Nga lên Mặt Trăng trước người Mỹ?

21 Tháng Hai 201611:04 CH(Xem: 6533)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 22 FEB  2016

Nga lên Mặt Trăng trước người Mỹ?

Richard Hollingham

  • BBC 3 giờ trước

  image068

Image copyright Pierangelo PirakNasaSPL

Vài phút trước thời điểm 10 giờ tối giờ Houston ngày 20/7/1969, các kênh truyền hình trên toàn thế giới cắt ngang chương trình thường lệ để phát đi một bản tin lịch sử.

Dòng chữ "phát trực tiếp từ Mặt Trăng" chạy ngang màn hình.

Hình ảnh nhấp nháy hiện ra một chiếc thang kim loại đặt xuống một bề mặt bụi bặm và đơn sắc.

Chiếc giày xuất hiện trong khung hình cho thấy phi hành gia đang tìm chỗ đặt bàn chân xuống. Sau đó, ông nhảy ra khỏi khung hình.

Camera từ từ lia đi, ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp về một cảnh tượng hoang vu, cô độc với những rặng núi, những miệng núi lửa.

Giọng phi hành gia nghe không rõ vì ông nhảy bật ra xa vài mét khỏi phi thuyền.

Ông rút lá cờ từ chiếc túi may trên phần đùi của bộ đồ phi hành gia. Lá cờ được gắn vào một khung gấp. Ông kẹp các khung gấp và lá cờ lại, cắm xuống Mặt Trăng.

Lùi lại vài bước, con người đầu tiên bước đi trên Mặt Trăng vẫy tay chào. Hình ảnh búa liềm xuất hiện đâu đó trong không gian.

image069

Image copyright Science Photo Library Image caption Phi hành gia Alexey Leonov đã có khả năng trở thành người đầu tiên đi bộ ngoài không gian

Giả định về chuyến du hành lên Mặt Trăng của Liên Xô không quá khó tin như bạn vẫn tưởng.

Thực ra, tháng 2/2016 năm nay kỷ niệm 50 năm cuộc hạ cánh minh chứng rằng có lẽ một nước cộng sản mới thực sự là đối tượng đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

Tháng 2/1966, một tàu thăm dò không gian của Nga, tàu Luna 9, đã trở thành chiếc tàu đầu tiên hạ cánh có kiểm soát xuống Mặt Trăng.

Chuyến đi là một kỳ công kỹ thuật, giúp giải đáp những câu hỏi căn bản về bề mặt Mặt Trăng và mở đường cho các tàu vũ trụ có mang theo người sau này.

"Vào giữa thập niên 1960, cả Mỹ và Liên Xô đều cố gắng đến Mặt Trăng," Doug Millard, người phụ trách phần chủ đề không gian tại Bảo tàng Khoa học London, nói.

Đây là nơi hiện đang triển lãm bộ sưu tập chưa từng có về các vật thể liên quan tới ngành hàng không vũ trụ của Nga.

"Trước khi đưa con người lên Mặt Trăng, người ta phải đưa các tàu tự hành robot lên trước và chúng ta dường như đã quên hết thành tựu này của Liên Xô," ông nói.

Luna 9 cao khoảng ba mét, được đặt trên bệ hình vuông có bốn chân, khá giống với tàu Apollo của Mỹ sau này. Trên bệ là khối hình trụ dựng đứng với phần khối vòm hình trứng ở trên cùng; khối hình trứng được tạo thành từ các phần như những cánh hoa khép kín.

Thiết kế mở bung cánh

"Đó chính là khoang hạ cánh," Millard giải thích khi giới thiệu cho chúng tôi mô hình kỹ thuật trưng bày trong triển lãm.

"Khi còn cách bề mặt chừng 1-2 mét, phần này sẽ bật ra, mở bung bốn cánh và khiến nó tự giữ thăng bằng như một món đồ chơi trẻ con - thực sự là thiết kế rất thông minh!"

