Vụ Bác sĩ di dân David Đào bị lôi xoành xoặch nhiều tình tiết ly kỳ

12 Tháng Tư 20176:06 CH(Xem: 13663)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  12  APRIL  2017


VĂN HÓA


Tổng hợp tin các báo


12/4/2017


Phát ngôn nhân tòa Bạch Ốc lên tiếng về scandal kéo lê khách của United Airlines


12/04/2017


(Quốc tế) - Người phát ngôn của Tổng thống Donald Trump cho biết, cảm thấy “phiền lòng” khi xem đoạn video ghi lại cảnh một hành khách châu Á bị kéo lê khỏi máy bay của hãng hàng không Mỹ United Airlines.


image004Ông Sean Spicer cho rằng, nhân viên hãng United Airlines nên hành xử khéo léo hơn.


“Đó là một sự việc không đáng có. Rõ ràng, khi xem video, bạn cảm thấy phiền lòng bởi cách giải quyết được đưa ra”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer lên tiếng.


Tuy nhiên, ông Spicer khẳng định, chính phủ Mỹ sẽ không khởi động một cuộc điều tra riêng biệt.


“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cơ quan thực thi pháp luật để xem xét tình huống này. Và như tôi biết, United Airlines (UAL) đã tuyên bố sẽ xử lý bê bối này. Chúng ta không nên làm gì trước khi có kết luận cuối cùng”, CNN dẫn lời ông Spicer.


Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ, Trump đã xem video nhưng không đưa ra bất kỳ bình luận nào để tránh ảnh hưởng đến kết quả điều tra.


Cuối cùng, ông Spicer nhấn mạnh, tất cả mọi người đều đồng ý rằng sự việc có thể đã được xử lý tốt hơn.


image006

Nạn nhân vụ bê bối của hãng hàng không United Airlines


Trước đó, ngày 10/4, một bác sĩ người Mỹ gốc châu Á (69 tuổi) bị nhân viên an ninh thô bạo kéo xuống trên chuyến bay của hãng hàng không United Airlines trong chuyến bay từ thành phố Chicago đến Louisville, bang Kentucky, Mỹ.


Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chuyến bay của hãng hàng không United Airlines bị bán vé trước quá nhiều, vượt quá số lượng hành khách có thể chuyên chở. Để đảm bảo an toàn, hãng này chọn ngẫu nhiên vài hành khách xuống máy bay.


Một số hành khách đồng ý cách làm của hãng và nhận lại tiền vé. Tuy nhiên, một hành khách khác, tự xưng là bác sĩ, không chấp thuận vì có hẹn với bệnh nhân.


Toàn cảnh quá trình “cưỡng chế” người đàn ông xuống máy bay đã được ghi lại, rồi đăng lên mạng xã hội, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới.


image007

CEO của United Airlines Oscar Munoz.


Sau khi vụ việc xảy ra, CEO của United Airlines, ông Oscar Munoz, gửi lời xin lỗi đến hành khách, đồng thời cho biết đã bắt tay vào điều tra rõ tình huống không hay trên.


Tuy nhiên, vài tiếng sau đó, ông Munoz lại bênh vực nhân viên của hãng, thậm chí còn gọi vị bác sĩ bị kéo lê là “kẻ phiền hà, hiếu chiến” trong bức thư gửi đến cấp dưới.


Lập tức, vị CEO và hãng United Airlines phải hứng vô số “gạch đá” từ dư luận vì thái độ “ba phải”, thiếu cầu thị.


Trước áp lực quá lớn, ngày 11/4, ông Munoz phải gửi lời xin lỗi thứ 2 đến hành khách về sự cố đáng tiếc ngày hôm trước. Ông này cũng nhấn mạnh, sẽ có câu trả lời thích đáng liên quan đến sự cố kéo lê khách khỏi máy bay vào 30/4 tới.


Tuy vậy, thái độ “thành khẩn” muộn màng này không giúp ông vớt vát được khoản thiệt hại 1,4 tỷ đô la (gần 32.000 tỷ đồng) trong thời gian ngắn do cổ phiếu rớt giá. Đồng thời, cộng đồng mạng thế giới cũng đang kêu gọi tẩy chay hãng hàng không hàng đầu nước Mỹ./ (Theo Tiền Phong)


Hành khách David Dao là nhạc sĩ, tác giả ca khúc 'Tát nước đầu đình'


12/04/2017


TTO - Với lớp văn nghệ sĩ từng hoạt động ở Sài Gòn trước năm 1975, tên của nhạc sĩ - ca sĩ Đào Duy Anh, tức bác sĩ David Dao, không hề xa lạ.


image009

Bác sĩ, nhạc sĩ Đào Duy Anh song ca cùng ca sĩ Ngọc Yến bài "Tát nước đầu đình" do ông sáng tác trong một chương trình của các thành viên nhóm Bách Việt tại Mỹ


Khi nghe chúng tôi chia sẻ thông tin về sự việc không may vừa xảy đến với bác sĩ Đào Duy Anh, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thúy Hoan, chủ nhiệm câu lạc bộ Tiếng hát quê hương tại TP.HCM - đã rất bất ngờ.


Nghệ sĩ Thúy Hoan cho biết bác sĩ - nhạc sĩ Đào Duy Anh thuộc thế hệ học trò của bà tại trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn giai đoạn trước năm 1975.


Ông Duy Anh là người sáng lập nhóm nhạc Bách Việt, một nhóm nhạc ra đời cách nay 50 năm. Các thành viên của nhóm Bách Việt ngày đầu là những sinh viên y khoa, nha khoa, dược khoa, kỹ sư… nhưng cũng có học nhạc tại trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn.


Liên hệ với nhạc sĩ Trần Bộ (ở TP.HCM), một trong những thành viên hoạt động cùng với bác sĩ Đào Duy Anh trong nhóm Bách Việt, ông Bộ chia sẻ với Tuổi Trẻ nhiều thông tin hơn về hoạt động nghệ thuật cũng như những đóng góp chính của nhạc sĩ - bác sĩ Đào Duy Anh với âm nhạc dân tộc của Việt Nam.


Trong trao đổi với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Trần Bộ cho biết theo dõi thông tin và các hình ảnh về sự việc trên truyền thông, ông khẳng định người đàn ông bị nhân viên hãng United Airlines đối xử thô bạo chính là nhạc sĩ - bác sĩ David Đào, tức Đào Duy Anh, người bạn của ông trong nhóm Bách Việt.


Nhạc sĩ Trần Bộ cũng nói thêm ông vừa trao đổi thêm với ca sĩ Phương Mỹ trên Facebook, một người bạn có quan hệ thân thiết với nhạc sĩ - bác sĩ Đào Duy Anh và hiện đang sinh sống tại Mỹ, ca sĩ Phương Mỹ cũng khẳng định người bị nạn trên máy bay của United Airlines chính là bác sĩ Duy Anh.


Theo nhạc sĩ Trần Bộ, nhạc sĩ - bác sĩ Đào Duy Anh được đánh giá là một trong những thành viên tài năng của nhóm Bách Việt. Đây là một nhóm nhạc được thành lập với chủ trương sáng tác và biểu diễn các ca khúc được viết trên nền tảng là chất liệu ca dao, dân ca 3 miền của Việt Nam. Cũng vì lẽ ấy mà nhóm này lấy hình ảnh trống đồng Đông Sơn làm biểu tượng của nhóm.


