Súng đạn tàu cá nào bắn chết ngư phủ Trương Đình Bẩy ở đảo Suối Ngọc-Trường Sa?

01 Tháng Mười Hai 20157:37 CH(Xem: 18673)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 02 DEC 2015

Súng đạn tàu cá nào bắn chết ngư phủ Trương Đình Bẩy ở đảo Suối Ngọc-Trường Sa?

TÓM TẮT:

1- Theo văn bản Hội nghề cá Việt Nam, ngày 26-11, khi tàu cá QNg-95861 của ông Nguyễn Văn Cu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cùng 14 ngư dân đang neo đậu gần đảo đá Suối Ngọc thuộc quần đảo Trường Sa (khi đó trên tàu còn 2 thuyền viên, 12 thuyền viên khác xuống ca nô đi đánh bắt thủy sản) thì bị một tàu cá của Philippines tiếp cận.

 

2-Trên tàu Philippines có 8 người và 3 người trên tàu này với hai khẩu súng đã nhảy sang tàu cá QNg-95861 lục soát đồ đạc và bắn ông Trương Đình Bảy làm ông gục chết tại chỗ.

 

3- 4g15 sáng 1-12 tàu cá QNg-95861 của ngư dân Bùi Văn Cu về cảng Sa Kỳ cập bến.

 

4- Đến 6g30, thi thể của ông Bảy vẫn còn được để trong khoang đá để bảo vệ. (Xem tiếp trang trong)

 

5- Ngay sau khi cập cảng Tịnh Kỳ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã lấy lời khai ban đầu của thuyền trưởng Cu và ngư dân Trương Đình Đệ.

 

6- Sau khi tàu cập cảng Tịnh Kỳ, thuyền trưởng Bùi Văn Cu mang bốn vỏ đạn cùng đơn báo cáo sự việc bị bắn trên biển được lữ đoàn 146 Trường Sa đóng quân ở đảo Đá Nam xác nhận giao cho cán bộ trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ.

 

7- Theo cán bộ Đồn kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ, hiện vẫn chưa thể xác minh chính xác bốn vỏ đạn thuộc loại đạn dành cho súng nào.

 

8- Thuyền trưởng Cu kể sơ bộ: "Hai xuồng máy chở tám người tới, áp sát, 8 người và 3 người trên tàu này với hai khẩu súng,

 

9- Những người trên hai xuồng máy mặc đồ dân phục. lục soát đồ đạc và bắn ông Trương Đình Bảy làm ông gục chết tại chỗ.

 

10- Nhiều khả năng là tàu dân sự nhưng là một nhóm cướp.

 

11- Ngư dân Nguyễn Tấn Pha: “Tôi đang đánh bắt thì thấy tàu chạy và đèn pin pha báo hiệu nên lập tức trở lại tàu thì thấy xác ông Bẩy trên vũng máu.

 image003

Bốn vỏ đạn rơi rớt ở khoang tàu cá QNg 95861 TS là loại gì, dùng cho loại súng gì? Các chuyên gia vũ khí chưa cho biết. Chắc chắn không phải súng lục, súng ngắn mà là súng trường.

image004

Chiếc tàu chở thi thể nạn nhân bị bắn chết ở biển Đông cập cảng Sa Kỳ ở Quảng Ngãi. (ảnh chụp từ trang petrotimes). Nguồn VOA.

image006

Họa đồ miêu tả của Văn Hóa.

++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Bộ Ngoại giao chỉ đạo làm rõ vụ ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết

01/12/2015 15:58 GMT+7

TTO - Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam đồng thời chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ một ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết ở Trường Sa.

image009

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết như vậy ngày 1-12 sau khi nhận được thông tin tàu cá QNg 95861 TS của tỉnh Quảng Ngãi bị tấn công ở khu vực quần đảo Trường Sa khiến một thuyền viên Việt Nam thiệt mạng.

“Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

"Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc và mong gia đình ngư dân bị nạn sẽ sớm vượt qua những khó khăn, mất mát để sớm ổn định cuộc sống”, ông chia sẻ.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin ban đầu Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cho biết ngư dân Trương Đình Bảy trên tàu cá QNg 95861 TS bị một nhóm khoảng 5 người có vũ trang bắn chết ngày 26-11 tại khu vực biển cách đá Suối Ngọc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 30 hải lý.

Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cho biết đây là khu vực biển lâu nay ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt bình thường và chưa bao giờ có sự việc bị tàu nước ngoài tấn công hay xua đuổi.