Thay vì chỉ công bố rằng vào ngày 3/2/1966, con tàu sẽ đáp xuống vùng tối vĩnh cửu (Ocean of Storms) trên Mặt Trăng, các nhà hoạch định cho chuyến bay của Luna 9 đã quyết định dùng cách khôn khéo hơn để thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Millard nhận định: "Hình ảnh được gửi về Trái Đất bằng một tần số có thể thu được ngay, mà tôi thì cho rằng đây là một việc làm có chủ đích. Trạm thu phát sóng vô tuyến của Đài thiên văn Jodrell Bank ở Anh nhận được hình ảnh và lập tức truyền đi khắp thế giới."

'Nga đã đáp ứng được điều kiện cần thiết cuối cùng'

Với độc giả báo chí thời đó, dường như Nga đã đánh bại người Mỹ trong cuộc chạy đua vào không gian.

Giám đốc đài thiên văn Jodrell Bank, nhà thiên văn vô tuyến nổi tiếng, Sir Bernard Lovell, nói với BBC rằng cuộc hạ cánh lên Mặt Trăng của tàu Luna 9 là "khoảnh khắc lịch sử" và ông nói thêm đó là "thành quả cuối cùng cần thiết để thực hiện một chuyến đưa người lên Mặt Trăng".

Cùng với việc gửi về chín tấm ảnh, chuyến thăm dò đã giải đáp cho câu hỏi khiến những nhà khoa học ở cả hai chiến tuyến của Bức Màn Sắt đau đầu.

Trước đó, người ta đã lo sợ là bề mặt Mặt Trăng được bao phủ bởi một loại "cát lún" có thể nhấn chìm bất cứ con tàu nào đáp xuống.

Tàu Luna 9 xác nhận bề mặt Mặt Trăng vững chắc. Thông tin này khiến cả người Nga và người Mỹ yên tâm xúc tiến chương trình đưa người lên Mặt Trăng.

image070

Image copyright Science Photo Library Image caption Tàu hạ cạnh Luna 1 của Liên Xô đã chứng minh bề mặt mặt trăng không lún và người ta có thể đứng được

Kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng của Liên Xô khá giống với kế hoạch Apollo của người Mỹ: dùng một tên lửa khổng lồ đưa khoang điều khiển cùng khoang hạ cánh vào quỹ đạo Mặt Trăng.

Thiết kế tàu vũ trụ Apollo của người Mỹ cho phép chở ba người và có một đường ống nối liền khoang điều khiển với khoang hạ cánh.

Trong khi đó, tàu của Liên Xô thiết kế dành cho hai người. Các phi hành gia sẽ phải rời khoang điều khiển, đi bộ trong không gian để tới được khoang hạ cánh, rồi tự đáp xuống Mặt Trăng.

Ứng viên nổi bật nhất cho chuyến đi bộ vào không gian đầu tiên là phi hành gia Alexei Leonov.

Tàu LK-3, cao khoảng 5m, hình dáng hơi tròn và có rất nhiều chi tiết thiết kế mà Alexei được dùng để huấn luyện cũng được trưng bày trong Bảo tàng Khoa học.

Millard mô tả: "Phi hành gia sẽ đứng ở vị trí điều khiển, được thắt dây chặt vào thiết bị để không bị trôi nổi đi trong không gian, và từ đó quan sát qua một kiếng chắn gió nhỏ có góc hướng xuống bề mặt Mặt Trăng khi tàu dần hạ cánh."

"Leonov phải điều khiển việc hạ cánh và thời gian để ông tìm vị trí đáp xuống thậm chí còn ngắn hơn của Neil Armstrong - vì thế việc đó có lẽ còn nguy hiểm hơn so với tàu Apollo."

Kế hoạch của Nga ‘an toàn hơn’?

Tuy nhiên, kế hoạch của Liên Xô lại tích hợp nhiều tính năng an toàn mà chương trình không gian Apollo của người Mỹ không có.

Tàu của Liên Xô không chỉ được trang bị thêm động cơ dự phòng, mà còn có thêm một thiết bị hạ cánh không người lái được đưa xuống Mặt Trăng trước khi phi hành gia đáp xuống.

"Tàu không người lái sẽ được sử dụng trong trường hợp nếu khoang hạ cánh của Leonov không hoạt động đúng như dự kiến," Millard giải thích.

