Sau "gợi ý" của Tt Phúc, "hỗ trợ" của Đại sứ Osius, Tt Trump "gửi thư" cho Ct Quang

02 Tháng Tư 20176:40 CH(Xem: 11875)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  03  APRIL  2017


Tổng thống Trump gửi thư cho Chủ tịch Trần Đại Quang


image003

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida hôm 28/12/2016. AFP photo


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gửi một bức thư cho Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, nói rằng Hoa Kỳ muốn thúc đẩy các quan hệ với Việt Nam, và bản thân ông sẽ cân nhắc đến chuyện sang Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đán Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC vào cuối năm nay ở Đà Nẵng.


Bức thư được ông Trump gửi cho ông Trần Đại Quang từ hôm 23/3 nhưng đến hôm nay mới được truyền thông trong nước loan tải, sau khi Chủ tịch Việt Nam đề cập đến nhân buổi tiếp đón Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.


Thông tấn xã Việt Nam cho biết, trong thư gửi Chủ tịch Việt Nam “Tổng thống Donald Trump khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng Việt Nam và các nước trong khu vực đảm bảo hòa bình, thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.


Đáp lại, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nhờ Đại sứ Ted Osius gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Donald Trump, nói rằng “lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng hợp tác duy trì và phát triển quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước”.?(theo RFA 2017-04-01)


++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Thủ tướng Phúc công khai ‘gợi ý’


Trao đổi với một phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam hôm 9/3/17, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông “sẵn sàng” tới thăm nước họ và làm việc với Tổng thống Donald Trump để thúc đẩy quan hệ Hà Nội - Washington.


Trang Thông tin Chính phủ trên Facebook dẫn lời ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ tiếp ông Phúc “bất cứ lúc nào, dù là ở Washington hay là New York”.


Tính chất khác thường của “Thủ tướng sẵn sàng thăm Mỹ” cần được đối chiếu với việc trước đây các hoạt động vận động và thỏa thuận về những chuyến thăm cao cấp Việt - Mỹ đều thông qua kênh ngoại giao, và thường gần đến lúc “đi” mới công bố thông tin trên báo chí nhà nước, chứ hoàn toàn không có chuyện bày tỏ mong muốn như vừa đây trên trang Facebook của chính phủ.


Vào năm 2013, giới ngoại giao Việt đã âm thầm mở một cuộc vận động để Tòa Bạch Ốc mời ông Trương Tấn Sang - chủ tịch nước vào thời điểm đó - đến Washington vào tháng Bảy cùng năm. Còn để ông Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư - được đón tiếp tại Phòng Bầu Dục vào tháng 7/2015, nghe nói trước đó Bộ ngoại giao Việt Nam đã “chạy đôn chạy đáo” để vận động Bộ Ngoại giao Mỹ dành cho ông Trọng những nghi thức tiếp đón cấp nguyên thủ quốc gia như đối với Gorbachev của Liên Xô vào năm 1987.


Nhưng bây giờ thì không còn âm thầm nữa, mà gần như công khai “gợi ý”.


Thậm chí, trang Facebook chính phủ còn nhắc lại “kỷ niệm” về việc “ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ tiếp ông Phúc “bất cứ lúc nào, dù là ở Washington hay là New York”.


Không những “sẵn sàng đi thăm Mỹ”, vào ngày 9/3/2017 ông Phúc còn gián tiếp thông qua một đoàn doanh nhân Hoa Kỳ để đề nghị phía Mỹ “quan tâm lại vấn đề TPP”, cho dù quan điểm của Tổng thống Trump đã xác quyết ngay từ ngày đầu ông nhậm chức bằng việc ký quyết định hủy bỏ việc Mỹ tham gia hiệp định này. (theo Phạm Chí Dũng)


image004

Thủ tướng trân trọng mời các doanh nhân tham dự sự kiện APEC vào cuối năm nay tại Việt Nam tại Văn Miếu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu  31/03/2017


Chủ tịch Quang tiếp Đại sứ Osius


Chiều 31/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đến chào và trao đổi về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó có việc hợp tác tổ chức năm APEC 2017 và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Việt Nam.


image002

 Chủ tịch Trần Đại Quang và Đại sứ Ted Osius. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


31/03/2017


Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhờ Đại sứ Ted Osius chuyển lời cảm ơn Tổng thống Donald Trump đã gửi thư cho Chủ tịch nước với những nội dung về tăng cường hợp tác hai nước Hoa Kỳ – Việt Nam; khẳng định lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Donald Trump duy trì đà phát triển của quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ theo hướng thực chất, xây dựng, ổn định và cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.


