Chính sách 3 không: "Không kỹ trị, không chánh trị, không đức trị" có không?

11 Tháng Hai 20207:09 SA(Xem: 8446)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG A - THỨ  BA 11 FEB 2020


image001


Chính sách 3 không: "Không kỹ trị, không chánh trị, không đức trị" có không?


VĂN HÓA


11/2/2020


Ngày 10/2/2020, đài BBC có một bài viết của tác giả Quốc Việt tựa đề: Tân bí thư Hà Nội, ông Vương Đình Huệ và câu hỏi về 'lãnh đạo kỹ trị'.


Bài viết này không liên quan gì đến "Chính sách 4 không" đối ngoại của Việt Nam, nhưng bốn chữ 'lãnh đạo kỹ trị', đặc biệt phạm trù 'kỹ trị' là từ ngữ chính trị xuất hiện gần đây trên các phương tiện truyền thông trong nước, hàm ý nói lên xu thế quản trị đối nội, phải "thoát" khỏi chủ trương sử dụng nhân sự 'hồng đi đôi với chuyên' hay ngược lại.


Sau nhiều thập niên đảng chuyên chế sử dụng nhân lực 'hồng - chuyên' cai trị và quản trị, nhận thấy 'hồng' đã tụt hậu quá xa so với các quốc gia (chỉ nội trong khu vực ASEAN); 'chuyên' cũng không đủ năng lực để đưa Việt Nam bước vào giai đoạn 4G, 5G ..., 'kỹ trị' xuất hiện như một điều kiện cấp bách 'ắt có và đủ' đòi hỏi những nhà quản trị cấp cao, phải có đầy đủ 'bằng cấp và kinh nghiệm thực tiễn', để điều hành các lãnh vực chuyên môn, hoặc đứng đầu các khu vực địa chính trị-địa kinh tế.


Tòa soạn Văn Hóa Online-California xin cám ơn đài BBC đã đăng bài viết dưới đây của tác giả Quốc Việt từ Hà Nội gửi cho BBC từ Hà Nội ngày 10/2/2020.


Bài viết bật lên diễn đàn: "Chính sách 3 không: không kỹ trị, không chánh trị, không đức trị" có không?, nói lên tình hình thực tế chính trị ở Việt Nam hiện nay.


Tòa soạn Văn Hóa Online mở rộng diễn đàn này, kính mời quí vị tham gia; xin gởi về địa chỉ: vaamacali@gmail.com


Tân bí thư Hà Nội, ông Vương Đình Huệ và câu hỏi về 'lãnh đạo kỹ trị'

image002

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông Vương Đình Huệ tiếp Hoàng hậu Hà Lan Maxima khi bà thăm Việt Nam hồi 2017


Ông Vương Đình Huệ vừa được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay thế ông Hoàng Trung Hải thôi giữ chức vì bị kỷ luật do những sai phạm trong quá khứ tại Công ty gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO II).


Theo bình luận của giới quan sát, dù việc này chỉ là biện pháp tạm thời (tức bước đệm) để ông Huệ tiến vào Tứ Trụ trong Đại hội 13 (tháng Giêng 2021), hay ông sẽ tiếp tục lãnh đạo Hà Nội thêm một nhiệm kỳ để giải quyết các vấn đề nhức nhối mà Thủ đô đang phải đối mặt, thì đường quan lộ của "cậu học trò nghèo quê gốc Nghệ An trở thành Phó Thủ tướng" rõ ràng là hết sức thuận lợi.


Tác giả David Hutt trên tờ The Diplomat (ngày 16/01) thậm chí còn nêu nhận định: ông Huệ có khả năng sẽ được Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn làm Thủ tướng trước khi về nghỉ, trong trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc nắm ghế Tổng bí thư, nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực các phe phái.


Nhân vật kỹ trị?


Có ý kiến cho rằng sự thăng tiến của Vương Đình Huệ là việc tốt, bởi ông này thường được xem là một trong những nhà kỹ trị nổi trội nhất Việt Nam đương đại, do có học hàm giáo sư.