Nhóm Bách Việt sử dụng các nhạc cụ dân tộc để sáng tác và biểu diễn. Theo đó, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa là cây sáo lừng lẫy một thời của nhóm, còn nhạc sĩ Đào Duy Anh là người thạo ngón đàn tranh và đàn cò.


Nhóm Bách Việt thuở đó còn có những thành viên như ca sĩ Ngọc Anh, Ngọc Yên, Diệu Đức, nhạc sĩ Tonny Hiếu, nhạc sĩ Y Vũ (em của nhạc sĩ Y Vân, tác giả bài Lòng mẹ), sau này có ca sĩ Đình Văn, nhạc sĩ Nhất Sinh (tác giả ca khúc Chim sáo ngày xưa)….


image010

Vợ chồng ông bà David Dao và các cháu - Ảnh: Daily Mall


Cũng theo nhạc sĩ Trần Bộ, hai sáng tác được nhiều người biết đến nhất của nhạc sĩ - bác sĩ Đào Duy Anh là Tát nước đầu đìnhTa về ta tắm ao ta.


Riêng ca khúc Ta về ta tắm ao ta đã được tặng giải vàng trong một cuộc thi âm nhạc ở Sài Gòn trước năm 1975, tuy nhiên do tuổi tác và tính bất ngờ của cuộc trao đổi nên nhạc sĩ Trần Bộ chưa thể nhớ chính xác tên cuộc thi đó. 


Mặc dù là một nhóm nhạc hoạt động phong trào, nhưng theo nhạc sĩ Trần Bộ, Bách Việt đã có những đóng góp đáng kể trong giai đoạn đầu của tân nhạc Việt Nam khi các thành viên của nhóm đã có ý thức mở rộng, phát triển các phương thức biểu đạt mới trên nền tảng nhạc cụ dân tộc.


Ở giai đoạn hoạt động của nhóm Bách Việt, chưa nhiều nhạc sĩ Việt Nam biết tới việc kết hợp nhạc cụ dân tộc Việt Nam với âm nhạc phương Tây.


Sau năm 1975, nhạc sĩ Trần Bộ là thành viên đã tiếp tục phát triển hoạt động của nhóm Bách Việt. Nhóm nhạc này đã từng đại diện cho giới trẻ miền Nam ra biểu diễn tại Điện Biên trong dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.


Năm 2015, nhạc sĩ Trần Bộ cùng giáo sư Hoàng Cơ Thụy, vợ giáo sư Hoàng Cơ Thụy là nghệ sĩ Xuân Yên cùng các ca sĩ Ngọc Yến, Ngọc Điệp, Ngọc Hà và bác sĩ - nhạc sĩ Đào Duy Anh đã có 2 buổi biểu diễn những ca khúc của nhạc sĩ Đào Duy Anh ở quận Cam và ở San Jose nhân 45 năm thành lập của nhóm Bách Việt.


image012

Đoạn trích nhắc đến bác sĩ David Dao trong cuốn Mùa hè năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghiã


Trên Facebook của nhà văn Lê Văn Nghĩa, anh cho biết "Bác sĩ Dao Duy Anh là học sinh Petrus Ký, học trò của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba. Ông là một trong những thành viên của ban nhạc Bách Việt mà tôi đã viết trong quyển Mùa hè năm Petrus. Nhờ sự kiện này mới gặp lại đàn anh ngày xưa..." .


D. KIM THOA


Bác Sĩ David Đào bị lôi khỏi máy bay: Dân Little Saigon phản ứng dữ dội


April 11, 2017


 image014

Bác Sĩ David Đào sau khi bị kéo ra khỏi ghế ngồi trên máy bay. (Hình chụp qua màn hình TV)


LITTLE SAIGON, California (NV) – Vụ Bác Sĩ David Đào, cư dân Elizabethtown, Kentucky, bị lôi khỏi máy bay United Airlines ở phi trường Chicago có thể nói gây chấn động thế giới, sau khi đoạn phim cho thấy cách ông bị đối xử được đưa lên các tranh mạng xã hội.


Có đến cả trăm triệu người vào xem đoạn video này, và đưa ra nhiều phản ứng. Thậm chí, một số giới chức dân cử Hoa Kỳ cũng có phản ứng, cho rằng đây là hành động đáng lý không xảy ra.


Ông Oscar Munoz, tổng giám đốc United Airlines, cũng phải đưa ra nhiều thông báo xin lỗi và hứa sẽ xem xét lại vấn đề.


Cư dân vùng Little Saigon cũng phản ứng dữ dội chuyện này.


Hình ảnh ghi lại cho thấy ba nhân viên an ninh kéo lê Bác Sĩ David Đào trong lúc ông kêu gào ra khỏi chuyến bay của hãng hàng không United Airlines từ phi trường O’Hare International ở Chicago.


Trên mặt ông có máu chảy từ miệng ra. Sau đó, ông David Đào trở lại, đứng ở cửa máy bay, và nói bằng tiếng Anh: “Giết tôi đi, giết tôi đi!”


Tờ báo địa phương Louisville Courier-Journal nói rằng một đại diện hãng United xác nhận vào tối ngày Chủ Nhật một người bị đưa ra khỏi chuyến bay 3411 đến Louisville, tiểu bang Kentucky, vì United nhận đặt chỗ cho nhiều hành khách hơn là số ghế trên phi cơ.


Hôm Thứ Ba Bác Sĩ David Đào nói với đài truyền hình WLKY ở Kentucky rằng ông bị đau “khắp người” và không cảm thấy khỏe.


Nói chuyện với nhật báo Người Việt, phóng viên Christina Mora của đài WLKY, xác nhận cô có nói chuyện với Bác Sĩ David Đào qua điện thoại, vào lúc 10 giờ sáng Thứ Ba.


“Khi tôi hỏi ông có bị đau chỗ nào không, ông nói đau khắp người,” phóng viên Mora nói.


Hãng United nói có bốn hành khách được chọn lựa theo cách ngẫu nhiên để buộc họ ra khỏi phi cơ khi không có ai tình nguyện nhường lại ghế mình, dù được trả lúc đầu là $400 và sau cùng lên tới $800, cho bốn nhân viên công ty phải có mặt ở Kentucky cho chuyến bay sáng sớm ngày Thứ Hai.


Những người khác bị chọn đều lẳng lặng bước ra, chỉ có Bác Sĩ David Đào cho hay mình là bác sĩ và phải xem bệnh nhân ở bệnh viện sáng Thứ Hai, là có hành động phản đối mạnh mẽ.


Phóng viên Mora viết trên Twitter rằng cô có hỏi nhân viên văn phòng của bác sĩ này, “nhưng họ không không thể nói là ông có hẹn với bệnh nhân hay không.” 


Phản ứng của đồng hương


Bà Leslie Trần, cư dân Garden Grove, không tin rằng chuyện này xảy ra ngay tại Mỹ.


