Đại Học Cần Thơ, với Ủy Ban Sông Mekong phải là một thành viên trong đó.
2. Tòa Đại Sứ và Lãnh Sự Việt Nam ở Nam Vang phải có ngay các “tùy viên môi sinh” – như một dạng tình báo môi sinh, trực tiếp theo dõi tại thực địa từng bước diễn tiến của dự án này.
3. Một khoản đầu tư xứng đáng để thuê toán chuyên gia quốc tế thực hiện một cuộc khảo sát đánh giá một cách khoa học và khách quan với cả một mô hình thủy học / Hydraulic Modeling là không thể thiếu.
KS Thuỷ Học Đỗ Văn Tùng, Canada có 3 góp ý thêm về phần 3.
a. Nếu chưa có một mô hình thuỷ học mới, Việt Nam - Cam Bốt có thể ứng dụng mô hình MIKE 11 để tính toán ảnh hưởng của dự án kênh đào Phù Nam Techo, với ưu điểm là nó đã có sẵn, tương đối phổ biến trong Uỷ Hội Sông Mekong MRC, nhiều người đã quen sử dụng nên dễ trao đổi thảo luận với nhau hơn.
b. Quan trọng hơn nữa là cần có một quy chế rõ ràng giữa Cam Bốt và Việt Nam về việc chia sẻ số liệu, nhất là về lưu lượng nước sông Mekong và Bassac chảy vào con kênh Phù Nam Techo. Những số liệu này sẽ được dùng thường xuyên trong mô hình MIKE 11 để (i) đánh giá độ tin cậy của số liệu, và (ii) tính toán ảnh hưởng và thiệt hại ở ĐBSCL.
c. Cam Bốt và Việt Nam nên có một tầm nhìn xa hơn, nhắm tới mục tiêu có một thoả ước về việc tính toán và đền bù ra sao nếu như phía Cam Bốt lấy qúa nhiều nước gây thiệt hại kinh tế và môi trường nơi ĐBSCL. Nếu thoả ước này thực hiện được thì nó sẽ là một hướng đi tốt có thể áp dụng cho toàn Lưu vực sông Lancang Mekong.
4. Ở một mức cao hơn nữa, giữa hai chính phủ, Việt Nam phải tận dụng “Quyền Lực Mềm / Soft Power” qua ngả chính trị ngoại giao bằng sự thuyết phục, và cả chứng tỏ sự thành tâm hợp tác nhắm tới những phúc lợi cho cả hai bên, cùng với một nỗ lực “giải một lời nguyền” xóa dần mối thù hận có tính cách lịch sử giữa hai dân Việt - Khmer trong quá khứ.
Và như vậy không phải chỉ có hô hoán những khẩu hiệu kích động thêm sự hận thù như “Hun Sen kẻ phản bội” – người đã từng tốt nghiệp trường Đảng Hồ Chí Minh, hay bi đát hơn là lời than vãn “Kênh đào Phù Nam là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài ĐBSCL”.
Thách thức của con kênh Phù Nam Techo là có thật cho Việt Nam, và mọi người dân Việt cần trầm tĩnh, tập trung năng lượng và chất xám để đối phó, nhằm giới hạn mức tác động thiệt hại của con kênh chiến lược này. Nếu vô tình gây thêm thù hận và chia rẽ giữa hai nước Cam Bốt và Việt Nam là trúng sách lược “chia để trị” của Trung Quốc.
Tương lai Việt Nam không cần thêm một cuộc chiến tranh vùng, mà đang cần tới một giới lãnh đạo có trí tuệ, có một tầm nhìn lịch sử để không đẩy cả dân tộc vào một chặng đường tứ diện thọ địch bi đát như hiện nay.
