Nước Mỹ "nghiêng ngả" luận tội Tổng thống

20 Tháng Mười Hai 20196:36 SA(Xem: 8484)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG A - THỨ SÁU 20 DEC 2019


Nước Mỹ "nghiêng ngả" luận tội Tổng thống


Truất phế ? « Đấu sĩ » Donald Trump không hề sợ hãi !


 18/12/2019  


image001

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đối mặt với tiến trình truất phế. REUTERS/Yuri Gripas/File Photo


Thụy My


Có thử thách nào tệ hại hơn đối với một tổng thống Mỹ khi phải đối mặt với thủ tục truất phế ? Tuy nhiên đối với một nhân vật như ông Donald Trump thì lại không phải như vậy.


Quảng cáo


Đã hẳn là việc trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội, sẽ khiến nhà tỉ phú với núi tự ái quá cao cảm thấy bị tổn thương.


« Thương hiệu » Donald Trump


Hơn ai hết, nhà cựu đầu tư địa ốc và là người dẫn chương trình truyền hình, luôn bị ám ảnh bởi việc giữ gìn hình ảnh của mình. Tên tuổi và thành công của Donald Trump là một thương hiệu, và trong việc kinh doanh, vẫn tiếp tục mang lại cho ông hàng triệu đô la.


Tuy nhiên có một điều mà Trump thích hơn tất cả, đó là chiến đấu, so găng trên võ đài. Và trong đời sống chính trị nghiệt ngã ở Washington, thủ tục luận tội là cuộc chiến đấu tối thượng, với những cú đấm mãnh liệt nhất.


AFP trích bình luận của Rich Hanley, giáo sư về truyền thông của trường đại học Quinnipiac : « Trong một thời kỳ căng thẳng cao độ, đây là thời cơ cho một nhân vật kiểu như ông Trump ».


Sau hai tháng điều tra, khoảng 12 cuộc điều trần công khai và 15 cuộc điều trần kín, bản báo cáo dài 300 trang của Ủy ban Tư pháp Hạ Viện cho rằng « chưa có tổng thống nào vi phạm Hiến Pháp và quyền giám sát của Quốc Hội đến như thế ».


Hôm nay 18/12/2019 rất nhiều khả năng là các dân biểu thuộc đảng Dân Chủ ở Hạ Viện bỏ phiếu đồng ý cho cáo buộc tổng thống Mỹ đã lạm dụng quyền lực và cản trở hoạt động của Quốc Hội.


Tổng thống Donald Trump, bị cho là đã yêu cầu Ukraina mở điều tra về đối thủ Joe Biden của đảng Dân Chủ, sau đó sẽ phải ra trước phiên tòa mở tại Thượng Viện. Nhưng ông Trump biết rất rõ là đảng Cộng Hòa vốn đang kiểm soát Thượng Viện, sẽ tuyên ông vô tội.


Lối thoát chừng như hiện rõ, cũng như những cuộc đấu võ đài mà Trump rất ưa thích. Một phông nền lý tưởng cho người dẫn chương trình truyền hình, vốn đã lập ra một chiến lược tự vệ chưa từng thấy trong một tình thế tương tự.


Đó là việc bôi bác những người đối lập với mình, gọi họ là « kẻ phản bội » hay « làm đảo chính » ; đồng thời bác bỏ tất cả những cáo buộc. Với hy vọng ra khỏi cuộc chiến bằng tư cách người thắng trận, và dùng sự kiện này như một lý lẽ thuyết phục cho chiến dịch vận động để tái đắc cử năm 2020.


Xì-căng-đan : Chẳng sợ !


Cần phải nói rằng ông Donald Trump vốn quen thuộc với các xì-căng-đan, đã bước vào cuộc chiến với sự chuẩn bị chu đáo hơn những người tiền nhiệm. Đó là các tổng thống Andrew Johnson, bị đưa ra luận tội vào năm 1868 ; Bill Clinton, đã phải chiến đấu kịch liệt để rồi được trắng án ở Thượng Viện năm 1999 ; và Richard Nixon, đã phải từ chức năm 1974 để tránh nguy cơ hầu như chắc chắn sẽ bị truất phế trong vụ Watergate.


