Sangri-La 2019: Mỹ - Trung dấm dứ ở Shangri-La

02 Tháng Sáu 201911:19 CH(Xem: 9894)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG A - THỨ HAI 03 MAY 2019


Sangri-La 2019: Mỹ - Trung dấm dứ ở Shangri-La


03/06/2019


TTO - Không chỉ trích nhau nặng nề, không tìm cách lôi kéo đồng minh và đối tác, Mỹ và Trung Quốc chỉ tái xác nhận lập trường về vấn đề an ninh tại Đối thoại Shangri-La 2019.


image001


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại buổi thảo luận bàn tròn cấp bộ trưởng ngày 1-6 ở Diễn đàn Shangri-La tại Singapore - Ảnh: AFP


Sau bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại phiên họp toàn thể đầu tiên ở Shangri-La ngày 1-6, phóng viên và giới phân tích mơ hồ đoán giọng điệu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ở diễn văn ngày 2-6 cũng sẽ tương tự.


Kiên quyết nhưng mềm mỏng


Tại khách sạn Shangri-La ở Singapore sáng 2-6, các nhà báo dường như tác nghiệp dễ thở hơn so với trước đó một ngày. Họ đã "hớ" khi cố gắng truyền tải nội dung ông Shanahan nói hôm 1-6, rồi cuối cùng nhận ra gần như 100% bài diễn văn của quyền bộ trưởng Mỹ giống với thông điệp đăng trên trang web Bộ Quốc phòng nước này ngày 31-5. Vì vậy, số đông nhà báo nửa đoán được giọng điệu của ông Ngụy trong ngày hôm sau, nửa không tìm thấy nhiều điểm mới như kỳ vọng.


Quả thực, dù là lãnh đạo quốc phòng cao nhất đầu tiên của đoàn Trung Quốc góp mặt ở Shangri-La sau 8 năm, ông Ngụy không đem lại những thông điệp mạnh mẽ như truyền thông hình dung. Thậm chí nếu so với buổi họp báo của đoàn Trung Quốc ngày 1-6, các nhà báo đến đưa tin về bài phát biểu của ông trong ngày 2-6 có lẽ còn thu được ít dữ kiện hơn cho bài viết của mình.


Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chỉ dành thời gian điểm lại lập trường của Bắc Kinh xoay quanh những điểm nóng nhất, với một lập luận cũ: Trung Quốc phản đối quan điểm của Mỹ và sẽ bảo vệ "chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ" trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông.


Điều này cũng tương tự những gì ông Shanahan đã làm, khi quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ hạn chế nhắc trực tiếp cái tên Trung Quốc, dù vẫn khẳng định Mỹ tiếp tục theo đuổi các chính sách từ thời người tiền nhiệm James Mattis.


Nếu có thông điệp gì đó mạnh mẽ nhất thì hẳn chỉ là cách ông Ngụy nhắm thẳng vào chính quyền Tổng thống Donald Trump - người đang có những quyết định liên quan trực tiếp tới căng thẳng Mỹ - Trung gần đây.


"Phát biểu của ông Ngụy phản ánh sự gia tăng đối đầu Mỹ - Trung gần đây. Trung Quốc tin rằng họ đang trên bờ vực chiến tranh với Mỹ. Vì vậy, ông ấy chuẩn bị bài nói của mình cho chính quyền ông Trump chứ không phải các nước khác.


Họ đề cập tới Đài Loan, cựu tổng thống Lincoln và ông Shanahan. Và ông ấy cũng nói về việc "quân đội đã sẵn sàng"" - tiến sĩ Satoru Nagao, nghiên cứu viên khách mời tại Viện Hudson (Mỹ), phân tích với Tuổi Trẻ.


Ông Ngụy không tiếp cận với góc độ mới mẻ nào. Điều ông ấy muốn chỉ là khẳng định rằng Trung Quốc giờ là một nước lớn và hành xử như một nước lớn.


Francois Heisbourg (cố vấn đặc biệt tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - IISS của Anh)


Hoãn binh


Như vậy qua hai bài phát biểu của hai bộ trưởng quốc phòng, Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện sự kiềm chế nhất định, ít nhất không thể hiện nó công khai theo kiểu nói trước phiên họp toàn thể của một hội nghị an ninh.


Trong khi sự có mặt của ông Ngụy khiến nhiều người dự đoán Đối thoại Shangri-La sẽ là "màn so găng" Mỹ - Trung, kịch bản này nếu có cũng không phải là điều hai nước mong muốn. Khi căng thẳng thương mại đang leo thang và lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác, quốc phòng dường như là điểm giới hạn.


Vì vậy, các kế hoạch cụ thể liên quan tới quân sự có vẻ cũng được né tránh khi đề cập, nhằm không để căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.


Ông Nick Childs, chuyên gia về quân sự và an ninh hàng hải của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cũng nhận định với Tuổi Trẻ: "Tôi cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn. Rõ ràng, ai cũng đang muốn tìm sự cân bằng cho tình huống này. Mỹ thể hiện ý muốn hợp tác, Trung Quốc thì bằng cách nào đó cũng đang lo ngại về những ma sát có thể xảy ra".


Việt Nam nêu quan điểm giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình và đối thoại


image002

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã có bài phát biểu đáng chú ý trong phiên thảo luận toàn thể thứ 5 với chủ đề "Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh" ngày 2-6, khi đưa ra lập trường của Việt Nam trong vấn đề giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa các nước.


Bộ trưởng nhấn mạnh rằng khi giải quyết tranh chấp, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của mọi quốc gia, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Trong đó, việc ứng xử và hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng. Sự không nhất quán và thiếu trách nhiệm của các nước lớn đều gây ra hoài nghi, thậm chí là bất an cho các nước vừa và nhỏ.


Nhận xét với Tuổi Trẻ bên lề phiên thảo luận, tiến sĩ Alexey Muraviev - phó giáo sư Viện Nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia tại Đại học Curtin (Úc) - cho rằng bài phát biểu của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch rất rõ ràng, tích cực và mang tính xây dựng.


"Bài phát biểu đề cao phương pháp giải quyết bằng con đường hòa bình. Như vậy, Việt Nam đã thể hiện vai trò đáng kể trong việc thu hút sự chú ý, nêu cao nhận thức rằng bất kỳ căng thẳng hay xung đột nào cũng có thể được giải quyết thông qua đối thoại".


NHẬT ĐĂNG (từ Singapore)
03 Tháng Sáu 2022(Xem: 4435)
GIẤC MỘNG MỞ MANG BỜ CÕI VỀ PHƯƠNG NAM CỦA BẮC KINH
18 Tháng Năm 2022(Xem: 4700)
BÊN LỀ THƯỢNG ĐỈNH W, D.C. 2022
01 Tháng Năm 2022(Xem: 4712)
06 Tháng Tư 2022(Xem: 4520)
31 Tháng Ba 2022(Xem: 4734)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ VÀ NATO? (Kỳ 4/phần 2)
27 Tháng Ba 2022(Xem: 4767)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ VÀ NATO? (Kỳ 4/phần 2)
14 Tháng Ba 2022(Xem: 5220)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ-NATO (Kỳ 3)
08 Tháng Ba 2022(Xem: 5275)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ & NATO (Kỳ 2)