Hồ Sơ Di Dân Lậu

15 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 6242)

Hồ Sơ Di Dân Lậu: Một Nan Đề Lâu Dài cho Đảng Cộng Hoà

doi-song-xa-hoi-august-15-2014-1-content

Mai Loan

Chỉ còn 3 tháng nữa là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ có kết quả để xem phe nào sẽ giành được quyền hành ở ngành lập pháp, và sau đó không lâu, thì cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc trong năm 2016 coi như cũng sẽ chính thức mở màn với các chuẩn ứng cử viên có tham vọng muốn nhập cuộc để thử thời vận xem mình có số may mắn được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ hay không.

Thực tế chính trường cho thấy là phe Cộng Hoà vẫn giữ nhiều ưu thế để giữ vững đa số tại Hạ Viện, và nhiều phần là lợi thế này sẽ còn kéo dài cho đến ít nhất là năm 2020 do một hiện tượng hết sức đặc thù trong hồ sơ bầu cử tại Hoa Kỳ, thường gọi là gerrymandering. Đó là năm sẽ có một cuộc kiểm kê dân số mới theo truyền thống lâu đời ở Hoa Kỳ được tổ chức mỗi 10 năm một lần.

Dựa theo kết quả kiểm kê này, số ghế dân biểu liên bang sẽ được tái phân phối tuỳ theo mức độ lên xuống về dân số trong 10 năm qua. Những tiểu bang gần đây có số dân sang định cư nhiều hơn (như Texas, Florida) có thể sẽ có thêm một vài ghế dân biểu, trong khi các tiểu bang miền đông bắc có dân số tụt giảm (như Michigan, Ohio) có thể sẽ bị tụt mất một vài ghế tương đương.

Cũng nhân dịp có kết quả mới về kiểm kê dân số này, phe nào (Dân Chủ hay Cộng Hoà) giành được quyền đa số tại quốc hội tiểu bang sau cuộc bầu cử cuối năm đó coi như cũng nắm được quyền vẽ lại bản đồ phân chia đất đai đại diện cho mỗi đơn vị bầu cử của một vị dân biểu.

Theo định luật sinh tồn, phe nào nắm quyền cũng luôn tìm cách bảo vệ ưu thế của mình bằng cách vẽ lại các bản đồ theo một chiều hướng thiên lệch và thuận lợi cho phe mình, bất kể là lối phân chia đất đai này có phi lý và phi dân chủ đến mấy đi chăng nữa. Một trong những cách thức đơn giản là dồn cử tri của phe đối lập về cùng một đơn vị để làm giảm tiềm năng của họ có thể bầu được nhiều vị đại diện, và vì thế mà nhiều đơn vị có hình thể kỳ quái không bình thường như trải rộng trên một diện tích quá lớn, hoặc thu hẹp quá nhỏ.

Một trong những thí dụ điển hình cho chiến dịch vẽ lại các đơn vị một cách thiên vị lộ liễu là chuyện xảy ra tại tiểu bang Texas có liên quan đến quyền lợi của khối cử tri gốc Việt. Đó là chuyện Hạ Viện Texas do phe Cộng Hoà nắm quyền đa số, vào năm 2011, muốn quyết định loại bỏ đơn vị 149 tại vùng tây nam Houston. Lý do là vì đơn vị này do Hubert Võ là dân biểu thuộc phe Dân Chủ nắm quyền sau khi thắng cử lần đầu vào năm 2004 và sau đó liên tục được tái đắc cử, đánh bại tất cả mọi nỗ lực của phe Cộng Hoà cho nên họ chỉ còn cách dùng đòn ma giáo này. Cũng may là Bộ Tư Pháp liên bang đã can thiệp và cuối cùng phe Cộng Hoà tại Texas phải nhượng bộ và giữ lại đơn vị 149 như lúc trước.