Tham khảo
1/ Notification of The Inland Waterway Project “Funan Techo Canal”. Kingdom of Cambodia. Cambodia National Mekong Committee. Date of Submission 08 Aug 2023
2/ Funan Techo Canal – Opening Cambodia to the World
KhmerTimes, May 31, 2023 https://www.khmertimeskh.com/501298529/funan-techo-canal-opening-cambodia-up-to-the-world/
3/ Funan Techo Canal Approved to Link Bassac and Kep. B2B Cambodia 23/05/23 https://www.b2b-cambodia.com/news/funan-techo-canal-approved-to-link-bassac-and-kep/
4/ Study on Bassac River-Kep sea waterway link finished. Hom Phanet, Phnom Penh Post 24/04/2022.
https://www.phnompenhpost.com/business/study-bassac-river-kep-sea-waterway-link-finished
5/ Đại Vận Hà Phù Nam của Cam Bốt, trước âm mưu thâm độc của Bắc Kinh. Phạm Phan Long, P.E. Viet Ecology Foundation, October 09, 2023
6/ Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. Ngô Thế Vinh, Nhà xuất bản Văn Nghệ, California 2000.
Vành đai & Con đường hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã thay đổi thế giới như thế nào?
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0kx9ll2x47o
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba đang diễn ra tại Bắc Kinh
- Tác giả, Sylvia Chang
- Vai trò, BBC Tiếng Trung
- 17 tháng 10 2023
Các nhà lãnh đạo thế giới và đại diện của 130 quốc gia đang tới Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thiết lập hai tuyến thương mại mới nối nước này với phần còn lại của thế giới.
Các thủ tướng và tổng thống - bao gồm Vladimir Putin của Nga - đang tập trung tại Bắc Kinh để kỷ niệm sự kiện này, từ 17-18/10/2023.
Số lượng lớn các quốc gia tham dự là dấu hiệu cho thấy tác động lớn mà sáng kiến trị giá hàng nghìn tỷ USD này đã mang lại trên toàn cầu - và mức độ sở hữu của nhà nước và các công ty Trung Quốc ở nước ngoài.
Trong thập kỷ qua, 150 quốc gia chiếm 3/4 dân số thế giới đã tham gia sáng kiến này. Tuy nhiên, nó đã phải đối mặt với cả thành công lẫn thất bại.
Getty Images. Một nóm thanh thiếu niên ở thủ đô Colombo của Sri Lanka năm 2018. Phía sau họ là những tòa nhà chọc trời xây bằng vốn vay Trung Quốc
Tại sao Trung Quốc tạo ra Vành đai và Con đường
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc thiết lập BRI chủ yếu để giải quyết các thách thức, chẳng hạn như sản xuất thừa và chi phí lao động tăng cao trong nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của nước này.
Giáo sư Lawrence C Reardon từ Khoa Khoa học Chính trị, Đại học New Hampshire ở Mỹ cho biết sáng kiến này được tài trợ từ nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, được tích lũy từ những năm 1980 khi nước này áp dụng cách phát triển tập trung hơn vào bên ngoài.
Các công ty xây dựng Trung Quốc, đối mặt với nhu cầu nội địa giảm sút, đã tìm kiếm các dự án mới ở nước ngoài.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng thị trường cho hàng hóa Trung Quốc và tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của đất nước.
Getty Images. Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ trao giải tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai ở Bắc Kinh năm 2019
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã hợp tác, tìm kiếm tiền từ các khoản đầu tư của quỹ xuất khẩu Trung Quốc. Cùng nhau, họ đã phê duyệt nhiều dự án khác nhau ở các nước kém phát triển tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.
Các dự án toàn cầu đã được lựa chọn như thế nào?
Trong hơn mười năm, Vành đai và Con đường đã mở rộng trọng tâm từ cơ sở hạ tầng sang công nghệ kỹ thuật số, an ninh và phát triển bền vững.
Getty Images. Ảnh hưởng của sáng kiến này còn mở rộng đến Đường cao tốc Karakoram, con đường trải nhựa cao nhất thế giới nối Trung Quốc và Pakistan ở độ cao 4.693 mét.
Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc đã đầu tư vào hơn 3.000 dự án như một phần của BRI.
Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho biết 15 quốc gia nhận sẽ được vốn là Indonesia, Pakistan, Singapore, Nga, Ả Rập Saudi, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bangladesh, Peru, Lào, Ý, Nigeria, Iraq, Argentina và Chile).
