Nhật bàng hoàng vì hòn đảo sát Nga biến mất

01 Tháng Mười Một 20186:51 CH(Xem: 4613)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI QUANH TA - THỨ SÁU 02 NOV 2018


Nhật bàng hoàng vì hòn đảo sát Nga biến mất


01/11/2018


TTO - Một hòn đảo của Nhật nằm sát khu vực tranh chấp với Nga đã biến mất mà không để lại dấu vết. Tokyo đang nỗ lực tìm kiếm những gì còn sót lại của hòn đảo này, dù có là phần chân đảo.


image015

Một tàu tuần duyên của Nhật - Ảnh: REUTERS


Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm một hòn đảo biến mất bên ngoài đảo lớn Hokkaido, phía bắc Nhật Bản, theo báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 1-11.


Hòn đảo này có tên là Esanbe Hanakita Kojima. Đó là một trong 158 đảo không người ở được chính phủ Nhật đặt tên vào năm 2014, trong bối cảnh Nhật Bản thời điểm đó nỗ lực thực thi quyền kiểm soát pháp lý đối với hàng trăm đảo nằm rải rác ngoài khơi và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.


Báo Asahi của Nhật cho biết trong một cuộc khảo sát chính thức diễn ra vào năm 1987, người ta lưu lại các thông tin cho biết hòn đảo cao 1,4m so với mực nước biển.


Nằm cách bờ biển gần ngôi làng Sarufutsu trên đảo Hokkaido khoảng 500m, đảo Esanbe Hanakita Kojima đóng vai trò quan trọng để mở rộng vùng EEZ của Nhật ra thêm một khoảng cách tương tự.


Điều đó đặc biệt có ý nghĩa khi Nhật Bản và Nga đang có các tranh chấp trên vùng biển này.


Nằm không xa về phía đông của Hokkaido, một chuỗi đảo có tên quần đảo Kurils trải dài từ Hokkaido (Nhật) tới quần đảo Kamchatka (Nga) hiện nằm dưới sự quản lý của Matxcơva. Nga đã giành quyền kiểm soát chuỗi đảo này vào những ngày cuối cùng của Thế chiến 2.


Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn liệt một số hòn đảo ở chuỗi đảo này vào danh sách lãnh thổ mà Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc. Nút thắt mang tên quần đảo Kurils trong quan hệ Nga - Nhật hơn 70 năm qua đã ngăn hai nước ký hiệp ước hòa bình.


Các quan chức Nhật cho rằng hòn đảo trên đã bị xói mòn dần do nhiều yếu tố, trong đó có tác động của những tảng băng vào mùa đông.


Lực lượng tuần duyên Nhật hiện được giao nhiệm vụ tiến hành một cuộc khảo sát khu vực để xem còn sót lại dấu vết gì của hòn đảo hay không.


Tuy nhiên, nếu phần đáy đảo được tìm thấy, nó vẫn không còn đáp ứng được các quy định của luật pháp quốc tế về một hòn đảo. Điều đó đồng nghĩa sẽ không còn vùng EEZ quanh hòn đảo này./
14 Tháng Mười 2018(Xem: 5040)