“Khi loáng thoáng thấy cảnh tượng lôi kéo này trên TV, tôi tưởng hoặc là phim truyện, hoặc là chuyện thật ở Việt Nam, chứ không thể dè rằng ở xứ Mỹ này, ở thế kỷ này, lại có chuyện man rợ này xảy ra được,” bà nói.


Bà thêm: “Đến khi biết được đây là tin tức, và nạn nhân là một bác sĩ gốc Việt, tôi mới chưng hửng.”


Ông Vĩnh Thạc, cư dân Westminster, cho rằng đây là một sự kỳ thị trắng trợn.


image015Ông Vĩnh Thạc: “Thử hỏi có bao nhiêu người Mỹ trắng bị lôi xuống như ông? Hành động này quá sức tưởng tượng của tôi.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)


Ông nói: “Họ nói là rút thăm cho có vẻ như công bình, nhưng có bằng chứng gì đâu. Tôi nghĩ họ chỉ nhìn số ghế ông (David) ngồi rồi chọn ông thôi. Một phần là vì ông ăn mặc quá bình dị, chứ nếu ông ăn mặc kỹ hơn thì họ không có chuyện này xảy ra. Thử hỏi có bao nhiêu người Mỹ trắng bị lôi xuống như ông? Hành động này quá sức tưởng tượng của tôi.”


Ông Nguyễn Văn Gianh, cư dân Santa Ana, cho rằng đây là một sự đàn áp trắng trợn như thời Hitler.


Ông nói: “Rõ ràng là nó áp bức mình. Từ xưa tới giờ có bao giờ chuyện như vậy xảy ra cho người da trắng không? Ngày xưa thì họ hà hiếp da đen, bây giờ tới người mình. Nếu là thời Đức Quốc Xã thì dễ tin hơn.”


Bà Lưu Thị Bông (Betty), cư dân Westminster, nhận xét: “Dã man quá! Máu me đầy miệng. Cả hai vợ chồng là bác sĩ và cả mấy đứa con cũng là bác sĩ. Gia đình này là một gia đình có học thức. Đây là một gia đình chuyên giúp người mà bây giờ gặp cảnh này thật là thương tâm.”


“Không thể chấp nhận được. Dù không biết nội tình, nhưng chỉ nhìn thấy hình ảnh miệng ông đầy máu, tôi nghĩ rằng hành động này là quá đáng và không thể chấp nhận được,” ông Cao Tuấn, cư dân Westminster, lộ vẻ bất bình và nói.


Ông Nguyễn Huynh, cư dân Westminster, cho rằng không ai có quyền đối xử như vậy với người khác như thế được và sự việc này sẽ ảnh hưởng đến nhiều giới chức.


“Con người không thể đối xử như thế với nhau được. Ban giám đốc hãng máy bay (United Airlines) sẽ phải trả lời cho chuyện này. Và ban giám đốc an ninh phi trường cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi hy vọng Bác Sĩ David Đào sẽ làm tới nơi, tới chốn vụ này,” ông nói.


Bà Lê Thị Nghĩa, cư dân Westminster, lại có vẻ thận trọng và dè dặt hơn.


Bà nói: “Xưa nay nhân viên Mỹ, nói chung, làm việc rất lịch sự và nhỏ nhẹ. Tôi không biết ông David Đào có nói gì để họ có phản ứng như vậy cả. Xin miễn có ý kiến.” 


Phản ứng của các giới chức


Theo AP, Thị Trưởng Rahm Emanuel của Chicago gọi cách mà Bác Sĩ David Đào bị đối xử là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”


Vị thị trưởng hứa thành phố sẽ điều tra vụ này để “bảo đảm những chuyện như vậy không bao giờ xảy ra nữa.”


Cũng theo AP, lãnh đạo một số ủy ban quan trọng tại Thượng Viện Hoa Kỳ yêu cầu hãng United Airlines và phi trường Chicago giải thích nguyên nhân dẫn đến sự việc.


Các thượng nghị sĩ gởi thư đặt câu hỏi trực tiếp với ông Munoz, bao gồm thắc mắc về chính sách của hãng United Airlines đối với hành khách bị buộc rời máy bay, và có gì khác đối với hành khách đã lên ngồi trên máy bay rồi, như trường hợp xảy ra ở Chicago.


Các nhà lập pháp liên bang cho rằng sự việc này có thể tránh được nếu liên lạc tốt hơn hoặc “có thêm sáng kiến,” hàm ý nói rằng United có thể đã không gia tăng mức đền bù đủ để hành khách tình nguyện rời máy bay.


Lá thư được bốn thành viên cao cấp của Ủy Ban Thương Mại Thượng Viện ký, bao gồm Thượng Nghị Sĩ John Thune (Cộng Hòa-South Dakota), chủ tịch ủy ban; Thượng Nghị Sĩ Roy Blunt (Cộng Hòa-Missouri); Thượng Nghị Sĩ Bill Nelson (Dân Chủ-Florida), và Thượng Nghị Sĩ Maria Cantwell (Dân Chủ-Washington).


Thống Đốc Chris Christie của New Jersey nói rằng ông yêu cầu chính quyền Donald Trump ngưng áp dụng luật hàng không liên quan đến các chuyến bay chở quá người quy định.


Hôm Thứ Ba, ông Christie, một người thuộc đảng Cộng Hòa, gởi thư tới bà Elaine Chao, bộ trưởng Bộ Giao Thông, đề cập chuyện Bác Sĩ David Đào bị lôi khỏi máy bay.


Ông cho rằng hành động “đuổi” khách ra khỏi máy bay là “tán tận lương tâm.”


United Airlines là hãng hàng không chính tại phi trường quốc tế Newark ở New Jersey.


AP có gọi điện thoại đến văn phòng bà Chao, để lại lời nhắn, nhưng không nhận được hồi âm. 


Từng bị treo bằng


Hồ sơ của Hội Đồng Cấp Bằng Hành Nghề Y Khoa Kentucky cho thấy Bác Sĩ David Đào tốt nghiệp trường đại học y khoa Sài Gòn năm 1974, và được cấp bằng hành nghề ở Kentucky, chuyên khoa về phổi, theo AP.


Năm 2003, ông bị treo bằng sau khi bị tố cáo liên quan đến một hoạt động kê toa thuốc gian lận trong một khách sạn ở Louisville, Kentucky, và bị kết tội đại hình.


Theo hồ sơ, hội đồng biết được Bác Sĩ David Đào có quan tâm tình dục đối với một bệnh nhân và mướn người này làm quản lý văn phòng. Người đàn ông này sau đó bỏ việc bởi vì Bác Sĩ Đào “bám ông qua chặt,” và vị bác sĩ dàn xếp cung cấp thuốc kê toa cho người đàn ông này để đổi lấy tình dục.


Bác Sĩ David Đào bị kết tội vào cuối năm 2004 vì gian lận thuốc hoặc lừa gạt, và bị theo dõi trong năm năm đồng thời bị tịch thu bằng hành nghề.


Sau một thời gian khiếu nại, năm 2015, hội đồng cấp giấy phép cho ông hành nghề trở lại.


Trở lại chuyện bị lôi ra khỏi máy bay, vẫn theo AP, một luật sư đại diện Bác Sĩ David Đào xác nhận hôm Thứ Ba rằng thân chủ của ông đang được chữa trị tại một bệnh viện ở Chicago vì các vết thương trong lúc bị lôi ra khỏi máy bay.