Ông Huệ cũng có bằng tiến sỹ tài chính tại Slovakia và từng giảng dạy tại Học viện Tài chính.


Phải nói rằng bên trước ông Huệ, nhiều kỳ vọng tương tự cũng được gửi gắm lên vai các công Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Văn Bình, Vũ Đức Đam, Nguyễn Mạnh Hùng…và cả những nhân vật đã không may "ngã ngựa" như Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải (thạc sỹ ĐH Dublin, Ireland)…


Người ta tin rằng họ là đại diện của một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ trung hơn, mang phong cách kỹ trị, dám nghĩ dám làm và ít giáo điều.


Kỹ trị (technocracy) là một cụm từ "thời thượng" ở Việt Nam những năm qua, phù hợp với chủ trương xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state), mô hình đã làm nên kỳ tích kinh tế của các quốc gia Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore).


image003

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tổng thống Singapore Halimah Jacob là tiến sĩ luật, ĐH Quốc gia Singapore, và có kinh nghiệm quản trị trong ngành lao động, nghiệp đoàn, các vấn đề xã hội, phụ nữ và từng làm chủ tịch Quốc hội. Singapore nổi tiếng với mô hình quan chức 'kỹ trị'


Sở dĩ có chủ trương này bởi kỹ trị thường được định nghĩa như một hệ thống quản trị, trong đó các nhà hoạch định sẽ được tuyển chọn dựa trên chuyên môn của họ, nhất là kiến thức khoa học trong các lĩnh vực, chứ không phải nhờ đảng phái, phe nhóm, quan hệ hay ý thức hệ.


1979-1985: Ông Vương Đình Huệ là Giảng viên ĐH Tài chính-Kế toán HN (nay là Học viện Tài chính).


1986-1990, nghiên cứu sinh ở Đại học Kinh tế Bratislava, Slovakia.


Sau khi về nước, ông làm giảng viên ở Đại học Tài chính - Kế toán HN, trưởng khoa Kế toán 1994-99.


1999-2001, ông là Phó Hiệu trưởng ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội.


2001-2006, ông là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.


2006-2011: Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Đại biểu Quốc hội


2011-12: Bộ trưởng Tài chính.


Cuối 2012-2016: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng CS về kinh tế. 2016-19: Phó Thủ tướng


Tháng 2/2020: Bí thư thành ủy Hà Nội


Hệ thống này khá tương phản với quan niệm cho rằng nên để các đại diện do dân bầu nên ra quyết định trong chính phủ (tức mô hình dân chủ).


Đảng Cộng sản Việt Nam thường bám vào khái niệm này cùng với kinh nghiệm của Singapore để khẳng định chỉ duy nhất Đảng mới đủ năng lực lãnh đạo đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng.


Theo tôi, cần tránh lâm vào sự ngộ nhận ở đây.


Bởi nếu chỉ dựa vào một số tuyên bố hoặc phát ngôn "gây chú ý" để tùy tiện gán cho hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam đương đại hai chữ "kỹ trị" thì e có phần hơi vội vàng, nhất thiết phải nhìn vào quá trình hoạt động và những việc làm cụ thể của họ.


image004

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tặng bao lì xì ngày đầu năm Canh Tý người già. Hình chụp ngày 25/1/2020. Từng là giáo sư luật tại các trường Đại học Soochow và Đại học Quốc gia Chengchi, bà Thái Anh Văn còn có bằng tiến sỹ luật từ trường Đại học Kinh tế Chính trị London (LSE) danh tiếng.


Khác với các nhà hoạch định chính sách của những nền kỹ trị lừng danh tại châu Á thường trải qua đào tạo bài bản, điển hình như Singapore, Đài Loan, Nhật Bản… phần lớn lãnh đạo Việt Nam đều có bằng cấp cao nhưng ít giá trị, do tiêu chuẩn học thuật trong nước quá thấp, dẫn tới thiếu "thực học".


