Mẹ cổ tích và câu chuyện Biển Đông-Đông Hải

29 Tháng Bảy 201811:45 CH(Xem: 12331)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG 1 A - THỨ TƯ 01 AUG 2018


Đông Hải Liệt Quốc tân truyện


Mẹ cổ tích và câu chuyện Biển Đông-Đông Hải


image002

Lý Kiến Trúc


VĂN HÓA

Kỳ 1 20/7/2018 (bổ túc)


I.


Kết thúc trận biên giới 1979, "Đại Hán" Đặng Tiểu Bình không thể "dạy cho Việt Nam một bài học", như y đã huênh hoang tuyên bố. Hàng trăm ngàn xác lính Tầu phơi thây ở khắp trận địa. Đặng phải rút quân về nước sau khi trả thù bằng cách tàn phá tan hoang 6 tỉnh biên giới Việt Bắc.


Chiến lược gia số một của đảng CSVN, ông Lê Duẩn thấy rằng Bắc Kinh không bao giờ quên mối thù Việt Nam, (xâm lược trận nào thua trận nấy).


Trong hội nghị toàn đảng toàn quân trung ương năm 1979, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nói: "bọn phản động Bắc Kinh phải nói rằng, người kiên quyết nhất là người có tinh thần Đại Hán và là người muốn chiếm Đông Nam Á, đó chính là Mao Trạch Đông... . Các lãnh tụ hiện tại của Trung Quốc luôn luôn ôm mộng xâm lược và chiếm đóng nước ta ... Bắc Kinh sẽ tiến đánh Việt Nam bằng con đường Biển Đông (1).


Đấy là lập trường và quan điểm của ông Lê Duẩn, nhưng khổ thay, đàn em cốt cán của ông Duẩn là Phạm Văn Đồng đã đá giò lái một quả banh phản lưới nhà bằng Công hàm năm 1958. Công hà, ra đời 4 năm sau Hiệp định Geneve 1954, trong lúc đảng CSVN mới tiếp thu miền Bắc chưa kịp định hướng XHCN theo Trung cộng hay theo liên Xô chủ nghĩa Xét lại.


Một cách chuẩn xác, ông Duẩn đã nhìn thấy sau này "Bắc Kinh sẽ tiến đánh Việt Nam bằng con đường Biển Đông", còn theo ý ông Đồng, chúng sẽ đánh bằng pháo hạm phát xuất từ các tọa độ đảo nhân tạo được bảo vệ bằng lãnh hải 12 hải lý". 


Năm 1958, ông Thủ tướng Đồng "đàm trường viễn kiến" câu chuyện Biển Đông với Bắc Kinh. Ông "tiết lộ" chiến lược dâu ăn tằm Biển Đông của Trung cộng trong ý niệm: "ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận 12 hải lý trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể".


Ý niệm 12 hải lý của ông Đồng hoặc: chiến thuật mở đường cho Mao và các lãnh tụ Trung Nam Hải kế tiếp hoàn thành "sự nghiệp" Đại Hán ở Biển Đông-Đông Hải, hoặc: báo động cho thế giới và Mỹ thấy rằng, 12 hải lý là các điểm tọa độ tuyệt hảo ở Đông Hải (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) nếu mặt trận đại dương sau này nổ ra ở vùng biển rộng 3, 5 triệu km2, hoặc: nhắn nhủ Mỹ và Sàigon khước từ Hiệp thương Thống nhất năm 1956.


12 hải lý, con số nhức nhối cho các bên tranh chấp và cả cho Mỹ.


II.


Cốt lõi của Công hàm 1958 có câu: "ghi nhận và tán thành 12 hải lý" (23km), không viết về con số 200 hải lý (370km). Vì sao vậy?


Thực tế cho thấy, con số 12 hải lý chẳng khác gì bức tường thành thiên nhiên vây bọc trên nước bảo vệ pháp lý và an ninh cho 7 đảo nhân tạo "xây trên cát" mà Trung cộng bồi đắp ở khu vực biển Trường Sa rộng gần 200 ngàn km2.


Nếu lấy mốc  1974, "Mặt trận Biển Đông- Đông Hải" nổ ra cuộc tranh chấp chủ quyền biển và hải đảo đối với các nước ven biển khi lộ diện khi ngấm ngầm 45 năm nay. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tranh chấp nhau khốc liệt nhất, đổ máu nhiều nhất. Cả thế giới đều thấy tham vọng chiếm hữu Biển Đông-Đông Hải của Bắc Kinh làm tài sản riêng buộc Việt Nam phải chống lại.


Người Mỹ buộc phải "tham chiến" do quyền lợi, ảnh hưởng và an ninh khu vực đối với Mỹ càng ngày càng sút kém trước con hổ Bắc Kinh thức dậy.


Từ cuộc "ngoại giao chiến hạm" năm 2003 của Khu trục hạm USS Vandegrift 48 thuộc Hạm đội Bẩy lần đầu tiên đã ghé bến cảng Sàigon sau 30 năm từ giã Đông Dương, Mỹ liên tiếp khổ công tốn của hết tuần tra FONOPs này đến hành quân nọ, tìm đủ mọi cách "áp sát" các đảo nhân tạo, đảo thiên nhiên, để chứng minh quyền hiện diện tự do hàng hải của Mỹ đã có từ bẩy thập niên.