Luật Sư Stephen L. Golan ở Chicago nói rằng gia đình Bác Sĩ David Đào “đang tập trung vào việc chữa trị cho ông.”


Ông Golan nói thêm gia đình “muốn thế giới biết rằng họ rất trân trọng những lời cầu nguyện, chia sẻ, quan tâm, và ủng hộ cho bác sĩ.”/( Đằng Giao & Đỗ Dzũng/Người Việt)


CEO của United Airlines Oscar Munoz 'sẽ không từ chức'


image017Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Ông Oscar Munoz, CEO của United Airlines


CEO Oscar Munoz của hãng United Airlines cho hay ông sẽ không từ chức mặc cho phản ứng dữ dội của nhiều người trên thế giới khi một hành khách bị lôi ra khỏi máy bay của hãng này hôm Chủ nhật 9/4 để nhường chỗ cho bốn nhân viên của hãng.


Các luật sư của vị hành khách này, bác sĩ David Đào, đưa ra bản thông cáo hôm thứ Ba 11/4 khẳng định danh tính của ông và cho biết ông và gia đình đang "chỉ tập trung vào chăm sóc y tế " cho ông tại một bệnh viện ở Chicago.


Bộ Giao thông Hoa Kỳ đã mở cuộc điều tra về vụ này và Thống đốc bang New Jersey Chris Christie kêu gọi đưa ra những luật lệ mới để bỏ tập quán bán thừa chỗ trên các chuyến bay.


'Sẽ không từ chức'


CEO Oscar Munoz của United Airlines ra thông cáo hôm thứ Ba xin lỗi ông Đào mà không nói đến tên ông. "Tôi xin lỗi. Chúng tôi sẽ sửa sai," ông Munoz nói. "Tôi thành thật xin lỗi hành khách bị cưỡng ép đưa ra khỏi máy bay và tất cả các hành khách trên chuyến bay. Không thể đối xử như vậy với bất kỳ ai."


Hôm thứ Hai, ông Munoz ra một văn bản cho các nhân viên bảo vệ hãng mình nhưng không xin lỗi hành khách.


Ông Munoz, một cựu giám đốc ngành đường sắt làm CEO cho United từ năm 2015, trước đó đã chịu sức ép từ các nhà đầu tư yêu cầu hãng phải cải thiện hoạt động kinh doanh, trong đó có quan hệ với khách hàng.


Đoạn video quay ông David Đào bị nhân viên an ninh kéo khỏi ghế tối hôm Chủ nhật và lôi ra khỏi chuyến bay 3411 của United Airlines tại Sân bay Quốc tế O''Hare ở Chicago đã gây sốt trên mạng và gây bất bình trên toàn thế giới.


Một thư thỉnh cầu trên mạng kêu gọi ông Munoz từ chức đã có 22.000 người ký tên cho đến tối thứ Ba ngày 11/4.


Tuy nhiên, vị CEO này nói ông sẽ không từ chức. Oscar Munoz nói ông thấy "hổ thẹn và ngượng ngùng" và hứa hành vi kiểu này sẽ không bao giờ lặp lại với một hành khách đã lên ghế máy bay ngồi trên chuyến bay bị bán thừa chỗ.


Ông Munoz lúc đầu đã nói ông David Đào là người "phá phách và hung hăng".


"Cảm giác hổ thẹn và ngượng ngùng là rất rõ đối với tôi và nhiều nhân viên khác trong hãng," ông Munoz nói trên chương trình Good Morning America của hãng ABC.


"Điều này không thể, sẽ không bao giờ lặp lại trên chuyến bay của United Airlines," ông nói.


Ông được hỏi liệu hãng sẽ xử lý thế nào trong tương lai nếu một hành khách đã ngồi xuống chỗ của mình từ chối rời một chuyến bay đã bán thừa chỗ và nhận khoản tiền bồi thường của hãng.


"Chúng tôi sẽ không đưa một nhân viên hành pháp đến để điều họ đi," ông nói, "để đưa một hành khách đã đặt chỗ, trả tiền và ngồi vào chỗ ra khỏi máy bay, chúng tôi không thể làm điều đó".


Khi được hỏi liệu ông David Đào có lỗi không, ông Munoz ngập ngừng.


"Không. Ông ấy không thể có lỗi. Ông ấy là một hành khách đã trả tiền ngồi trên ghế máy bay của chúng tôi và không ai phải chịu đối xử như vậy. Chấm hết." vị CEO này trả lời.


image018

Bản quyền hình ảnh REUTERS/Kamil Krzaczynski Image caption Biểu tình nhỏ tại sân bay O'Hare, Chicago, phản đối hãng hàng không United Airlines trong vụ hành hung ông David Đào


Phản ứng dữ dội


Một cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra tại sân bay quốc tế O'Hare, thành phố Chicago, để phản đối hãng hàng không United Airlines trong vụ hành hung ông David Đào.


Tại Trung Quốc, sự việc này đã gây chú ý của 480 triệu người dùng mạng Weibo, mạng xã hội tương tự như Twitter.


United chiếm 20% lượng khách trên tuyến Mỹ - Trung Quốc và có hợp đồng hợp tác với Air China, hãng hàng không lớn thứ ba của Trung Quốc, theo các nhà phân tích. Hãng này có nhiều điểm đến ở Trung Quốc hơn bất kỳ hãng hàng không Mỹ nào khác. Năm ngoái, United mở thêm chuyến bay thẳng từ San Francisco tới Hàng Châu, điểm đến thứ năm trên Trung Quốc lục địa.


Ông David Đào, trước khi bị lôi khỏi máy bay, đã nói đi nói lại nhiều lần rằng ông bị đối xử phận biệt vì ông là người Trung Quốc, theo lời Tyler Bridges, một hàng khách khác đi cùng chuyến bay từ Chicago tới Louisville, Kentucky.


"Ông ấy nói: 'Tôi là bác sĩ, tôi cần khám cho bệnh nhân', ông Bridges, một kỹ sư dân dụng từ Louisville - người đã quay vụ việc bằng điện thoại của mình, cho biết.


Giá cổ phiếu của United Continental xuống 1,1% khi thị trường đóng cửa, ở mức 70,71 USD một cổ phiếu, sau khi giảm 4,4% trước đó. Hãng này đã mất khoảng 1 tỷ USD giá thị trường trước khi mất khoảng 250 triệu USD trong ngày hôm thứ Ba 11/4.


Hãng United còn bị các nhà đầu tư lo ngại về tình hình hoạt động của mình.


Ở Mỹ, sự bất bình trên mạng xã hội vẫn tiếp tục, và sự việc này là tin nóng nhất trên Twitter ngày thứ hai liên tiếp. Nhiều người dùng Twitter sử dụng các hashtag như #NewUnitedAirlinesMotto và #BoycottUnitedAirlines, hãng Reuters đưa tin.


Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một tháng hãng United đã bị cuốn theo cơn bão mạng xã hội. Cuối tháng Ba, một nhân viên tại cửa lên máy bay của United đã từ chối không cho hai thiếu nữ mặc quần bó sát legging lên máy bay, gây phản ứng dữ dội trên mạng./(BBC 12/4/17)


United Airlines ‘lập lờ’ và ‘không chân thành’


image020

Tổng giám đốc United Airlines Oscar Munoz trong một cuộc phỏng vấn ở New York (ảnh tư liệu, 6/2016)


Hãng hàng không United Airlines tiếp tục hứng chịu cơn bão chỉ trích của dư luận về cách hành xử với hành khách David Dao.


Cổ phiếu của hãng, mã số UAL, giảm hơn 1% hôm thứ Ba, trước đó trong cùng ngày, đã có lúc cổ phiếu bị sụt giá tới 4%.


Nếu một khuôn mặt đầy máu me của một hành khách xuất hiện trên truyền thông xã hội, cần phải xin lỗi một cách rõ ràng, không lập lờ. Nhưng hãng đã có sự lập lờ nhất định


Chuyên gia hàng không Richard Aboulafia


Đó là hậu quả sau khi một đoạn video lan truyền chóng mặt cho thấy một hành khách bị thương và bị lôi ra khỏi một chuyến bay của United Airlines.


Đoạn video ghi bằng điện thoại di động cho thấy hành khách này đang phải vật lộn với cảnh sát.


Đoạn video làm bùng lên sự phẫn nộ ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, đặc biệt Trung Quốc. Một nhà phân tích về ngành hàng không nói ông chưa bao giờ thấy "một loạt những sự kém cỏi" như vậy và cho rằng hãng UA đã không xin lỗi thỏa đáng cho việc ngược đãi một khách hàng có trả tiền đàng hoàng.


Nhà phân tích Richard Aboulafia cho biết cổ phiếu của hãng UA chịu thiệt hại vì hãng này xử lý kém cỏi sự việc và xin lỗi không chân thành.


Ông nói với VOA qua Skype: "Nếu một khuôn mặt đầy máu me của một hành khách xuất hiện trên truyền thông xã hội, cần phải xin lỗi một cách rõ ràng, không lập lờ. Nhưng hãng đã có sự lập lờ nhất định".


Lời xin lỗi của ông tổng giám đốc chỉ là nói cho xong, nếu nhìn một cách tích cực, hoặc là tìm cách bác bỏ vụ việc, nếu nhìn một cách tiêu cực


Rupert Younger, chuyên gia về quan hệ công chúng


Trong tuyên bố đầu tiên, Tổng giám đốc Điều hành UA Oscar Munoz đã xin lỗi vì “phải tái bố trí hành khách”. Trong tuyên bố thứ nhì, ông mô tả người hành khách trong video là “mất trật tự và hiếu chiến”.


Đến cuối ngày thứ Ba, Oscar Munoz đưa ra lời xin lỗi rõ ràng hơn, gọi vụ này là "thật sự khủng khiếp" và thề sẽ chấn chỉnh hãng hàng không để những việc như vậy sẽ "không bao giờ xảy ra nữa".


Rupert Younger, một chuyên gia về quan hệ công chúng đồng thời là giám đốc Trung tâm về Danh tiếng Doanh nghiệp thuộc Đại học Oxford, nói lời xin lỗi ban đầu của ông Munoz gây thất vọng lớn, đáng lẽ ra hãng UA phải hành động mau lẹ hơn để giảm thiểu thiệt hại từ đoạn video.


Ông Younger nói: “Lời xin lỗi của ông tổng giám đốc chỉ là nói cho xong, nếu nhìn một cách tích cực, hoặc là tìm cách bác bỏ vụ việc, nếu nhìn một cách tiêu cực”.


Người hành khách trong vụ này, theo nhiều tờ báo địa phương ở Mỹ, dường như là ông David Dao, người Mỹ gốc Việt.


image021

hành khách David Dao bị thương khi bị lôi khỏi máy bay của UA



Liên hệ đến gốc gác châu Á của ông, một số người chỉ trích trên truyền thông xã hội cáo buộc hãng UA về phân biệt đối xử. Nhà phân tích Aboulafia cho rằng cáo buộc này có thể làm gây tác hại nghiêm trọng đến UA ở thị trường lớn, đang phát triển và quan trọng là Trung Quốc.


Trên truyền thông xã hội Trung Quốc, một số khách hàng nói họ đã trải nghiệm xấu với UA.


Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer hôm thứ Ba gọi vụ việc là "chuyện không may": "Thật phiền lòng khi xem cách người ta đã xử lý sự việc".


Ông Spicer cho biết hãng hàng không và các quan chức địa phương đang kiểm điểm lại vấn đề này. Bộ Vận tải Mỹ cũng cho hay họ đang điều tra./( VOA 12/04/2017)


Thứ tư, 12/04/2017 - 18:12


Ám ảnh tiếng la hét trong vụ bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay


Dân trí - Một hành khách cho biết cô đã không thể ngủ nổi và cảm thấy rùng mình khi xem lại đoạn video quay cảnh người đàn ông gốc Việt bị kéo lê khỏi máy bay của hãng hàng không Mỹ United Airlines.


image022

Ông David Dao bị lôi đi trên máy bay Mỹ (Ảnh: Twitter)


Tối 9/4, một hành khách - được xác định là bác sĩ gốc Việt David Dao - đã bị lôi khỏi một máy bay của hãng hàng không United Airlines đang chuẩn bị cất cánh từ sân bay quốc tế Chicago O'Hare, Chicago đi Louisville, Kentucky.


Vài hành khách đã dùng điện thoại ghi lại vụ việc và đăng tải video trên mạng xã hội. Video cho thấy 3 nhân viên anh ninh thuộc Sở hàng không Chicago túm chân và tay lôi ông Dao trên lối đi của máy bay, trong khi các hành khách khác la hét phản đối. Ông Dao cố kháng cự khi bị lôi khỏi ghế và chạy trở lại máy bay sau vụ xô xát, với gương mặt dính máu.


“Vụ việc rất đáng buồn”, hành khách Jade Kelley nói với CNN. Cô không chứng kiến toàn bộ sự việc, nhưng Kelley nói âm thanh của những tiếng la hét vẫn ám ảnh cô.


“Thật kinh hãi. Tôi đã không ngủ được và cảm thấy rùng mình khi nghe lại video”, cô nói.


Ám ảnh tiếng la hét trong vụ bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay


Hành khách Tyler Bridges kể lại rằng lời kêu gọi các hành khách tình nguyện nhường ghế diễn ra sau khi tất cả mọi người đã lên máy bay. Thật dễ hiểu khi không ai hưởng ứng, vì đó là đêm Chủ nhật và phải đợi tới chiều ngày hôm sau mới có chuyến bay kế tiếp.


Khi không ai tình nguyện, một quản lý của hãng United đã lên máy bay và thông báo rằng các hành khách sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên.


Khi các nhân viên United nêu tên 4 hành khách phải rời khỏi máy bay, 3 người trong số họ đã rời đi. Người thứ 4 từ chối làm vậy, cảnh sát đã được gọi lên máy bay.


Một cảnh sát có thái độ hung hăng


Bridges cho hay hai cảnh sát đầu tiên đã nói chuyện từ tốn với ông Dao, trước khi người thứ 3 tiếp cận ông với thái độ hung hăng. Người này nói với ông Dao về việc phải rời máy bay, và khi ông kháng cự, viên cảnh sát đã túm lấy ông, kéo ra khỏi ghế và lôi ông đi cùng với các cảnh sát khác.


