Cá mập cũng biết 'ăn chay'

14 Tháng Giêng 20186:37 CH(Xem: 4959)

VĂN HÓA ONLINE - KHOA HỌC  - THỨ HAI 15 JAN  2018


Cá mập cũng biết 'ăn chay'


13/01/2018


TTO - Cá mập nổi danh với bản năng săn mồi đỉnh cao. Nhưng các nhà khoa học vừa chứng minh loài cá mập đầu xẻng có thể sống nhờ ăn cỏ biển.


image069

Cá mập đầu xẻng được nuôi bằng cỏ biển trong một thí nghiệm mới đây - Ảnh: MILLS BAKER


Loài cá mập này thích những nơi đáy biển sâu từ 10-80m và thường có nhiều cỏ biển sinh sống. 


Trung bình cá mập đầu xẻng dài từ 61-91cm và dài tối đa khoảng 1,5m. Cơ thể chúng có màu xám nâu và có những đốm sáng ở phần bụng.


10 năm nghiên cứu


Theo trang Science News, lần đầu tiên các nhà khoa học để ý đến chuyện cá mập đầu xẻng ăn thực vật là vào năm 2007.


Khi đó, nhà sinh thái học Dana Bethea cùng với các thành viên trong Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) ở Floria đã kiểm tra bên trong của dạ dày cá mập đầu xẻng ở Vịnh Mexico và rất ngạc nhiên khi thấy một nửa vật chất loài này tiêu hóa là cỏ biển.


Tuy nhiên nhóm không rõ liệu có phải cá mập thực sự ăn cỏ và lấy chất dinh dưỡng từ thực vật hay không, hay đơn giản chỉ nuốt nhầm cỏ khi săn tôm cua đang trốn trong những bụi rậm dưới biển này.


image070

Cá mập đầu xẻng không giống như những anh em "sát thủ" của mình - Ảnh: National Aquarium


Kết quả của nhóm Dana Bethea là nguồn cảm hứng cho những công trình tiếp theo, trong đó có nhóm nghiên cứu của Semantha Leigh từ trường ĐH California (Mỹ).


Cụ thể, nhóm đã tiến hành nuôi một số cá thể trong phòng thí nghiệm ở ĐH Quốc tế Florida (Mỹ) và cho ăn 90% cỏ biển trong khẩu phần hằng ngày.


"Cỏ biển đã được đánh dấu bằng một đồng vị cacbon 13 bền, do đó khi cá mập ăn cỏ, chúng tôi có thể kiểm tra có hay không những dấu hiệu của đồng vị này trong các mô cá mập và xem xét chúng có thực sự hấp thụ chất dinh dưỡng", cô Leigh giải thích.


Nhóm cũng tiến hành phân tích phân của cá mập để xem những tỉ lệ bao nhiêu chất dinh dưỡng từ cỏ biển đã không được hấp thụ. Ngoài ra, nhóm cũng tìm hiểu những enzym trong ruột của cá mập đầu xẻng có khả năng tiêu hóa thực vật hay không.


"Thường thì động vật ăn thịt không có loại enzym này. Nếu cá mập đầu xẻng thực sự ăn cỏ cần ezym tiêu hóa thực vật", cô Leigh nói.


Kết quả bất ngờ


Đồng vị cacbon 13 được tìm thấy trong máu của cá mập, do đó chúng thực sự đã tiêu hóa chất dinh dưỡng từ cỏ và chuyển vào trong máu.


Tuy nhiên, trong tổng số lượng thực vật cá tiêu thụ, chỉ có phân nửa là được tiêu hóa ở ruột, còn lại được bài tiết ra ngoài.


Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra cá mập có enzym beta-glucosidase trong ruột có chức năng phá vỡ cellulose - thành phần chủ yếu ở các loài động vật.


Đây là lần đầu tiên một enzym riêng biệt chuyển hóa thực vật được tìm thấy ở cá mập.


Trong thí nghiệm, cá mập đầu xẻng dường như thích nghi hoàn hảo với chế độ ăn 90% là thực vật. "Chúng tôi không nhận thấy một tác động tiêu cực cho sức khỏe nào với loài cá mập này, thậm chí chúng còn tăng cân", cô Leigh nói.


Tuy nhiên hiện tại nhóm vẫn chưa biết được vốn dĩ loài vật này vốn đã có "bản năng" ăn cỏ hay do điều kiện sống làm chúng thích nghi với lối sống này.


Và một thắc mắc lớn hơn chính là một khi lượng cỏ suy giảm do biến đổi khí hậu, loài vật này sẽ ra sao?


Cá mập đầu xẻng (tên khoa học: sphyrna tiburo) là một thành viên thuộc chi cá nhám búa (sphyrna), thuộc họ cá nhám búa, thường sinh sống ở những cửa sông, vịnh biển từ khu vực New England (Mỹ) đến vịnh Mexico và Brazil, hoặc khu vực Thái Bình Dương phía nam California đến Ecuador.


TRỌNG NHÂN
16 Tháng Tư 2017(Xem: 5354)
16 Tháng Hai 2017(Xem: 6612)