Tầm ảnh hưởng của nó trải rộng khắp thế giới và Kenya hy vọng sẽ nhận được tài trợ tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
Reuters. Kenya hy vọng tìm được sự ủng hộ để xây dựng tuyến SGR tới biên giới Uganda tại Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường ở Trung Quốc
Trung Quốc tuyên bố rằng việc lựa chọn dự án dựa trên nhu cầu kinh tế, nhưng các nhà phê bình cho rằng nó nhằm mục đích tạo ra một mô hình kiểm soát toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Jeremy Chan, một chuyên gia về Đông Á tại Eurasia Group, cho biết: “Các cân nhắc về địa chính trị và ngoại giao ít nhất cũng quan trọng như các vấn đề kinh tế trong việc xác định cách thức và địa điểm Trung Quốc phân bổ nguồn tài trợ BRI của mình”.
Getty Images. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã thúc đẩy thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc, như được thấy ở đây tại một bãi container ở cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông
Chan nói, Ý là quốc gia duy nhất trong số 15 quốc gia nhận ít bỏ phiếu ủng hộ Trung Quốc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hơn hầu hết các quốc gia khác. Ý gần đây cho biết họ sẽ rút khỏi BRI.
Dữ liệu AEI cho thấy nguồn tài trợ của BRI chủ yếu chảy vào các quốc gia nơi Bắc Kinh có động lực chiến lược mạnh mẽ để làm sâu sắc thêm mối quan hệ, chẳng hạn như Indonesia và Pakistan.
Getty Images. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã tài trợ cho tuyến đường sắt cao tốc giữa Indonesia và Trung Quốc
Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - hai quốc gia vùng Vịnh giàu có - nằm trong số bảy quốc gia nhận tài trợ lớn nhất từ Vành đai và Con đường.
Các quốc gia sản xuất dầu này cung cấp cho Bắc Kinh một công cụ chiến lược để chống lại những rủi ro tiềm ẩn do chính sách phương Tây gây ra, chẳng hạn như các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Những dự án hiệu quả?
Một số dự án BRI đã thực sự hiệu quả. Lý do rất đơn giản: nhiều quốc gia cần cơ sở hạ tầng tốt hơn, bao gồm cả đường bộ và đường sắt.
Tại Indonesia, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên - mang tên Whoosh - vừa được khai trương. Các chuyến tàu kết nối thủ đô Jakarta với Bandung, một địa điểm du lịch nổi tiếng. Nó giúp giảm thời gian di chuyển từ ba giờ xuống chỉ còn 40 phút bằng cách chạy với tốc độ 350km/h.
Getty Images. Dịch vụ Whoosh của Indonesia giảm hàng giờ đồng hồ di chuyển giữa thủ đô và các điểm du lịch.
Trong khi một số người cho rằng Whoosh là không cần thiết vì hiện đã có đường thu phí và tàu hỏa giá cả phải chăng hơn để đưa bạn đến đó, thì "nhiều người [ở Indonesia] đánh giá cao các dự án BRI nói chung", Tauhid Ahmad, nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu INDEF của Indonesia, cho biết.
Tại Lào, tuyến đường sắt nối thủ đô Viêng Chăn với Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc được khai trương vào năm 2021. Tuyến đường sắt này đã giúp giảm thời gian di chuyển từ Viêng Chăn đến biên giới Trung Quốc-Lào xuống chỉ còn ba giờ, giúp hành khách đến Côn Minh trong vòng một ngày.
Getty Images. Hành khách chờ lên tàu tại ga đường sắt cao tốc Viêng Chăn
BAR cũng có những thành công đáng chú ý khác, chẳng hạn như cảng Piraeus ở Hy Lạp, nơi thường được mệnh danh là "Đầu rồng" của Châu Âu.
Một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 60% cảng và có thể xử lý khối lượng lớn container từ tàu.
Getty Images / UCG. Phần lớn cảng Piraeus do công ty Trung Quốc điều hành vì Sáng kiến Vành đai và Con đường
Những dự án thất bại?
Vành đai và Con đường có những thất bại đáng lưu ý.
June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, cho biết sáng kiến này bị quy hoạch kém, với "các khoản vay cho các dự án không bao giờ khả thi về mặt thương mại và giám sát xây dựng không đầy đủ".
Suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất tăng và lạm phát cao hơn đã làm tăng thêm khó khăn cho một số quốc gia trong việc trả nợ cho Trung Quốc. Các khoản vay hàng tỷ USD trở nên khó trả và các dự án phát triển bị trì trệ.
Một ví dụ là Cảng Hambantota ở Sri Lanka, nơi chính phủ tuyên bố phá sản vào năm 2022. Nước này không thể trả các khoản vay của Trung Quốc nên đã giao cảng cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm.
Getty Images.Dự án Thành phố Cảng Colombo, được thấy ở đây trong quá trình phát triển vào năm 2018, được thiết kế để chứa 65 triệu mét khối cát
Pakistan đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự với tư cách là một trong những nước tham gia BRI chính. Đất nước này đã không trả được nợ đúng hạn và phải tìm kiếm sự cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Có lúc, lưới điện quốc gia phải tắt máy phát điện để tiết kiệm nhiên liệu.
Bắc Kinh gần đây đã từ chối yêu cầu của Islamabad về việc cấp thêm quỹ BRI cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Những lo ngại về bất ổn chính trị, rủi ro an ninh đối với người lao động Trung Quốc và uy tín tín dụng của Pakistan được coi là những lý do.
Nhiều quốc gia khác, bao gồm Ethiopia và Kenya, đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới ước tính rằng khoảng 60% tổng số khoản vay liên quan đến BRI hiện liên quan đến các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính. Điều này đã dẫn đến sự chỉ trích hoạt động cho vay của Trung Quốc là "ngoại giao bẫy nợ".
Getty Images. Khoản vay Trung Quốc giúp nước Pakistan xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường dây điện
Công chúng nói gì?
Các cuộc thăm dò cho thấy nhiều quốc gia đang trở nên cảnh giác hơn trước ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Ở Pakistan, người dân ban đầu lạc quan về BRI, kỳ vọng vào sự thịnh vượng kinh tế và tăng trưởng kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều năm sau, đời sống của cộng đồng địa phương vẫn chưa được cải thiện đáng kể như cam kết của Pakistan và Trung Quốc.
Ở Gwadar, một thành phố cảng ở Pakistan, người dân ngày càng bất mãn với những dự án này vì họ thấy rất ít sự phát triển ngoài con đường bốn làn xe trên tuyến đường biển chính.
Việt Nam nhận được 670 triệu USD vốn vay của Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa chính thức định danh bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng mới nào trong khuôn khổ BRI.
Getty Images / Washington Post. 2015: Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội do Trung Quốc tài trợ được xúc tiến thử nghiệm để lấy ý kiến công chúng
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông tại Việt Nam bắt đầu vào năm 2011 nhưng phải đối mặt với sự chậm trễ và chi phí đội lên nhiều lần. Cuối cùng nó đã đi vào hoạt động vào tháng 11 năm 2021.
Thời gian xây dựng tuyến metro này là tấm gương tiêu cực cho các dự án cơ sở hạ tầng khác trong nước và làm suy giảm niềm tin của công chúng - mặc dù cần lưu ý rằng thời gian xây dựng các dự án tương tự ở các nước phương Tây có thể chậm như vậy hoặc thậm chí lâu hơn.
Getty Images. 2021: Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chạy qua Hà Nội đón những hành khách đầu tiên
Trung Quốc dường như đã nhận ra những lo ngại này. Chủ tịch Tập hiện đang ủng hộ các dự án "nhỏ và đẹp" trong BRI. Trong những năm gần đây, số lượng dự án BRI mới và quy mô đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đã giảm.
Trong tương lai, Sáng kiến Vành đai và Con đường có vẻ sẽ phải đối mặt với những thách thức khó khăn tương tự.
Giáo sư Reardon kết luận: “Câu hỏi đặt ra là liệu nhà nước độc đảng Trung Quốc có thể tiếp tục mở rộng các dự án phát triển hay không, bởi vì những người nhận quan trọng đã không thể trả được khoản vay của họ”.
Biên tập bởi Issariya Praithongyaem và Andrew Webb