Nhưng hải địa chiến trường cho thấy dường như Mỹ không thực sự "áp đảo" 7 đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trên cát đừng nói chi đến Tri Tôn hay Vành Khăn, Su Bi ... Chúng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.


Giới quan sát đôi khi tự hỏi: Mỹ muốn gì? Còn Trung Quốc muốn gì thì ai cũng thấy rõ.


- Từ Ngoại giao chiến hạm đến cuộc Hành quân sau cùng của chiến dịch FONOF.


Về mặt quân sự, hình ảnh vệ tinh và từ CSIS cho thấy 7 đảo nhân tạo "nhẩn nha" trở thành 7 căn cứ hỏa lực liên hoàn tác chiến.


Nếu xẩy ra chiến tranh, liên hoàn hỏa lực Su Bi, GaVen, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn, có khả năng khống chế vùng biển chiến lược Trường Sa, nam Trường Sa, uy hiếp Philippines, Malaysia, Brunei và cả Natuna của Indonesia.


Nếu xẩy ra chiến tranh giữa Mỹ và Tầu, trận chiến không dừng lại ở cuộc va chạm nóng giữa các chiến hạm mà nhanh chóng trở thành đại chiến thứ ba trên đại dương.


Câu giải đáp cho các nhà phân tích hiện trạng ở Biển Đông-Đông Hải là: Có lẽ Mỹ lẫn Tầu và thế giới không ai muốn chiến tranh xẩy ra ở Đông Hải. Vấn đề là họ mặc cả với nhau đến đâu rồi. Hoặc chưa thể lường được thái độ của chính phủ Cộng Hòa Mỹ - Tổng thống Donald Trump.


image001image003

7 căn cứ hỏa lực liên hoàn tác chiến của Trung cộng ở vùng biển Trường Sa. Hải đồ minh họa của VĂN HÓA vẽ năm 2015.


Riêng đối với Việt Nam, cách đây 40 năm, nhà chiến lược Lê Duẩn đã nói chính sách của Bắc Kinh luôn hàm chứa tinh thần Đại Hán và âm mưu thống lãnh Đông Nam Á.


Không thể chối cãi địa bàn hàng đầu tiến xuống ĐNA phải bắt đầu từ Việt Nam, vị trí hiểm yếu vừa trên bộ vừa trên biển. Thế nhưng muốn khống chế Việt Nam trong bàn tay, các lãnh tụ hiện tại của Trung Quốc có nhiệm vụ thực hiện di sản của Mao là "xâm lược và chiếm đóng nước ta, tìm cách làm suy yếu chúng ta về kinh tế". Không thể để Việt Nam "thoát Trung" được. Lấy quân sự bóp nó: thua; lấy kinh tế và đút lót tham nhũng bóp cái hầu bao nó. Một lần nữa ông Duẩn nói đúng.


Lợi dụng sự yếu kem và chính sách mở cửa của Việt Nam, cuộc xâm lược của Tầu phù không những xâm xoi đến nền kinh tế quốc dân tầng vĩ mô, vi mô, đất đai cũng không thoát.


"Dân oan" khiếu kiện đất đai bắt nguồn từ tham nhũng đất. Trên tầng kiến trúc chính sách quốc gia, Quốc hội Việt Nam sơ hở rất nặng về luật đất đai đối với quyền sở hữu của toàn dân.


Dân có quyền đặt câu hỏi, các nhà làm luật ở Quốc Hội có chắc chắn chống Tầu hay phù Tầu?


Quốc Hội cố tình sơ hở luật đất đai cho kẻ gian lọt vào làm mưa làm gió, làm giá đất lên đất xuống, làm mọi thứ tung lên (chữ của ông Tổng Trọng). Chúng giầu nhanh tranh ăn như chớp chưa từng thấy ở quốc gia nào trên thế giới.


Ông Duẩn nói tiếp: Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”. Đặng Tiểu Bình cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Chủ yếu là vì nông dân nghèo, trong tình cảnh khó khăn cùng cực!”


Khi chúng tôi ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á. Bây giờ đã rõ rồi”. Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam!


Hóa ra vì cái nghèo, cái đói, cái đông dân mà không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam.


image004

Tổng bí thư đảng CSVN Lê Duẩn.


Tiếc rằng ông Lê Duẩn không còn sống để nhìn thấy hậu duệ của ông âm thầm tiếp tay cho bọn phản động nghèo, đói, đông.


Vì thế chúng đang và đã lên kế hoặch "đặc khu". Các nhà làm luật ở Quốc Hội nếu OK luật đặc khu chẳng khác nào đem trứng giao cho ác.


May thay, vận nước chưa đến hồi bại liệt. Dân khu đen đứng lên.


Tháng 6 năm 2018, "luật đặc khu" trở thành "lệ khu đen" khi Quốc hội lựa một ngày đẹp trời xì ra cho trăm triệu dân chúng trong ngoài biết "bản chất".