Nhà tỉ phú địa ốc đã từng phải đối phó với các cáo buộc tấn công tình dục của mười mấy phụ nữ. Donald Trump đối đầu với công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong cuộc điều tra kéo dài gần hai năm, về nghi vấn thông đồng với Matxcơva. Ông Trump cũng vượt qua được các cáo buộc về xung đột lợi ích giữa chức vụ tổng thống Mỹ và những vụ làm ăn của ông.


Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ thường xuyên sỉ nhục những người chống đối, và không ngần ngại đưa ra những tuyên bố chưa chính xác hoặc sai lạc.


Hôm qua, Donald Trump đã viết một lá thư nảy lửa cho bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, trong đó ông gọi thủ tục truất phế là « bất hợp pháp », « công khai tuyên chiến với nền dân chủ Mỹ ». Ông Trump cho rằng mình bị đối xử một cách còn tệ hại hơn cả những người « bị cáo buộc trong vụ án các phù thủy ở Salem ». Đây là vụ án « săn phù thủy » hồi thế kỷ 17, nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ, với một loạt phiên tòa diễn ra ở các làng gần thành phố Salem (Massachusett), và 20 người đã bị hành quyết.


Không tránh né, mà vào cuộc


Thủ tục truất phế nhắm vào cựu tổng thống Bill Clinton về quan hệ với thực tập sinh Nhà Trắng, Monica Lewinsky, là một thảm họa – một vở kịch truyền hình đã làm hoen ố mãi mãi tên tuổi của vị tổng thống Dân Chủ.


Allan Lichtman, giáo sư sử học của American University phân tích : « Hai ông Nixon và Clinton khi ấy lùi hẳn về phía sau, còn ông Trump đã liên tục nhào vô đấu trường. Ông ấy hoàn toàn vào cuộc ».


Không hề miễn cưỡng trong việc duy trì vai trò chính yếu, ngay cả trong giông bão, Donald Trump thường xuyên tổ chức các cuộc mít-tinh để làm nặng nề thêm cảm giác Trump bị đối xử bất công đối với số cử tri của ông, liên tục tố cáo cuộc « săn lùng phù thủy » của phe Dân Chủ.


Theo giáo sư Lichtman, đây là chiến lược mang tính rủi ro cao, nhưng cũng có thể mang lại thắng lợi lớn. Và sau khi xô ngã những tiêu chí xưa nay trên chính trường thủ đô nước Mỹ, Donald Trump lại áp dụng cùng một tiến trình « impeachment », không để cho các dân biểu nghị sĩ trong đảng của ông bất kỳ chọn lựa nào khác ngoài việc bảo vệ ông bằng mọi giá.


Giáo sư Lichtman nhận định : « Lý do thực sự khiến các đại biểu Cộng Hòa phải bênh vực Donald Trump là không còn có ai khác ngoài ông Trump ».


Trong khi Washington đang chao đảo, thì tổng thống Trump, người dường như luôn thoát khỏi mọi vận hạn, tỏ ra hân hoan. Theo một cuộc thăm dò của trường đại học Quinnipiac, tỉ lệ được lòng dân của ông hôm thứ Hai 16/12 vừa rồi đã lên đến mức cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ. Có đến 43% số người được hỏi cho biết ủng hộ Donald Trump, chủ yếu nhờ vào các kết quả ấn tượng của nền kinh tế nước Mỹ ; tuy vẫn thấp hơn nhiều người tiền nhiệm.


Tuần trước ông Trump đã tuyên bố, thủ tục truất phế này là « một điều đáng buồn cho đất nước chúng ta, nhưng chừng như lại rất tốt cho tôi về mặt chính trị ».


Lịch sử những lần chính trường Mỹ căng thẳng vì luận tội tổng thống


Hương Ly


19/12/2019


Trước ông Donald Trump, chính trường Mỹ từng ba lần căng thẳng vì luận tội tổng thống, trong đó có hai lần Hạ viện Mỹ chính thức bỏ phiếu luận tội ông chủ Nhà Trắng.


Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện tối 18/12, Tổng thống Donald Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ thứ ba trong lịch sử bị Hạ viện luận tội.