Trở về với tình hình chính trường Hoa Kỳ, cho dù các cuộc thăm dò dân ý cho thấy tỉ lệ cử tri theo phe Cộng Hoà không nắm giữ đa số trên toàn quốc từ nhiều năm qua, nhưng nhờ lợi thế nắm quyền tại rất nhiều quốc hội tiểu bang vào cuối năm 2010, và từ đó có quyền vẽ lại các bản đồ đơn vị dân biểu tại những tiểu bang này, đảng Cộng Hoà đã có thể duy trì lợi thế này kéo dài trong 10 năm trời sau đó. Chỉ riêng trong các cuộc bầu cử nghị sĩ liên bang thì không có xảy ra tình trạng thiên vị theo kiểu gerrymandering này vì số phiếu của cử tri được gom cho toàn tiểu bang.

Vì thế nên kết quả bầu cử vào Hạ Viện liên bang vào cuối năm nay coi như sẽ không có gì thay đổi, với phần thắng vẫn thuộc về phe Cộng Hoà. Chỉ riêng có cuộc bầu cử vào Thượng Viện xem chừng như khá gay cấn, do bởi phe Cộng Hoà có thể lật ngược thế cờ để giành quyền đa số nếu như họ chiến thắng và giành lại được 6 ghế nghị sĩ hiện do phe Dân Chủ nắm giữ.

Trong bối cảnh đầy thuận lợi và nhiều hứa hẹn đó, nhất là với cá nhân Tổng thống Obama đang gặp nhiều khó khăn khiến cho tỉ lệ ủng hộ của dân chúng Mỹ đối với ông đã tụt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, đảng Cộng Hoà vẫn không thể nào tìm ra được một giải pháp thích hợp để đối phó trước một nan đề đã, đang và sẽ còn gây khó khăn cho họ trong tương lai. Đó là hồ sơ giải quyết khối di dân lậu, mà phần lớn là di dân gốc Latino.

Lý do đơn giản là vì khối cử tri gốc Latino đã chiếm một tỉ lệ khá quan trọng về dân số tại Hoa Kỳ nói chung, cũng như tại một số vùng hay tiểu bang nói riêng, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại những nơi này. Điều quan trọng và đáng ngại hơn nữa, nhất là đối với phe Cộng Hoà, là tỉ lệ dân gốc Latino tiếp tục gia tăng đều đặn trong khi tỉ lệ dân da trắng càng ngày càng teo dần. Cho đến nay, phần lớn cử tri gốc Latino đều bỏ phiếu cho phe Dân Chủ trong khi phe Cộng Hoà vẫn còn chiếm thượng phong trong khối cử tri da trắng.

Theo nhà báo Chris Cizilla, trong một bài phân tích đề ngày 18-3-2013 với các biểu đồ đi kèm, thì tỉ lệ cử tri da trắng trên tổng số cử tri đi bầu đã tụt giảm từ 89% vào năm 1980 xuống còn 72% vào năm 2012. Cũng trong cuộc bầu cử sau cùng vào năm 2012, tỉ lệ cử tri bỏ phiếu cho đảng Cộng Hoà thuộc dân da trắng chiếm đến 90%, tức là chỉ có 10% ủng hộ thuộc dân gốc thiểu số.

 

Tỉ lệ cử tri gốc da trắng bỏ phiếu càng ngày càng teo dần (Hình Washington Post)

Cho nên dù có dốt cách mấy đi nữa thì các chiến lược gia của đảng Cộng Hoà cũng phải nhìn thấy rằng sự sinh tồn của họ phải chịu ảnh hưởng của khối cử tri gốc thiểu số Latino này.

Trong những thập niên gần đây, có thể nói là không còn một chính trị gia nào có thể dựa vào một khối cử tri duy nhất để mong giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử lớn. Tất cả đều dựa vào một liên minh của nhiều khối cử tri khác biệt, và người nào giành được nhiều ưu thế trong nhiều khối cử tri coi như có tiềm năng thắng cử nhiều hơn.