Dân tá hỏa vì "bản chất" đặc khu tối thui. Hàng trăm ngàn người kéo nhau xuống đường, biểu tình biến thành bạo loạn khắp nơi. "NO luật khu", "KHÔNG CHO TRUNG CỘNG THUÊ ĐẤT 1 NGÀY". Có viên bộ trưởng lấy điểm vội lên tiếng bênh: Có chữ Trung Quốc nào đâu ở trong bộ luật, mà tại sao phải sợ!


Dân nhắc nhở lời ông Tổng Duẩn: Đặc khu chính là bước kế tiếp "âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á".


Ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc ra đời gần 40 năm sau năm 1979, là năm tác giả Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh khai sinh ra đặc khu Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn.


Thời đó, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn phải biết quá rõ "bản chất" các đặc khu của Đặng Tiểu Bình.


Thẩm Quyến thành công, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN nhân rộng ra cả nước. Không có gì ngạc nhiên. Bởi nền kinh tế èo uột của Trung Quốc lúc bấy giờ không có một giọt đôla nào bên ngoài bơm vào. Thẩm Quyến là com mồi béo thu hút tiền và nhân lực công nghệ thế giới tư bản. Họ Đặng khôn như cáo Mác-Mao, lấy giá trị thặng dư ra dụ tư bản. Tư bản thấy có lời thì nhào vô. Bản chất của tư bản là vô tổ quốc.


Nhiều học giả phản bác các dự án lập ra vùng kinh tế ứu đãi của chính phủ và đảng, cho rằng, không thể lấy mô hình đặc khu kinh tế Thẩm Quyến áp dụng cho Việt Nam. Lý do: Việt Nam thời nay không phải Trung Quốc thời đó.


Vả lại, vị trí ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc là các khu vực địa dư an ninh cực kỳ nhạy cảm. Rước doanh nghiệp Tầu vào đầu tư tức là rước giặc vào nhà. (mà đã rước nhiều rồi).


Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã lờ tịt vụ đặc khu từ năm 1979. Thế nhưng, ông khó có thể hình dung ra 40 năm sau, tọa độ ngon ngọt của ba đặc khu "Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc" được coi là miếng mồi ngon béo dụ tư bản hoang dã Trung Quốc nhào vô.


Người dân hình dung ra cái lưỡi bò trên bộ đang tìm cách liếm từ duyên hải miền Bắc tới duyên hải miền Trung liếm xuống tới tận đảo ngọc tận cùng phương Nam, nhưng người nhà nước không thấy, bọn phản quốc không cần thấy.


Một khi đặc khu 99 năm ở Việt Nam thành hình cơ chế - thể chế ưu đãi cho doanh nghiệp núp bóng "Đại Hán" để "thiết lập chính quyền nhân dân cho phép đặc khu quyền hạn lập pháp, thiết lập ngân sách tài chính và bổ nhiệm nhân sự", "một khu tự trị mới trong thành phố sẽ được thành lập với hệ thống tài chính và tư pháp riêng, giống như các khu vực ngoài lãnh thổ mà các nước phương Tây từng có ở Thượng Hải và các cảng biển khác của Trung Quốc. (2) Các nhà hoặch định chính sách quốc gia ở Hà Nội nghĩ sao?


Nhìn xa hơn, nội hàm đặc khu nếu bí mật thiết lập các bộ phận khí tài quân sự hàng hải ở ngay bờ biển và giữa biển, nó sẽ là con mắt quan sát - tầm ngắm chính xác các vật thể di động trên Biển Đông-Đông Hải.


Hàng chục mỏ dầu chi chít ở thềm lục địa và Biển Đông nằm gọn trong vòng 200 hải lý tình từ duyên hải Việt Nam, cự ly an toàn quá gần so với công nghệ chiến tranh hiện nay.


Riêng đảo Ngọc (*), đảo trung chuyển lý tưởng qua kênh đào tương lai Kra.


Quan sát vị trí ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc trên bản đồ duyên hải Việt Nam, chúng như cái nan quạt tỏa ra Biển Đông-Đông Hải. Ai cấm nó liên hoàn hỏa lực với Hoàng Sa và 7 căn cứ quân sự ở Trường Sa.


Nhìn xa hơn, một cách tổng quát về kinh tế chính trị, người dân lo rằng các tiêu chuẩn đặc quyền đặc lợi của "Luật đặc khu" sẽ dọn đường cho các bến bãi, thương cảng, địa bàn trọng yếu, các tọa độ tiền phương là giai đoạn 1 phục vụ cho chiến lược "Vành đai và con đường tơ lụa" ở Đông nam á (3).


image005

Hải đồ minh họa của Văn Hóa dựa trên Google.


Dân Việt biểu tình trong ngoài nóng quá, đương kim Tổng bí thư đảng CSVN gởi một thông điệp hôm 17.6.2018 giãi bày nước đôi: "Quyết định dừng thông qua luật [Đặc khu] để lắng nghe, có thêm thời gian hoàn thiện từ chiều mùng 8 tại sao đến ngày 10 - 11.6 vẫn có nhiều người biểu tình phản đối dự luật này. Tức là chứng tỏ là có ý đồ khác rồi". Ý đồ khác là ý đồ gì? Ai làm chủ ý đồ khác?