Bridges kể lại, ông Dao nói lớn rằng ông là bác sĩ và đang bị mô tả là một người Trung Quốc. Cảnh tượng khiến mọi người nhốn nháo, trong đó một số trẻ em bắt đầu khóc.


“Thật sốc khi nhìn thấy vụ việc lại trở nên như thế… Thật là một cảnh tượng không thể tin nổi khi họ túm ông ấy và lôi ông ấy đi”, Bridge nói với CNN.


Theo ABC, vợ của Bridges nói với anh rằng cô nhìn thấy ông Dao bị khiêng đi trên cáng và sau 3 giờ trì hoãn, máy bay đã cánh mà không có ông Dao trên khoang.


“Chúng tôi cảm thấy như đã bị bắt giữ làm con tin. Chúng tôi bị kẹt trên đó. Bạn không thể làm gì với tư cách là một hành khách. Bạn đang phụ thuộc vào hãng hàng không”, Bridges cho biết.


"Không thể tin nổi"


image024

Làn sóng bẻ thẻ của United và tẩy chay hãng này đã nổ ra sau vụ việc (Ảnh: Twitter)


Hành khách Jayse Anspach cho hay ban đầu ông Dao đã đồng ý rời khỏi chuyến bay.


“Ông ấy và vợ, ban đầu họ tình nguyện nhường ghế. Nhưng khi họ biết tin chuyến bay kế tiếp không có cho tới tận 2h30 chiều ngày hôm sau. Ông ấy đáp: “Tôi không thể xuống. Tôi phải đi làm”. Vì vậy ông ấy ngồi xuống”.


Khi các cảnh sát càng cố gắng đưa người đàn ông thì ông này càng khẳng định muốn ở lại. “Ông ấy rất cương quyết: “Tôi không thể đến muộn. Tôi là bác sĩ. Tôi phải có mặt ở đó vào ngày mai”, Jayse thuật lại lời ông Dao.


Những lời ăn nỉ của ông ấy không có tác dụng. Ngay sau đó, ông Dao bị kéo lê xềnh xệch ở lối đi. Các hành khách cho hay có thời điểm đầu của ông đã va phải chỗ gác tay trên máy bay. Máu bắt đầu chảy ra từ miệng ông.


“Thật sốc khi nhìn thấy cách người đàn ông bị đối xử tồi tệ như vậy. Tôi không thể tin những gì đã xảy ra. Đó là một điều hiếm gặp. Bạn thấy những chuyện như thế này trên báo chí, nhưng không bao giờ nghĩ chính bạn lại gặp phải. Một điều thật kỳ quặc”, Jayse nói.


Vụ việc đã gây phẫn nộ và tạo ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đối với hãng hàng không United. Bộ Giao thông Mỹ đã mở một cuộc điều tra nhằm vào vụ việc. Chủ tịch hãng United đã lên tiếng xin lỗi nhưng cũng không làm dịu sự giận dữ của cộng đồng mạng.


Hiện ông Dao vẫn đang phải nằm viện để hồi phục do những vết thương. Bác sĩ nội khoa David Dao sống tại Elizabethtown, bang Kentucky và có một phòng khám tại đây. Ông có vợ và 4 trong số 5 người con đều làm ngành y.


An Bình


Bê bối United Airlines: Ông David Dao có phạm luật không?


12/04/2017


Bê bối của United Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai thế giới, gây tranh cãi gay gắt xung quanh nhiều vấn đề như hãng có quyền đuổi khách không hay bên nào đã phạm luật.


Hãng hàng không Mỹ lôi mạnh hành khách xuống máy bay Người đàn ông được cho là một bác sĩ, bị lôi mạnh ra khỏi ghế ngồi và kéo lê trên sàn máy bay. Hành khách xung quanh tỏ ra rất bất ngờ.


Ngày 9/4, một hành khách bị nhân viên an ninh kéo lê một cách thô bạo trên chuyến bay của hãng hàng không United Airlines. Vụ việc dấy lên làn sóng phản đối dữ dội trên khắp nước Mỹ vì cách hành xử thô bạo nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến khía cạnh pháp lý. 


Vụ việc diễn ra như thế nào?


Vụ việc xảy ra tại sân bay quốc tế Chicago O'Hare trên chuyến bay số hiệu 3411 của hãng United Airlines từ Chicago đi Louisville, Kentucky vào tối 9/4 (theo giờ Mỹ).


CNN dẫn thông tin từ nhiều hành khách trên chuyến bay cho hay khi các ghế đã kín chỗ, United Airlines thông báo cần di chuyển gấp 4 nhân viên của hãng tới Louisville để cho kịp một chuyến bay khác vào sáng sớm hôm sau và đề nghị 4 hành khách trên khoang nhường ghế.


Ban đầu, hãng đề nghị đền bù bằng một vé máy bay vào chiều hôm sau, cùng 400 USD, một phòng khách sạn trong 1 đêm cho những người tình nguyện rời khỏi máy bay. Số tiền sau đó được tăng lên 800 USD.


Do không ai tự nguyện rời đi, một quản lý của United Airlines lên máy bay và nói với các hành khách rằng 4 người đã được lựa chọn rời ghế. Một cặp đôi bị United lựa chọn đồng ý xuống máy bay.


Trong cặp đôi còn lại, chỉ có người vợ chấp thuận nhường ghế. Người chồng cho biết ông là một bác sĩ và có lịch hẹn các bệnh nhân vào sáng hôm sau nên đã từ chối yêu cầu của United. Danh tính của bác sĩ này sau đó được xác định là David Dao, 69 tuổi, người gốc Việt.


Các video được đăng tải trên mạng cho thấy 3 nhân viên an ninh nói chuyện với ông Dao, sau đó kéo ông khỏi ghế và lôi ông trên lối đi giữa của máy bay. Hình ảnh cũng cho thấy mặt ông dính nhiều máu. Lát sau, ông trở lại ghế ngồi với vẻ bối rối.


image026

Máu chảy trên mặt bác sĩ David Dao khi ông bị kéo khỏi máy bay trước sự chứng kiến của nhiều hành khách. Ảnh: Twitter.


Lựa chọn ngẫu nhiên


United Airlines thông báo rằng việc lựa chọn 4 hành khách xuống máy bay là ngẫu nhiên. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Charlie Hobart của hãng, việc lựa chọn này không hoàn toàn tùy tiện.


Theo ông Hobart, hãng cân nhắc một số yếu tố nhất định để đi đến quyết định ai phải rời khỏi máy bay, trong đó có chuyến bay kết nối, thời gian khách phải chờ ở sân bay.


Hợp đồng vận chuyển của United cũng cung cấp một số hướng dẫn về việc hành khách nào có thể và không thể khởi hành. Trẻ em, người khuyết tật chỉ bị yêu cầu xuống máy bay khi không còn phương án nào khác.


Các hãng hàng không khác có tiêu chí riêng của họ. American Airlines dựa trên thứ tự (check-in) làm thủ tục, đồng thời xem xét trường hợp khẩn cấp, giá vé và khách hàng trung thành. Delta cũng dựa trên thứ tự check-in và khách hàng trung thành, ưu tiên người khuyết tật, trẻ em hay người trong quân đội.


