RFI Thứ tư 19 Tháng Sáu 2013
''Hướng tới vô tận'': Cuốn sách mới của nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận
''Désir d’infini'' (Hướng tới vô tận), cuốn sách mới nhất của nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận, vừa ra mắt bạn đọc. Cuộc truy tầm ''cái vô tận'' hết sức kỳ lạ, gian truân và đầy bất trắc chủ yếu diễn ra trong nền khoa học phương Tây, nhưng không chỉ ở phương Tây và không chỉ trong địa hạt khoa học, như cuốn sách cho thấy.
Những ai có một tuổi thơ mơ mộng được hướng cái nhìn lên bầu trời cao, hay được chìm vào cái thế giới kỳ diệu của những con số… ắt hẳn đều trải qua cảm giác đứng trước mênh mông vô hạn. Một số người sau đó trở thành nhà khoa học, thành nhà thiên văn nghiên cứu về vũ trụ bao la hay nhà toán học làm việc với thế giới của hình và số… Tuy nhiên, rất ít người trong số các nhà khoa học tiếp tục để tâm sức theo đuổi cái khát vọng hướng đến vô tận, từng lóe lên thời thơ ấu. Ông Trịnh Xuân Thuận là một trong số những người hiếm hoi như vậy.
Là một nhà vật lý thiên văn học có nhiều đóng góp trong nghiên cứu về các thiên hà, đặc biệt với việc phát hiện ra I Zwicky 18, một trong các thiên hà trẻ nhất vũ trụ (cùng với nhà khoa học Ukraina Yuri Izotov), Trịnh Xuân Thuận còn có một đam mê riêng, mà ông đeo đuổi từ hàng chục năm nay : viết sách phổ biến khoa học. Năm 2012, toàn bộ các tác phẩm phổ biến khoa học của ông được trao tặng giải thưởng Prix mondial Cino del Duca, giải thưởng quốc tế rất có uy tín dành cho các nhà văn, nhà khoa học viết bằng tiếng Pháp của Viện Pháp - Institut de France. Trước đó, năm 2009, ông cũng nhận được giải thưởng cho các tác phẩm phổ biến khoa học : Giải Kalinga của Unesco.
Nhà vật lý thiên văn đại học Virginia (Hoa Kỳ) đã cho ra đời 12 cuốn sách về thiên văn học viết cho đại chúng bằng tiếng Pháp, được dịch ra nhiều thứ tiếng, mà đa số trong đó đã đến với độc giả Việt Nam quê hương ông, đặc biệt qua các dịch phẩm như : « Giai điệu bí ẩn. Và con người đã tạo ra vũ trụ » in lần đầu 2001 (nguyên bản 1988), « Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận » (Un astrophysicien : entretiens avec Jacques Vauthier) 2001 (1992), « Hỗn độn và hài hòa » 2003 (1998), « Cái vô hạn trong lòng bàn tay. Từ Big Bang đến Giác ngộ » 2005 (2000) (Trò chuyện của Trịnh Xuân Thuận với nhà sư Matthieu Ricard), « Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu » 2006 (2003), « Những con đường của ánh sáng » 2008 (2007)...
|
« Désir d’infini. Des chiffres, des univers et des hommes » (tạm dịch là « Hướng tới vô tận » theo như tác giả, hay cũng có thể là « Khát khao vô tận » để chuyển dịch được rõ hơn từ « désir » [ham muốn] trong tiếng Pháp) là cuốn sách mới nhất của Trịnh Xuân Thuận, do nhà xuất bản Fayard ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc. Trong cuốn sách này, nhà thiên văn học đưa công chúng đến với các tri thức về khoa học vũ trụ hình thành nên qua nhiều thế kỷ tìm kiếm, cũng như các phát hiện mới đây, xoay quanh một chủ đề trung tâm : sự truy tầm « cái vô tận ». Cuộc truy tầm hết sức kỳ lạ, gian truân và đầy bất trắc chủ yếu diễn ra trong nền khoa học phương Tây, nhưng không chỉ ở phương Tây và không chỉ trong địa hạt khoa học, như cuốn sách cho thấy.