Tổng Bí thư Trọng mô tả các cuộc biểu tình tại một số thành phố và địa phương, trong đó có vụ trở thành bạo động ở Bình Thuận, là 'có bàn tay của phần tử phá hoại''không loại trừ có yếu tố nước ngoài'. Theo báo cáo của ông Nguyễn Thiện Nhân gần 700 phần tử phá hoại trong các cuộc biểu tình đã bị bắt, thế còn yếu tố nước ngoài là nước ngoài nào?


Dẫn chiếu tới quyết định dừng thông qua luật Đặc khu, ông Trọng nói bước đi này là động thái 'Đảng, Nhà nước và Quốc hội thấy rằng phải lắng nghe, tiếp thu, bao giờ hoàn thiện thì mới thông qua'. Ông nói việc cho ra đời Luật Đặc khu là « cho đất nước, cho dân tộc chứ không vì mục đích nào khác ». « Không ai dại dột giao đất cho người nước ngoài, rồi để họ vào tự do và làm mọi thứ rối tung lên ». (4)


image006

Mỏ dầu chi chít nằm trong thềm lục địa đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.


III.


Đấy là chuyện ngoài Bắc, còn chuyện trong Nam, dân miền Nam (trước năm 1975) ưa gọi ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tông tông. Tông tông Thiệu làm tổng tư lệnh quân đội gần 9 năm, giờ chót khi duyệt bản đồ tác chiến thấy hàng chục sư đoàn chính quy CS bao vây Sàigon, sẵn sàng nã pháo vào mục tiêu số một là phủ đầu rồng thì ông cuống cuồng cùng vợ cuốn gói bí mật đi đêm ra phi trường Tân sơn nhất, biến một mạch sang Đài Loan, sau khi chửi Mỹ thậm tệ trên TV đài số 9.


image007

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.


Tổng tư lệnh quân lực đã bỏ nước chạy trách gì tướng tá tư lệnh, tổng bộ trưởng, tổng giám đốc, chủ sự ... bỏ của chạy lấy người. Còn lại những ông bà nào không đủ tiêu chuẩn "điểm" cá nhân hay có giấy "bảo kê" để được nhập vào chiến dịch "di tản" ở phi trường, ở nóc buynh đinh, hoặc người nào không có trực thăng chiến hạm đón đưa, hoặc ở quá xa Sàigon, hoặc ở lại tử thủ v,v... đành ở lại nhìn cảnh "đứt phim".


Đoạn kết của bộ phim miền Nam là cả chục vị Tướng, cả ngàn ông Tá, hàng chục ngàn ông Úy, hàng chục ngàn viên chức dân sự cao thấp đành ... xếp hàng đi trình diện tù cải tạo. (5)


Người dân biết hết nên vinh danh những anh hùng liệt nữ trung trinh không "di tản" mà chọn con đường tuẫn tiết với nước non.


Nhân đây người viết cũng xin ngả mũ ngưỡng mộ các vị tướng vị quốc vong thân với thành như tư lệnh vùng II, tư lệnh vùng IV, vị Sĩ quan Cảnh sát tự sát dưới chân tượng đài TQLC, vị Giáo sư Sử gia PK tự vẫn đúng ngày 30/4. 


Chuyện lạ là suốt thời Đệ nhị Cộng hòa, hiếm khi thấy miền Nam đề cập đến dã tâm xâm lược của bọn "phản động Bắc Kinh" lăm le chiếm đoạt Biển Đông và các quần đảo của miền Nam Việt Nam dưới vĩ tuyến 17 tiếp thu từ tay thực dân Pháp.


Chuyện lạ là khi Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ rút đoàn viễn chinh về mẫu quốc đã bàn giao đảo Bạch Long Vĩ cho Hà Nội, bàn giao Quần đảo Hoàng Sa cho Sàigon, nhưng ít ai biết quần đảo Hoàng Sa có hai nhóm đảo phía Đông và nhóm phía Tây.


Nếu lấy kinh tuyến 1120 Đ làm chuẩn vạch một đường thẳng từ Bắc xuống Nam, nhóm phía Đông đã bị Tầu Tưởng chiếm từ năm 1947. Pháp bàn giao toàn bộ Hoàng Sa cho Sàigon hay chỉ nhóm phía Tây. Sàigon "im lặng" vụ này. Thực thể Hoàng Sa báo Văn Hóa đã viết rõ từ mấy năm trước.


Riêng quần đảo Trường Sa, Pháp "thả nổi". Gần như TS rơi vào tình trạng "vô chủ" từ năm 1956. Trường Sa với trên 100 hòn đảo đá lớn nhỏ trở thành biển vắng, mạnh ai nấy chiếm. Đài Loan  dù ở cách xa 1800km từ năm 1956 đã điều chiến hạm và TQLC xuống chiếm giữ đảo Itu Aba (Ba Bình (**).