Ứng cử viên phe Cộng Hoà sau cùng giành được tỉ lệ ủng hộ cao nhất trong khối cử tri gốc Latino là Tổng thống George W. Bush. Trong kỳ bầu cử năm 2004, ông Bush Con đã chiếm được đến 44% số cử tri gốc Latino, nhưng cũng chỉ thắng khít khao trước đối thủ John Kerry. Đến năm 2008, ông John McCain chỉ giành được có 31% cử tri gốc Latino và phải thảm bại trước Barack Obama dù đây là một chính trị gia non nớt và là người gốc da đen. Đến năm 2012, tỉ lệ cử tri gốc Latino ủng hộ ông Mitt Romney còn thấp hơn nữa, chỉ còn có 27% nên cũng khiến ông thất bại trước đối thủ Obama mặc dù trong bối cảnh rất bất lợi cho vị tổng thống đương nhiệm với tỉ lệ thất nghiệp còn khá cao và tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Sau kết quả thảm bại đau đớn này, mà cá nhân ông Romney và đảng Cộng Hoà cũng còn hy vọng thắng cử đến giờ phút chót, các chiến lược gia phe Cộng Hoà đã cho thực hiện một cuộc nghiên cứu nghiêm túc để duyệt xét lại các dữ kiện để phân tích một cách khách quan và rút tỉa những bài học thực tiễn cho tương lai. (Đây là một điểm son rất tiêu biểu trong sinh hoạt của người dân và chính quyền Mỹ, sẵn sàng và luôn luôn thực hiện các vụ review về các biến cố đã vừa xảy ra).

Kết luận của bản nghiên cứu trong nội bộ này đã đưa ra một đề nghị duy nhất, và cũng rất quan trọng trong chính sách của đảng: đó là đảng Cộng Hoà “cần phải ôm lấy và cổ động cho một sự cải tổ sâu rộng về chính sách di dân”, một từ ngữ được hiểu khá rõ ràng là một sự cải tổ phải bao gồm chính sách hợp pháp hoá hàng triệu di dân lậu đang sống đầy rẫy trong rất nhiều thành phố lớn nhỏ tại Hoa Kỳ.

Chính nghị sĩ John McCain của phe Cộng Hoà cũng đã từng nói thẳng thừng rằng đảng của ông chẳng thể nào thắng cử nổi nếu như không chịu ủng hộ một giải pháp cải tổ sâu rộng luật lệ di dân hiện nay. Còn cựu Thống đốc Florida là ông Jeb Bush, em ruột của ông Bush Con, một trong những nhân vật được coi là sáng giá bên đảng Cộng Hoà cho cuộc bầu cử vào năm 2016, cũng đã nhiều lần lên tiếng thúc hối việc nên có thái độ cởi mở đối với hồ sơ di dân lậu. Một trong những chính trị gia sáng giá khác mà nhiều người bên đảng Cộng Hoà hy vọng là nghị sĩ liên bang Marc Rubio ở tiểu bang Florida (vì là người gốc Latino) lúc đầu cũng đã hăng hái trong hồ sơ cải tổ này nên đã thành lập một nhóm 14 nghị sĩ thuộc hai đảng để đề ra giải pháp cải tổ về di dân, với hy vọng là sẽ được bàn thảo và thông qua tại Quốc Hội.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực và hảo ý này đều đã bị sớm dập tắt bởi sự chống đối mãnh liệt của một khối cử tri bảo thủ cực đoan, không có khả năng đem lại những giải pháp ổn thoả để điều hành đất nước, nhưng cũng đủ sức mạnh để “phá thối”, tức là đủ áp lực để khiến cho các nhà dân cử thuộc phe bảo thủ nhưng ôn hoà không dám tiếp tục con đường hợp tác với phe Dân Chủ. Đó là khối Tea Party, nổi đình nổi đám sau những vụ xuống đường rầm rộ chống chính quyền Obama và đạo luật cải tổ bảo hiểm y tế bắt đầu từ năm 2009 và dẫn đến kết quả thảm bại cho phe Dân Chủ vào cuối năm 2010.

Tuy khối Tea Party sau này trở thành con dao hai lưỡi cho đảng Cộng Hoà, nhưng thái độ cương quyết chống đối và bất hợp tác với chính quyền Obama và phe Dân Chủ cũng giúp cho nhiều chính trị gia bảo thủ cực đoan giành được thắng lợi bất ngờ, như trường hợp của các nghị sĩ Rand Paul tại Kentucky và Ted Cruz tại Texas. Lối đấu tranh của khối Tea Party là vận động mạnh mẽ trong các kỳ bầu cử sơ bộ trong đảng Cộng Hoà để hăm doạ tất cả những vị nghị sĩ hay dân biểu mà họ cho là không có thành tích bảo thủ kiên định, nếu như họ có ý định hợp tác để bàn thảo với đối phương là Đảng Dân Chủ và chính quyền Obama. Kết quả dẫn đến là một tình trạng trì trệ trong chính quyền khi mà phe Cộng Hoà tuy chỉ chiếm quyền đa số tại Hạ Viện nhưng cũng đủ làm tê liệt bộ máy chính quyền khi cố tình không chịu hợp tác trong tinh thần lưỡng đảng để giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước.