Trao đổi về tình hình khu vực trước những diễn biến nhanh, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro xung đột, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh việc Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao, đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, cũng như các cơ chế của ASEAN như DOC, hướng tới COC.


Nhân dịp này, Đại sứ Ted Osius chuyển lời của Tổng thống Donald Trump cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chúc mừng Tổng thống chính thức nhậm chức. Đại sứ cũng nhắc lại nội dung bức thư ngày 23/2 vừa qua của Tổng thống Donald Trump gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong đó khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng Việt Nam và các nước trong khu vực đảm bảo hòa bình, thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế./  (Theo Vietnam+)


++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


‘Nhất thể hóa', Tổng bí thư kiêm luôn thủ tướng?


29/03/2017


Phạm Chí Dũng


image006

Chủ tịch nước Trần Đại Quang. (Ảnh tư liệu)


Trên đường tiến tới các hội nghị trung ương 5 và 6, chính trường Việt Nam có lẽ lại sắp có biến động lớn, bằng vào thiết chế “đảng điều hành chính quyền” thay cho “đảng lãnh đạo chính quyền” như trước đây.


‘Nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch tỉnh’


“Nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch tỉnh” là một đề xuất “bất ngờ” được nêu ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 vào ngày 4/3, do Ban Tổ chức trung ương chủ trì và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh “phát biểu chỉ đạo”.


“Quy trình” đang dần khép kín. Sau hơn một năm kể từ thời sóng gió ngay trước đại hội 12, “nhất thể hóa” đã trở thành một đề nghị chính thức.


Ngay sau khi xuất hiện đề xuất quá ư “đặc thù” trên, có dư luận liền đặt dấu hỏi rằng phải chăng đề xuất này là một cơ sở để nhân vật chủ tịch nước sẽ “kiêm tổng bí thư” trong thời gian tới.


Có người còn nói thẳng về nhân vật được “hưởng lợi” sẽ là ông Trần Đại Quang - đương kim chủ tịch nước.


Trong thực tế, một số thông tin không chính thức cho biết phương án “chủ tịch nước kiêm tổng bí thư” đã có ở Việt Nam từ một số năm trước, nhưng đặc biệt được “xem xét kỹ càng” kể từ khi Tập Cận Bình thâu tóm cả hai chức vụ này để trở thành “bá chủ thiên hạ” ở Trung Quốc. Trước và ngay sau Đại hội 12 của đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lan truyền tin về khả năng “ai đó” sẽ kiêm luôn hai chức vụ này.


Chỉ có điều, phán đoán về khả năng ông Trần Đại Quang sẽ lọt vào phương án “chủ tịch nước kiêm tổng bí thư” có vẻ không vững chân đứng, khi đề xuất “nhất thể hóa” vừa xuất hiện lại không phải từ phía Văn phòng chủ tịch nước hay Văn phòng thủ tướng, càng không phải từ Ủy ban Thường vụ quốc hội, mà bởi những nhân vật bên đảng “phụ tá” cho Tổng Bí thư Trọng là hai ông Phạm Minh Chính và Đinh Thế Huynh.


Cũng cần nhắc lại, khi còn là bí thư Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính đã từng thí điểm mô hình “nhất thể hóa” và được Tổng Bí thư Trọng ủng hộ. Không biết có phải do “thành công nhất thể hóa” hay bởi những nguyên do khác, ông Phạm Minh Chính đã lọt vào phương án nhân sự do tổng bí thư trình ra Ban chấp hành trung ương tại Đại hội 12, để cuối cùng ông Chính nghiễm nhiên trở thành người kế nhiệm cựu trưởng ban Tổ chức trung ương Tô Huy Rứa.


Hành động


Bản nhạc “Nhất thể hóa” đã có khúc dạo đầu từ trước Đại hội 12.


Vào tháng 9/2016, ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đã khởi động “nhất thể hóa” bằng bài trả lời phỏng vấn khá dài cho trang VietTimes với nhan đề “Nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu”.


Nhị Lê lại là một trong những nhân vật phát ngôn chính yếu của Tổng Bí thư Trọng. Xét về “dây”, ông Nhị Lê hiển nhiên là người của Nguyễn Phú Trọng từ khi ông Trọng còn là tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.


Nửa năm sau Đại hội 12, bên đảng bắt đầu phát ra dấu hiệu cùng hành động “tập quyền”. Vào tháng 7/2016, với một động tác chưa có tiền lệ, ông Trương Minh Tuấn, người đã trở thành Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, được Bộ Chính trị điều động kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Như vậy, ông Tuấn cùng một lúc vừa làm việc bên chính quyền, lại vừa là “người của đảng”.