Trước đó, cựu tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton cũng rơi vào tình cảnh tương tự, trong khi ông Richard Nixon từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu luận tội. Tuy nhiên, chưa từng có tổng thống Mỹ nào bị phế truất. 


image002

Ông Trump là tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị Hạ viện luận tội. Ảnh: AP


Tổng thống Mỹ thứ 17 Andrew Johnson


Sau cuộc nội chiến, tổng thống đảng Dân chủ Andrew Johnson đã liên tục tranh cãi với Quốc hội do đảng Cộng hòa chiếm đa số về cách xây dựng lại miền Nam nước Mỹ.



Những "đảng viên Cộng hòa cấp tiến" trong thời kỳ này ủng hộ luật trừng phạt các cựu lãnh đạo Liên minh miền Nam nước Mỹ và bảo vệ quyền của nô lệ được giải phóng. Ông Johnson đã sử dụng quyền phủ quyết của tổng thống để ngăn chặn nỗ lực của những đảng viên Cộng hòa này.


Vào tháng 3/1867, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật nhiệm kỳ, theo đó hạn chế quyền hạn của tổng thống trong việc sa thải các thành viên nội các nếu không được Thượng viện chấp thuận. Bất chấp điều này, ông Johnson đã đình chỉ Edwin Stanton, Bộ trưởng Chiến tranh và đối thủ chính trị, trong khi Quốc hội đang trong tình trạng suy thoái.


Phản ứng trước việc bị sa thải, ông Stanton tự nhốt mình trong văn phòng và từ chối rời chức. Việc loại bỏ Stanton được coi là giọt nước tràn ly. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vội vã soạn thảo 11 cáo buộc luận tội.


Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, các cáo buộc được trình bày trước Thượng viện. Tuy nhiên, ông Johnson được tha bổng. Chỉ còn thiếu duy nhất một phiếu so với mức cần thiết là 2/3 số phiếu ủng hộ để kết tội ông Johnson.


image003

Ông Johnson là tổng thống đầu tiên của Mỹ bị Hạ viện luận tội. Ảnh: AP


BBC dẫn một vài nguồn tin cho biết tổng thống thứ 17 của Mỹ đã khóc khi biết mình được tha bổng, và thề sẽ cống hiến hết mình để lấy lại danh tiếng.


Tuy nhiên, có vẻ ông đã không làm được. Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông Johnson rơi vào cuộc chiến tranh giành quyền lực tương tự như trước khi bị luận tội.


Kết quả là vào năm 1869, đảng Dân chủ đã mất Nhà Trắng vào tay ứng cử viên đảng Cộng hòa, Tướng Ulysses S Grant.


Ngoài việc trở thành tổng thống đầu tiên bị luận tội, lịch sử còn nhớ tới ông Johnson với di sản mua được Alaska vào năm 1867 với giá 7,2 triệu USD. Ông Johnson là một trong những tổng thống nghèo nhất và chưa bao giờ được đến trường.


Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon


Tổng thống Richard Nixon đã suýt bị luận tội. Các cáo buộc bắt nguồn từ vụ đột nhập vào trụ sở của đảng Dân chủ tại tổ hợp văn phòng Watergate, Washington D.C., để ăn cắp tài liệu của đảng này vào năm 1972.


Quy mô vụ bê bối Watergate lan rộng, liên quan đến cả các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng khi kết quả điều tra cho thấy những kẻ đột nhập đã nhận tiền từ chiến dịch tái tranh cử của ông Nixon.


Trong gần hai năm, tổng thống Nixon phải vật lộn để che đậy việc có liên quan đến âm mưu này, nhưng không thành công.


Vào tháng 8/1974, khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện chuẩn bị các cáo buộc luận tội, ông Nixon đã buộc phải công bố bản ghi âm tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, theo đó ông Nixon đã ra lệnh cho nhân viên yêu cầu Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) nói với Cục Điều tra Liên bang (FBI) dừng cuộc điều tra về vụ đột nhập Watergate.


Bằng chứng không thể chối cãi này là cú chốt hạ làm sụp đổ hoàn toàn nỗ lực tự che đậy của ông Nixon.


