VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI ĐÓ ĐÂY - THỨ HAI 17 JULY 2017
“Sơn Trà có những di sản quý báu mà khi mất đi thì không bao giờ tái tạo được”
Voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng đặc hữu ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh do Viện sinh thái học miền Nam cung cấp.
07:22 16/07/17
(GDVN) - Phải vận động các doanh nghiệp vì thương hiệu, vì trách nhiệm xã hội và tinh thần yêu nước để chấp nhận hy sinh một phần vì Sơn Trà, đó cũng là vinh dự lớn.
Đó là quan điểm của Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh tại buổi hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” ở Đà Nẵng ngày 15/7 do Viện sinh thái học miền Nam phối hợp Hiệp hội du lịch Đà Nẵng tổ chức.
Tham dự hội thảo có 180 nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về bảo tồn, các nhà quản lý cùng đại diện các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Hệ sinh thái bị đe dọa
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã tập trung đánh giá về hiện trạng đa dạng sinh học tại Sơn Trà.
Ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc thu hồi các dự án ở Sơn Trà là bài toán khó. ảnh: TT.
Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Trường - Viện trưởng viện sinh thái học miền Nam, Sơn Trà có một hệ sinh thái tự nhiên vô cùng giá trị và đặc biệt với hơn 1.000 loài thực vật, trong đó có 43 loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam, 21 loài nằm trong sách đỏ thế giới…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi những dự án, những công trình xây dựng đang “tàn phá” Sơn Trà cả ở trên bờ lẫn mặt nước.
Tiến sĩ Hà Thăng Long - Trung tâm Green Viet phải thốt lên chua xót rằng, không muốn mai này, loài Vọc chà vá quý hiếm ở Sơn Trà phải đu dây diện để qua vùng sống của nó.
Đó là hệ quả của việc khai thác các tuyến đường du lịch, dẫn đến các khu nghỉ dưỡng nằm rải rác quanh bán đảo này, gây chia cắt vùng sinh sống của loài Vọc
Ở dưới mặt nước, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa - Viện Hải dương học Nha Trang cũng đưa ra cảnh báo về việc suy giảm các rạn san hô ở ven bờ.
“Diện tích rạn san hô tại đây khoảng 80,9 hec-ta năm 2006 thì đến năm 2016 đã giảm xuống còn 34 hec-ta.
Khu vực bãi Bắc thì san hô gần như chết hoàn toàn” ông Hòa cho hay. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tác động đô thị hóa ven bờ, khai thác thủy sản, ô nhiễm từ các khu du lịch...
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu quan điểm nên giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, quản lý đa dạng tự nhiên theo phương thức bền vững.
Đưa bán đảo này trở thành điểm du lịch độc đáo, lấy môi trường, đa dạng sinh học làm trung tâm.
Ngoài ra, nhiều nhà khoa học cũng đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm bảo vệ bán đảo Sơn Trà trước những tác động tiêu cực của quá trình khai thác, phát triển kinh tế - du lịch.
Doanh nghiệp hy sinh vì Sơn Trà sẽ được dân hoan nghênh
Tại hội thảo lần này, ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định những giá trị di sản quý báu của Sơn Trà. Nếu những di sản này mất đi thì không bao giờ tái tạo được.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học lo ngại về việc bán đảo Sơn Trà bị hủy hoại bởi nhiều dự án du lịch, xây dựng. Ảnh: TT
Trong đó, chính quyền Thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp và quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn bán đảo Sơn Trà.
“Chính người dân Đà Nẵng mới là chủ tài nguyên thiên nhiên của thành phố này”, ông Nghĩa nói.
Về việc thu hồi các dự án tại Sơn Trà, ông Nghĩa nhận định, đây là một bài toán khó. Và để giải bài toán này thì phải dựa trên cơ sở pháp lý, sự quan tâm của cả nước, Chính phủ, công luận…
“Cái gì trái phép là dẹp, thậm chí trừng trị nếu nghiêm trọng. Những cái gì hợp quy trình, hợp pháp nhưng nay không còn hợp lý nữa, nếu tiếp tục không có lợi thì cùng nhau tìm giải pháp đáp ứng lợi ích các bên.
Phải vận động chính các doanh nghiệp vì thương hiệu của anh, vì trách nhiệm xã hội, tình thần yêu nước nếu các doanh nghiệp có chịu thiệt hại một phần nào đó, có hi sinh một phần nào đó vì Sơn Trà là vinh dự.
Và nó làm tăng lòng yêu mến của người dân với thương hiệu đó”, ông Nghĩa phân tích.
Theo quan điểm của đại biểu Nghĩa, để bảo vệ Sơn Trà nếu các doanh nghiệp có bị thiệt hại thì phải đền bù.
Nhưng nếu quá sức chịu đựng thì vận động doanh nghiệp hy sinh một phần. Sự hy sinh đó sẽ được nhân dân hết sức hoan nghênh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng khẳng định quan điểm của thành phố là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đi đôi với bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.
Trong đó, tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh.