"Một thiết bị tự hành sẽ được phóng trước khi Leonov đáp xuống và nó sẽ đóng vai trò dẫn đường. Nó cũng sẽ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, giúp cho phi hành gia có thể tới được tàu không người lái này để trở về Trái Đất an toàn."

Đó là một kế hoạch tham vọng, được tính toán cặn kẽ.

Lý thuyết và thực tế

Tàu hạ cánh xuống Mặt Trăng đã được thử nghiệm thành công trên quỹ đạo Trái Đất, nhưng không có người lái.

Robot tự hành đầu tiên lên Mặt Trăng được đặt tên là Lunokhod 1. Nó có kích cỡ bằng một chiếc xe hơi nhỏ và đã đáp thành công lên Mặt Trăng vào năm 1970.

Đáng tiếc cho chương trình không gian của Liên Xô là tên lửa khổng lồ N1 họ cần để đưa Leonov đến Mặt Trăng chưa bao giờ được phóng đi thành công.

Tên lửa khổng lồ N1 cao 105m, có kích cỡ tương đương tên lửa Saturn 5 của người Mỹ. Chỉ trong giai đoạn thiết kế đầu tiên nó đã được trang bị tới 30 động cơ.

Được hoàn thành sau khi kỹ sư trưởng thiết kế tên lửa của Liên Xô Sergei Korolev đột ngột qua đời, dự án N1 bị đặt vào tình trạng vội vã và các động cơ chưa bao giờ được thử nghiệm hoàn chỉnh trên mặt đất trước đợt phóng đầu tiên vào tháng 2/1969.

Kết quả là cả bốn đợt phóng đều thất bại.

image071

Image copyright NasaScience Photo Library Image caption Chuyến bay đến mặt trăng của người Mỹ đã thành công nhờ những bước đi tiên phong của robot Liên Xô

Trong lần đầu tiên, N1 chỉ bay được một phút. Lần phóng thứ hai nó rớt trở lại bệ phóng và biến thành một khối cầu lửa.

Trong lần phóng thứ ba, các phần của tên lửa bị văng ra thành nhiều mảnh, còn ở lần phóng thứ tư, nó nổ tung.

Đến năm 1972, cuộc chạy đua đưa người lên Mặt Trăng của Liên Xô đã hoàn toàn thất bại, tuy mãi đến năm 1974 chương trình của Liên Xô mới chính thức ngừng hẳn.

Nhưng điều chúng ta không bao giờ được quên, đó là dù mới chỉ đưa được robot thăm dò lên nhưng Nga vẫn là quốc gia đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng.

Vào tháng 1/1973, vài tuần sau khi phi hành gia người Mỹ Gene Cernan đặt dấu chân cuối cùng trên Mặt Trăng, tàu thăm dò thứ hai của Nga, Lunokhod, bắt đầu nhiệm vụ kéo dài bốn tháng.

Con tàu di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng và chụp những bức ảnh chất lượng cao gửi về Trái Đất.

Lá cờ lịch sử

Nếu chương trình tên lửa N1 được khởi động sớm hơn vài năm, phi hành gia Alexei Leonov có lẽ đã thực sự trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

Dù vậy, Millard nói, vài người vẫn không tin vào điều đó.

"Nếu Leonov là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, lá cờ có thể khác đi, nhưng nó vẫn bay lật phật, bởi vì một khi bạn chạm vào lá cờ trên Mặt Trăng, nó sẽ không ngừng lại," Millard nói. "Có thể sẽ lại có những thuyết âm mưu tương tự về nó nữa."

Sự kiện phi hành gia Neil Armstrong bước đi trên Mặt Trăng vào ngày 21/7/1969 từ lâu vẫn bị những người theo thuyết âm mưu cho rằng đây là những hình ảnh giả do người Mỹ dựng ra bằng kỹ xảo điện ảnh.

Một trong những lý do họ đưa ra đó là sự chuyển động khác thường của lá cờ Mỹ.

Dù đến năm 2012, người ta vẫn chụp được hình ảnh năm lá cờ của người Mỹ cắm trên Mặt Trăng qua các chuyến bay của tàu Apollo, nhưng vẫn có một số đông người tin vào thuyết âm mưu này./

14 Tháng Giêng 2018(Xem: 4959)
20 Tháng Tám 2017(Xem: 5122)