Trước đó vào ngày 27/7/1974, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua ba điều khoản luận tội tổng thống Nixon, bao gồm cản trở công lý, lạm dụng quyền lực và coi thường của Quốc hội. Các điều khoản này sau đó được gửi đến Hạ viện để bỏ phiếu.


Tuy nhiên, đã không có cuộc bỏ phiếu nào diễn ra.


image004

Ông Nixon là tổng thống Mỹ duy nhất từ chức trong lịch sử. Ảnh: AP


Vào ngày 8/8/1974, ông Nixon tuyên bố từ chức. Cho đến nay, ông là tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử từ chức.


"Tôi chưa bao giờ là người dễ bỏ cuộc. Phải từ chức trước khi hoàn thành nhiệm kỳ là điều kinh khủng đối với tôi. Nhưng với tư cách là tổng thống, tôi phải đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu", ông Nixon nói trong bài phát biểu từ chức.


Phó tổng thống Gerald Ford đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống 6 tuần sau đó, và ân xá cho Nixon khỏi mọi tội trạng ông phạm phải khi còn đương chức.


Chưa đầy hai năm sau, tổng thống Ford mất Nhà Trắng vào tay ứng cử viên đảng Dân chủ Jimmy Carter.


Lịch sử nhớ tới ông Nixon chủ yếu là vai trò của ông trong vụ bê bối Watergate, theo BBC. Dù ông chưa bao giờ thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, vụ việc của tổng thống Mỹ thứ 37 vẫn là lời cảnh báo về lạm dụng quyền lực tổng thống.


Ông Nixon qua đời vào tháng 4/1994, 20 năm sau khi ông từ chức trong nỗi hổ thẹn. Phát biểu tại lễ tang, tổng thống Bill Clinton tập trung vào thành tựu đối ngoại của người quá cố. "Hãy nói rằng: đây là ngày mà chúng ta nên ngừng phán xét Nixon", ông Clinton phát biểu. 


Tổng thống Mỹ thứ 42 Bill Clinton


Chỉ vài năm sau khi tổng thống Bill Clinton kêu gọi nên tha thứ cho những thất bại của người tiền nhiệm Nixon, đảng Dân chủ đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị.


Trong vòng một năm kể từ khi nhậm chức, ông Clinton đã bị công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp Kenneth Starr điều tra.


Bắt nguồn từ các giao dịch bất động sản, phạm vi điều tra được mở rộng vào tháng 1/1998, liên quan đến vụ ngoại tình của ông Clinton với thực tập sinh tại Nhà Trắng Monica Lewinsky.


image005

Dù bị luận tội, ông Clinton vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Ảnh: AP


Khi được hỏi về mối quan hệ với bà Lewinsky, ông Clinton phủ nhận có mối quan hệ với thực tập sinh Nhà Trắng.


"Tôi muốn các bạn lắng nghe tôi. Tôi không có quan hệ tình dục với người phụ nữ đó, Monica Lewinsky. Tôi chưa bao giờ nói dối, chưa một lần nào, không bao giờ", ông Clinton nói.


Vào ngày 9/9/1998, báo cáo điều tra dài 440 trang được trình lên Quốc hội, trong đó có lời khai chi tiết từ bà Lewinsky. Đến tháng 12/1998, Hạ viện đã bỏ phiếu luận tội ông Clinton về hai tội danh: khai man và cản trở Quốc hội.


Tuy nhiên vào tháng 2/1999, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã quyết định tha bổng cho ông Clinton. 


Trong suốt khoảng thời gian xảy ra vụ bê bối, ông Clinton nhất quyết không đồng ý từ chức. Đến năm 2001, ông kết thúc nhiệm kỳ với tỷ lệ tán thành của người dân ở mức 65% - cao nhất so với bất kỳ người tiền nhiệm nào trong nửa thế kỷ.


Tuy nhiên, đảng Dân chủ của ông đã thua trong cuộc đua giành ghế Nhà Trắng trước ứng cử viên George W. Bush.
22 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 810)
24 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1269)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1192)
Nov 12: Chiến sự mùa đông 2 bờ đông tây Dnipro River; Vì sao Nga ‘cố thủ’ bờ Đông