Hãng hàng không có quyền từ chối hành khách


Liệu các hãng hàng không có quyền buộc hành khách rời khỏi máy bay khi họ đã mua vé rồi hay không? Câu trả lời là có. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Mỹ, 46.000 hành khách đã bị ép rời khỏi các chuyến bay trong năm 2015. Đây là số liệu gần nhất được thống kê. 


Điều này xảy ra do các hãng hàng không cho phép đặt thừa chỗ (overbooking) nhằm đảm bảo số hành khách tối đa trên mỗi chuyến bay. Thông qua đó, nếu có trường hợp hành khách đặt vé trước nhưng hủy vé, chính sách này sẽ giúp những chỗ bị hủy được lấp đầy.


Tại Mỹ, khi chuyến bay bị quá tải, quy định liên bang yêu cầu các hãng hàng không thực hiện hai bước: Trước tiên, hỏi xem liệu có hành khách nào tự nguyện nhường chỗ hay không. Sau đó, nếu không có hành khách nào muốn rời chỗ, các hãng hàng không được phép sử dụng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên để buộc hành khách rời khỏi máy bay.


Giải mã loại vé máy bay khiến hành khách gốc Việt bị kéo lê Bán vé thừa là nguyên nhân hành khách gốc Việt bị lôi khỏi máy bay của United Airlines, tuy nhiên đây lại là thủ thuật hợp pháp và phổ biến để các hãng hàng không tối đa lợi nhuận.


United Airlines sai ở đâu?


Hãng hàng không lớn thứ hai thế giới hoàn toàn có quyền yêu cầu hành khách rời khỏi máy bay, song điều này không có nghĩa United Airlines không phạm sai lầm nào trong vụ việc xảy ra với ông David Dao. 


Các chuyên gia cho rằng United Airlines đã mắc lỗi cả trước và sau khi vị khách gốc Việt bị đuổi khỏi chuyến bay. Trước hết, việc yêu cầu hành khách không lên chuyến bay thông thường phải diễn ra tại cửa ra vào, trước khi họ đi lên máy bay chứ không phải khi họ đã ngồi vào chỗ. 


"Những gì xảy ra đúng là không bình thường", George Hobica, người sáng lập trang web tỷ giá hàng không Airfarewatchdog.com, đánh giá về việc United Airlines trục xuất hành khách trên chuyến bay ngày 9/4. 


image027

Oscar Munoz, CEO của United Airlines đã xin lỗi bác sĩ gốc Việt bị buộc rời khỏi máy bay hôm 9/4 và nói "không ai có thể bị ngược đãi theo cách này".  Ảnh: Reuters.


Bên cạnh đó, cách thức United Airlines ép ông David Dao rời máy bay, dẫn tới việc nhân viên anh ninh sân bay xuất hiện và kéo ông đi, bị lên án mạnh mẽ. Một người phát ngôn từ Cục hàng không Chicago cho hay "hành động của nhân viên an ninh" khi kéo lê ông David Dao khỏi máy bay là điều "không thể chấp nhận được". Sau vụ việc, nhân viên an ninh này đã bị tạm thời đình chỉ.


Giám đốc điều hành của hãng cũng đưa ra lời xin lỗi đối với vị bác sĩ gốc Việt về việc ông bị đối xử một cách thô bạo. "Tôi xin lỗi sâu sắc với khách hàng bị ép buộc rời máy bay và tất cả khách hàng trên chuyến bay. Không ai có thể bị ngược đãi theo cách này”, Giám đốc điều hành của United Oscar Munoz viết trong thông báo cho nhân viên hôm 11/4./ (Zing)


Ông David Dao có phạm luật?


Andrew Harakas, chuyên gia hàng không tại công ty luật Clyde & C của Anh, nói với Independent rằng theo luật liên bang, ông Dao có nghĩa vụ bắt buộc rời máy bay khi được các nhân viên yêu cầu.


"Khi là hành khách trên chuyến bay, bạn không thể can thiệp vào công việc của phi hành đoàn khi họ đang làm nhiệm vụ hoặc khi máy bay được vận hành, đó là nguyên tắc cơ bản", ông Harakas nói.


image028

Ông David Dao, 69 tuổi, bị kéo một cách thô bạo khỏi chuyến bay của United Airlines hôm 9/4. Ảnh: Daily Mail.


Trong khi đó, theo Mark Franklin, luật sư hàng không tại công ty DLA Piper, cho biết: "Một khi bạn lên máy bay, quy tắc chung là bạn phải tuân theo yêu cầu của phi công và phi hành đoàn". Luật gia này nói thêm rằng những yêu cầu đó bao gồm cả những hướng dẫn như thắt dây an toàn.


"Nếu bạn không làm theo một yêu cầu nào đó của phi hành đoàn thì rất có thể là bạn sẽ gặp rắc rối, cho dù là nó có vô lý như thế nào đi nữa", ông Franklin cho hay.


Ngụy An (Tổng hợp)


Ông Nguyễn Thiện nhân: “Nhờ dân ghi hình, dư luận mới biết vụ bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay”


12/04/2017


Dân trí - “Nhờ hành khách đi cùng sử dụng điện thoại quay lại nên vụ bác sĩ David Dao bị an ninh hàng không của Mỹ lôi xuống khỏi máy bay mới đến được với hàng triệu người, tạo phản ứng buộc hãng vận chuyển phải xin lỗi” – Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân liên hệ để nói về đề xuất cấm người dân, báo chí bí mật ghi âm, ghi hình…

Tại hội nghị giao ban công tác thông tin, tuyên truyền với lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức hôm nay, 12/4, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu rà soát các căn cứ pháp lý để xem quy định về sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị mà Bộ Công an đang soạn thảo có hợp hiến, hợp pháp không.


Theo Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), việc sử dụng phương tiện nghe, nhìn là chủ đề rất đáng quan tâm. Ông Nhân cũng đề nghị báo chí bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.


Đối với riêng MTTQ, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Tuyên giáo, Ban Dân chủ và Pháp luật của MTTQ Việt Nam rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật, từ Hiến pháp, để xem quy định này có hợp hiến, hợp pháp hay không; đồng thời đối chiếu kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình như thế nào?


image029

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp


“Tôi sẽ phát biểu chính kiến của MTTQ Việt Nam về vấn đề này trong phiên họp Chính phủ tới đây”, Chủ tịch MTTQ nhấn mạnh.


Chủ tịch UB Trung ương MTTQVN dẫn ví dụ vụ bác sĩ gốc Việt David Dao bị an ninh hàng không của hãng United Airlines – Mỹ lôi xuống khỏi máy bay để liên hệ với quy định đề xuất đang gây nhiều tranh luận này.


“Vì sao công luận và truyền thông lại biết được sự việc này? Bởi vì hành khách đi cùng sử dụng điện thoại, quay lại cảnh này rồi tung lên mạng. Hãng hàng không sau đó phải xin lỗi và bị hàng triệu người tiêu dùng phản ứng” – ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.