Đây là một nan đề mà các lãnh tụ cũng như chiến lược gia của đảng Cộng Hoà đều nhìn thấy nhưng không tìm ra được giải pháp ổn thoả để đối phó. Đối với đa số dân chúng trên toàn quốc, mọi người đều nhìn thấy thái độ cương quyết bất hợp tác của đảng Cộng Hoà là một điều phi lý nếu như nó cứ kéo dài triền miên và phe Cộng Hoà cũng không đưa ra được một giải pháp khả thi nào để thay thế. Chẳng hạn như trong trường hợp của đạo luật cải tổ bảo hiểm y tế có tên là Affordable Care Act, trong suốt gần 4 năm trời vừa qua, phe Cộng Hoà chỉ luôn nhấn mạnh đến chữ “Repeal”, tức là đẩy lui, hay huỷ bỏ đạo luật này, đến nỗi giờ đây mọi người đã bắt đầu cảm thấy mỏi mệt và không còn muốn nghe nói đến từ ngữ “repeal” này nữa.

Tuy nhiên, họ cũng không thể thuyết phục được, cũng như không có khả năng kiểm soát được những chính trị gia thuộc phe Tea Party, nhất là sau khi những nhân vật này giành được những thắng lợi được vài nơi sau khi hất cẳng được những vị dân cử kỳ cựu của đảng nhưng bị coi là không có bảo thủ cực đoan. Đó là những trường hợp thất bại của các nghị sĩ kỳ cựu như Bob Bennett (tại Utah) vào năm 2010, Richard Lugar (tại Indiana) vào năm 2012, hoặc David Dewhurst (tại Texas) vào các năm 2012 và 2014. Thí dụ mới nhất là của dân biểu Eric Cantor, cựu thủ lãnh khối đa số tại Hạ Viện, nhưng phải bất ngờ thảm bại trước một đối thủ “vô danh tiểu tốt” của phe Tea Party, trong cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 6 vừa qua. Những trường hợp này đã khiến cho nhiều vị dân biểu và nghị sĩ bên đảng Cộng Hoà đều cảm thấy ngần ngại mỗi khi cần phải lấy những quyết định có tính cách can đảm và đứng đắn cần thiết khi muốn hợp tác với đối phương để giải quyết những vấn đề trọng đại của quốc gia.

Một trong những vấn đề trọng đại, đang lên cơn sốt để cần được giải quyết, là tình trạng các trẻ em gốc Latino đang đổ xô nhập cư lậu qua biên giới ở miền nam nước Mỹ. Vì nhiều lý do khác nhau, phần lớn là tình trạng bất an dưới ảnh hưởng của các băng đảng buôn lậu ma tuý tại các nước Honduras, El Salvador và Guatemala nên cha mẹ chúng đã tìm cách tản cư sang Mễ Tây Cơ để từ đó băng qua biên giới vào Hoa Kỳ.

Tuy biết chắc là sẽ bị bắt giữ ngay khi mới nhập cư vào nước Mỹ, nhưng phần lớn các phụ huynh này không còn con đường lựa chọn nào khả quan hơn. Bởi vì họ hy vọng rằng nếu như may mắn bọn trẻ có lọt được vì bất cứ lý do nhân đạo nào đi chăng nữa thì tương lai chúng cũng còn khá hơn là cứ tiếp tục sống tại quê hương mình. Có lẽ nó cũng gần tương tự như tình huống của biết bao gia đình người Việt năm xưa đã cắn răng để cho con em lên đường vượt biên trên những con thuyền mong manh trước biển cả bao la đầy sóng dữ. Chỉ vì họ tin tưởng rằng cái hy vọng mong manh được sống sót ở bến bờ tự do cũng còn khá hơn là cứ tiếp tục cuộc sống chết dần mòn ở trong nước dưới chế độ hà khắc của Việt Cộng sau ngày chiếm được miền Nam Việt Nam.

 Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi con số các trẻ em không có cha mẹ đi kèm theo này lên đến con số khoảng 60,000 em. Theo luật pháp của chính quyền liên bang, các em này phải được quyền xét xử bởi toà án di dân để xem là có được quyền nhập cư hay tị nạn, hoặc nếu không, thì sẽ phải trả về nguyên quán. Trong thời gian chờ đợi xét xử đó, vì truyền thống nhân đạo, chính quyền Mỹ phải có nhiệm vụ lo chỗ ăn ở, cũng như chăm sóc về sức khoẻ cho các em. Vấn đề này trở thành nghiêm trọng khi con số các em bỗng nhiên tăng vọt, khiến cho chính quyền liên bang bất ngờ gặp khó khăn và thiếu thốn về phương tiện và nhân lực. Do đó, chính quyền Obama cần phải cầu cứu đến Quốc Hội cứu xét vấn đề và đưa ra giải pháp để đối phó.

Tuy nhiên, do sự hục hặc và lập trường cương quyết không hợp tác với chính quyền Obama nên giới lãnh đạo Cộng Hoà ở Hạ Viện đã cố tình tránh né việc giải quyết vấn đề mà chỉ đưa ra những lời chỉ trích chung chung để đổ tội cho chính quyền liên bang đã không có chính sách kiểm soát chặt chẽ biên giới.

Sau cùng, để tránh bị mang tiếng là thờ ơ, và thụ động thiếu trách nhiệm, các vị lãnh tụ phe Cộng Hoà muốn thông qua một đạo luật nhằm giải quyết vấn đề này, tuy rằng với một ngân khoản thấp hơn so với dự luật ở trên Thượng Viện, cũng như thấp hơn đề nghị đưa ra bởi TT Obama. Họ cũng biết chắc rằng dự luật sẽ khó lòng được thông qua để trở thành đạo luật, nhưng ít nhất nó cũng giúp cho nhiều vị có cớ để nguỵ biện rằng không bỏ lơ chuyện ưu tư của khối đông di dân gốc Latino và những thân nhân của họ.

 

Nghị sĩ Ted Cruz của Texas, một nhân vật bảo thủ cực hữu của phe Tea Party

Tuy nhiên, nỗ lực này cũng đã bị đẩy lui chỉ vì áp lực của nghị sĩ Ted Cruz tác động lên nhiều vị dân biểu bảo thủ cực đoan chỉ vì họ không đồng ý một vài tiểu tiết. Sau cùng, để vớt vát thể diện, họ cũng cố thông qua một dự luật chỉ có đa số các dân biểu Cộng Hoà ủng hộ, gọi là để giải quyết vấn nạn các trẻ em di dân lậu này, dù biết rằng nó sẽ không được thông qua, vì với ngân khoản quá ít ỏi mà còn đi kèm theo nhiều điều kiện khắt khe khác, chắc chắn không được chấp thuận bởi Thượng Viện hoặc bởi chính quyền Obama.

Liền sau đó, các vị dân biểu và nghị sĩ bắt đầu một cuộc nghỉ hè kéo dài trong khoảng 5 tuần lễ. Sự kiện một quốc hội có thành tích “chẳng làm gì ra trò” (a do-nothing Congress) lại phủi tay trước một vấn đề khá nghiêm trọng đối với khối dân gốc Latino chắc chắn sẽ để lại một cảm giác không mấy thuận lợi trong tâm cảm của họ đối với các chính trị gia phe Cộng Hoà, và nhiều phần là sẽ khó dẫn đến kết quả thuận lợi để bỏ phiếu ủng hộ trong những cuộc bầu cử trong tương lai.

