Thú chết hàng loạt tại Safari Phú Quốc?

21 Tháng Hai 201611:08 CH(Xem: 6096)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 22 FEB  2016

Thú chết hàng loạt tại Safari Phú Quốc?

image072

Image copyright Facebook Vinpearl Safari Image caption Vinpearl Safari tự nhận là 'Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất Việt Nam'

Những người trong và ngoài cuộc nói gì về tin hàng trăm con thú chết tại khu Vinpearl Safari Phú Quốc đang gây xôn xao trên mạng xã hội?

Website của Vinpearl, thuộc tập đoàn Vingroup, mô tả Safari Phú Quốc “có tổng diện tích lên tới 500ha, nắm giữ vị thế địa lý thuận lợi, phía bắc giáp với rừng quốc gia và đường Suối Cái – Gành Dầu, phía đông và Nam giáp với rừng quốc gia, phía tây giáp rừng quốc gia và đường Cửa Cạn – Gành Dầu”.

“Quần thể vườn thú Safari sẽ là nơi tập trung nhiều chủng loại động vật hoang dã đặc trưng trên khắp thế giới cũng như tại Việt Nam và Phú Quốc”.

Trang này cũng cho biết vườn thú dự kiến đón khoảng 8.000 lượt khách/ngày với 350 nhân viên phục vụ.

Hôm 17/2, nhiều facebooker dẫn nguồn từ blog của một chuyên gia về sở thú cáo buộc: “Nhóm chuyên gia làm việc cho Vinpearl Safari hiện đã tháo chạy khỏi Phú Quốc, chủ yếu do kinh tởm chứng kiến hơn 1.000 con chim và gần 700 động vật có vú, trong đó có 20 hươu cao cổ lìa đời. Tử vong được cho là do ký sinh trùng, bệnh tật như liệt cơ, thiếu đói và tai nạn.

Thêm vào đó, khoảng 500 con khỉ và nhiều loài chim đã trốn thoát vào đảo. Cùng với sai lầm khi nhập và nuôi nhiều loại thú không rõ nguồn gốc…”

Một nguồn tin cho BBC biết: “Hiện tại khu vực giữ xác thú của vườn thú này đang có mùi rất kinh khủng, nhân viên bảo vệ quanh đó phải đeo khẩu trang. Số lượng thú chết nhiều nhưng không rõ con số chính xác vì khu vực này hạn chế người tiếp cận.”

Hôm 19/2, bà Nguyễn Tuyết Quỳnh Dao, thư ký của Hiệp hội vườn thú Đông Nam Á (Seaza) trong email trả lời BBC viết rằng: “Theo tôi tìm hiểu thì Vinpearl Safari Phú Quốc chỉ có chưa đến 1.000 thú thì làm sao chết 700 con được. Tất nhiên là còn nhiều khó khăn đối với một vườn thú mới nhưng không quá tệ như thế."

image073

Image copyright Facebook Vinpearl Safari Image caption Vinpearl Safari Phú Quốc dự kiến đón khoảng 8.000 lượt khách/ngày

Có một số tổn thất do vận chuyển nhưng không nhiều như thế. Mọi việc bây giờ đã ổn định rồi. Chỉ có hai chuyên gia nước ngoài nghỉ việc, vẫn còn hơn 10 người nước ngoài làm việc, phụ trách cả thú y. Hiện Seaza đang có kế hoạch giúp đỡ tập huấn nhân viên ở đây về chuyên môn, phúc lợi động vật (animal welfare), dinh dưỡng, chăn nuôi, chuồng trại…”.

‘Hàng dùng một lần’

Trong khi đó, trả lời BBC qua e-mail cùng ngày, ông Dave Neale, giám đốc phúc lợi động vật của tổ chức Animals Asia nhận định: “Tin đồn về vụ việc Vinpearl Safari Phú Quốc cho thấy sự gia tăng của ngành công nghiệp nuôi nhốt động vật hoang dã tại Việt Nam có thể đang mắc sai lầm và nước này cần chăm sóc động vật trước khi thương mại vườn thú”.

"Trong lúc cần phải nói rõ rằng những cáo buộc [về việc thú chết tại Vinpearl Safari Phú Quốc] vẫn chưa được khẳng định bằng những nhân chứng trực tiếp, nhưng có lý do để quan ngại."

“Chuyện thú chết và trốn thoát khỏi vườn thú nếu là sự thực thì có thể hiểu là do ‘mục tiêu lợi nhuận’ khiến người ta nuôi quá nhiều thú và quá sớm”. “Dường như nhà quản lý đã thúc ép mọi sự cho kịp ngày khánh thành trong lúc vườn thú chưa sẵn sàng là môi trường thích hợp cho nhiều loài động vật nhập khẩu”.

“Nếu việc kinh doanh vườn thú được tiến hành bởi các công ty, cá nhân đặt lợi nhuận lên hàng đầu trước yếu tố phúc lợi động vật, bảo tồn thiên nhiên, các con vật sẽ được coi là hàng dùng một lần và có thể dễ dàng thay thế”, ông Neale viết.