Chủ tịch MTTQVN lưu ý, nếu không có những phát hiện của người dân thì những sự việc tiêu cực, không hay tương tự như thế không thể bị phát hiện. Vì vậy, muốn phát hiện được những sự việc như thế trong thời đại này, người dân cần có các phương tiện nghe, nhìn thông minh.


Trước đó, Bộ Công an đã soạn thảo xong dự thảo lần hai nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Tuy hiên, khi dự thảo này đưa ra lấy ý kiến đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.


P.Thảo


Người Việt ở Mỹ, Úc nói gì về vụ máy bay United?


image031

Bản quyền hình ảnh Fb Nguyen Khang Image caption Ca sĩ Nguyên Khang (phải) cho biết ông David Đào (trái) cũng là nhạc sĩ Đào Duy Anh, được biết đến với các sáng tác mang âm hưởng dân ca


Một số nhân vật trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và Úc bình luận với BBC về vụ bác sĩ gốc Việt bị lôi ra khỏi chuyến bay United Airlines hôm 9/4.


Hãng hàng không Mỹ thiệt hại 1 tỷ đôla vì cổ phiếu sụt hôm 11/4 sau khi đoạn băng ghi lại cảnh tượng này lan truyền trên mạng xã hội.


Gia đình của ông David Đào, người cư ngụ tại Elizabethtown, bang Kentucky, Mỹ, và được truyền thông Mỹ ghi nhận là hành khách trong vụ này, đã phát đi thông cáo bày tỏ lòng sự biết ơn đối với "rất nhiều sự ủng hộ".


Ông Đào hiện đang điều trị tại một bệnh viện ở Chicago.


Thông cáo của gia đình bác sĩ Đào cho biết họ "muốn thế giới biết rằng chúng tôi rất cảm kích trước những lời cầu nguyện, sự quan tâm và trợ giúp".


Họ nói rằng gia đình hiện đang tập trung việc chữa trị cho bác sĩ Đào và sẽ không phát đi thông cáo nào khác cho đến khi ông được xuất viện.


Dù United Airlines không có chuyến bay thẳng tới Việt Nam nhưng đã có những lời kêu gọi tẩy chay hãng bay này trên mạng xã hội.


Một hành khách bị lôi ra khỏi máy bay United Airlines một cách thô bạo.


'Vũ khí'


Hôm 12/4, trả lời BBC từ bang Texas, Mỹ, nhà văn Nguyễn Danh Lam nói: "Tôi chưa định cư ở Mỹ đủ lâu để "thấm" rõ hơn tình hình, cũng như các... sắc thái kỳ thị, phân biệt."


"Ông Đào đã tuyên bố mình là bác sĩ, phát âm Anh ngữ hẳn cũng "nhuyễn" lắm rồi, nên lực lượng xử lý vụ việc hẳn cũng biết rõ đây không phải đối tượng mới nhập cư."


"Nếu nguyên nhân ở khía cạnh này, tôi nghĩ họ đã chọn người khác để "xử". Có thể ông bác sĩ này thực sự rơi vào tình thế "bị chọn" theo luật của hãng bay. Và vụ việc tiếp sau đó, chúng ta không được chứng kiến đủ rõ để phát biểu nhiều hơn."


"Sau khi gây ra sự việc bị chú ý và đáng phẫn nộ này, có thể những người của các hãng bay tại Mỹ sẽ... nhẹ tay hơn, thay vì mạnh tay hơn với đối tượng "nhạy cảm" là người nhập cư gốc Á như tôi."


Tác giả tiểu thuyết Cuộc Đời Ngoài Cửa cũng cho biết thêm: "Thực sự tôi cũng chưa giao tiếp nhiều ở Mỹ, nên chưa thấy một sự việc cụ thể nào mang tính kỳ thị sắc tộc, màu da." "Nhưng nếu có sự phân biệt này, tôi nghĩ cũng không lạ. Như ở Việt Nam, dù cùng nói một thứ tiếng, một màu da, nhưng chỉ cần anh phát âm giọng Bắc Trung bộ giữa Hà Nội là đã bị nhìn khác rồi."


"Huống hồ là mình là người khác họ [người Mỹ] mọi thứ, đến sống trên mảnh đất cha ông họ đã tạo dựng hàng trăm năm."


"Tuy nhiên, nói thì nói vậy, tôi vẫn có trong tay "vũ khí" được chính họ trang bị cho người nhập cư, đó là chống đối xử, phân biệt, dân chủ, vì vậy tôi sẽ dùng chính thứ vũ khí ấy để giữ quyền của mình, nếu cảm thấy bị phân biệt đối xử trên đất Mỹ".


Cộng đồng chúng ta đã trưởng thành để nhận ra ông Đào là nạn nhân của vấn nạn xúc phạm nhân phẩm con người.Nhà báo Nguyễn Quang Duy


Từ Úc, ông Nguyễn Quang Duy, Chủ nhiệm kiêm chủ bút Cộng Hòa Thời Báo, nói với BBC: "Tôi không nghĩ việc này có liên quan gì đến chính trị nhưng qua quan sát tôi nhận thấy việc đang bị "chính trị hóa".


"Nhất là một cuộc vận động xin chữ ký của người Trung Quốc [chiến dịch #ChineseLivesMatter] đã có hàng trăm ngàn người ký."


"Theo tôi biết, con gái của ông David Đào đă trả lời cha cô là người tỵ nạn cộng sản và hết lòng đóng góp cho nước Mỹ tự do."


"Qua quan sát, tôi thấy trong sự việc này, cộng đồng chúng ta đã trưởng thành để nhận ra ông Đào là nạn nhân của vấn nạn xúc phạm nhân phẩm con người."


"Nhiều người Việt như tôi lại rất có cảm tình với ông Đào khi ca sĩ Nguyên Khang cho biết ông Đào là tác giả của ca khúc Tát Nước Đầu Đình được phổ từ ca dao Việt Nam, khoảng năm 1974 khi học Đại học Y Khoa Sài Gòn."


Nhà báo kỳ cựu cũng cho biết thêm: "Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi thấy báo chí Anh Mỹ đưa tin về những chuyện không hay trong quá khứ của ông Đào."


"Tôi không rõ thực hư ra sao. Nhưng nếu họ đưa tin sai thì các tờ báo này sẽ bị mất uy tín cũng như United Airlines, và đương nhiên sẽ dẫn đến kiện tụng."


"Theo hiểu biết của tôi, đây là một vụ án hoàn toàn dân sự, ông bà bác sĩ Đào bị chọn một cách ngẫu nhiên và bị hành xử xúc phạm nhân phẩm con người."


"Tôi xin nhấn mạnh chữ con người ở đây để nói rõ tôi sẽ phản đối việc làm của United Airlines bất luận xảy ra với ai, thuộc bất cứ sắc tộc nào, chứ không phải chỉ với người Việt."


"Và theo tôi, sau sự vụ này, các hãng máy bay phải duyệt xét lại chính sách của họ," ông Duy nói với Ben Ngô, BBC Tiếng Việt hôm 12/4./ (BBC 12/4/17)

22 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 901)
24 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1351)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1264)
Nov 12: Chiến sự mùa đông 2 bờ đông tây Dnipro River; Vì sao Nga ‘cố thủ’ bờ Đông