Theo văn bản Hội nghề cá Việt Nam, ngày 26-11, khi tàu cá QNg-95861 của ông Nguyễn Văn Cu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cùng 14 ngư dân đang neo đậu gần đảo đá Suối Ngọc thuộc quần đảo Trường Sa (khi đó trên tàu còn 2 thuyền viên, 12 thuyền viên khác xuống ca nô đi đánh bắt thủy sản) thì bị một tàu cá của Philippines tiếp cận.

Trên tàu Philippines có 8 người và 3 người trên tàu này với hai khẩu súng đã nhảy sang tàu cá QNg-95861 lục soát đồ đạc và bắn ông Trương Đình Bảy làm ông gục chết tại chỗ.

QUỲNH TRUNG

Thi thể ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa đã về đến đất liền

01/12/2015 07:09 GMT+7

TTO - 4g15 sáng 1-12 tàu cá của ngư dân Bùi Văn Cu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã đưa xác ông Trương Đình Bảy cùng 12 ngư dân về đến đồn kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi).

image010

Người thân các ngư dân đứng túm lại ai nấy điều thất thần tại cảng Sa Kỳ - Ảnh: Tấn Vũ


Những khuôn mặt phờ phạc sau một hành trình dài, ai nấy đều mệt mỏi. Nhiều ngư dân không nói nổi thành lời dù ai hỏi bất cứ điều gì.

Ngư dân Nguyễn Tấn Pha thẫn thờ cho biết: “Tôi đang đánh bắt thì thấy tàu chạy và đèn pin pha báo hiệu nên lập tức trở lại tàu. Lên đến nơi thì thấy anh Cu vừa khóc vừa nói khản giọng. Còn anh Bảy thì nằm chết trên sàn tàu”.

Thuyền trưởng Cu kể sơ bộ: "Hai xuồng máy chở tám người tới, áp sát. Thấy thế tôi lập tức nổ máy, anh Bảy chặt dây neo, sau đó tôi kêu anh vào cabin nhưng anh đã bị một tên trong nhóm bắn hai phát vào người. Anh Bảy chết ngả vào người tên này, nhưng tôi cứ nghĩ anh đang giằng co nên lao ra giật súng làm rớt cả ổ đạn. Khoảng 5 phút, tôi xô ngã tên này xuống biển, hai tên đứng phía sau tàu thấy thế cũng nhảy xuống biển".

"Tôi cho tàu chạy thật xa, sau đó mới trở lại tìm kiếm 12 ngư dân đi lặn lên tàu đang lặn dưới nước. Những người trên hai xuồng máy mặc đồ dân phục. Không phải quân phục của bất kỳ nước nào. Nhiều khả năng là tàu dân sự nhưng là một nhóm cướp”, trình báo với biên phòng Tịnh Kỳ thuyền trưởng Cu cho biết thêm.

Các ngư dân khác khi nghe kể đều né ánh mắt về phía biển, chẳng ai nói với ai lời nào. Số khác cố gắng chỉ những vết đạn cày xới khắp nơi trên tàu mà cũng nói không nên lời.

Ngay sau khi cập cảng Tịnh Kỳ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã lấy lời khai ban đầu của thuyền trưởng Cu và ngư dân Trương Đình Đệ (con trai của ngư dân Bảy) và kiểm tra các vết đạn để lại trên tàu. Trong đó bên phía mạn trái cabin còn một viên đạn ghim vào thành gỗ.

Bước đầu, thuyền trưởng Cu đưa bốn vỏ đạn còn lại trên tàu cùng biên bản xác nhận của Lữ đoàn 146 Trường Sa đóng tại đảo Đá Nam xác nhận việc ngư dân Bảy bị bắn chết cùng với lời tường trình sự việc của các ngư dân trên tàu.

Theo cán bộ Đồn kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ, hiện vẫn chưa thể xác minh chính xác bốn vỏ đạn thuộc loại đạn dành cho súng nào, còn phải chờ cơ quan có chuyên môn xem xét kỹ để kết luận.

Sau khi làm việc tại Đồn kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ, các ngư dân tiếp tục lên tàu trở về cảng Sa Kỳ.

image011

Anh Trương Đình Đệ, con trai nạn nhân Trương Đình Bảy, kiệt sức sau 5 ngày lênh đênh trên biển trong đau đớn tột cùng khi mất cha. Y tá khám và tiêm thuốc cho anh Đệ ngay tại cầu cảng Sa Kỳ lúc tàu cập cảng - Ảnh: Tấn Vũ


Vừa thấy tàu cập bến những giọt nước mắt của người thân vỡ òa. Tiếng nấc nghẹn ngào của mọi người khiến không khí trở nên tang thương.