VNCH nhanh chân chiếm 6 đảo lớn thứ nhì so với Itu Aba trong số đó có đảo Song Tử Đông. Đến năm 1970 thì đảo Song Tử Đông "rơi" vào tay Philippines. Năm 1970 là năm VNCH thời ông Thiệu, vì sao Sàigon để mất đảo Song Tử Đông một cách bí ẩn vào tay Philippines. Song Tử Đông cách Song Tử Tây khoảng 10 hải lý (7).


image008

Vị trí đảo Song Tử Đông cách Song Tử Tây khoảng 10 hải lý. Mùa biển êm bơi qua thoải mái.  Quân đội Philippines chiếm đảo này từ tay VNCH năm 1970 hiện đang làm chủ. Ảnh NET.


image009

Bia đá chủ quyền do Hải quân VNCH xây dựng năm 1956. Kích thước bia này to cao tương đương với bia chủ quyền ở đảo Song Tử Đông. Ảnh tài liệu của VH.


Nói thêm về năm 1956, thời Đệ nhất Cộng hòa, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã lệnh cho hải quân lúc dó dưới quyền Thiếu tá Lê Quang Mỹ mang chiến hạm (cũ của Pháp để lại) và lính địa phương quân tỉnh Bà Rịa thẳng tiến ra Trường Sa. Hải quân và Địa phương quân chiếm đảo, xây dựng bia đá xác lập chủ quyền ở 6 đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Song Tử Đông, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn.


image010

Bia chủ quyền xác lập đảo Song Tử Tây thuộc quyển sở hữu của VNCH. Năm 1956, TT Diệm đã sai Thiếu tá Lê Quang Mỹ (tư lệnh hải quân VNCH) và một đại đội Đại phương quân tỉnh Bà Rịa ra xây dựng bia chủ quyền đồng thời đóng quân thường trú hòn đảo này. Tháng Tư năm 2014, trong dịp đi quan sát và tìm hiểu quần đảo Trường Sa, bổn báo Lý Kiến Trúc đã khám phá ra bia chủ quyền này. Ảnh VH 


Cũng năm 1956, trên đảo Ducan (Quang Hòa) thuộc nhóm Hoàng Sa tây đã xuất hiện cờ đỏ và dân quân Trung cộng. Một đại đội Thủy quân Lục chiến do Trung úy Cổ Tấn Tinh Châu Đại Đội trưởng ĐĐ3/TĐ2 TQLC cùng với HQ Trung Úy Vũ Xuân An (sau này là HQ Đại tá, định cư ở Canada) làm hạm trưởng, đổ bộ lên đảo bắt giữ được nhiều tù binh và chiếm lại đảo. (8)


Năm 1974 tháng Giêng nổ ra trận Hoàng Sa, hải quân Sàigon bỏ chạy về Đà Nẵng, nhóm đảo Hoàng Sa Tây rơi hoàn toàn vào tay Bắc Kinh.


Đại tướng Cao Văn Viên Tổng tham mưu trưởng đề xuất kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa nhưng bị bỏ quên trên bàn tông tông Thiệu mấy tháng (8).


Người viết có phỏng vấn Sĩ quan trưởng ban Văn thư Bộ TTM, ông cho biết Sĩ quan tùy viên của tướng Viên đã nhiều lần nhắc và hỏi Sĩ quan tùy viên của tông tông về hồ sơ tái chiếm, nhưng viên Sĩ quan tùy viên của tông tông nói rằng ông đã trình lên rồi, nhưng nghe tông tông nói "bạn không cho phép". Thế là hồ sơ tái chiếm cứ nằm im trên bàn giấy tông tông theo hồn các chiến sĩ hy sinh chìm xuống đáy biển Hoàng Sa. 


Dân miền Nam nghe tin Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa ngã ngửa. Hàng ngàn người xuống đường phản đối, băng rôn đả đảo Trung cộng căng đầy phố Saigon, Bộ ngoại giao VNCH tố cáo Bắc Kinh khắp thế giới. Nhiều tướng lĩnh, chính trị gia Sàigon hỏi ý kiến tòa đại sứ Mỹ, Mỹ không can thiệp, Hiệp định Paris 1/1973 đang được 4 bên thi hành. "Khi đồng minh tháo chạy" rồi, (tựa sách của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nguyên Bộ trưởng Kế hoặch VNCH) thì đừng lai vảng đến cái vùng biển đảo hắc ám ấy nữa.


Nhờ vụ Hoàng Sa dân miền Nam biết về Hoàng Sa và Trường Sa. Có lẽ chính quyền miền Nam ỷ vào ngoài bể đã có Đệ thất Hạm đội lo rồi. Tiếc thay, hạm đội Mỹ khoanh tay nhìn xác sĩ quan -  thủy thủ VNCH hy sinh, lớp trôi dạt, lớp bị bắt đưa về Hongkong. Sàigon tiên đoán về sự tồn tại của miền Nam Việt Nam đếm bằng thời gian. Hoàng Sa là hậu quẩ tất yếu (9). 