Trong số các nghiên cứu mới, « Hướng tới vô tận » dành nhiều trang cho việc mô tả và tranh luận với các lý thuyết đa vũ trụ (multivers), mới nổi lên từ vài thập niên gần đây. « Đa vũ trụ » là giả thuyết nghiên cứu được một số nhà khoa học kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi cách mạng cho ngành vũ trụ học sau nhiều thập kỷ nữa, tương tự cuộc cách mạng Copernic trước kia.
Bên cạnh đó, nhà khoa học đã dành phần cuối tác phẩm để giải bày với công chúng những câu hỏi đầy ưu tư của ông về các vấn đề tối hậu của thế giới tự nhiên như : nguồn gốc và tương lai của vũ trụ hay các vấn đề đạo đức – đạo lý trong một thế giới nhân sinh, mà ở đó cái vô tận hay cái bất định có xu hướng trở thành một ám ảnh thường trực. Có độc giả cho rằng, để hiểu được « Hướng tới vô tận » cần đọc các tác phẩm trước đó của Trịnh Xuân Thuận, bởi cuốn sách mới này của nhà vật lý thiên văn đề cập đến rất nhiều vấn đề, từ nhiều góc nhìn khác nhau.
« Désir d’infini » của Trịnh Xuân Thuận nhắc chúng ta nhớ đến tác phẩm ra đời hơn nửa thế kỷ trước của nhà triết học và sử học khoa học người Pháp gốc Nga Alexandre Koyré « From The Closed World To The Infinite Universe/Từ thế giới đóng cho đến vũ trụ vô tận » (1957) (được dịch sang tiếng Pháp với tên gọi « Du monde clos à l’univers infini » [1962]), phục dựng lại những diễn biến lớn của cuộc cách mạng khoa học ở Châu Âu thế kỷ XVII-XVIII, với những mối quan hệ vô cùng phức tạp giữa khoa học, triết học và thần học.
Một trong những điểm độc đáo trong « Hướng tới vô tận », cũng như nhiều tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận, là khát khao tìm kiếm các đối thoại giữa khoa học vật lý thiên văn với các truyền thống triết học tâm linh, đặc biệt là triết học Phật giáo, giữa thế giới khoa học dựa trên những gì quan sát và kiểm chứng được với thế giới của trực giác, trải nghiệm, niềm tin hay các ý niệm thuộc lĩnh vực siêu hình.
Trịnh Xuân Thuận thường xuyên nhấn mạnh đến sự độc lập của ông với tư cách một nhà nghiên cứu và ông không để cho bất cứ một tiên nghiệm triết học (a priori philosophique) nào ảnh hưởng trực tiếp đến công việc này, cho dù, đời sống tâm linh là không thể thiếu được với ông, giúp ông sống tốt hơn, quan hệ tốt hơn với xung quanh (« Le cosmos et le lotus », tr. 258). Khẳng định mình là người theo Phật, Trịnh Xuân Thuận cũng không ngừng đối thoại hay tranh luận với những nguyên lý hay tín điều của truyền thống triết học tâm linh này và dường như sẵn sàng để sang một bên tín lý nào không thỏa mãn các đòi hỏi của tư duy.