Hoặc nếu họ có bằng cấp 'kỹ trị' thì bằng đó cũng phải xếp sau các tiêu chí đạo đức Đảng viên, bản lĩnh chính trị, và nhất là không thể thiếu chứng chỉ "lý luận chính trị", do trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cấp, để thăng tiến.


Xin lấy ví dụ, ông Đinh La Thăng vốn học kế toán, nhưng lại đi lên từ phong trào văn nghệ Đoàn tại Tổng công ty Sông Đà, và cũng có tấm bằng tiến sỹ với đề tài: "Tổ chức công tác kế toán ở các doanh nghiệp xây dựng trong điều kiện ứng dụng tin học" (năm 1996).


Đây là một tấm bằng rõ ràng là không có nhiều giá trị ứng dụng. Ấy vậy mà ông Thăng lại được nâng lên một tầm cao đáng giật mình khi gây thiệt hại, thất thoát trong quá trình làm quản lý nhiều hơn là tạo ra đóng góp.


Điều này càng cho thấy tâm và tầm của các lãnh đạo mang danh kỹ trị ở Việt Nam đến đâu.


image005

Bản quyền hình ảnh Bettmann Image caption Cố Thủ tướng Nhật Hayato Ikeda (1899-1965) và phu nhân. Ông Ikeda đã thiết kế ra 'tầm nhìn Nhật Bản'


Để so sánh, cố Thủ tướng Nhật Bản Ikeda Hayato (1899 - 1965) từ khi còn làm Bộ trưởng Tài chính đã dày công nghiên cứu và cộng tác với các trí thức để đề xuất chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân - nhằm đưa GDP đầu người tăng gấp đôi sau 10 năm - cho cương lĩnh tranh cử năm 1960.


Nhờ tầm nhìn cùng sự lèo lái tài tình của ông, nước Nhật trên thực tế đã hoàn thành mục tiêu sớm hơn cả kỳ vọng (chỉ mất 7 năm), trong khi Ikeda còn không được may mắn để chứng kiến thành quả đó của mình vì qua đời năm 1965.


Hay cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy (sinh năm 1923), nhờ vào nền tảng tri thức uyên thâm - được cả Nhật và Mỹ đào tạo, đã tốt nghiệp tiến sỹ tại Cornell với công trình Intersectoral Capital Flows in the Economic Development of Taiwan, 1895-1960 (tạm dịch: Luồng vốn liên ngành đối với sự phát triển kinh tế của Đài Loan, giai đoạn 1895 - 1960) nhận giải thưởng cho luận văn xuất sắc nhất của Hiệp hội Kinh tế Nông nghiệp Mỹ (năm 1968).


Ông Lý Đăng Huy đã góp công rất lớn vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Đài Loan trong giai đoạn làm Bộ trưởng và sau dẫn dắt Đài Loan chuyển đổi sang dân chủ (xem thêm bài này)


Đối với trường hợp tân bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ, mặc dù hay được gọi là chuyên gia kinh tế nhưng tôi thấy ông hay dừng lại ở việc không làm mếch lòng ai và những câu nói thoạt nghe thì thâm thúy nhưng nghĩ lại chỉ là "vô thưởng vô phạt".


Một số chuyên gia kinh tế như GS Trần Hữu Dũng (Mỹ) cũng từng nhiều lần bày tỏ sự hoài nghi về những tuyên bố hoặc nhận định khá thiếu "chính xác" của ông Huệ.


Chẳng hạn, trong một hội nghị mới đây về phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, khi được đối tác Hàn Quốc hỏi vì sao người Việt ít dùng điện thoại Samsung (made in Vietnam) so với iPhone, ông trả lời "Nếu có chuyện như vậy thì là do tỉ lệ nội địa hóa của Samsung thấp quá mà người Việt Nam thì luôn luôn ưu tiên dùng hàng Việt" - tức ông cho rằng iPhone là sản phẩm của Việt Nam. (xem nguồn tại đây).