Thật ra, chính thể và mảnh đất miền nam Việt Nam chỉ là bài toán nhỏ (cái đuôi của chiến tranh lạnh Thế chiến II) trong phương trình lớn mặc cả giữa các siêu cường về nền trật tự khu vực và thế giới hậu bán thế kỷ 20. Sàigon dù thất thủ hay không trước đối thủ Hà Nội ngày 30/4/1975, trước sau gì Trung cộng cũng đánh chiếm Trường Sa.


Bọn phản động Bắc Kinh lẹo lưỡi bằng ngôn từ mỹ miều "Thu hồi đất tổ" (10).


 

IV.


Đã là người Việt Nam, dù ông Bắc, bà Nam, hay ông Trung, ông bà nào cũng có một bà Mẹ sinh thành từ trong bọc Bách Việt. Nền văn hiến dân tộc Việt hàng mấy ngàn năm đã có bà Mẹ thần thoại: Mẹ Âu Cơ. Một sớm chiều Bách Việt chia tay Mẹ về với thiên cổ, Mẹ về với Rồng. Mẹ trở thành cổ tích. Người viết gọi là Mẹ cổ tích vì câu chuyện ngàn năm sau của Mẹ dính líu tới chuyện Biển Đông-Đông Hải cổ tích như dã tràng xe cát.


Xem  kìa, một bà Mẹ bỗng đâu đang chậm rãi bước vào cổng chùa. Dễ thường tuổi hạc bà phải đến bách niên. Bà không bước lên thềm để vào thiền đường. Chân bà như cây lau cây sậy làm sao bà có thể leo lên thềm cao? Rõ bà là một bà già quê mùa rách nát không biết đến thềm cao ngôi vị. Dáng dấp bà lại càng không phải sứ thần hay sứ giả đến viếng chùa. Bà già nhà quê đến ngôi chùa danh trấn lừng lẫy với cái nón lá xùm xụp với bó nhang khiêm nhường trên tay.


Bà đến thẳng cái lư hương to tướng, thắp ba nén hương rồi ... từ từ đặt cái lưng còng ngồi bệt xuống cạnh chân hương.


Tháng Năm 2014, tác giả có dịp về thăm Thăng Long. Việc đầu tiên là hối hả đến thắp hương chùa Quán Sứ cho thỏa lòng tạ ơn Phật Thánh. Hành hương về ngôi chùa cổ ở đất Hà thành nổi tiếng vốn là hội quán dung dưỡng các nhà cách mạng Việt Nam. Hội quán tiếp đón "Sứ thần, Sứ giả" kể cả lữ khách bốn phương. Nơi đây, 23 năm trước, tác giả đến thắp hương vái Phật rồi ... xa quê hương.


Vài chục năm đi rồi về, về rồi đi, như mây đỉnh núi.


image008

Chuyện bức ảnh Mẹ già cổ tích: Mẹ đang lui cui lau chùi chân đỉnh hương trước thiền đường Quán Sứ đất Thăng Long. Trông Mẹ nghèo nàn, chân chất, chẳng nói chẳng rằng, tay Mẹ cầm nén hương, tay Mẹ lau đám bụi bậm. Mẹ trở thành cổ tích như lư hương quyện khói ngàn năm. Mẹ như khói nhẫn nại, chịu đựng, âm thầm, nhắn nhủ. Mẹ chăm chỉ moi từng kẽ, ngóc ngách, lau, phủi, thổi cho sạch cái đám ký sinh bám vào chân hương khói tổ tiên. Ảnh LKT


Tôi không còn để ý đến ngoại cảnh, tôi chỉ thấy một bà già nhà quê y như Mẹ tôi. Mẹ cổ tích sinh thành ra tôi, khách tha hương viễn xứ. Một năng lực phi thường nào đó đẩy tôi rón rén đến gần bà già nhà quê, ngồi xuống bậc thềm, rồi... im lặng.


 


Hình như bà chẳng thèm ngó đến tôi. Hình như dưới cái nón lá đang móm mém mỉm cười. Bà loay hoay với công việc của bà, lau, chùi, âm thầm, nhẫn nại. Tôi làm gì mặc tôi. Ai làm gì mặc ai. Đằng kia mấy nhà sư trẻ đang rũ hoàng y chuẩn bị cho thời kinh tiếng kệ. Kệ! Vô úy phi thường.


Ngày xưa ... Bà già nhà quê từng là hoa khôi cả làng cả nước, từng là con gái yêu của cụ Đồ rũ áo từ quan, biết đâu chừng lại là công nương quận chúa của Vua Lê Chúa Trịnh, nửa đêm trốn bỏ cung vàng điện ngọc, tìm đường lên núi đi tu cúng dường hạnh ngọc cho nước cho non. Ngày xưa ... có thời bà già nhà quê hóa thân thành nữ binh thần thánh thu phục ba quân nổi lên phá giặc, có lúc bà già nhà quê hiện thân ngày đêm quanh quẩn hầu hạ cửa thánh cửa đền.


Bà già nhà quê bước vào chùa mà coi chùa như không. Bà mượn cái nón lá che mắt để không phải thấy bọn cải lương đang rũ quến thiền đường. Tội nghiệp đổi mới cải lương. Bà không thể tẩy xóa dấu vết xã hội cải lương được, vì nó ăn sâu gốc rễ từng tế bào con người bệnh hoạn chính trị, nó tha hóa hầu hết con người lương thiện trở về thời hoang dã.    