Trong buổi đón thi thể ngư dân Bảy sáng nay có rất nhiều người trong làng và người thân nhưng không có chị Mai Thị Long (43 tuổi, vợ ngư dân Bảy).

Người thân cho biết chị quá mệt mỏi, khi nghe chồng về đã ngất lịm và đang được người thân chăm sóc tại nhà.

Ngay sau khi lên cảng Sa Kỳ, ngư dân Đệ ngã khuỵu trước mặt người thân, phải nhờ đến sự chăm sóc của người nhà. Sau đó anh được tiêm thuốc và chuyền nước ngay tại cảng.

Đến 6g30, thi thể của ông Bảy vẫn còn được để trong khoang đá để bảo vệ. Hiện lực lượng biên phòng đang chờ phòng kỹ thuật hình sự, phòng cảnh sát điều tra và phòng lực lượng an ninh Công an tỉnh Quảng Ngãi xuống cảng Sa Kỳ làm các giám định pháp y để tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục cập nhập thông tin vụ việc.

Họp khẩn về vụ ngư dân bị bắn

Sáng nay, Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng có mặt tại cảng Sa Kỳ và có buổi họp nhanh với Bộ biên phòng tỉnh cùng thuyền trưởng tàu cá về vụ việc ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết ở Trường Sa.

Sau khi họp, cơ quan công an cũng tiến hành khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân cái chết của ngư dân Bảy.

Theo thông tin mới nhận được, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo cần sớm điều tra nguyên nhân vụ việc.

Rất đông người dân, ngư dân cũng có mặt tại Đồn kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ.

 

image012

Bộ đội Biên phòng làm việc với các ngư dân trên tàu - Ảnh: Trần Mai

 

image013

Các ngư dân kéo neo buộc tàu vào Đồn biên phòng Tịnh Kỳ trình báo - Ảnh: Trần Mai

 

image014

Bốn vỏ đạn còn sót lại trên tàu - Ảnh: Trần Mai

 

image015

Đầu đạn còn dính lại trên cabin tàu cá - Ảnh: Trần Mai

 

image016

Một cháu bé còn chưa hiểu rõ nổi đau quá lớn của làng chài - Ảnh: Tấn Vũ


TRẦN MAI - TẤN VŨ

“Sao lại chết bởi súng đạn giữa biển?”

02/12/2015 05:55 GMT+7

TT - Một câu hỏi đau xót của ngư dân ở thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, khi đến dự đám tang của ông Trương Đình Bảy bị bắn chết trên vùng biển Trường Sa.

image017

Ngư dân Trương Đình Đệ, con của nạn nhân Trương Đình Bảy, thẫn thờ trong buổi sáng làm việc với cán bộ đồn kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ - Ảnh: Trần Mai


Sáng sớm 1-12, bóng tối còn bao trùm nhưng ở cảng Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) đã có rất nhiều người hướng mắt về phía cầu cảng chờ đợi ngư dân trên tàu cá QNg 95861 do ông Bùi Văn Cu làm thuyền trưởng trở về.

Cán bộ trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ cũng ứng trực để đón chiếc tàu bị bắn trên biển Trường Sa cùng thi thể nạn nhân Trương Đình Bảy.

“Ai ngờ ba đi mà chẳng về...”

Khoảng 4g sáng, thuyền trưởng Bùi Văn Cu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) bước lên cầu cảng với khuôn mặt buồn rũ rượi, 12 ngư dân trên tàu không nói nổi thành lời.

Lúc này mặt trời chưa ló dạng, dưới ánh điện mờ mờ, có một người thanh niên gầy nhom, da xanh tái, mặt trắng bệch ngồi co ro bên cửa sổ tàu, đầu gục xuống gối.

Ngư dân Nguyễn Quang chỉ tay về người thanh niên đang đau khổ và nói đó là con trai út của ông Bảy. Anh tên là Trương Đình Đệ, năm nay vừa tròn 21 tuổi. Đệ mới đi biển chuyến thứ sáu.

Trong đêm kinh hoàng, lúc ông Bảy bị bắn, Đệ đang đi lặn. Khi quay về tàu, chứng kiến cảnh cha sóng soài trên vũng máu, áo quần rách toạc vì vết đạn, Đệ gần như ngất đi.

“Nó như điên như dại từ lúc ấy, cứ gào thét, la khóc, cấu xé rồi đập đầu vào sàn tàu. Anh em chúng tôi chia nhau giữ nó lại. An ủi nó, sợ nó làm bậy” - ông Quang nghèn nghẹn nói trong nước mắt.