Tiếp cận về mối quan hệ giữa khoa học và triết học – tâm linh, mà Trịnh Xuân Thuận vén lên, rất được chú ý. Năm 2009, nhà xuất bản Albin Michel ra cuốn « Le Monde s’est-il crée tout seul ?/Thế giới liệu có thể tự mình hình thành hay không ? », đưa ra sáu tiếp cận khác nhau về lĩnh vực nằm ở ranh giới giữa khoa học và triết học này. Trịnh Xuân Thuận là một trong sáu người trả lời phỏng vấn nhà báo Patrice van Eersel, cùng với các nhà khoa học như giải Nobel hóa học người Bỉ gốc Nga Ilya Prigogine, hay nhà triết học – vật lý sinh học Pháp Henri Atlan, chuyên gia về các hệ thống tự tổ chức…
Từ thế giới các thiên hà xa xôi, cái nhìn của nhà thiên văn hướng về Trái đất. Một trong những điều khiến lương tri ông nổi sóng là thái độ vô trách nhiệm của các tác giả những phát minh tân kỳ, được sử dụng vào các mục tiêu gây thảm họa cho con người, tàn phá hành tinh Xanh. Ông viết : « […] một trong những nghĩa vụ thiêng liêng của nhà khoa học là phổ biến các phát hiện của mình, thông tin đến công chúng tri thức của mình, và báo động với công chúng về những nguy cơ của các ứng dụng nguy hiểm » (« Le cosmos et le lotus », tr. 250). Trong phần cuối « Hướng tới vô tận », Trịnh Xuân Thuận quan tâm đến một vấn đề mới : « sociologie de l’immortalité » (xã hội học về sự bất tử), hay nói cách khác những ưu tư của ông trước tham vọng của con người hiện đại muốn trẻ mãi không già. Độc giả có cảm nhận một đối thoại của ông với các nhà nghiên cứu về xã hội và về con người trong xã hội sẽ mở ra những chân trời mới.
Đầu tháng 6/2013, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã nhận lời mời của RFI. Sau đây mời quý vị nghe phỏng vấn của RFI Việt ngữ với nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận.
Trịnh Xuân Thuận : « (…) Cái khái niệm vô tận vào toán học một cách vững chắc nhờ công trình của ông Georg Cantor. Nhưng mà vẫn còn nhiều vấn đề toán học về vô tận vẫn chưa giải hết. Mấy cái vấn đề đó rất là khó khăn, thành ra nhiều người, như là ông Georg Cantor (1845-1918), hay ông Kurt Godel (1906-1978) làm việc về khái niệm vô tận đó, thì hai người lúc chết đi thành điên hết. Vì vậy, tôi cũng không hiểu lúc mình nghĩ một cách sâu xa về vô tận nó có làm cho trí óc mình điên không ? Cái trí óc mình là một cái fini, hữu hạn… Khi con người nghĩ đến vô tận có thể đưa đến một cái lo lắng nào đó. (…)
|
Thiên văn học hiện nay nói là vũ trụ mình sẽ giãn nở mãi mãi, nó có thể thành vô tận. Có những giả thuyết khác, thì nói là mình ở trong một vũ trụ gọi là ‘‘brane’’, sau đó có một vũ trụ khác, khác với vũ trụ của mình, cũng ở trên ‘‘brane’’. Sau đó hai vũ trụ đụng nhau, thành làm ra một Big Bang mới, gọi là vũ trụ chu kỳ, tuần hoàn. Cái đó mình chưa biết thật sự. Cái khổ trong mấy lý thuyết này là (…) không bao giờ mình quan sát được để kiểm định. (…) Đối với tôi, đấy là siêu hình học, chứ không phải là vật lý học. Các đài thiên văn học chỉ nhìn được vũ trụ của mình thôi không bao giờ nhìn được vũ trụ khác (…).
Tôi nghĩ cái này (cái vô tận) không thể kiểm định được. Cho nên tôi gọi cái đó là ‘‘đánh cuộc siêu hình’’, tức là tôi nghĩ là chỉ có một cái vũ trụ. Cái vũ trụ đó mình có thể quan sát được. Thì hiện giờ cái vũ trụ đó nó sẽ giãn nở đến vô tận (…) ».
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho chúng tôi biết cuốn sách "Désir d'infini" đã được nhà xuất bản Trẻ (TP HCM) mua bản quyền, hy vọng trong một hai năm tới sách sẽ tới tay độc giả Việt Nam. Chúng tôi cũng mong sẽ lại có dịp được chuyển tiếng nói của Giáo sư đến quý thính độc giả.
Xin cảm ơn Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã dành thời gian cho Tạp chí Khoa học của RFI, cảm ơn sự theo dõi của quý vị./
Sao biển
Nhật thực
Một thiên thạch khổng lồ sắp sửa “hôn phớt qua” quả đất