Năm quán "Café Littéraire" nổi tiếng của Paris

18 Tháng Ba 20186:57 CH(Xem: 5870)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI QUANH TA - THỨ HAI  19 MAR 2018


Năm quán "Café Littéraire" nổi tiếng của Paris


Thanh Hà 18-03-2018


 image030

Quán Café de Flore, khu Saint-Germain-des-Prés, Paris.RFI / Clément Robin


Nhân Hội chợ sách Paris RFI Việt ngữ xin nói chuyện về 5 quán "Cà Phê Văn Học" (Café littéraire), nơi các nhà văn hay lui tới. Không đơn thuần là một quán cà phê, quán rượu hay quán nước, truyền thống của những tụ điểm này là nơi để tiếp cận với những vần thơ mới, những tác phẩm mới, những tư tưởng mới.


Le Procopelà một quán bề thế và sang trọng nằm trên đường Rue de l'Ancienne Comédie, quận 6, hoạt động từ năm 1686. Chủ nhân là một người Ý từ Palermo đến Paris lập nghiệp. Ban đầu, chủ quán tạo một không gian để người lui tới thong thả thưởng thức hương thơm của một tách cà phê, đọc những tờ báo của Paris thời bấy giờ như là La Gazette, Le Mercure Galant.


Thế rồi, những cây bút nổi tiếng thời bấy giờ, như Jean Racine hay tác giả của những bài thơ ngụ ngôn La Fontaine, xem Le Procope như một dạng "căng –tin" thường ngày. Bước vào Thế Kỷ Ánh Sáng, Diderot và d'Alembert chọn quán cà phê này để cùng nhau soạn thảo bộ Bách Khoa Toàn Thư, L'Encyclopédie. Le Procope cũng là chiếc nôi của những tác phẩm lớn trong văn học Pháp như Le Mariage de Figaro (Beaumarchais) hay Œdipe (Voltaire) ...


Bước vào thời đại lãng mạn, từ Victor Hugo đến George Sand hay nhà thơ Paul Verlaine đều đã để lại dấu ấn nơi này. Ngày nay, một cây bút nữ rất được yêu thích là Amélie Nothomb hay Marc Dugain (tác giả của tiểu thuyết được dựng thành phim La Chambre des Officiers) ... đã ngồi vào chỗ từng được những Balzac hay Alfred de Musset yêu thích.


Café de la Paix, nằm ngay trên quảng trường Opéra nhìn thẳng vào một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất Paris của Charles Garnier, từ năm 1862 tới nay đã lưu lại không ít dấu tích của những cây bút lớn trên văn đàn Pháp và thế giới, từ Guy de Maupassant, đến Alfred Daudet, tác giả của Les Lettres de Mon Moulin, đến Paul Valéry, André Gide hay Marcel Proust.


Quán Café de la Paixlà nơi, ngày 26/02/1903, lần đầu tiên ban giám khảo giải thưởng văn học Goncourt trao phần thưởng cao quý này cho Joseph-Antoine Nau với tác phẩm Force ennemie. Hai cây đại thụ của văn đàn thế giới là Oscar Wilde và Ernest Hemingway đặc biệt yêu thích quán cà phê này. Café de la Paixđi vào lịch sửvăn học thế giới qua tác phẩm The Sun Also Rises - Mặt Trời Vẫn Mọc khi Hemingway dành hẳn một đoạn để nói về quán cà phê không tầm thường này.


Café de Flore.Trong suốt nửa thế kỷ, gần như là mỗi cuộc hội họp về văn chương, triết học hay nghệ thuật đều diễn ra trong khuôn viên quán cà phê ở số 172 trên đại lộ Boulevard Saint Germain này. Với Guillaume Apollinaire, Café de Florelà một dạng "tòa soạn", hiểu theo nghĩa là nơi để tác giả của Le Pont Mirabeau sáng tác. Từ danh họa Picasso đến nhà điêu khắc Giacometti hay nữ sĩ Françoise Sagan đều chọn đây là "một ngôi nhà thứ hai". Sau Thế Chiến Thứ Hai, cặp bài trùng Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir "đóng đô" ở Café de Flore. Năm 1983, chủ nhân của một quán cà phê nổi tiếng khác ở Paris là Closerie des Lilas mua lại Café de Flore. Từ năm 1994 cứ vào tháng 11, giải thưởng Prix de Flore dành tặng cho một nhà văn trẻ có triển vọng.


Closerie des Lilas.Hơn150 năm từ ngày được thành lập, quán Closerie des Lilas trên đại lộ Montparnasse đã mở rộng cửa đón từ thi sĩ Charles Baudelaire đến cha đẻ của cuộc cách mạng 1917 Lênin. Trong cuốn hồi ký Ernest Hemingway viết, Closerielà "Một trong những quán cà phê ngon nhất ở Paris" cho dù Closerie không chỉ là một quán cà phê mà còn là một hiệu ăn nổi tiếng. Tác giả của Paris est une fête - Paris là một ngày hội tâm sự với một nhà văn lớn khác của Mỹ là Fitzgerald, trong quán này ông "hạnh phúc như những đứa trẻ thơ". Từ 2007, Closerie des Lilas, dành một giải thưởng văn học với ban giám khảo 100 % thuộc phái đẹp và giải thưởng này chỉ dành riêng cho các nhà văn nữ.


Les Deux Magots cũng trong khu vực Saint Germain des Prés, quận 6 Paris, nổi tiếng với hai pho tượng cổ lấy nguồn ảm hứng từ văn hóa Trung Hoa. Từ năm 1885, Les Deux Magots trở thành điểm hẹn của các nhà thơ như Rimbaud hay Verlaine, Mallarmé nhưng chẳng hiểu quản lý hàng quán thế nào mà chủ quán bị vỡ nợ, Les Deux Magots đổi chủ.


Thế Chiến Thứ Nhất kết thúc, giới văn nghệ sĩ thích đến đây trò chuyện. Nào là Elsa Triolet, Louis Aragon, André Gide ... Các trường phái siêu thực, hiện thực nảy sinh từ chốn này. Nếu như "trụ sở" của giải thưởng Goncourt từ năm 1914 được chuyển về nhà hàng Drouant ở quận 2 Paris, thì Les Deux Magotstừ năm 1933đặt ra một giải thưởng văn học khác để cạnh tranh với giải Goncourt. Giải thưởng mang tên quán cà phê ở số 6 Quảng trưởng Saint Germain des Prés. Dường như kịch bản Star Wars tập 7 đã được đạo diễn J.J Abrams và Lawrence Kasdan "thai nghén" trên các băng ghế của Les Deux Magots.
14 Tháng Mười 2018(Xem: 5039)