Tuy là một đề tài có thể thường gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ ở những kỳ bầu cử sơ bộ bên đảng Cộng Hoà, với nhiều cử tri và các ứng cử viên có chủ trương cứng rắn đối với khối di dân lậu, cơn sốt về số trẻ em di dân lậu này có lẽ sẽ không ảnh hưởng tai hại đến kết quả bầu cử vào tháng 11 năm nay. Trong số các tiểu bang có bầu cử để chọn lựa nghị sĩ liên bang, và từ đó có thể quyết định vận mệnh của Thượng Viện trong 2 năm tới, có khoảng 10 cuộc chạy đua được coi là ngang ngửa và gay cấn đến giờ chót. Và trong hầu hết các cuộc chạy đua này, hồ sơ di dân lậu chỉ chiếm một mức độ quan trọng không đáng kể trong lòng cử tri, và do đó cũng không ảnh hưởng lớn đến kết quả chung cuộc. Một ngoại lệ có thể xảy ra là cuộc chạy đua tại tiểu bang Colorado giữa đương kim nghị sĩ Mark Udall thuộc đảng Dân Chủ đối đầu với dân biểu Cory Gardner thuộc đảng Cộng Hoà, bởi vì cử tri gốc Latino tại tiểu bang này chiếm đến 14% trên toàn tiểu bang.

Tuy nhiên, trong đường dài, bắt đầu từ cuộc bầu cử năm 2016, nhất là trong cuộc bầu cử tổng thống khi mà ảnh hưởng của toàn khối cử tri tại nhiều tiểu bang có số cử tri gốc Latino đáng kể, thì cái cảm giác không thoải mái của cử tri gốc Latino đối với các ứng viên cũng như chính sách không thân thiện của phe bảo thủ chắc chắn sẽ đem lại những hậu quả không mấy tốt đẹp cho đảng Cộng Hoà.

Hiện nay, cái may mắn cho đảng Cộng Hoà là tuy khối di dân gốc Latino có tỉ lệ cử tri hợp pháp để bỏ phiếu khá cao và gia tăng đều đặn, và đa số vẫn bỏ phiếu cho phe Dân Chủ, nhưng tỉ lệ số người thực sự đi bầu tương đối rất thấp so với các khối dân thiểu số khác. Bằng không thì có lẽ kết quả cho các chính trị gia Mỹ trắng và đảng Cộng Hoà đã trở nên tệ hại từ nhiều năm qua.

Thế nhưng, ít ai tin rằng tỉ lệ đi bầu rất thấp đó sẽ tiếp tục như vậy trong đường dài khi mà những người di dân gốc Latino đó, và khối đông của thân nhân và bạn bè của họ, sẽ dần dần hiểu chuyện để biết xem chủ trương của đảng nào có lợi thực sự cho họ. 

Và cái viễn tượng không xa đó sẽ chẳng sáng sủa chút nào cho những chính trị vẫn còn khư khư bảo vệ lập trường cứng rắn đối với di dân lậu, như đa số các nhà dân cử theo đảng Cộng Hoà hiện nay.


