"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ SÁU 09 DEC 2016
Ngoại giao Twitter của Donald Trump
Trang bìa một tạp chí của Trung Quốc với hàng tựa " Vì sao Trump thắng? ".JOHANNES EISELE / AFP
Nếu như hôm 8/11 nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump đắc cử tổng thống là một bất ngờ lớn thì từ đó đến nay, vị tổng thống tân cử này vẫn khiến dư luận thế giới liên tục phải ngạc nhiên bởi những tuyên bố có phần bộc phát ngẫu hứng về các chủ đề quan trọng và nhất là nó được phát ra từ trang Twitter của ông.
Cách thức thông tin « theo kiểu Trump » không khỏi làm cho dư luận thế giới phải ngơ ngác thắc mắc. Nhật báo Le Monde ra hôm nay trong bài xã luận mang tiêu đề « Trump và ngoại giao Twitter », đã đặt câu hỏi : Tới đây « liệu nước Mỹ có cần phải làm quen với một cách thức lãnh đạo mới, lãnh đạo bằng Twitter? »
Trang Twitter cá nhân của Donald Trump được 16 triệu người theo dõi, trong suốt chiến dịch tranh cử ông đã sử dụng mạng xã hội như là một thứ vũ khí bầu cử. Trên đà chiến thắng, ông cho biết sẽ còn dùng cách thức thông tin « trực tiếp với nhân dân » này khi lên làm tổng thống.
Phải đến ngày 20 tháng Giêng tới đây, chính quyền Trump mới chính thức đi vào hoạt động, nhưng cách đây ít ngày, tổng thống tân cử Mỹ đã thử áp dụng phương thức giao lưu mới giữa các Nhà nước thông qua “ ngoại giao Twitter”.
Sự kiện đang được chú ý nhiều là hôm 02/12, tổng thống tân cử Mỹ đã phá vỡ quy tắc ngoại giao của nước Mỹ từ 4 thập kỷ qua, bằng việc tiếp chuyện điện thoại với bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, hòn đảo mà Washington đã cắt mọi quan hệ chính thức vì thừa nhận chính sách một nước Trung Quốc của Bắc Kinh. Sự việc được chính ông Trump thông báo trên Twitter. Khi có dư luận ồn ào thì tổng thống tân cử Mỹ, vẫn qua trang Twitter cá nhân, lý luận rằng : Hà cớ gì lãnh đạo một nước tiêu thụ của Mỹ tới 8 tỷ đô la vũ khí mỗi năm gọi điện thoại mà ông không được tiếp chuyện ?
Khi bị Bắc Kinh lên tiếng phản đối chính thức, báo chí Trung Quốc lên án gay gắt, Donald Trump đáp trả, vẫn trên Twitter, bằng cách moi ra những việc Bắc Kinh đơn phương hành động mà đâu có cần hỏi Mỹ, cụ thể như phá giá đồng tiền, đánh thuế nặng vào hàng hóa nhập từ Mỹ và xây dựng ồ ạt các "tổ hợp quân sự" giữa Biển Đông.
Theo Le Monde, ban đầu thì các chuyên gia về chính sách đối ngoại nghĩ rằng đó là hành động vụng về của một người mới nhập cuộc. Thế nhưng, những người thân cận của tổng thống tân cử và bà tổng thống Đài Loan cho biết cuộc điện đàm này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Những dòng trên Twitter quá ngắn (chỉ giới hạn trong 140 ký tự) nên lại càng làm cho dư luận thả sức suy diễn hàm ý của những câu chữ của ông. Người thì cho rằng cuộc điện thoại với tổng thống Đài Loan chứng tỏ việc lựa chọn người đối thoại là Trump, chứ không phải là Bắc Kinh. Còn những người khác thì lại suy luận, ông Trump muốn chứng tỏ « chính sách của Mỹ sẽ được dẫn dắt bởi quyền lợi của Mỹ, nhất là quyền lợi của các công ty Mỹ ».
Le Monde nhận xét, trong câu chuyện này có « nghệ thuật thỏa thuận » của nhà tỷ phú Mỹ, nhằm tạo thể ban đầu trong thương lượng. Tuy nhiên, tờ báo cũng khẳng định Trung Quốc là một đối tác phức tạp và : « cũng nên hy vọng là khi bước chân vào Nhà Trắng, Donald Trump sẽ có một ê kíp nắm bắt được thực tế, có đủ khả năng thông tin một cách sâu hơn ».
Chính quyền Trump dễ sinh chuyện với Trung Quốc
Cũng vẫn về chủ đề này, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết mang tựa đề : « Trump và Trung Quốc : Một câu chuyện mới đang bắt đầu » của François Godement, giám đốc chương trình Châu Á của Hội Đồng Châu Âu về quan hệ quốc tế. Từ sự kiện cuộc điện đàm giữa ông Trump với tổng thống Đài Loan, tác giả nhận định quả thực tổng thống tương lai của Mỹ sẽ là một người khó lường đối với các lãnh đạo Trung Quốc. Dưới thời chính quyền Trump tới đây, quan hệ Trung-Mỹ sẽ còn này sinh nhiều chuyện mới./ (theoAnh Vũ 07-12-2016 16)