Tấn Tài
Báu vật thiên nhiên ở bán đảo Sơn Trà
10:11 17/05/2017
Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu về đa dạng sinh học bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng), các chuyên gia Viện Sinh thái học miền Nam ghi nhận "báu vật thiên nhiên" hiếm nơi nào có được.
Chuyên gia lo ngại voọc chà vá chân nâu biến mất ở Sơn Trà Yêu quí 'báu vật thiên nhiên' ở bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng), nhiều chuyên gia lo ngại loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm nơi đây có nguy cơ biến mất.
Toàn cảnh bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao. Sau nhiều năm điền dã, nghiên cứu, tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, ví bán đảo này giống hòn ngọc của Biển Đông, "lá phổi xanh" điều hòa không khí trong lành cho TP Đà Nẵng
Bán đảo Sơn Trà thoắt ẩn, thoắt hiện giữa mây trời - góc nhìn từ phía bãi biển Mỹ Khê.
Theo các chuyên gia, Sơn Trà có 985 loài thực vật và 287 loài động vật có xương sống ở trên cạn (36 loài thú, 106 loài chim, 23 loài bò sát, 113 loài động vật không xương sống). Để ghi nhận được những hình ảnh động, thực vật quý hiếm ở Sơn Trà, các chuyên gia "ngụy trang" quần áo bằng lá cây để gần gũi với thiên nhiên, đi lại nhiều chuyến công tác mới có thể chụp được những bức ảnh chân thực nhất.
Theo tiến sĩ Long, bán đảo Sơn Trà còn khoảng 20 đàn với khoảng 300 đến 350 cá thể voọc chà vá chân nâu. Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là Chà vá chân đỏ hoặc Voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng.
Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới cũng xếp Voọc chà vá chân nâu vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện. UBND TP Đà Nẵng đã chọn Voọc chà vá chân nâu làm hình ảnh đại diện cho thành phố, nhân sự kiện APEC 2017 mang ý nghĩa thành phố thân thiện với môi trường.
Các chuyên gia chụp được ảnh mèo rừng ở bán đảo Sơn Trà, một trong những loài động vật quý hiếm thuộc danh mục nhóm IB, mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam.
Chồn bạc má, loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam mới được phát hiện ở bán đảo Sơn Trà, gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia sinh thái môi trường.
Hoa Uvaria Vietnamesis (Endemis), loài hoa đặc hữu mới được phát hiện ở bán đảo Sơn Trà.
Cây chò đen trổ hoa tuyệt đẹp, loài thực vật đặc hữu được phát hiện ở Sơn Trà.
Rặng san hô cứng cao nhất khu vực nam Sơn Trà. Theo thống kê của tiến sĩ Long, Bãi Nồm có 52 loài san hô, Bãi Bụt, Mũi Giòn có 47 loài...
Loài cua đá được phát hiện ở ven suối bán đảo Sơn Trà.
Hệ động, thực vật phong phú ở khu vực rừng bán đảo Sơn Trà.
Chuyên gia ví Sơn Trà là 'hòn ngọc biển đông'
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam ví bán đảo Sơn Trà là 'hòn ngọc biển đông', là 'lá phổi xanh'' của TP Đà Nẵng./
Dầu cọ ''tôn trọng môi trường'' : Cứu tinh của loài vượn ?
15 tháng 7 năm 2017
Nhà tập tính học động vật Birutė Galdikas, người Canada gốc Litva, một trong những người đi đầu trong việc bảo vệ các loài linh trưởng.Ảnh chụp màn hình : blogs.ntu.edu.sg
Dầu cọ ngày càng được sử dụng phổ biến trên thế giới, như thực phẩm và gần đây là thành phần của xăng « sinh học ». Tuy nhiên, mặt trái của tấm huân chương là sự tăng trưởng của ngành trồng cọ, gắn liền với việc rừng hoang bị biến thành đồn điền, đe dọa sự sống còn của nhiều loài sinh vật, trước hết là các loài linh trưởng. Một nhà khoa học Pháp đề xuất giải pháp dung hòa, vừa phát triển ngành sản xuất dầu cọ, vừa bảo tồn giống đười ươi có nguy cơ tuyệt chủng tại Indonesia, Malaysia, và cả châu Phi. Giải pháp đó là đưa vấn đề bảo vệ thiên nhiên hoang dã trong các đồn điền vào chứng chỉ sản xuất dầu cọ « có trách nhiệm », tôn trọng môi trường. Tạp chí Thế Giới Đó Đây xin giới thiệu.
Nhà linh trưởng học Marc Ancrenaz, đồng sáng lập và giám đốc khoa học của tổ chức phi chính phủ Pháp HUTAN, một hiệp hội được lập ra để thực hiện Dự án bảo tồn đười ươi thuộc bang Sabah (đảo Borneo), Malaysia. Đối tượng nghiên cứu của ông là sự thích nghi của giống đười ươi trong bối cảnh môi trường tự nhiên bị suy thoái.