Bà lau chùi cái lư đồng dấu tích khói hương từ thời Lý Quốc sư Minh Không. Hồn nước Nam u uất phảng phất đâu đây. Nam Mô Hương Bồ Tát Thiền sư Minh Không ngự đền chùa Quán Sứ. Nam Mô Thập Phương Chư Phật Mẹ Từ Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát cứu khổ cứu độ chúng sinh.


Thế nhưng hương khói lần này sao lạ lẫm quá. Chẳng lẽ Hương cũng thay đổi theo thời gian dâu bể ư? Chẳng lẽ Khói cũng đổi mầu theo không gian thịnh suy ư?


Nhà thơ Đoàn Phú Tứ viết:


...Màu thời gian không xanh


Màu thời gian tím ngát


Hương thời gian không nồng


Hương thời gian thanh thanh...


Mẹ cổ tích nói: Con người ta trên đường về chiều tím, Hương tóc xanh ngả màu bạc, Khói mắt huyền đổi màu lam. Tình già như lá mùa thu. Âu cũng là lẽ thường của kiếp người. Già mới biết việc quấy khi còn trẻ. Già rồi mới biết không có thứ tình nào bằng tình quê hương. Già rồi mới nhớ mái nhà xưa bến cũ đò chiều. Lưu vong hải ngoại tình hoài hương canh cánh bên lòng ngày trở về xa thăm thẳm. 


Mẹ cổ tích nói: Việc chính trị mà quấy thì lấy gì mà ăn năn hậu quả. Việc tử sinh nằm ở "Lòng từ bi và sự khiêm nhường" (lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma). Việc tiền thân "Cô đơn cô đơn như chưa bao giờ cô đơn, Buồn thật là buồn như chưa bao giờ thật buồn". (Vết tiền thân, thơ Thanh Hải Vô Thượng Sư).


Mẹ cổ tích nói: Quán Sứ bây giờ không còn được nghe hơi thở tâm linh âm trầm của vị sư già nâu sồng tay chống thiền trượng, tiếng ê a thanh trẻ tân thời hào nhoáng phủ mái chùa hồn xưa tích cũ. Âu cũng là lẽ đổi thay.


Tôi ngước cổ cố hít một hơi làn hương Mẹ cổ tích, khói vừa hóa theo gió trôi về hướng Đông. Một ngày nào đó, hướng Đông trở thành câu chuyện cổ tích như có lần tôi dừng chân nơi góc biển chân trời ấy.


Và hôm nay ở California, những bức ảnh hiện ra trong trí nhớ./


Lý Kiến Trúc


California


(Còn tiếp)


(1) - Duẩn: Bè lũ phản động Bắc Kinh xâm lược từ Biển Đông.


(2) - theo tin BBC 14/6/2018 Sri Lanka: Viên ngọc sắp vào tay Trung Quốc.


(3) - "Thủ phạm" đề án cho thuê đất đặc khu 99 năm: Phạm Minh Chính, Nguyễn Tấn Dũng?


(4) - theo tin BBC 18/6/18.


 (5) - Luật gia Lâm Lễ Trinh phê bình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.


(6) - Thủy Quân Lục Chiến VNCH bắt sống 60 dân quân Trung Cộng tại Hoàng Sa năm 1959.


(7)  - Việt Nam có nên đòi lại đảo Song Tử Đông?


(8) - Có bao nhiêu chiến sĩ Hải quân VNCH hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa?


(9) - Hải chiến bất phân thắng bại sao lại bỏ Hoàng Sa?


(10) - Hiện trạng quần đảo Trường Sa.


(*) theo Wikipedia: đảo Ngọc. Năm 1949, khi quân Trung Hoa Dân quốc thua trận trước Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Hoàng Kiệt (黃杰 Huang Chieh) một tướng lĩnh Quốc dân đảng, gốc tỉnh Hồ Nam, dẫn hơn 30.000 quân chạy sang Việt Nam lánh nạn. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp cho họ ra đóng quân tại phía Nam đảo Phú Quốc (đảo Ngọc). Sau đó, năm 1953, họ về Đài Loan theo Tưởng Giới Thạch. Đội quân Trung Hoa này bỏ lại nhà cửa, đồn điền,... Pháp thấy vậy tận dụng nhà cửa có sẵn, lập ra nhà tù rộng khoảng 40 hecta gọi là "Trại Cây Dừa", có sức giam giữ 14.000 tù nhân.


(**) Theo học giả Vương Hồng Sển, tên của Ba Bình có thể bắt nguồn từ việc một vị quan cai trị người Pháp phải đặt mật hiệu cho hòn đảo này nhưng còn chưa nghĩ ra. Sau đó ông đặt tên cho nó theo tên hai người hầu ở trong nhà ông là chị Tư và chị Ba. Vì người Pháp không đọc âm “h” nên thành Itu Aba. Còn Sử gia Nguyễn Nhã thì cho biết tên Ba Bình do ông đặt, căn cứ vào những tài liệu ông có được.

