Chuyện ít biết về 12 thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng

30 Tháng Ba 201612:37 SA(Xem: 6663)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 30  MAR  2016

Chuyện ít biết về 12 thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng

29/03/2016

 Tổ tư vấn của Thủ tướng gồm những ai? Công việc của họ thế nào? Đó là những thông tin không phải ai cũng biết.

Kết thúc phiên họp Chính phủ tháng 3.2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói chia tay với các thành viên Chính phủ trước khi Quốc hội bầu tân Thủ tướng vào đầu tháng 4 tới. Thủ tướng chúc 15 người nghỉ chính sách cố gắng giữ gìn sức khỏe, tiếp tục đóng góp cho Đảng, cho dân. Thủ tướng đã tặng quà cho tất cả các thành viên Chính phủ (các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ) và tiếp đó là tất cả các thành viên của Tổ tư vấn của Thủ tướng.

image092

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2016.

Riêng về Tổ tư vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đồng chí Trương Đình Tuyển nói với tôi hôm nay Chính phủ chưa phải kết thúc, nhưng về nhiệm vụ thì Tổ tư vấn đã hoàn thành, nên tổ tư vấn cũng xin thôi”.

Tổ tư vấn này gồm những ai? Công việc của họ thế nào? Đó là những thông tin không phải ai cũng biết. Thực tế, theo tìm hiểu của Dân Việt, Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có 12 chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực và một người đặc cách theo dõi tổ này. Tổ tư vấn thường xuyên có các báo cáo đánh giá, tư vấn gửi cho Thủ tướng.

Trong số này, có rất nhiều chuyên gia tên tuổi, uy tín và có ảnh hưởng lớn. Đó là TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư; TS Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội); TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại…

“Tổ tư vấn họp 1 tháng 1 lần, vào trước phiên họp Chính phủ thường kỳ 2-3 ngày. Ông Trương Đình Tuyển là nhóm trưởng, là đặc phái viên của Thủ tướng, được Thủ tướng rất tín nhiệm, phụ trách Tổ tư vấn này” – TS Nguyễn Đức Thành, thành viên Tổ tư vấn cho phóng viên Dân Việt biết vào chiều 29.3.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, trước khi diễn ra phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Tổ tư vấn cũng đã họp buổi cuối cùng. Để chia tay tổ, Thủ tướng cũng đã lên lịch gặp và tổ chức một bữa cơm chia tay với các thành viên Tổ tư vấn.

Phóng viên hỏi, trong nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng, tư vấn nào cho Thủ tướng của tổ khiến ông tâm đắc nhất, TS Nguyễn Đức Thành cho biết: “Tổ tư vấn thường họp và thống nhất quan điểm, sau đó ông Trương Đình Tuyển thay mặt nhóm chấp bút viết báo cáo của Tổ, gửi cho Thủ tướng trước phiên họp Chính phủ hằng tháng. Nội dung tư vấn có rất nhiều, nhưng tôi cho rằng những điểm mà chúng tôi tâm đắc thì liên quan đến việc quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, cải cách doanh nghiệp nhà nước, v.v… Nên biết là có giai đoạn nền kinh tế của Việt Nam nguy cơ vào trạng thái bất ổn, tăng trưởng kinh tế cao nhưng thiếu sự ổn định. Tổ tư vấn thường có các khuyến nghị chi tiết về các vấn đề liên quan đến những giải pháp vĩ mô, tài chính, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ… Nhưng tôi cho rằng, kết quả thực sự đến từ quyết tâm của chính Thủ tướng và các Bộ trưởng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, trong nhiệm kỳ vừa rồi, đã đưa nền kinh tế dần đi vào ổn định”.

Hỏi về những dự định khi chia tay Tổ Tư vấn, TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ: “Tân Thủ tướng (được Quốc hội phê chuẩn vào đầu tháng 4 tới) sẽ có lựa chọn và thành lập một Tổ tư vấn cho riêng ông. Tân Thủ tướng có thể mời người đã từng tham gia Tổ tư vấn trước đây, và cả những thành viên mới. Cái đó phụ thuộc vào quyết định của tân Thủ tướng. Đến thời điểm này, tôi cho rằng, Tổ tư vấn chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Kể cả việc không còn làm thành viên của Tổ tư vấn, nhưng trên cương vị của mình, mỗi cá nhân trong tổ vẫn sẽ cố gắng đóng góp hết sức mình cho sự phát triển của đất nước”.

Được biết, vào năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành chính. Tổ này có nhiệm vụ lập hoặc góp ý kiến về chương trình nghiên cứu cải cách kinh tế, cải cách hành chính để Thủ tướng duyệt và giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện. Ngoài ra, Tổ còn góp ý kiến phản biện các đề án, các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định và chính sách về cải cách kinh tế và cải cách hành chính do các cơ quan chức năng của Chính phủ soạn thảo trình Thủ tướng…

Thời điểm đó, Tổ này có 10 thành viên, trong đó Tổ trưởng là ông Lê Xuân Trinh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổ phó là ông Trần Đức Nguyên – Trợ lý Phó Thủ tướng Phan Văn Khải. Các thành viên có các chuyên gia Lê Đăng Doanh, Trần Việt Phương, Lê Đức Thúy, Nguyễn Trung, Vũ Quốc Tuấn, Đào Công Tiến…

Đến năm 1996, Tổ tư vấn cải cách được tổ chức lại thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính (gọi tắt là “Tổ nghiên cứu đổi mới”). Ông Trần Đức Nguyên được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ nghiên cứu đổi mới.

Đến ngày 30.5.1998, Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cấp Tổ nghiên cứu đổi mới thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Ông Trần Đức Nguyên được cử làm Trưởng ban và giữ cương vị này cho đến khi nghỉ hưu vào đầu năm 2003. Người kế nhiệm ông Nguyên trong cương vị Trưởng ban là nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT Trần Xuân Giá…

Danh sách Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (các chức danh tương ứng với thời gian đang tham gia Tổ trong nhiệm kỳ 2011-2016 của Thủ tướng):

Ông Trương Đình Tuyển (Đặc phái viên Kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm/Tổ trưởng)

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

TS Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia)

TS Cao Viết Sinh (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TS Nguyễn Sỹ Dũng (Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)

TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT)

TS Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội Kinh tế Việt Nam)

TS Trần Du Lịch (Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM)

TS Lê Xuân Nghĩa (Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sau đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh)

TS Nguyễn Đức Thành(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).

(Theo Dân Việt)

31 Tháng Bảy 2018(Xem: 7119)
16 Tháng Mười Một 2017(Xem: 4751)