Marc Ancrenaz làm việc tại Borneo từ 20 năm nay. Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, nhân dịp ông ghé qua Paris, nhà linh trưởng học Marc Ancrenaz nhận xét :
« Các nghiên cứu của chúng tôi ở Sabah chứng minh là một số cá thể đười ươi bắt đầu đến với các đồn điền trồng cọ, cách đây vài năm. Chúng rời rừng để đến khu trồng cọ. Đôi khi đười ươi làm tổ trên các cây cọ. Chúng ăn quả, di chuyển trên mặt đất, để đi từ rừng này, qua rừng khác. Tóm lại, chúng tôi chứng kiến một sự thay đổi rõ ràng. Đười ươi là loài vật thông minh, dễ thích nghi. Chúng đã bắt đầu sử dụng một môi trường mới, môi trường nông nghiệp ».
Nhà linh trưởng học Marc Ancrenaz nhấn mạnh là đười ươi có thể tiếp tục tồn tại với điều kiện không bị săn bắt và có những khu rừng được giành riêng cho chúng :
« Các vùng như vậy thực sự là rất quan trọng đối với sự đa dạng sinh học, chúng ta cần bảo tồn chúng, không được đụng đến chúng. Tiếp theo đó, chính là xung quanh những vùng được bảo vệ như vậy, cần thực hiện các biện pháp tôn trọng môi trường, cụ thể là tôn trọng các vành đai rừng dọc theo các dòng sông, hay tạo ra các khoảng rừng nhỏ ngay ở bên trong các khu trồng cọ. Mục đích là tạo ra một sự đa dạng cảnh quan. Điều đó cho phép nhiều giống loài sinh vật hoang dã có thể tiếp tục tồn tại, ở ngay bên trong các đồn điền ».
Rừng giàẢnh chụp màn hình : nationalgeographic.fr
Theo nhà linh trưởng, sẽ là ảo tưởng khi tin rằng có thể ngăn cản diện tích trồng cọ mở rộng tại đảo Borneo (lãnh thổ của ba quốc gia, Malaysia, Indonesia và Brunei) trong những năm sắp tới, bởi nhu cầu tiêu thụ vẫn gia tăng.
Vấn đề là cần phải đưa tiêu chuẩn « bảo vệ không gian tự nhiên và việc quản lý đời sống hoang dã bên trong các đồn điền » vào tiến trình sản xuất « dầu cọ có trách nhiệm và bền vững » (RSPO). Theo nhà linh trưởng, cần quy hoạch ít nhất 10% không gian hoang dã, để loài đười ươi có thể tiếp tục tồn tại.
Đây là việc khẩn cấp, vì riêng tại Indonesia, khoảng 60% diện tích trồng cọ được chính phủ cấp phép hiện chưa được khai thác, và đây là nơi cư trú của khoảng 10.000 cá thể đười ươi.
Liên Âu hướng tới chỉ tiêu thụ dầu cọ « có trách nhiệm »
Tiến trình sản xuất dầu cọ « có trách nhiệm và bền vững » (RSPO) là sáng kiến của hiệp hội Pháp bảo vệ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF-France), đưa ra từ năm 2001.
Bên cạnh việc bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ thú hoang, cấm phá hủy rừng tự nhiên, để được công nhận đáp ứng tiêu chuẩn RSPO, các nhà sản xuất phải bảo vệ đất, nước, giảm ô nhiễm các-bon, cũng như bảo đảm quyền lợi của người làm công và các cộng đồng sống tại khu vực đồn điền. Đóng góp cho sự ra đời của RSPO là nhiều đối tác trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, bao gồm từ nhà sản xuất, nhà chế biến, nhà phân phối, nhà đầu tư (ước tính chiếm hơn một nửa thị trường dầu cọ toàn cầu).
Dầu cọ có chứng nhận RSPO được đưa ra thị trường lần đầu tiên vào năm 2008. Năm 2014, khoảng 18% dầu cọ trên thị trường thế giới có chứng nhận này. Điều đó có nghĩa là rừng tự nhiên và sinh vật hoang dã, cụ thể là các loài linh trưởng tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng.
Indonesia : Đồn điền trồng cọ tiêu diệt rừng giàẢnh chụp màn hình : nationalgeographic.fr
Một nỗ lực đáng chú ý mới đây. Liên Hiệp Châu Âu - thị trường nhập khẩu dầu cọ thứ hai thế giới - thừa nhận các hiểm họa rất lớn của ngành công nghiệp dầu cọ, trách nhiệm hàng đầu của châu Âu trong việc để cho môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, nhiều giống loài sinh vật bên bờ diệt vong (1), chưa kể khoảng 70 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề, do nạn đốt rừng trồng cây công nghiệp tại Indonesia và Malaysia.
Nghị Viện Châu Âu ra nghị quyết ngày 04/04/2017, yêu cầu xem xét khuyến nghị chỉ nhập khẩu dầu cọ, được sản xuất một cách có trách nhiệm, tôn trọng môi trường, kể từ năm 2020 (2). Tuy nhiên, tìm ra được một đồng thuận giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ không phải là điều đơn giản (3).