Nếu là một nhà kỹ trị đúng nghĩa, ông Huệ hẳn phải hiểu rõ nguyên nhân khiến khối Xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu sụp đổ là do sai lầm từ mô hình kinh tế chỉ huy, tập trung thay vì vận hành theo nguyên tắc của thị trường tự do.


Cũng theo cách tư duy đó, đáng ra ông phải không ủng hộ chủ trương thành lập siêu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do chính ông theo dõi, chỉ đạo.


Đây là một biện pháp "dấu bụi dưới thảm", chứ chẳng thể nào giải quyết triệt để khối nợ xấu và tình trạng thua lỗ bởi "đàn khủng long của nền kinh tế vị thành niên", các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà nhẽ ra cần được cổ phần hóa từ lâu.


Có lần ông còn nêu tiêu chí tuyển dụng cán bộ của siêu Ủy ban này là phải trong sáng, tự trọng (tiêu chuẩn này khá mơ hồ) thay vì yêu cầu người giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm.


Cũng các tiêu chuẩn này khiến ông Nguyễn Hoàng Anh, cựu Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, tỉnh chưa thoát nghèo và thường xuyên nhận cứu trợ ngân sách từ Trung ương, lại được chọn ngồi vào ghế chủ tịch của cái Ủy ban đang nắm giữ khối tài sản khổng lồ lên đến hơn 5 triệu tỷ VND.


image006

Bản quyền hình ảnh GIANG HUY Image caption Công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đội vốn và chậm tiến độ, là một vấn đề bức xúc của thủ đô tân Bí thư Thành ủy Hà Nội phải giải quyết


Các thách thức cho tân bí thư Hà Nội


Trong trường hợp chưa kịp vào Tứ Trụ và ở lại Hà Nội hết một nhiệm kỳ, liệu ông Vương Đình Huệ sẽ giải quyết những bức xúc ngay trước mắt của Thủ đô như thế nào?


  1. Cần làm gì với công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ, khiến người dân Việt Nam lâm vào bẫy nợ nần của Trung Quốc?
  2. Làm sao cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, sông hồ, thiếu khoảng không xanh, quy hoạch "hổ lốn" tại Hà Nội?
  3. Hay như bình luận của nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp từ Singapore, dư âm của biến cố Đồng Tâm ngay trước Tết có lẽ sẽ là một phép thử đầy khó khăn cho đồng chí Tân bí thư.

Cá nhân người viết tin rằng, trong một hệ thống coi trọng hồng hơn chuyên, tư duy nhiệm kỳ và căn bệnh thành tích lây lan quá nặng, sẽ rất khó có chỗ cho những nhà kỹ trị tài giỏi.


Thứ nữa, với chính sách điều động và luân chuyển nhân sự cấp cao như hiện nay của Việt Nam, các lãnh đạo nguồn trong diện được quy hoạch thường ít có thời gian để gắn bó với cơ sở và chuyên tâm làm những việc cụ thể, "ích nước lợi dân", bởi họ còn bận "thi đấu" để tiếp tục đi lên.


Vì thế, vấn đề của đất nước có lẽ nằm ở lỗi hệ thống nhiều hơn khi người dân chưa được quyền tự do lựa chọn người thực sự tài giỏi ra lãnh đạo mình.


Ở trong một mô hình "không giống ai" như vậy, bên cạnh tham nhũng, sai phạm là tất yếu, nhân tài sẽ rất khó xuất hiện, hoặc nếu có thì cũng chẳng làm được gì, chưa kể nguy cơ bị cho vào "lò đốt" nếu muốn làm khác.


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện đang sống ở Hà Nội.

20 Tháng Mười 2023(Xem: 1501)
VỪA TRỞ VỀ TỪ DO THÁI
23 Tháng Chín 2023(Xem: 1746)
Reuters: “Việt Nam sắp sửa mua vũ khí sát thương của Mỹ”