“NHẬTBÁO VĂNHÓA-CALIFORNIA” THỨ BA 07 OCT 2014
Vì sao không điều tra thư về tướng Giáp?
Chính quyền Việt Nam giữ im lặng về việc một bức thư được lưu truyền trên mạng Internet gần đây được cho là của vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với những lời lẽ phê phán 'buộc tội' tướng Giáp là do ngại 'đụng chạm' tới một chủ đề 'nhạy cảm' theo nhà báo tự do, blogger Huỳnh Ngọc Chênh.
Trao đổi với BBC từ Sài Gòn nhân tròn một năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời (03/10/2013-03/10/2014), cựu Trưởng ban Biên tập báo Thanh Niên nói:
"Gia đình ông Giáp hay là bên công an hay là bên báo chí cũng không dám nói về chuyện này bởi vì người ta cho đó là một lá thư lan truyền trên mạng, nó không rõ ràng, không có nguồn gốc rõ ràng của ai đưa lên.
"Người ta cứ cho như vậy để người ta lờ đi, vô chuyện ấy là sẽ đụng vô chuyện tế nhị. Bởi vì khi điều tra thì phải nói nội dung bức thư đó đúng sai như thế nào, rồi phải đưa ra từng sự việc.
"Và cái đó đụng tới lịch sử giữa ông Giáp và ông Duẩn."
'Xuất
phát từ nội bộ'
Tang lễ của Tướng Giáp đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân Việt Nam.
Tuy nhiên theo ông Chênh, an ninh và chính quyền Việt Nam cũng có thể vẫn điều tra, nhưng không công bố.
Blogger này nói thêm:
"Có khi người ta điều tra nhưng người ta không công bố ra. Nếu thư đó là thư giả mà xuất phát từ nguồn gốc của nhân dân thì người ta điều tra, người ta sẽ nắm được ngay là ai đưa ra cái thư đó ngay...
"Nhưng nếu người ta có điều tra ra thì người ta cũng chưa công bố. Nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có ý kiến gì cho nên đa số mọi người đều có một suy nghĩ là nghi rằng cái thư đó xuất phát từ nội bộ Đảng Cộng sản."
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nêu quan điểm của mình trước việc có một số ý kiến phê phán, chỉ trích cho rằng việc Tướng Giáp được dành cho tang lễ và khu mộ táng, cũng như chế độ 'có binh lính gác mộ' như một năm nay là 'tốn kém' hoặc 'không xứng đáng'.
Theo ông Chênh, khu mộ của Tướng Giáp có thể được đặt ở một khu đất mà con trai và gia đình vị Tướng này đã đầu tư và mua từ trước để 'kinh doanh du lịch', và việc đưa người thân về an táng là thuộc thẩm quyền và quyết định riêng tư của họ./
Tướng Giáp và 'lá thư bà Bảy Vân'
Lê Quỳnh BBCVietnamese.com
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều người ngưỡng mộ
Một lá đơn được cho là của người vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đang lưu truyền trên mạng Internet vào dịp một năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Văn bản gây ra nhiều tranh cãi trong bối cảnh việc dùng quá khứ cuộc chiến Việt Nam vẫn còn được sử dụng cho các mục tiêu hiện thời.
Lá thư của người ký tên là Nguyễn Thị Vân (thường được biết đến với tên Bảy Vân), nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, là vợ thứ hai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Nhưng văn bản này, kể cả có được xác thực, cũng chỉ là một bằng chứng nữa minh họa thêm cho điều giới nghiên cứu đã mô tả là ‘cuộc chiến quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam’ thời kỳ bắt đầu cuộc chiến với Hoa Kỳ, đặc biệt giữa nhóm của ông Lê Duẩn và ông Võ Nguyên Giáp.
Quá khứ chưa đóng lại
Trong cố gắng chứng thực lá thư, BBC đã liên lạc với ông Lê Kiên Thành, con trai bà Nguyễn Thị Vân, nhưng ông từ chối xác nhận.
Đại tá Nguyễn Văn Huyên, vốn là thư ký của Tướng Giáp, thì nói ông có nghe tin về lá thư nhưng “chưa đọc” và cũng từ chối bình luận.
Trong khi đó, một số nguồn ẩn danh ở Việt Nam nói đây là văn bản thật.
Một người trong đó nói rằng trong thời gian Tướng Giáp còn sống, đã từng có một lá thư khác của bà Vân gửi các lãnh đạo Đảng với nội dung tương tự.