Sang tháng 8/2016, ông Cao Đức Phát, người vừa thôi chức bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng vẫn được bầu vào Ban chấp hành trung ương khóa 12, được bổ nhiệm là Phó trưởng ban Kinh tế trung ương.


Tháng 9/2017, đích thân Tổng Bí thư Trọng “tự tham gia” vào Đảng ủy Công an trung ương mà khiến có dư luận cho rằng ông Trọng “thống lĩnh các lực lượng vũ trang”, sau khi đã chắc chắn vị trí Bí thư Quân ủy trung ương.


Danh sách những nhân vật “đảng kiêm chính quyền” theo mô hình Tập Cận Bình có lẽ còn dài nữa…


Nếu giả thiết về mô hình “nhất thể hóa” là nhằm tăng cường xu hướng tập quyền cho đảng là có cơ sở, người ta sẽ chứng kiến quyền lực của các cơ quan đảng không những không bị co hẹp vì “khó khăn ngân sách” mà còn mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng sẽ có một khác biệt rất cơ bản là nếu trước đây đảng chỉ “lãnh đạo đường lối” thì trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, lấy đó làm cơ sở để “người của đảng” kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế “chính ủy trong chính quyền”.


‘Về’ đâu?


Nếu đề xuất “bí thư kiêm chủ tịch tỉnh” được những người chủ chốt bên đảng như Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, Phạm Minh Chính tạo được hiệu ứng đủ mạnh đối với Ban chấp hành trung ương để thông qua trong những hội nghị trung ương tới, phần lớn dàn nhân sự đầu não tỉnh/thành ủy mà Tô Huy Rứa đã bỏ công tiến hành chiến dịch “luân chuyển cán bộ” vào năm 2016 để giúp cho Tổng Bí thư Trọng tạo nên kỳ tích “tôi bất ngờ” trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sẽ từng bước phát huy tác dụng. Sẽ có nhiều nhân vật chủ tịch tỉnh/thành phải tự giác nhường ghế chính quyền cho các “chính ủy”. Nhưng trước hết, đảng có thể “thí điểm” kế hoạch “nhất thể hóa” tại một số tỉnh thành lớn. Sau đó mới đến chuyện “đánh ngược lên” cấp trung ương.


Nếu đà “nhất thể hóa” thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ “nắm” hết. Mô hình “đảng quản lý” thay cho “đảng lãnh đạo” sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.


Cũng bởi một lý do khác: trong lịch sử đảng, vai trò chủ tịch nước tuy được Hiến pháp giao nhiệm vụ “thống lĩnh các lực lượng vũ trang”, nhưng hầu như chỉ có tính danh nghĩa như đối ngoại, hiếu hỉ mà hiếm khi “nắm” được cả hai Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Bài học gần nhất đã ứng với chủ tịch nước đời trước là ông Trương Tấn Sang: không những không tạo được ảnh hưởng lớn nào đối với cơ chế lực lượng vũ trang ngoài chuyện phong tướng theo kiểu “lạm phát”, ông Sang hoàn toàn không “thò tay” được vào công chuyện của khối chính phủ thời ông Nguyễn Tấn Dũng.


Do vậy và xét cho cùng, nếu có xảy ra kịch bản “chủ tịch nước kiêm tổng bí thư” ở Việt Nam thì cũng chỉ là chuyện “thay áo”, nhưng vào thời buổi “mạnh vì gạo bạo vì tiền” này, chẳng ai có thực chất nếu không vươn được tay đến khối chính phủ và các địa phương.


Khó mà hiểu khác hơn, logic của phương án “bí thư kiêm chủ tịch tỉnh” sẽ hầu như phải dẫn đến đến kết quả vai trò của tổng bí thư được “nâng lên một tầm cao mới”, cao đến mức mà hiểu theo cách nào đó có thể so sánh với mô hình “cộng hòa tổng thống” của phương Tây, tức tổng thống mới là người có quyền lực thực sự và cất tiếng nói cuối cùng để giải quyết các vấn đề quốc gia, chứ không phải thủ tướng.


Nhưng ở Trung Quốc thì lại chẳng cần đến “cộng hòa tổng thống”. Một số nhà phân tích phương Tây đã nhận ra Tập Cận Bình đã trở thành chủ nhân của khối chính quyền từ vài năm qua. Bên cạnh Tập, Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ là cái bóng.


Còn Việt Nam sẽ theo kịch bản nào? Nếu vai trò của tổng bí thư trong tương lai (không xa?) có thể sẽ “kiêm thủ tướng”, những nhân vật còn lại trong “tứ trụ” sẽ “về” đâu?


* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
22 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 901)
24 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1351)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1264)
Nov 12: Chiến sự mùa đông 2 bờ đông tây Dnipro River; Vì sao Nga ‘cố thủ’ bờ Đông