Chuyên gia cho biết thêm, tổ chức Animals Asia đang cố gắng ngăn chặn xu hướng này qua việc đối thoại với chính phủ Việt Nam để hình thành "tiêu chuẩn phúc lợi động vật" tại các vườn thú, sở thú ở Việt Nam.

“Nếu chính quyền thông qua tiêu chuẩn này thì các vườn thú sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý để đặt lên hàng đầu phúc lợi động vật. Đồng thời, việc mua bán động vật, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của chúng sẽ được giám sát chặt chẽ.

Những vườn thú quản lý kém và để số lượng động vật lớn tử vong sẽ bị phạt”.

Hôm 19/2, BBC gọi điện cho ông Phạm Quang Bình, giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc để hỏi thêm thông tin nhưng ông mau chóng cáo bận khi nghe hỏi về Safari Phú Quốc.

Nguồn tin của BBC cho biết quản lý cũ của vườn thú tuy đã nghỉ việc nhưng bị ràng buộc điều khoản '3 năm không được phát ngôn về Safari Phú Quốc'.

Từ góc độ khác, Thạc sĩ Lê Quang Bình, chuyên gia về phát triển nêu ý kiến trên mạng xã hội hôm 19/2: “Tôi trộm nghĩ, tại sao tập đoàn Vingroup không đầu tư xây bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Phú Quốc, đặc biệt bảo tàng sinh vật biển thay vì mua thú từ châu Phi về nhốt trong Safari để chúng chết?"

"Bảo tàng không chỉ mang mục đích du lịch mà còn có ý nghĩa bảo tồn và giáo dục. Nó là điểm nhấn kêu gọi người dân và chính quyền chung tay bảo vệ hệ sinh thái mong manh của Phú Quốc, điều mà không chỉ cộng đồng địa phương mà các doanh nghiệp muốn thành công, phát triển bền vững đều cần."

“Rõ ràng điều này sẽ giúp Vingroup có ích và tiếng tốt hơn nhiều là mang những con thú nhốt vào Safari để chúng buồn rầu nhớ quê trong sự chỉ trỏ của khách du lịch!” ông Bình viết.

image074

Image copyright Getty Image caption Ngựa vằn là một trong số các loài động vật được các vườn thú ưa chuộng

'Hoàn toàn sai sự thật'

Vào tối muộn 20/2, trong email trả lời BBC Tiếng Việt, đại diện của Vingroup khẳng định tin tức nói nhiều trăm cá thể động vật bị chết tại vườn thú và việc có mùi kinh khủng ở khu vực giữ xác thú là "hoàn toàn sai sự thật".

Bà Vũ Thanh Thủy, Phó phòng Truyền thông Tập đoàn Vingroup, xác nhận có "hơn 100 cá thể gồm chim và thú chết do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển dài, do chưa thích nghi được với môi trường, thổ nhưỡng và khí hậu".

Tuy nhiên, bà nói, so với khoảng 3.000 cá thể được nuôi tại công viên này thì đó chỉ là "tỉ lệ tổn thất tất yếu tại bất cứ một khu bảo tồn nào và những nơi vừa đưa vào vận hành như Vinpearl Safari".

"Mọi hoạt động tại Vinpearl Safari hiện tại vẫn diễn ra bình thường, tất cả các cá thể động vật đã thích nghi được với nơi ở mới và hoàn toàn khỏe mạnh," bà Thủy cho biết thêm.

Về tin nói có nhiều khỉ và chim trốn thoát, bà Thủy nói việc có 135 con khỉ ra được khỏi chuồng là do chúng là loại khỉ nhỏ được nhốt trong các chuồng dành cho các loại khỉ lớn hơn, tuy nhiên "đây là loài khỉ bản địa phân bổ tự nhiên tại Phú Quốc".

"Hàng ngày đàn khỉ này vẫn về ăn tại vườn thú và khi ăn no lại vào rừng," và "ngoài khỉ thì không có bất cứ loài thú nào chạy khỏi Vinpearl Safari."

Đại diện Vingroup khẳng định các loài thú quý hiếm của Vinpearl Safari đều được nhập về một cách cẩn trọng, tuân thủ quy định pháp luật về quản lý động vật hoang dã của Việt Nam và quốc tế, và việc nhập khẩu của công viên này "hoàn toàn bình đằng" với các vườn thú khác của Việt Nam.

Được khai trương hôm 24/12/2015, được biết Vinpearl Safari có nhiều loại thú quý như mèo đốm châu Phi của Nam Phi, linh dương Bongo của Mỹ, linh dương sừng thẳng Ả-rập, vượn cáo đuôi khoang, vượn cáo trắng-đen, tê giác, voi, hổ, sư tử, ngựa vằn, hươu, nai./

BBC 20 tháng 2 2016

21 Tháng Mười 2016(Xem: 6041)
27 Tháng Ba 2016(Xem: 7543)
08 Tháng Ba 2016(Xem: 13071)
14 Tháng Giêng 2016(Xem: 6246)
04 Tháng Giêng 2016(Xem: 6962)