18 Tháng Tám 2016(Xem: 12756)
Bộ trưởng Nội Vụ Đài Loan Diệp Tuấn Vinh (Yeh Jiunn Rong) ngày 16/08/2016 đã dẫn đầu một đoàn quan chức và nhà nghiên cứu Đài Loan đến đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình) để tái khẳng định chủ quyền tại hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 12483)
"Một số hãng truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại quan tâm và đặt câu hỏi với cá nhân tôi rằng, liệu sự kiện Philippines chủ động tìm cách đàm phán song phương, trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có tác động, ảnh hưởng gì đến Việt Nam hay không".
14 Tháng Tám 2016(Xem: 14410)
" nếu cuộc thao diễn hải quân Nga Trung được tiến hành xa xuống phía nam, về phía quần đảo Trường Sa, và sử dụng một số cơ sở mới mà Trung Quốc vừa thiết lập ở đó, thì đấy sẽ là một dấu hiệu đáng báo động ..." Ảnh minh họa: Em bé Trung Quốc tặng hoa cho sĩ quan hải quân Nga.
14 Tháng Tám 2016(Xem: 14422)
Subi, Chữ Thập, Vành Khăn: tam giác hỏa lực Hải đồ mặt trận Trường Sa: Tam giác hỏa lực của Trung Quốc ở SuBi, Chữ Thập, Vành Khăn khống chế quần đảo Trường Sa. Minh Họa VĂN HÓA MAP
11 Tháng Tám 2016(Xem: 15639)
Mặt trận Biển Đông Phóng đồ minh họa hệ thống giàn phóng tên lửa VN.
09 Tháng Tám 2016(Xem: 15020)
"Một nhiếp ảnh gia của hãng thông tấn Reuters đã ghi lại được khoảnh khắc 2 nữ VĐV vui vẻ chụp hình cùng nhau. "Vận động viên Bắc Hàn Hong Un Jong, 27 tuổi khi trở về Triều Tiên có thể sẽ phải chịu những hình phạt khắc nghiệt nhất, thậm chí có thể là “án tử.”
09 Tháng Tám 2016(Xem: 14761)
07 Tháng Tám 2016(Xem: 14077)
"RAND cũng giả định đây là cuộc chiến theo quy ước, có nghĩa sẽ đấu với nhau bằng tàu chiến, máy bay, tên lửa và chiến binh mạng mà không sử dụng vũ khí hạt nhân".
01 Tháng Tám 2016(Xem: 13176)
"Tự do hàng không" "Máy bay ném bom Trung Quốc bay qua khu vực gần bãi cạn Scarborough của Philippines trên Biển Đông hồi tuần qua". Ảnh: Xinhua
01 Tháng Tám 2016(Xem: 12393)
"Tự do hàng không" "Không quân Hoa Kỳ, ngày 28/07/2016, ra thông báo cho biết sẽ tiến hành triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1 tại căn cứ Guam, Thái Bình Dương, cách Biển Đông khoảng 2000 hải lý. Đây là lần đầu tiên kể từ 10 năm qua, Không quân Mỹ đưa máy bay B-1 đến Guam".
31 Tháng Bảy 2016(Xem: 13295)
"Một số nhận định cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi vào TPP, và Đảng Cộng sản Việt Nam đã ủng hộ ký kết hiệp định này". "Bà Laura Rosenberger nhấn mạnh: “Nghĩa là hiện nay bà không thể ủng hộ nó, cũng không ủng hộ nó sau bầu cử tháng 11, cũng như tháng Giêng năm sau”.
28 Tháng Bảy 2016(Xem: 14563)
Bàn cờ "biển Quốc tế Đông nam á" quyết đấu
27 Tháng Bảy 2016(Xem: 12801)
Trung Quốc tiếp tục lớn tiếng đả kích tất cả các nước dám kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Trong một thông báo công bố hôm nay, 27/07/2016, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã đả kích bản tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc về Biển Đông vừa được đưa ra sau cuộc họp tay ba, bên lề các hội nghị ASEAN tại thủ đô Lào.
21 Tháng Bảy 2016(Xem: 14058)
- Vũ Cao Phan: "Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa (từ tay Việt Nam) và đang quản lí quần đảo này, Việt Nam yêu cầu đàm phán, nhiều lần yêu cầu đàm phán. Trung Quốc át giọng bác bỏ, bằng thái độ nước lớn, rằng không có tranh chấp ở đây, không đàm phán. Vấn đề do đó, đã hầu như bế tắc". - Xem mục BỘ ẢNH NHÂN VĂN: 74 hay 77 Chiến sĩ VNCH tử trận Hoàng Sa 1/1974? - Số đặc biệt: Tổng hợp tin tức và hình ảnh về trận thủy chiến Hoàng Sa 19/1/1974 giữa Hải quân VNCH và hải quân Trung cộng.
19 Tháng Bảy 2016(Xem: 18317)
- Một chuyến Palawan Hoàng Sa - Trường Sa có lọt trong vùng "Biển Quốc Tế" không?