MAI LOAN


10 Tháng Ba 2015(Xem: 16780)
Một không ảnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long: Đồng Bằng Sông Cửu Long, bằng phẳng như tờ giấy với tỉnh thành nằm gọn giữa đồng ruộng, vườn cây ăn trái, vườn dừa và nước sông ngòi có màu bùn của phù sa.
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 10041)
Lời Toà soạn : Trong chức vụ Bộ Trưởng Nội Vụ của Chính Phủ VNCH , TS Lâm Lễ Trinh đã theo dõi sít sao cuộc chiến âm thầm chống Bắc Việt từ 1956 đến 1960 . Bởi vậy , nhận định của tác giả có giá trị đặc biệt . Bổn báo thành thật cám ơn tác giả .
10 Tháng Mười Một 2014(Xem: 9268)
Tác giả: Lý Gia Trung (Tạp chí Trung Quốc) [1] * Biên dịch: Nguyên Hải (Nghiên Cứu Quốc Tế) - Nguyễn Văn Linh nói, năm 1986, sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư ĐCSVN ông quyết tâm vượt qua mọi sức cản, từng bước uốn nắn các sai lầm trước đây, khôi phục mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Trước hết là thuyết phục Trung ương ĐCSVN kiến nghị Quốc hội xóa bỏ các nội dung có liên quan chống Trung Quốc viết trong Hiến pháp...
06 Tháng Mười Một 2014(Xem: 9415)
Đến ngày hôm nay, các công trình nghiên cứu sâu rộng, công phu và khách quan của nhiều tác giả ngoại quốc vẫn chưa trả lời được câu hỏi kể trên. Về mặt khoa học, chỉ có một cuộc khảo nghiệm DNA hài cốt của Hồ Chí Minh, cố Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đang được thờ phượng tại Ba Đình (Hà Nội) và cố Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Nguyễn Sinh Cung tức Nguyễn Tất Thành) đã được chôn cất tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp ngày nay.
30 Tháng Mười 2014(Xem: 13939)
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là một trong những tù nhân chính trị được thế giới biết đến nhiều nhất, với những tổ chức như Human Right Watch, Amnesty International và các chính khách như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng kêu gọi trả tự do cho ông.
14 Tháng Mười 2014(Xem: 38118)
Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng được cho là đã biên soạn và cho phổ biến tài liệu giải thích về cuộc gặp giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc ở Thành Đô vào năm 1990 vốn đang gây ra nhiều đồn đoán trong dư luận. Truyền thông Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa Xã và Hoàn cầu Thời báo, đã đưa tin rằng ở cuộc gặp nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước này, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã ‘sẵn sàng chấp nhận để Việt Nam làm một khu tự trị của Trung Quốc’.
09 Tháng Mười 2014(Xem: 6579)
Đó là lời mở đầu bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành "đáp" lại bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan Ninh Phú Khôi trên báo Matichon của Thái Lan. Dân Trí xin được đăng tải. Trước tiên, tôi thấy rằng thông tin mà Đại sứ Ninh nêu trong bài để cho rằng Việt Nam "quấy rối" hoạt động của Trung Quốc thực chất là chép lại từ tài liệu ngày 08/6/2014 công bố trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
05 Tháng Mười 2014(Xem: 52798)
Chính quyền Việt Nam giữ im lặng về việc một bức thư được lưu truyền trên mạng Internet gần đây được cho là của vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với những lời lẽ phê phán 'buộc tội' tướng Giáp là do ngại 'đụng chạm' tới một chủ đề 'nhạy cảm' theo nhà báo tự do, blogger Huỳnh Ngọc Chênh.
30 Tháng Chín 2014(Xem: 7654)
Mở đầu loạt bài nhìn lại 35 năm Cuộc chiến Việt Nam và nhìn tới nhân dịp 15 năm Washington và Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 7/1995-2010, BBC Tiếng Việt giới thiệu với quý vị cách nhìn của Thượng nghị sĩ Jim Webb. Trả lời Phóng viên Hà Mi của BBC có mặt tại Washington DC, ông Jim Webb, người từng có thời gian phục vụ trong lực lượng Thủy quân Lục chiến của Quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam trước 1975, nhận định rằng đây là một mối quan hệ có lịch sử phức tạp:
05 Tháng Chín 2014(Xem: 7448)
Nhân dịp kỷ niệm cuộc đấu tranh giành độc lập của người Việt Nam, BBC xin giới thiệu một số đoạn trích từ cuốn Hồi ký của Giáo sư Trần Văn Giàu về giai đoạn thành lập Thanh niên Tiền phong ở Nam Kỳ 1945.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 7839)
Máy bay rớt năm 1966 tại Hố Bò. Anh phi công khu trục của không quân Việt Nam Cộng Hòa nằm chờ 40 năm trong lòng đất quê hương. Một chuyện MIA rất Việt Nam. Trải qua bao nhiêu gian nan. Tìm được xác người phi công trẻ và mai táng lại ngay tại địa phương. Cả làng cộng sản Hố Bó đi đưa đám.
25 Tháng Tám 2014(Xem: 6302)
Lời người dịch: James Foley, 40 tuổi, là nhà báo làm freelance cho AFP và GlobalPost (trang web chuyên tin quốc tế có trụ sở ở Boston). Sinh ở New Hampshire, Foley từng dạy cho tổ chức NGO Teach for America nhằm xoá bỏ bất bình đẳng trong giáo dục trước khi làm báo.
17 Tháng Tám 2014(Xem: 7384)
Nhiều người Việt chúng ta đang trông chờ một nhân vật có khả năng trở thành Lãnh Tụ hay một Minh Quân để lèo lái con thuyền Quốc Gia ra khỏi vũng lầy khủng hoảng triền miên do chế độ độc tài Cộng sản gây ra trong gần 8 thập niên qua.