Theo lời các ngư dân, ngày con tàu quay mũi về đất liền là lúc biển bắt đầu động dữ dội. Không ai trên tàu còn sức để nấu ăn. Mọi người uống sữa, nhai mì gói cầm hơi.

Riêng Đệ không ăn uống từ đêm đó, một mình ngồi ôm nắp hầm đá, bất chấp con tàu bị sóng xô nghiêng.

“Ai nói nó cũng không nghe. Nó cứ khư khư ôm lấy cái nắp hầm tàu mà kêu cha đến khàn giọng. Nhiều lúc sóng đánh bật nó ngả nghiêng nhưng nó lại bò dậy bám lấy cái nắp hầm tàu. Anh em nhìn mà đứt ruột...” - thuyền trưởng Bùi Văn Cu kể.

Ông Cu nói hai cha con rất thương nhau, những đêm dài trên biển, hai người lúc nào cũng thì thầm to nhỏ. Có lúc, lựa lúc Đệ ngủ say, ông Bảy hôn nhẹ lên mái tóc con. Việc nặng Đệ đều giành làm, nhưng miếng ăn ngon thì ông Bảy đều dành cho Đệ.

Lúc con tàu cập bến, Đệ không còn sức để tự đi, hai người khác phải dìu lên bờ. Lúc làm việc với biên phòng Tịnh Kỳ, Đệ gục mặt xuống bàn như người ngủ mê.

Tàu dừng ở cảng Sa Kỳ, y tá đến ngay hiện trường để tiêm thuốc cho Đệ. Nhìn người thanh niên da tái như xác chết, gân xanh nổi kín cánh tay, run run ôm người thân khóc ngất, cả bến tàu không ai cầm được nước mắt.

“Ba không muốn em đi biển nhưng nhà còn nợ nần nhiều quá nên hai cha con phải cùng ra khơi. Ba bảo sau chuyến này ba sẽ ở nhà giúp mẹ xay cá ở chợ, vì sức yếu không chịu nổi dông gió. Nhưng ai ngờ ba đi mà chẳng về...” - Đệ thều thào ngồi khuỵu xuống ghế.

image018

Bốn vỏ đạn còn sót lại trên tàu - Ảnh: Trần Mai


Trên ghe đầy vết đạn

Sau khi tàu cập cảng Tịnh Kỳ, thuyền trưởng Bùi Văn Cu mang bốn vỏ đạn cùng đơn báo cáo sự việc bị bắn trên biển được lữ đoàn 146 Trường Sa đóng quân ở đảo Đá Nam xác nhận giao cho cán bộ trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ.

“Hai xuồng máy giống như của Philippines. Chiều hôm đó tôi có thấy mấy tàu của ngư dân Philippines giống như vậy” - ông Cu trình báo.

Trên ghe đầy những vết đạn. Theo lời ông Cu, khi thấy hai xuồng máy nước ngoài áp sát, ông liền vào cabin để lái tàu bỏ chạy, còn ông Bảy thì chặt dây neo và bị bắn lúc chạy vào cabin.

Các ngư dân khác kể lúc đó họ rời tàu để đi lặn ở nơi khác, thấy tín hiệu ông Cu phát ra, mọi người trở về tàu thì bàng hoàng thấy ông Bảy nằm bất động trên sàn tàu.

Ngư dân Nguyễn Hoàng kể: “Chúng tôi vừa trở lại tàu thấy anh Cu khóc nói không thành lời, nhìn anh Bảy chết ai cũng khóc”.

Sau khi làm việc với trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ, 13 ngư dân đưa thi thể ông Bảy trở về cảng Sa Kỳ nơi hàng trăm người đang trông ngóng họ từng giờ.

Một cuộc họp khẩn giữa công an tỉnh, bộ đội biên phòng và ông Cu diễn ra ngay tại cảng. Sau đó đưa thi thể ông Bảy từ dưới hầm đá lên để tiến hành khám nghiệm tử thi.

Anh Trương Đình Huynh (23 tuổi, con trai ông Bảy) khóc thảm thiết: “Ba ơi, ba ơi, ai giết chết ba tôi thế này? Sao họ ác quá vậy, ba ơi, ba ơi...”.