Nhưng cũng có nguồn cho rằng lá thư là giả.
Điều này khiến các sử gia mà BBC liên hệ tỏ ra thận trọng khi đánh giá độ chân thực của văn bản.
Tuy vậy, họ cho rằng sự xuất hiện của những tài liệu như vậy, dù thật hay giả, cho thấy những mâu thuẫn trong quá khứ vẫn chưa tan đi cho đến hôm nay.
‘Cảm thấy bất công’
Tiến sĩ Shawn McHale, từ Đại học George Washington, đang viết một cuốn sách về cuộc chiến Đông Dương lần một (1945-1954).
Sau khi đọc lá thư trực tiếp bằng tiếng Việt, ông nói không dám chắc lá thư có phải do bà Vân viết hay không.
Ông Lê Duẩn là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1976 đến 1986
Nhưng ông xem bà Vân là người cố gắng gìn giữ “di sản bị lu mờ” của ông Lê Duẩn.
Theo cái nhìn của ông, bà đại diện cho nhóm trung thành với ông Lê Duẩn “cảm thấy bất công vì bị đánh giá thấp sau những cống hiến của họ cho lịch sử Việt Nam hiện đại”.
Họ tin rằng Tướng Giáp “nhận được quá nhiều lời khen ngợi”.
Văn bản đang lưu truyền trên mạng cáo buộc ông Giáp từng “làm gián điệp cho thực dân Pháp” và đứng đầu “mạng lưới gián điệp” thân Liên Xô giữa những năm 1960.
Tiến sĩ Shawn McHale chỉ ra rằng “đây không phải lần đầu tiên có các cáo buộc ghê gớm với những đảng viên cộng sản hàng đầu”.
“Một ví dụ thú vị là Trần Văn Giàu, lãnh đạo cuộc nổi dậy tháng Tám 1945 ở miền Nam, cũng là nạn nhân của các cáo buộc tương tự.”
“Ông Giàu bị tố cáo hợp tác với Pháp để 'vượt ngục', và còn bị tố cáo là chỉ điểm người cộng sản Pháp cho cảnh sát Pháp.”
“Hay năm 1948, nhiều đảng viên bị cho là điều hành mạng lưới gián điệp trong vụ án H122.”
Việc chia Bộ Chính Trị làm hai nhóm cũng là một chi tiết lạ và thật khó tin; nếu không có thông tin thêm thì chi tiết này không nói lên điều gì cả.
Tiến sĩ Tường Vũ
Một nhà nghiên cứu khác, Tiến sĩ Tường Vũ, khoa Chính trị học, Đại học Oregon, Hoa Kỳ, cũng nói các cáo buộc trong thư đã được đề cập trước đây.
“Hầu như tất cả những cáo buộc đối với tướng Giáp cũng như mâu thuẫn giữa ông ta và Lê Duẩn trong lá thư chỉ xác định thêm những điều đã được Huy Đức, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, v.v.. viết từ lâu.”
Theo tiến sĩ Tường Vũ, “duy nhất một thông tin mới chưa đâu có là việc tướng Giáp đến an toàn khu trước Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, nhưng dù việc này có thực cũng không đủ để nói tướng Giáp là hèn nhát.”
“Việc chia Bộ Chính Trị làm hai nhóm cũng là một chi tiết lạ và thật khó tin; nếu không có thông tin thêm thì chi tiết này không nói lên điều gì cả,” ông Tường Vũ nhận xét.
Giành di sản xưa
Vậy các nhà nghiên cứu sẽ dùng tài liệu này như thế nào?
Đây không phải lần đầu tiên có các cáo buộc ghê gớm với những đảng viên cộng sản hàng đầu.
Tiến sĩ Shawn McHale
Tiến sĩ Tường Vũ cho rằng lá thư “không có ích đối với người nghiên cứu vì không có thông tin gì mới”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Shawn McHale lại xem văn bản này thể hiện cuộc đấu tranh nội bộ “gay gắt” trong Đảng từ sau 1945.
“Đáng quan tâm khi một số mục tiêu, như Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp hay Hoàng Minh Chính, hoặc xuất thân từ nguồn gốc ‘trí thức’ hoặc được xem là đối thủ ý thức hệ của Lê Duẩn.”
Nói như Tiến sĩ Shawn McHale, cuộc chiến giành di sản của quá khứ ở Việt Nam như thế “vẫn còn chưa kết thúc”./