Phát hiện sóng radio lạ ngoài vũ trụ

22 Tháng Giêng 20177:32 CH(Xem: 5740)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI 23  JAN  2017


Phát hiện sóng radio lạ ngoài vũ trụ


Richard Hollingham BBC Future


BBC19 tháng 1 2017


image037

Bản quyền hình ảnh SPL Image caption Các tín hiệu được phát hiện bởi kính viễn vọng khổng lồ Arecibo đặt tại Puerto Rico


Trong suốt 10 năm qua, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra những luồng sóng vô tuyến năng lượng cao từ các vùng xa xôi của vũ trụ.


Mỗi đợt sóng vô tuyến này, mang theo năng lượng tương đương với hàng triệu ngôi sao, xuất hiện chỉ trong tích tắc trước khi biến mất. Mặc dù vậy nguồn gốc của chúng vẫn là ẩn số với các nhà khoa học.


"Chúng tôi không biết chúng bắt nguồn từ đâu," Keith Banniester, một nhà thiên văn học từ tổ chức nghiên cứu khoa học Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation (CSIRO) ở Sydney, Úc, nói.


"Chúng tôi không có manh mối nào. Nhiều khi chúng xuất hiện và biến mất trong một cái búng tay."


Các nhà thiên văn học đã lần đầu tiên phát hiện ra những luồng sóng này vào năm 2007, sử dụng kính thiên văn vô tuyến Parkes tại Úc, và cho đến nay họ đã phát hiện hơn 20 đợt sóng như vậy.


Ngày nay, đây vẫn là chủ đề nóng hổi nhất trong cộng đồng thiên văn học.


Vào đầu năm 2017, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature đã lần đầu tiên xác định nguồn gốc của những luồng sóng này.


Nhóm nghiên cứu quốc tế đã dùng kính thiên văn vô tuyến Arecibo ở Puerto Rico, cùng với các kính thiên văn vô tuyến khác ở Mexico và châu u để lần ra nguồn gốc của tín hiệu: Một dải ngân hà nhỏ cách Trái Đất 2,5 tỷ năm ánh sáng.


Nhóm của Bannister gần đây đã công bố một nghiên cứu đối với luồng sóng mạnh nhất từ trước đến nay.


"Luồng sóng này làm chúng tôi muốn lồi cả mắt ra vì nó quá sáng," ông nói. Nó mạnh đến nỗi các nhà thiên văn học có thể nghiên cứu không gian mà nó đi qua bằng các đo đạc sự tương tác giữa nó với các electron mà nó bắt gặp trên đường đi.


"Chúng tôi đã đo được từ trường giữa các dải ngân hà và những vật chất mà nó xuyên qua," Bannister nói.


"Đây là một trong những kỳ quan của ngành thiên văn vô tuyến, bạn có thể nghiên cứu được rất nhiều điều từ một sự kiện chỉ diễn ra trong nháy mắt."


Tuy nhiên tất cả những phát hiện mới này vẫn chưa giải thích được câu hỏi cơ bản về những luồng sóng này: Chúng là gì? Câu trả lời có thể giúp chúng ta có cái nhìn tường tận về vũ trụ.


"Nó hoàn toàn có thể là một thứ rất đơn giản," Maxim Lyutikov, từ Đại học Purdue, Hoa Kỳ, nói với BBC Earth. "Nhưng nó có thể là cánh cửa hé mở ra những khám phá mới về vật lý, cũng như các sự kiện và hiện tượng mới về thiên văn học."


Một trong những giả thiết phổ biến ngày nay là các luồng sóng vô tuyến này là kết quả của hiện tượng 'blitzar' - bắt nguồn từ sự huỷ diệt của các chòm sao.


Blitzar được cho là hiện tượng các sao xung (pulsar) nhiều năng lượng xoay quanh các ngôi sao đã chết, tạo ra các sóng điện từ tuần hoàn bị hấp thụ bởi hố đen.


image038

Bản quyền hình ảnh NASA/CXC/Univ of Toronto/M.Durant et al Image caption Một giả thuyết được đề cập là sóng vô tuyến đến tự việc các sao xung nhiều năng lượng bị một hố đen nuốt vào

"Sự tồn tại của một thứ như Blitzar là điều đáng ngạc nhiên và nó làm dấy lên nhiều câu hỏi", Sheila Kanani, từ Royal Astronomical Society tại London, nói. "Chúng được tạo ra như thế nào? Luồng năng lượng đó đến từ đâu? Nó có ý nghĩa như thế nào cho sự tiến hoá của vũ trụ?"


Một giả thiết khác là những luồng năng lượng này xuất nguồn từ các vụ nổ lớn trong vũ trụ, có thể là do sự va chạm giữa các sao neutron. "Rất nhiều năng lượng được giải phóng để tạo một luồng sóng như vậy," Banniester nói.


"Thế nhưng điều thú vị là khi quan sát bằng những kính thiên văn khác, chúng tôi không nhìn thấy dấu hiệu cho thấy một vụ nổ vừa xảy ra." Nó cũng không giải thích vì sao lại có nhiều đợt sóng như vậy trong nhiều ngày liên tiếp.


"Nó có thể liên quan đến một hố đen. Thế nhưng khi chúng tôi kịp phát hiện ra thì nó có thể đã bị hố đen nuốt chửng hoặc đó có thể là loại vụ nổ mà chúng tôi không thể nhìn thấy bằng kính thiên văn, chúng tôi cũng không rõ," Bannister nói.


Một giả thiết thú vị khác là những vụ nổ này đại diện cho những điểm lỗi trong vũ trụ. Giả thiết này cho rằng trong vũ trụ có những dải ngân hà kéo dài, tạo ra những luồng điện, và khi các luồng điện này bị chập, nó gây ra những vụ nổ làm phát ra các luồng sóng vô tuyến.


Các nhà khoa học cũng không loại trừ khả năng các luồng sóng này là tín hiệu từ người ngoài hành tinh.


"Tôi sẽ không loại trừ khả năng đó là người ngoài hành tinh, cho đến khi biết chắc chúng là gì," Bannister nói.


"Trừ khi tôi nhìn thấy bằng chứng chứng minh điều ngược lại, đó vẫn có thể là một giả thiết".


"Điều đó khó có khả năng xảy ra," ông nói. "Cách mà tín hiệu này xuất hiện và biến mất rất giống với một hiện tượng siêu nhiên - nếu tôi là người ngoài hành tinh thì tôi sẽ biết rằng đây là điều không nên làm."


Giờ đây, khi các nhà thiên văn học đã có thể nhận dạng các hành tinh nơi phát ra những tín hiệu này, bước tiếp theo là nhìn cận cảnh nguồn gốc của chúng.


Ví dụ, nếu các tín hiệu này bắt nguồn từ trung tâm của dải ngân hà, nó nhiều khả năng có liên quan đến các hố đen. Nếu chúng đến từ ngoài rìa của dải ngân hà, chúng nhiều khả năng đến từ một vụ nổ trên một ngôi sao hoặc một hành tinh.


Nỗ lực tìm đáp án cho những tín hiệu kỳ lạ trong vũ trụ cho thấy chúng ta đã đi được rất xa trong hành trình tìm hiểu vũ trụ.


"Nó cho thấy chúng ta luôn luôn học hỏi và sẵn sàng thừa nhận rằng chúng ta không hiểu một điều gì đó," Kanani nói. "Đó là một bài học vô cùng quan trọng cho các nhà khoa học trong tương lai."


Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

14 Tháng Mười 2018(Xem: 5419)