Bà Mai Thị Long (43 tuổi, vợ ông Bảy) chỉ kịp gào lên vài tiếng rồi ngất lịm. Các ngư dân tập trung rất đông để chuẩn bị chung tay lo đám tang. Cụ Tám (79 tuổi) than thở: “Nhìn thằng Bảy chết mà chịu không được. Thời tụi tôi đi biển bình yên lắm đâu như bây giờ. Biển giờ không còn bình yên nữa rồi”.

Khám nghiệm tử thi xong, đại tá Huỳnh Năm - trưởng phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi - cho biết nguyên nhân dẫn đến tử vong của ngư dân Bảy là do bị bắn trúng ngực. Qua khám nghiệm tàu cho thấy có vết bắn xuất phát từ phía ngoài tàu.

Trao đổi xung quanh bốn vỏ đạn mà các ngư dân mang về, cả bộ đội biên phòng và công an tỉnh đều nói chưa biết chính xác đây là loại đạn gì và không bình luận gì thêm. Theo ông Trần Ngọc Căng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan chức năng chưa nhận được báo cáo cụ thể về việc tàu ông Cu bị tàu nước nào bắn.

image019

Anh Trương Đình Huynh (23 tuổi), con trai cả của ngư dân Trương Đình Bảy, khóc ngất khi nhìn thấy thi thể của cha được đưa lên từ khoang lạnh của tàu cá: “Ba ơi, ba ơi, ai giết chết ba tôi thế này? Sao họ ác quá vậy, ba ơi, ba ơi...” - Ảnh: Trần Mai


“Người hiền sao đoản mệnh...”

Chiếc xe tang băng qua cánh đồng trơ cỏ dại và dừng lại cách nhà ông Bảy chừng 400m. Người làng chạy về phía chiếc xe, trai tráng xúm vào đỡ lấy chiếc giường tre để khiêng người ngư dân xấu số vào nhà.

Bao nỗi thống khổ bỗng chốc đổ dồn xuống căn nhà yên bình nơi xóm biển. Người nhà kể trước lúc cùng con trai rời khỏi nhà lên tàu đi biển, ông Bảy còn nựng đứa cháu nội mới 3 tháng tuổi hứa đi xong chuyến biển này sẽ về mua cho cháu bộ đồ mới ăn tết. Lời hứa đơn sơ ấy mãi trôi theo sóng biển, mãi mãi ông Bảy không bao giờ thực hiện được.

Còn người chủ nợ số tiền 150 triệu đồng mà ông Bảy mượn thì nói trước lúc ra khơi ông Bảy có qua nhà xin khất nợ, chuyến biển này về hai cha con gom góp trả một ít. Rồi cũng vì số nợ ấy mà ông Bảy phải tiếp tục ra biển dù sức khỏe đã yếu.

Vợ ông Bảy thì tần tảo với nghề xay cá thuê trên chợ Bình Châu. Rảnh ra bà xin thức ăn thừa về nuôi heo và chăm con. Năm ngày qua kể từ hay tin ông Bảy bị bắn, bà gần như ngã quỵ.

Người làng đến nhà ông Bảy chật kín, chung tay lo đám tang cho ông, đồng thời chia sẻ những nỗi đau mà người ở lại phải gánh chịu.

Anh Trà, một ngư dân sống gần nhà, tâm sự: “Nghèo khó nhưng tính anh Bảy rất hào phóng, có tiền là lại mua quà vặt cho trẻ nhỏ trong làng. Không ai ngờ anh lại chết ở biển bởi anh đi chỉ để nấu ăn, không nguy hiểm như tụi tui phải lặn biển. Người hiền sao đoản mệnh, sao lại chết bởi súng đạn giữa biển?”.

Ông Trương Đình Vàng, 56 tuổi, anh ruột ông Bảy, gạt nước mắt nói không nên lời: “Tháng trước tôi mới tiễn chú Bốn, anh của Bảy, chết vì bệnh ung thư. Nỗi đau gia đình vẫn còn âm ỉ. Bàn thờ chú Bốn còn nhang khói nghi ngút mà.

Lần này lại đến chú Bảy. Hai em tôi cũng đã chết trong chiến tranh. Gia đình tôi bất hạnh quá”. Nói xong, ông Vàng lảo đảo người đi lại sát giường ông Bảy nằm, sờ bàn chân lạnh cứng tím tái của đứa em, gục đầu than khóc: “Ngày em đi chân còn ấm lắm mà. Sao bây giờ lạnh lẽo vậy. Lấy thêm cái mền quấn cho em tôi! Nó ở hầm đá mấy ngày nay, rét lạnh lắm rồi. Bảy ơi! Em lạnh lắm phải không?”.

TRẦN MAI - TẤN VŨ